Tổng thống Donald Trump đã mạnh mẽ ủng hộ Hải quân Mỹ duy trì hạm đội gồm 12 tàu sân bay, tăng 2 chiếc so với hiện tại. Nhưng những người chỉ trích cho rằng Washington đang chi quá nhiều tiền trong ngân sách quốc phòng quốc gia cho những tàu sân bay đắt đỏ, dễ bị tấn công.
Tổng thống Trump lên thăm tàu Mỹ Gerald R. Ford hôm 2/3 (Ảnh: Reuters)
"Không có đối thủ"
Tuần trước, Tổng thống Donald Trump đã chọn một tàu sân bay mới nhất của Mỹ, USS Gerald R. Ford, trị giá 13 tỷ USD, để có bài phát biểu tán dương kế hoạch của ông nhằm tăng chi tiêu quốc phòng.
Ông Trump cam kết rằng thế hệ tàu sân bay mới nhất “Lớp Ford” - các tàu chiến đắt đỏ nhất từng được chế tạo - sẽ là chìa khóa nhằm thúc đẩy sức mạnh của Mỹ ở nước ngoài.
“Chúng ta sẽ sớm có thêm các tàu sân bay”, ông Trump nói với các thủy thủ, tuyên bố rằng các tàu sân bay mới lớn và uy lực tới nỗi chúng khó bị tấn công.
Nhà lãnh đạo Mỹ đã cam kết mở rộng số lượng tàu sân bay mà Mỹ vận hành từ 10 hiện thời lên 12 chiếc. Và ông chủ Nhà Trắng cũng hứa giảm giá thành chế tạo 3 “siêu tàu sân bay” khác, vốn đã bị đội giá 1/3 trong thập niên qua từ 27 tỷ USD lên 36 tỷ USD.
Hiện Hải quân Mỹ có 10 tàu sân bay đang hoạt động, trong khi 1 chiếc đang được đại tu. Khi tàu sân bay Ford được biên chế, hạm đội tàu sân bay Mỹ sẽ tăng quân số lên 11 tàu.
Ông Trump không nói rõ trong bài phát biểu là làm cách nào để ông nâng hạm đội lên con số 12. Nhưng ông tuyên bố các tàu sân bay lớp Ford không thể bị tấn công vì chúng đại diện những gì tốt nhất về kỹ thuật của Mỹ. “Không có đối thủ với tàu này”, ông Trump nói, gọi Gerald R. Ford là sản phẩm “lớn nhất, tốt nhất, tuyệt vời nhất” của Mỹ.
Hải quân Mỹ và một số chuyên gia quốc phòng bên ngoài nói rằng bất chấp các mối đe dọa gia tăng, các tàu sân bay vẫn hoàn toàn đáng tin cậy và thực hiện một nhiệm vụ cần thiết. Họ ca ngợi sự cơ động và nhanh nhẹn của tàu sân bay, cho phép Mỹ đưa sức mạnh trên không tới những nơi mà những cách thức khác không thể làm được.
Ông Bryan McGrath, một cựu quan chức Hải quân, cho hay các tàu sân bay ít có khả năng bị tấn công hơn các căn cứ không quân trên đất liền.
“Tàu sân bay là một sân bay nổi lớn, và không chỉ là một sân bay nổi mà nó còn có thể di chuyển với tốc độ 74km/h. Các sân bay trên đất liền không có khả năng di chuyển có nguy cơ bị tấn công lớn mức nào?”, ông McGrath đặt câu hỏi.
Chi phí “khủng”
Tàu sân bay Gerald R. Ford có giá 13 tỷ USD (Ảnh: Reuters)
Tổng thống Trump đã nói ông sẽ thực hiện cam kết trong chiến dịch tranh cử nhằm gia tăng hạm đội của Hải quân Mỹ lên 350 tàu. Hải quân hiện thời có 277 tàu có khả năng triển khai. Chi phí của một tàu sân bay mới lớp Ford - có giá khoảng 10,5 tỷ USD nếu không bị đội chi phí - có thể chiếm 20% đề xuất tăng thêm 54 tỷ USD trong ngân sách quốc phòng năm tới.
Một số nhà chỉ trích, trong đó có các cựu quan chức quốc phòng cấp cao, cho rằng Washington đang chi quá nhiều tiền trong ngân sách quốc phòng quốc gia cho những tàu sân bay đắt đỏ, dễ bị tấn công.
Riêng tàu sân bay Gerald R. Ford đã vượt 2,5 tỷ USD so với ngân sách ban đầu và chậm 3 năm so với kế hoạch, giới chức quân sự cho biết. Tàu sân bay lớp Ford thứ 2, John F. Kennedy, sẽ chậm 5 năm.
Chi phí của các tàu sân bay xét về mặt chiến lược và tiền cũng bị đội lên nhiều lần, vì các tàu sân bay không di chuyển một mình. Để đảm bảo an toàn, chúng phải di chuyển cùng với các tàu hộ tống loại lớn, tạo thành nhóm tác chiến tàu sân bay.
Mỗi tàu thường có đội hộ tống gồm ít nhất 5 tàu chiến, 1 tàu ngầm và một tàu cung ứng đạn dược kết hợp và các trực thăng được thiết kế để phát hiện tàu ngầm. Khi tới gần bờ, các tàu sân bay phải được bảo vệ bởi các máy bay P-8 Poseidon loại mới, đặt trên bộ, được thiết kế để phát hiện và phá hủy tàu ngầm.
Nguy cơ bị tấn công
Kế hoạch mở rộng của ông Trump diễn ra trong bối cảnh ngày càng có nhiều bằng chứng cho thấy các đối thủ tiềm tàng đã chế tạo các vũ khí chống hạm mới, có khả năng phá hủy phần lớn hạm đội đắt đỏ của Mỹ. Và như thực tế đã thấy trong nhiều thập niên qua, các tàu sân bay vẫn dễ bị các tàu ngầm tấn công.
Trong một cuộc diễn tập chiến đấu ngoài khơi bờ biển Florida năm 2015, một tàu sân bay hạt nhân nhỏ của Pháp đã vượt qua nhiều lớp phòng thủ và “đánh chìm” tàu sân bay Mỹ Theodore Roosevelt và một nửa số tàu hộ tống. Trong các hoạt động hải quân khác, thậm chí các tàu ngầm diesel điện loại cũ cũng có thể đánh bại tàu sân bay.
Kể từ đầu những năm 1980, các tàu sân bay Mỹ và Anh đã bị đánh chìm ít nhất 14 lần trong các cuộc tập trận giả định chiến đấu thực sự, theo các tổ chức nghiên cứu, hải quân nước ngoài và tư liệu báo chí. Không rõ số lượng chính xác vì Hải quân Mỹ giữ bí mật thông tin về các cuộc tập trận.
Giờ đây, Mỹ là quốc gia duy nhất đặt chiến lược hải quân vào các tàu sân bay. Hạm đội 10 tàu sân bay vận hành hiện thời lớn gấp 10 lần so với các đối thủ quân sự chính, như Nga và Trung Quốc, với mỗi nước chỉ có một tàu sân bay đang hoạt động.
Roger Thompson, một chuyên gia quân sự và giáo sư tại Đại học Kyung Hee ở Hàn Quốc, cho rằng một loạt các vũ khí chống hạm loại mạnh được các đối thủ tiềm tàng của Mỹ phát triển trong những năm gần đây, trong đó có Trung Quốc, Nga và Iran, đã làm gia tăng nguy cơ bị tấn công của các tàu sân bay Mỹ. Các vũ khí mới bao gồm tên lửa đạn đạo trên bộ, như tên lửa chống hạm Đông Phong-21 của Trung Quốc, được cho là có tầm xa 1.770km. Các tàu ngầm của Nga và Trung Quốc cũng có thể phóng tên lửa hành trình dẫn đường chính xác, có khả năng đánh bại sự phòng thủ của tàu sân bay.
Trong bài phát biểu gần đây, ông Trump không nhắc tới chuyện hãng chế tạo Gerald R. Ford, Huntington Ingalls Industries, đã hạ thủy nó hơn 3 năm trước, nhưng Hải quân Mỹ vẫn chưa biên chế nó và đưa nó vào sử dụng vì các sự cố nghiêm trọng. Nhiều trong số các hệ thống công nghệ cao mới của tàu đã không hoạt động, trong đó có những thứ cơ bản như bộ móc cáp để giúp các máy bay chiến đấu hạ cánh.
Hải quân Mỹ cho hay tàu Ford sẽ được biên chế trong năm nay. Nhưng sự chỉ trích ngày càng gia tăng. Trong một tuyên bố hồi tháng 7 năm ngoái, ông John McCain, chủ tịch Ủy ban Quân vụ Thượng viện Mỹ, đã nhấn mạnh về việc chi phí bị đội giá và liệt kê một loạt các hệ thống bị trục trặc nghiêm trọng hiện vẫn chưa được sửa chữa. “Chương trình lớp Ford là một trường hợp điển hình cho thấy tại sao hệ thống mua sắm của chúng ta phải được cải tiến”, ông McCain viết.
Hạn chế của các máy bay chiến đấu
Ảnh: Hải quân Mỹ/Business Insider
Cả những người ủng hộ và phản đối tàu sân bay đều nhất trí rằng có một khiếm khuyết nghiêm trọng trong hạm đội tàu sân bay hiện thời: các đội máy bay chiến đấu. Hầu hết máy bay chiến đấu được trang bị cho tàu sân bay Mỹ là các máy bay chiến đấu tầm ngắn, F-18 Hornet, với tầm xa hạn chế, có thể khiến các máy bay này trở nên vô ích trong một số cuộc xung đột.
Các máy bay chiến đấu F-18 chỉ có tầm xa khoảng 400 hải lý (740 km) để tấn công mục tiêu, với đủ nhiên liệu để quay về. Chuyên gia cả ủng hộ và phản đối tàu sân bay điều cho rằng nếu phải đối đầu trong các cuộc xung đột, các máy bay F-18 phải được tiếp nhiên liệu trên không vài lần trong khi bay đi để tấn công mục tiêu và quay trở lại. Điều đó khiến tàu sân bay không thể đưa hỏa lực trên không vào các vùng chiến sự.
F-18 sẽ được thay thế vào năm 2020 bằng các máy bay F-35C mới, nhưng các máy bay này cũng chỉ có tầm xa 650 hải lý.
Cựu quan chức Hải quân Bryan McGrath cũng cho rằng các máy bay tầm ngắn làm cản trở sứ mệnh. “Điều Hải quân chưa làm cho tới nay là thiết kế và đầu tư cho một máy bay tấn công có thể bay 1.000 dặm, ném bom và quay trở về”, ông nói.
Những mối đe dọa cũ
Đối với các chỉ huy tàu sân bay, vũ đáng sợ nhất là ngư lôi - vũ khí 150 tuổi. Chỉ một ngư lôi phóng từ tàu ngầm cũng có thể đánh chìm một tàu sân bay.
Hầu hết các ngư lôi hiện đại không nhằm thẳng vào tàu. Thay vào đó, chúng được lập trình để phát nổ bên dưới, tạo ra bong bóng khí nâng tàu vào đó và khiến tàu rơi xuống, làm vỡ thân tàu. Trong nhiều thập niên, các nhà chỉ trích đã đổ lỗi cho Hải quân không phát triển các biện pháp phòng vệ hiệu quả chống lại các ngư ngôi hiện đại. Một báo cáo của Lầu Năm Góc vào năm 2016 cho thấy Hải quân gần đây đã có những tiến bộ đáng kể, nhưng các hệ thống vẫn có những yếu điểm nghiêm trọng.
Các chuyên gia còn chỉ ra ràng các tàu sân bay có nguy cơ bị tấn công bởi các phiên bản nâng cấp của một trong những tàu hải quân lâu đời nhất vẫn đang được sử dụng: tàu ngầm diesel-điện. Đây là những tàu ngầm được sử dụng ở trong cả Thế chiến I và II.
Các tàu ngầm diesel điện có lợi thế là nhỏ gọn, ít tiếng ồn hơn và khó bị phát hiện hơn so với tàu ngầm hạt nhân. Tàu ngầm diesel điện cũng rẻ hơn nhiều so với các tàu ngầm hạt nhân. Các đồng minh và đối thủ của Mỹ đã xây dựng các số lượng lớn tàu này. Hiện trên thế giới có 230 tàu ngầm diesel điện đang được sử dụng, trong đó Trung Quốc sở hữu 83 tàu và Nga có 19 tàu.
Phương án thay thế
Ông Ray Mabus, người đã từ chức Bộ trưởng Hải quân hồi tháng 1, nói trong một cuộc phỏng vấn rằng tàu sân bay Gerald R. Ford “là một ví dụ cho thấy không nên chế tạo một tàu sân bay”. Những người khác chỉ trích các tàu sân bay là sai lầm về mặt chiến lược. Jerry Hendrix, một đại tá hải quân về hưu và hiện tại giám đốc Chương trình đánh giá và chiến lược quốc phòng tại Trung tâm vì một an ninh Mỹ mới, cho rằng các tàu sân bay giúp các đối thủ của Mỹ có cơ hội ít tốn kém để ghi điểm mạnh. Ông tính toán rằng với chi phí của một tàu sân bay, đối thủ của Mỹ có thể triển khai 1.227 tên lửa chống hạm.
Phương án thay thế được đề xuất nhiều nhất cho các tàu sân bay là chế tạo nhiều tàu nhỏ hơn, linh hoạt hơn, trong đó có các tàu ngầm và tàu nổi. Tàu ngầm không cần tàu hộ tống và có thể tấn công các mục tiêu xa ở trên bộ. Một điểm nữa là các tàu sân bay đã không được thử nghiệm trong chiến đấu chống lại một đối thủ có thể đáp trả kể từ sau Thế chiến II - hơn 70 năm trước.
Ông Sprey, một cựu quan chức Bộ Quốc phòng Mỹ, cho rằng các tàu sân bay đang lãng phí nguồn quỹ, vốn có thể được sử dụng để xây dựng các hệ thống vũ khí với chi phí hiệu quả hơn.
http://dantri.com.vn/the-gioi/ham-doi-tau-san-bay-khung-cua-my-lo-nhieu-diem-yeu-nguy-hiem-20170310075651098.htm
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét