Thứ Sáu, 15 tháng 1, 2016

Không quân Hải quân Việt Nam sắp tiếp nhận máy bay thế hệ mới?

Ngày 12/1/2016, Trường Sĩ quan Không quân đã tổ chức Lễ bế giảng lớp đào tạo học viên phi công khóa 1 cho Quân chủng Hải quân.

Trường Sĩ quan Không quân cho biết, 100% các học viên khi tốt nghiệp ra trường đều nắm vững kiến thức chung, kiến thức chuyên ngành và biết vận dụng lý thuyết vào thực hành các khoa mục bay, khoa mục ứng dụng chiến đấu cũng như thực tế công tác.
Riêng các học viên phi công hải quân trước khi vào trường đã được huấn luyện kiến thức cơ bản tại Học viện Hải quân và thực hành bay trên máy bay DHC-6 tại Canada.

Các sĩ quan phi công nhận bằng tốt nghiệp
Các sĩ quan phi công nhận bằng tốt nghiệp
Trong thông báo trên có một điểm rất đáng chú ý, đó là việc các học viên phi công hải quân sau khi đã thực hành bay trên DHC-6 (loại máy bay lớn và hiện đại nhất trong biên chế quân chủng hải quân) mới quay lại Trường Sĩ quan Không quân để tiếp tục học nâng cao.
Điều này trái với thông lệ đào tạo phi công cho không quân, khi học viên phải huấn luyện bay thành thục trên L-39, rồi được điều động về các đơn vị chiến đấu để làm quen với những chiếc tiêm kích thực thụ.
Vậy tại sao học viên phi công hải quân lại đi theo chu trình ngược như trên, phải chăng đó là bước chuẩn bị cho việc sẵn sàng tiếp nhận một loại máy bay lớn và hiện đại hơn?


Máy bay tuần tra chống ngầm C-295MPA
Máy bay tuần tra chống ngầm C-295MPA
Cần nhắc lại là Hải quân Việt Nam thời gian gần đây đã tỏ ý quan tâm đến một số dòng máy bay hàng hải do Mỹ và châu Âu chế tạo như P-3C Orion, SC-130J hay C-295MPA.
Hiện nay săn ngầm từ trên không vẫn là hạn chế của Việt Nam, khi trực thăng Ka-28 có thời gian bay và tầm hoạt động khá ngắn, cũng như bị hạn chế về tải trọng vũ khí mang theo và phương tiện phát hiện tàu ngầm chuyên dụng.
Do vậy để lấp đầy khoảng trống chiến thuật (chống ngầm bằng tàu ngầm và tàu mặt nước), việc Hải quân Việt Nam sớm mua sắm và đưa vào trang bị máy bay tuần tra săn ngầm cánh cứng là yêu cầu vô cùng cấp thiết
Trong các ứng viên trên, C-295MPA tỏ ra có nhiều cơ hội chiến thắng nhất do dùng chung khung thân với máy bay vận tải C-295M đang phục vụ trong biên chế Không quân Việt Nam.
Nhờ các ưu điểm như giá thành hợp lý, thời gian khai thác dài (so với SC-130J và P-3C cũ); đồng bộ được với dây chuyền bảo trì, bảo dưỡng; giảm thời gian huấn luyện phi công (phi công C-295M có thể chuyển qua lái C-295MPA mà không cần đào tạo từ đầu)...
Quan trọng nhất, C-295MPA cùng vũ khí, khí tài đi kèm không bị hạn chế bởi các lệnh cấm vận, nên rõ ràng dòng phi cơ châu Âu này chiếm ưu thế cực lớn trước hai loại máy bay do Mỹ sản xuất.
Nếu những nhận định trên là chính xác, đây có thể coi là một bước tiến lớn của Không quân Hải quân nói riêng cũng như Hải quân nhân dân Việt Nam nói chung trong quá trình tiến thẳng lên hiện đại.
http://soha.vn/quan-su/khong-quan-hai-quan-viet-nam-sap-tiep-nhan-may-bay-the-he-moi-20160114162506007.htm

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét