Thứ Ba, 19 tháng 1, 2016

Tên lửa bờ VN: Răn đe và đánh bại mọi cuộc tiến công từ biển vào

Với uy lực lớn, sức cơ động việt dã cao, những loại tên lửa bờ có trong biên chế của HQVN đủ sức răn đe và cùng các lực lượng khác đánh bại mọi cuộc tiến công từ hướng biển.

Chúng xứng đáng được coi như những bức trường thành di động bởi chúng có thể tạo nên lưới lửa dập tắt mọi ý đồ ngông cuồng muốn xâm lược nước ta, lấn chiếm biển đảo của ta.
Bờ biển Việt Nam dài 3.260km, từ Quảng Ninh ở phía đông bắc tới Kiên Giang ở phía tây nam. Biển của ta có vùng nội thủy, lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa với diện tích trên 1 triệu km2 (gấp ba lần diện tích đất liền).
Trong khu vực biển Việt Nam có khoảng 4.000 đảo lớn nhỏ, gần và xa bờ, trong đó có hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.
Với những con số thống kê trên, Việt Nam thực sự là một quốc gia biển. Và chẳng phải tình cờ mà hai kẻ xâm lược lớn nhất trong lịch sử cận đại và hiện đại Việt Nam đều đến từ phía biển.
Với xu hướng vươn ra biển chung của cả thế giới hiện nay, việc bảo vệ toàn vẹn chủ quyền, quyền chủ quyền của đất nước ta trên biển là một trong những nhiệm vụ hàng đầu của toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta.
Cũng chính vì vậy, Quân chủng Hải quân (QCHQ) là một trong số những quân, binh chủng của Quân đội ta được xác định sẽ tiến thẳng lên hiện đại.
Để bảo vệ biển đảo Tổ quốc, QCHQ hiện đã có trong biên chế đủ các thành phần của một hải quân hiện đại, đó là: tàu nổi, tàu ngầm, không quân, hải quân đánh bộ và lực lượng pháo binh – tên lửa bờ.
Trong đó, lực lượng tên lửa bờ thực sự có thể ví như những bức trường thành di động nhờ uy lực lớn, sức cơ động việt dã cao, đủ sức răn đe và có thể cùng với các lực lượng khác đánh bại mọi cuộc tiến công xâm lược từ hướng biển.

Lữ đoàn tên lửa bờ 681 với tổ hợp K-300P Bastion-P huấn luyện sẵn sàng chiến đấu. Ảnh: QĐND.
Lữ đoàn tên lửa bờ 681 với tổ hợp K-300P Bastion-P huấn luyện sẵn sàng chiến đấu. Ảnh: QĐND.
Tổ hợp tên lửa bờ 4K44B Redut-M
Tổ hợp tên lửa bờ đối hải 4K44B REDUT-M sử dụng tên lửa P-35 được nâng cấp từ tổ hợp nguyên mẫu là 4K44B REDUT ra đời vào cuối thập niên 60, sử dụng tên lửa bờ đối hạm P-5 Pyatyorka.
Thành phần của 4K44 gồm: xe radar điều khiển và xe bệ giá phóng (mang 1 quả tên lửa) dựa trên khung thân xe vận tải ZIL-135K. Thông thường, một tổ hợp bố trí một xe radar và 3 xe mang tên lửa.

Xe bệ giá phóng của tổ hợp 4K44B Redut-M. Ảnh: QĐND.
Xe bệ giá phóng của tổ hợp 4K44B Redut-M. Ảnh: QĐND.
4K44 sử dụng tên lửa hành trình đối hạm tầm xa P-35 dài gần 10m, đường kính thân 1,5m, trọng lượng phóng 4,2 tấn, lắp đầu đạn thuốc nổ mạnh 800 – 1.000kg đem lại sức công phá uy lực, đủ sức đánh chìm chiến hạm cỡ lớn.
Tên lửa P-35 có động cơ đẩy nhiên liệu rắn, tốc độ hành trình cận âm, dùng hệ dẫn đường quán tính kết hợp radar chủ động dẫn pha cuối.
Đặc biệt, ở pha giữa nó có thể tiếp nhận thông tin mục tiêu từ trực thăng săn ngầm hoặc máy bay tuần thám biển hoặc máy bay chỉ huy trên không. Đây là tổ hợp tên lửa bờ có tầm bắn xa nhất của Hải quân Việt Nam, bao quát tiêu diệt mục tiêu trong cự ly tối đa gần 500km.
Tổ hợp tên lửa bờ 4K51 Rubezh
Tổ hợp tên lửa phòng thủ bờ biển 4K51 Rubezh (khối NATO gọi là SS-C-3) do Liên Xô phát triển và đưa vào phục vụ cuối những năm 1980.
Tổ hợp 4K51 gồm các xe mang bệ giá phóng 3P51 (cải tiến dựa trên xe vận tải hạng nặng MAZ-543), sử dụng để đặt radar điều khiển hỏa lực cùng cụm ống phóng KT-161. KT-161 chứa hai tên lửa hành trình đối hạm P-15M (P-21, P-22).

Xe mang bệ giá phóng 3P51 của tổ hợp 4K51 Rubezh. Ảnh: QĐND.
Xe mang bệ giá phóng 3P51 của tổ hợp 4K51 Rubezh. Ảnh: QĐND.
Tên lửa có chiều dài 6,5m, đường kính thân 0,76m, trọng lượng phóng 2,5 tấn. Nó lắp một động cơ rocket nhiên liệu lỏng, tốc độ hành trình cận âm, tầm bắn tối đa 80km, lắp đầu đạn thuốc nổ nặng 513kg.
Khi phóng, động cơ rocket sẽ đưa P-15M rời bệ, đạt độ cao ổn định động cơ chính sẽ kích hoạt đưa tên lửa tới mục tiêu. Trong hành trình, tên lửa bay cách mặt nước 25-50m.
Ở pha giữa, tên lửa được điều khiển bằng hệ dẫn đường quán tính và ở pha cuối dùng radar chủ động.
Trong điều kiện tác chiến hiện nay, tên lửa P-15M có kích thước khá lớn, tốc độ chậm, khó có khả năng xuyên phá được chiến hạm hiện đại có hệ thống phòng thủ tiên tiến.
Nhưng nó vẫn rất hữu hiệu để đối phó với tàu vận tải, tàu đổ bộ vốn không có khả năng tự bảo vệ cao đối với các cuộc tiến công từ trên không.
P-15M cũng là loại tên lửa chủ lực được trang bị cho nhiều chiến hạm của Hải quân Việt Nam như: tàu cao tốc tên lửa Osa II, tàu tên lửa 1241E Tarantul.
Hai tổ hợp tên lửa kể trên tuy sản xuất đã lâu nhưng các phiên bản nâng cấp của nó cũng tương đối hiện đại.
Nếu kết hợp với chiến thuật tác chiến linh hoạt và sự hiệp đồng chặt chẽ với các lực lượng khác, chúng vẫn phát huy được uy lực phòng thủ của mình, là đối thủ đáng gờm của mọi loại chiến hạm hiện đại nhất thế giới hiện nay.
Tổ hợp tên lửa bờ Bastion K-300P
Tổ hợp tên lửa phòng thủ bờ biển K-300P Bastion (khối NATO gọi là SSC-5) do Nga phát triển đầu những năm 1990 để thay thế tổ hợp 4K44.
Một tổ hợp Bastion thường biên chế: 4 xe mang bệ giá phóng, một xe chỉ huy, một xe radar (hệ thống radar Monolit B) và xe vận chuyển, bảo dưỡng khác.

Xe phóng đặt trên khung thân xe vận tải MZKT-7930.
Xe phóng đặt trên khung thân xe vận tải MZKT-7930.
Xe phóng đặt trên khung thân xe vận tải MZKT-7930, ba tên lửa được bảo quản trong ống phóng đặt ở thùng sau, khi triển khai chiến đấu ống phóng sẽ dựng lên.
Việc phóng tên lửa theo phương thẳng đứng đảm bảo bao quát mục tiêu 360 độ mà không mất thời gian xoay hướng bắn. Bastion sử dụng tên lửa hành trình đối hạm P800-E Yakhont có chiều dài 8,9m, đường kính thân 0,67m, trọng lượng phóng 3 tấn.
Tên lửa P800-E trang bị hai động cơ, một động cơ nhiên liệu rắn để đưa lên tửa rời bệ phóng và một động cơ phản lực dòng thẳng cho hành trình bay.
Đặc biệt, P800-E  đạt tốc độ hành trình gấp hơn 2 lần vận tốc âm thanh, do vậy mà việc đánh chặn tên lửa này không dễ. Tên lửa dùng hệ dẫn quán tính ở pha giữa và đầu tự dẫn radar chủ động/bị động ở pha cuối.
Ở hành trình bay cuối tiếp cận mục tiêu, nó bay cách mặt nước 5-15m và có thể cơ động lẩn tránh hỏa lực phòng thủ đối phương. P800-E lắp đầu đạn xuyên giáp thuốc nổ mạnh nặng 250kg đủ sức công phá các chiến hạm cỡ lớn, tầm bắn tối đa 300km.
Bastion là loại vũ khí chống hạm từ đất liền hiện đại nhất của Hải quân Việt Nam hiện nay.
Ba loại tên lửa này có tầm bắn khác nhau, hợp thành 3 lớp phòng thủ từ xa đến gần. Tên lửa P-35 của tổ hợp 4K44B REDUT-M có tầm bắn gần 500 km lập thành tuyến phòng thủ từ xa.
Tên lửa đối hạm siêu thanh P-800 Yakhont của hệ thống K-300P Bastion có tầm bắn 300km và tốc độ bắn cực nhanh sẽ bắn hạ các chiến hạm có thể vượt qua tuyến 1, lập thành tuyến phòng thủ thứ 2.
Tên lửa P-15 Temit của tổ hợp 4K51 Rubezh với tầm bắn 80km sẽ tiêu diệt những tàu địch còn “lọt lưới” qua 2 tuyến trước khi chúng đã gần bờ.
Cả ba tổ hợp tên lửa này còn có một ưu điểm nữa, đó là chúng cùng được sản xuất tại Liên Xô trước đây và Nga hiện nay nên có chung một nền tảng kỹ thuật.
Do đó, chúng có thể cải tiến, tích hợp để đồng bộ hóa trong việc sử dụng chung số liệu quan sát của radar và hệ thống chỉ thị mục tiêu của trực thăng trinh sát, nên luôn đảm bảo được khả năng khống chế vùng biển ngay cả khi radar của một vài hệ thống bị đánh phá tê liệt.
Hiện nay, thế trận tác chiến chống xâm nhập bằng đường biển thường có 3 tuyến. Tuyến 1 là lực lượng ngăn chặn từ xa bằng các tàu tác chiến viễn dương; tuyến 2 là các tàu tuần tiễu, tàu tên lửa cỡ nhỏ và tuyến 3 là lực lượng phòng thủ bờ đối hải.

Đội hình xe chở tên lửa bờ của Lữ đoàn tên lửa bờ 681 tại Lễ kỷ niệm 60 năm Ngày thành lập Hải quân Nhân dân Việt Nam. Ảnh: Trọng Thiết.
Đội hình xe chở tên lửa bờ của Lữ đoàn tên lửa bờ 681 tại Lễ kỷ niệm 60 năm Ngày thành lập Hải quân Nhân dân Việt Nam. Ảnh: Trọng Thiết.
Nhưng trên thực tế không phải nước nào cũng đủ điều kiện xây dựng đủ 3 tuyến phòng thủ từ xa đến gần.
Các nước có lực lượng hải quân không mạnh, ngân sách quốc phòng ít ỏi thường ưu tiên phát triển kết hợp tuyến thứ 2 và thứ 3, dùng 2 tuyến này để thay thế tuyến thứ 1, thậm chí chỉ xây dựng một tuyến 3 mạnh cũng có thể bao quát được phạm vi của cả 2 lớp trên.
Những nước theo theo xu hướng này thường chú trọng phát triển kết hợp các hệ thống tên lửa bờ đối hạm tầm xa, tầm trung và tầm gần, trong đó mô hình bộ 3 lá chắn biển như vừa nhắc đến ở trên của ta được nhiều nước ưu tiên sử dụng nhất.
Với Việt Nam chúng ta, trước tình hình khu vực nói chung và trên Biển Đông nói riêng còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ bất ổn thì những tổ hợp tên lửa bờ nêu trên là một vũ khí răn đe hiệu quả với mọi dã tâm xâm lược hay lấn chiếm biển đảo của chúng ta.
Các hệ thống tên lửa bờ đối hạm được bố trí binh lực hợp lý, lấp kín các vùng chết của hỏa lực và điểm giao thoa.
Sự kết hợp hoàn hảo các hệ thống này với lực lượng tàu tác chiến mặt nước, tàu ngầm của hải quân và máy bay tiêm kích đa năng của QC PK-KQ là một trong những yếu tố tiên quyết đảm bảo đánh bại mọi cuộc tấn công bằng đường biển của đối phương.
http://soha.vn/quan-su/ten-lua-bo-vn-ran-de-va-danh-bai-moi-cuoc-tien-cong-tu-bien-vao-20160118104231235.htm

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét