Thứ Bảy, 9 tháng 1, 2016

Việt Nam triển khai tàu ngầm ra Biển Đông để ‘xua đuổi’ Trung Quốc

Chiếc tàu ngầm đầu tiên lớp Kilo hiện đại của Việt Nam đã bắt đầu tuần tra các khu vực có tranh chấp ở Biển Đông trong nỗ lực ngăn cản sự lấn lướt của hải quân Trung Quốc vốn lớn hơn gấp chục lần.
Tàu ngầm lớp Kilo. VN bắt đầu tuần tra khu vực có tranh chấp ở Biển Đông bằng tàu ngầm lớp Kilo để ngăn cản sự lấn lướt của TQ.
Theo nguồn tin từ giới ngoại giao và giới chức Việt Nam được báo Sydney Morning Herald dẫn thuật ngày 7/1, Việt Nam cũng đang mở rộng sử dụng cảng nước sâu Cam Ranh có tầm quan trọng chiến lược, nơi 6 tàu ngầm đặt mua từ Nga sẽ được triển khai trước năm 2017.
Các tàu ngầm Nga là phần trọng yếu trong kế hoạch gầy dựng võ trang quy mô nhất của Việt Nam kể từ cao điểm cuộc chiến Việt Nam tới nay mà giới phân tích cho rằng sẽ giúp thay đổi đáng kể cán cân quyền lực tại điểm nóng tranh chấp Biển Đông.
Giữa những quan ngại gia tăng do các tuyên bố chủ quyền táo bạo của Bắc Kinh trên gần như toàn bộ vùng biển này, Việt Nam đang chi tiêu hàng tỷ đôla để phát triển một hạm đội tàu ngầm, các pháo binh và tên lửa hệ thống trên bờ, máy bay chiến đấu đa năng, cùng các tàu tấn công nhanh. Đa phần các quân cụ được mua từ Nga và Ấn Độ.
Hãng tin Reuters trích các nguồn tin không muốn nêu tên cho hay Hà Nội cũng đang tìm mua thêm máy bay ném bom của Nga trong khi đang đàm phán với các nhà sản xuất võ khí Châu Âu và Mỹ để mua về các máy bay chiến đấu, máy bay tuần tra hàng hải và máy bay giám sát không người lái, không võ trang.
Bên cạnh đó, gần đây Việt Nam cho nâng cấp và mở rộng hệ thống phòng không, trong đó có hợp đồng mua của Israel hệ thống radar theo dõi cảnh báo sớm và các khẩu đội tên lửa đất đối không S-300 từ Nga.
Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm cho biết chi tiêu quân sự của Việt Nam trong thập niên qua đã vượt xa các nước láng giềng Đông Nam Á.
Tờ Sydney Morning Herald tại Úc dẫn nhận định của Giáo sư Carl Thayer từ Học viện Quốc phòng nước này cho rằng đội tàu ngầm 6 chiếc mua từ Nga khi đi vào hoạt động sẽ giúp Việt Nam có khả năng tấn công hùng mạnh bằng các tên lửa hành trình chống tàu và tấn công trên mặt đất, bổ sung đáng kể vào khả năng đối đầu với kẻ thù trong hải phận quốc gia.
Các nhà phân tích cho rằng những chiếc tàu diesel-điện Việt Nam mua của Nga được thiết kế để tác chiến chống tàu ngầm, chống tàu, tuần tra trinh sát, và bảo vệ các căn cứ hải quân và bờ biển có công nghệ tiên tiến hơn so với các tàu ngầm do Nga chế tạo trong hạm đội của Trung Quốc.
Tuy nhiên, chuyên gia Carl Thayer dự báo khả năng triển khai của Việt Nam sẽ bị rủi ro nếu như Trung Quốc cho máy bay chống tàu ngầm túc trực vĩnh viễn trên Đá Chữ Thập thuộc quần đảo Trường Sa, nơi Bắc Kinh vừa thử nghiệm liên tiếp các chuyến bay dân sự trong tuần này khiến Việt Nam và Hoa Kỳ lên tiếng bày tỏ quan ngại. Trung Quốc đã xây đường băng dài 3km cùng một số cơ sở hạ tầng cơ bản trên Đá Chữ Thập.
Theo giới phân tích, rất khó để đánh giá khả năng thực tế cũng như mức độ thuần thục của Việt Nam với các hệ thống võ khí phức tạp mới. Dù vậy, Giáo sư Thayer cho rằng với tất cả võ khí hiện có và sắp tậu về trong tương lai, rõ ràng là Việt Nam đã có những bước tiến quan trọng để phát triển một năng lực mạnh mẽ chống lại một thế lực thù địch xâm phạm hàng hải.
Theo Breibart, Sydney Morning Herald.
http://www.voatiengviet.com/content/viet-nam-trien-khai-tau-ngam-ra-bien-dong-de-xua-duoi-trung-quoc/3136672.html

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét