Thứ Sáu, 10 tháng 3, 2017

Hé lộ bí mật khiến Nga tự tin sẵn sàng đối phó với các cuộc tập kích đường không ồ ạt

Lần đầu tiên trong lịch sử, Nga đã tạo ra một chu vi rộng lớn nhất về "trường sóng điện từ", hình thành hệ thống cảnh báo tên lửa trên tất cả các không gian vũ trụ chiến lược.



Về nhiệm vụ kiểm soát vùng trời rộng lớn của mình, theo kế hoạch của quân đội nước này, đến năm 2018, các trạm radar chiến lược, tầm xa và radar chiến dịch sẽ hoàn thành việc tái bố trí trên khắp lãnh thổ.
Thời hạn năm 2018 đang đến gần, các đơn vị radar (RTV) của Nga đang gồng mình phát triển lực lượng để khép kín "trường sóng điện từ" trên lãnh thổ của mình.
Tin mới nhất, cuối năm 2016, sau khi hoàn thành 3 trạm radar chủ động sử dụng công nghệ cao ở Baranovichi, Murmansk và Pechora.
Bộ trưởng quốc phòngNga,Tướng Shoigu vừa báo cáo Duma quốc gia, hôm 22 tháng 2 vừa qua: "Lần đầu tiên trong lịch sử của nước Nga đã tạo ra một chu vi rộng lớn nhất về "trường sóng điện từ" hình thành hệ thống cảnh báo tên lửa trên tất cả các không gian vũ trụ chiến lược với mọi quỹ đạo bay của tên lửa đạn đạo..."
Hé lộ bí mật khiến Nga tự tin sẵn sàng đối phó với các cuộc tập kích đường không ồ ạt - Ảnh 1.
Radar Gamma-S1
Mối lo không dứt
Vào 2003, có khoảng 50% không phận nước Nga không được cảnh giới đủ tầm cao bởi các hệ thống radar. Tờ "Izvestiya" còn trích dẫn báo cáo của các quan chức phòng không nước này, rằng: "Giám sát radar thường chỉ được thực hiện trên biên giới phía Tây và phía Nam của Nga".
Tư lệnh Không quân Thượng tướng Vladimir Mikhailov khi đó cho biết. "Trong khu vực khác, như miền Bắc, chỉ có một phần ba vùng trời được bao phủ sóng điện từ. Sóng radar chỉ trùm phủ sóng khoảng 35 phần trăm lãnh thổ của đất nước."
Vào thời điểm từ năm 2000 đến 2010, lĩnh vực phòng thủ không gian của Nga có thể có nguy cơ tăng vùng mù (không phủ sóng radar tầm xa) bởi lẽ, 2 địa điểm vốn trước kia có 2 trạm radar cố định công suất lớn "Dnepr-M" và "Daryal" buộc bị dỡ bỏ.
Trên hướng hướng tây bắc, Nga mất 1 trạm tại Skrunda (Cộng hòa Latvia). Phía Tây nam, gần biển Caspien mất trạm radar Gaballa (vốn thuê đặt trên lãnh thổ của Azerbaijan, do Baku đòi giá thuê quá cao). Trong khi đó, tên lửa hành trình siêu thanh Mỹ có khả năng tiêu diệt mục tiêu nằm ở bất cứ vị trí nào trên trái đất chỉ trong vòng 1 giờ đồng hồ!
Phía biên giới phía Tây giáp Nga bây giờ, thí dụ là Ba Lan trực tiếp đối diện với tên lửa Mỹ và NATO đã triển khai, các nước vùng Ban tích cũng xuất hiện khí tài của Mỹ, cùng binh sĩ phương Tây.
Ven bờ Địa Trung hải, chiến sự tại "chảo lửa Siria", đang hút hầu hết các lực lượng không quân mạnh nhất thế giới tới, như không quân Mỹ, NATO, không lực Israel, không lực Thổ Nhĩ kỳ…
Vùng Viễn Đông xa xôi, Trung Quốc đang tăng cường hoạt động tại các vùng biển tranh chấp với Nhật Bản. Bắc Triều Tiên liên tục thử tên lửa đạn đạo…
Trên vùng Bắc cực, các nước ven vùng cực đang nhòm ngó vùng đất giàu tiềm năng…
Giữa tháng 12 năm 2016, nhân kỷ niệm ngày "Lực lượng trinh sát vô tuyến" Nga (RTV), Thiếu tướng Andrei Koban, chỉ huy các đơn vị radar Nga cho biết:
"Trong năm 2016, binh sĩ các đơn vị radar trong nhiệm vụ của mình đã phát hiện hơn 600.000 mục tiêu trên không. Trong đó có hơn 2.000 chiếc máy bay chiến đấu nước ngoài, số máy bay này bao gồm hơn 800 phi cơ trinh sát!"
Nhưng còn nhiệm vụ kiểm soát tên lửa đạn đạo tầm xa thì sao? Cố nhiên, nhiệm vụ này của các tầng, các lớp radar chiến lược, tầm xa, như dòng "Voronezh".
Chúng cao lớn như 1 tòa nhà 10 tầng, nhưng được ứng dụng nhiều công nghệ mới, số hóa hoàn toàn, có khả năng phát hiện, theo dõi, kiểm soát tới 500 mục tiêu cùng lúc trong không gian, từ cự ly 6.000 - 8.000 km.
Ví thử như trạm radar Voronezh-M ở khu vực Irkutsk dải phương vị quét đến 240 độ, có thể phát hiện các mục tiêu đạn đạo ở rất xa, tầm soát một vòng cung kéo dài từ Ấn Độ, qua Trung Quốc đến Đông Bắc Mỹ.
Hé lộ bí mật khiến Nga tự tin sẵn sàng đối phó với các cuộc tập kích đường không ồ ạt - Ảnh 2.
Trạm radar Voronezh
Được biết, để khép kín không gian rộng lớn bằng lưới sóng radar trong 24/24 giờ tốt hơn nữa, Nga cần phải xây dựng ở các khu vực khác nhau 8 trạm như Voronezh, để "gối sóng" kiểm soát toàn bộ lãnh thổ Nga và nhiều hướng quan trọng.
Tiềm lực quân sự mạnh như nước Nga mà vẫn phải chấp nhận có những vùng trời Nga, vào thời điểm nào đó "vắng sóng điện từ trường". Có thể nào yên tâm được?
Nga đã có hệ thống radar rất mạnh
Từ trước năm 2010, dòng radar cấp chiến dịch, như "Nebo", "Kasta", "Gamma"… được coi là hiện đại, đến nay đã có thêm thế hệ đài "Nebo-M" mà không có loại tương tự trên thế giới, có thể phát hiện sớm các loại mục tiêu kích thước nhỏ và phương tiện bay khí động học siêu thanh.
Đồng thời, chúng lập tức truyền tải thông tin cho lực lượng phòng không như tên lửa tầm trung, tầm ngắn hoặc không quân tiêm kích bắn chặn.
Mới đây, Nga có dòng radar phát hiện độ cao vừa và lớn Protivnik-G1M cũng là hệ thống radar mạnh, triển khai nhanh, được cung cấp cho các vùng trời nhạy cảm của vùng Viễn Đông Nga
Vào mùa thu năm 2016, lực lượng của Không quân và các đơn vị Phòng thủ không gian thuộc Quân khu Miền Tây vừa nhận 5 trạm radar Nebo-U, có thể phát hiện tên lửa máy bay ở khoảng cách lên đến 600 km. 5 trạm này có thể thay nhau kiểm soát một vùng trời rộng lớn, liên tục 24/24 giờ. Đối mặt trực tiếp với hướng các lực lượng NATO ở Đông Âu và Trung Âu.
Mới nhất, Viện Nghiên cứu Khoa học Kỹ thuật Radio Nga vừa cho ra đời loại radar bắt máy bay cực thấp, rất hiệu quả phát hiện máy bay không người lái, có tên 48Ya6-K1 Podlet-K1.
Hé lộ bí mật khiến Nga tự tin sẵn sàng đối phó với các cuộc tập kích đường không ồ ạt - Ảnh 3.
Radar 48Ya6-K1 Podlet-K1.
Podlet-K1 rất "nhạy" bắt các tên lửa hành trình. Nhờ thiết kế hệ thống phần cứng và phần mềm xử lý tín hiệu kỹ thuật số, tính toán phức tạp, cho phép các máy thu thu tín hiệu cực tốt. Dù đó là máy bay, vật thể ứng dụng tàng hình.
Trạm này có thể kháng nhiễu các loại rất tốt. kể cả nhiễu chủ động, ngắm vào đài. Nó còn có thể chia sẻ, tích hợp hệ thống dữ liệu radar kiểm soát vùng trời phòng thủ.
Đó là các đài radar có tầm phát hiện xa, cơ động nhanh,kiểm soát nhiều mục tiêu cùng lúc, cả ở chế độ quét nhìn vòng, cả ở chế độ quét tia rẻ quạt hẹp. Phần lớn là cấu trúc theo nguyên lý mảng pha. Tích hợp trên tháp anten hai loại sóng (anten đa dải sóng), đổi tần số liên tục một cách tự động.
Chỉ huy radar Nga, Thiếu tướng Koban nói:
"Các trạm có thể tự động phát hiện, phối hợp, thực hiện việc bắt giữ và giám sát các mục tiêu khác nhau, bao gồm máy bay, trực thăng, tên lửa hành trình, cấu tạo công nghệ tàng hình. Ngoài ra, radar Nga có thể xác định quốc tịch các mục tiêu".
Số lượng radar mới tăng 10 lần
Trung tướng Victor Gumenny thuộc không quân Nga cho rằng, từ tháng Tư năm 2016 các loại vũ khí hiện đại trong RTV lên tới 45%.
Đặc biệt tại vùng lãnh thổ rất xa là Bắc Cực, lực lượng không lực Nga Aerospace Forces (VKS) sẽ tăng cường kiểm soát không phận Bắc Cực, tại quần đảo Franz Josef Land và Novaya Zemlya (Đất Mới), Severnaya Zemlya, quần đảo Tân Siberi, và Cape Schmidt…
Cụ thể kiểm soát tầm trung bình và độ cao lớn, bằng trạm "Nebo-M"; radar kiểm soát độ cao vừa và lớn" 'Protivnik-G1M' ", radar chuyên bắt độ cao thấp Podlet-K1 băng sóng cm, "достигают-М"; "Каста-2.2".
Hé lộ bí mật khiến Nga tự tin sẵn sàng đối phó với các cuộc tập kích đường không ồ ạt - Ảnh 4.
Trạm "Nebo-M".
Cách đây hơn 2 tháng, RIA Novosti đưa tin, chỉ trong năm 2016, RTV tiếp nhận hơn 70 trạm radar mới. Trong 5 năm qua, số lượng các hệ thống radar mới trang bị hàng năm cho binh chủng kỹ thuật vô tuyến điện đã tăng hơn 10 lần.
Thiếu Tướng Koban thì tiết lộ: "Tới năm 2017 thiết bị chỉ huy và kiểm soát đồng bộ của các đơn vị RTV sẽ hệ thống tự động hóa hoàn toàn. Hệ thống radar trinh sát trên không của quân đội Nga sẽ tăng hơn 70 phần trăm."
Thế hệ radar trước trước đây, chỉ có thể phát hiện mục tiêu lên đến 300 km, và chỉ phát hiện đối tượng khí động học.
Hệ thống kiểm soát toàn Nga giờ đây cho phép "nhìn thấy" không chỉ có mục tiêu khí động học, mà còn mục tiêu đạn đạo. "Đến năm 2020 RTV được nhà nước lập kế hoạch bổ sung các mẫu radar di động tầm phát hiện lên đến 1.200 km và quản lý các tốp mục tiêu (và vệ tinh) ở độ cao lên tới 600 km".
Bí quyết canh trời rộng và xa
Liên bang Nga quá rộng và quá dài, bao trùm 11 múi giờ, bao phủ 1/9 diện tích lục địa. Hai điểm xa nhau nhất tại Nga cách nhau tới 8.000 km! Nhưng trong vùng không gian của bầu trời rộng lớn, thì "những con mắt Nga" phải nhìn xa, nhìn rộng gấp nhiều lần như thế.
Nghĩa là phải giám sát xa, biết trước các vật thế bay (trinh sát và tấn công) từ hàng ngàn cây số, tính từ biên giới, cả khi chúng đang ở độ cao vài chục cây số. Có như vậy thì nước Nga mới chủ động trước.
Thách thức ngặt nghèo đó, đòi hỏi các lực lượng trinh sát đường không phải có chiến thuật khôn ngoan, phù hợp.
Phải có những vùng ưu tiên, trọng điểm. Như Thủ đô, các vùng chiến lược, khu công nghiệp trọng yếu. Ngày nay vùng trời "tứ bề thọ địch" của nước Nga phức tạp hơn nhiều.
Bí quyết mà Quân đội Nga khắc phục địa hình quốc gia xa, rộng là: Bên cạnh hệ thống radar của Nga mạnh về tình năng, phủ sóng xa, các tầng cao, lại có số lượng đông, Người Nga coi trọng tính cơ động cao.
Ngoài các trạm radar chiến lược, hầu hết các radar chiến dịch của Nga đều bảo đảm tốt tính cơ động nhanh, thu hồi, triển khai nhanh, đều đặt trên xe quân sự hạng nặng, việt dã đời mới.
Dòng radar "Nebo-M" chỉ cần triển khai, thu hồi mất vài phút và cơ động đạt tốc độ tới 60 km/h trong phạm vi hoạt động gần 500km.
Giờ đây radar Nga chuyển trạng thái chiến đấu từ khi tới trận địa mới, đến khi phát sóng, đánh dấu mục tiêu, trung bình chỉ trong khoảng 10 phút. Thay vì trên 60 phút như trước đây. Gần 100% radar chiến dịch, tầm phát sóng 600km trở về đều là radar tính cơ động cao.
Hầu hết các Quân khu của Nga, mỗi nơi đều có các vùng nhạy cảm, tại đó liên tục có mặt nhiều loại hình trạm radar Nga. Chúng có kê hoạch di chuyển, tập trung, phân tán theo một "ma trận" giăng sóng, tuỳ thuộc vào tính chất phức tạp của nhiệm vụ, khác nào "rừng sóng" thiên la địa võng.
Cơ động tốt sẽ nhanh chóng phủ đầy vùng vắng sóng, chọn được địa hình đặt đài tối ưu, tránh được đòn tấn công ban đầu vào cụm đài, bí mật giăng sóng nơi hiểm yếu, phục vụ tốt nhiệm vụ diễn tập, tăng cường đài cho khu vực nhạy cảm.
Chỉ có thể cơ động tốt, mới phủ sóng trùm lên các không vực xa, trọng điểm, theo một kế hoạch "linh hoạt", hiệu quả.
Don-2N là một trạm radar rất mạnh, hình chóp cụt 4 mặt, đặt tại ngoại vi Moscow, nó là trái tim của một hệ thống phòng thủ tên lửa RTC-181.
Hé lộ bí mật khiến Nga tự tin sẵn sàng đối phó với các cuộc tập kích đường không ồ ạt - Ảnh 5.
Radar chiến lược tầm xa Don-2N
Nó được coi là radar đa chức năng mạnh mẽ và hiệu quả nhất trên thế giới, có thể đồng thời theo dõi tự động đến hàng trăm các yếu tố của mục tiêu đạn đạo phức tạp từ bất kỳ hướng nào. Hiện Don-2N đang được hiện đại hóa sâu, tăng phạm vi phát hiện.
Như nêu trên đây, 3 trạm radar chủ động sử dụng công nghệ cao ở Baranovichi, Murmansk và Pechora, vừa được "thử sức".
Giám đốc phòng thí nghiệm radar quốc gia Alina Nekrasov cho biết, chúng tôi đã thử thách 72 đáp án. Nhằm kiểm tra các yêu cầu khắt khe của hệ thống cảnh báo sớm.
Như thế, nước Nga có hàng chục trạm cố định radar chiến lược tầm xa Voronezh, Don-2N, lại có hàng ngàn đài radar cơ động, có không quân tầm xa kiểm soát tốt vùng xung yếu, cương vực xa xôi của đất nước.
Trung tâm chỉ huy phòng thủ không gian Nga từ nay sẽ xác định thêm đường bay tức thì của các chuyến bay và tên lửa đạn đạo từ các khu vực Đông nam, Đông bắc và Bắc cực của lãnh thổ của Nga. Sẵn sàng cung cấp thông tin để "Bộ thống soái" đưa ra quyết định phản ứng tưc thì một cuộc tấn công, kể cả tấn công hạt nhân.
"Mỗi ngày có hơn 6.000 nhân viên quân sự và dân sự đảm nhận nhiệm vụ trực chiến phòng không, bảo vệ biên giới đất nước trên các trạm radar và sở chỉ huy toàn Liên bang". Riêng tại sở chỉ huy quốc gia liên tục có 200 sĩ quan trực không một giây xao nhãng.
Trong năm 2016, về chiến lược chúng tôi thực hiện điều chỉnh hơn 200 quy trình cảnh giới, giám sát 80 loại vệ tinh nhân tạo khác nhau. Phát hiện 12 vụ phóng tên lửa của các nước. Ngày 16 tháng 1 năm 2017 mới đây, chúng tôi đã giám sát thành công một tên lửa chiến lược ICBM "Topol-M", được phóng từ Plesetsk Cosmodrome.
Tất cả bảo đảm cho nước Nga yên bình, không để bất cứ thế lực nào quấy phá, sẵn sàng trước mọi cuộc tập kích đường không" - Chánh văn phòng, cơ quan phòng thủ không gian, Đại tá Alexei Chumakov nói với phóng viên báo "Sao Đỏ".
http://soha.vn/he-lo-bi-mat-khien-nga-tu-tin-san-sang-doi-pho-voi-cac-cuoc-tap-kich-duong-khong-o-at-2017030916034638.htm

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét