Quan hệ Trung Quốc với bán đảo Triều Tiên thời gian qua diễn biến phức tạp, khi tình hữu nghị “xây đắp bằng máu”, “sát cánh cùng chiến hào” với Bình Nhưỡng ngày càng phai nhạt.
Quan hệ Trung - Triều thậm chí bị cho là đã rạn nứt khi quan hệ Trung Quốc - Hàn Quốc trở nên mặn nồng.
Hiện tượng này làm dư luận ngạc nhiên, nhưng ngược dòng lịch sử, thì đây là di chứng của Thời kỳ Chiến tranh Lạnh để lại.
Mới đây, chuyến đi nước ngoài đầu tiên của ban nhạc nữ Triều Tiên Moranbong, đồng thời là chuyến thăm Trung Quốc của đoàn được lãnh đạo cấp cao hai nước thỏa thuận đã bất ngờ bị gián đoạn do nhóm nhạc bỏ về nước ngày 12/12.
Dư luận các nước đều đánh giá sự kiện này cho thấy mâu thuẫn quan hệ Trung - Triều âm ỉ từ lâu và đang ngày càng gay gắt trong quan hệ tam giác Triều Tiên - Trung Quốc - Hàn Quốc.
Bán đảo Triều Tiên - Di chứng của Chiến tranh Lạnh
Ngay sau khi Thế chiến II kết thúc, mâu thuẫn giữa Mỹ, Phương Tây với Liên Xô bắt đầu xảy ra, từ đó hình thành hai phe và hai trận tuyến. Phe Tư bản chủ nghĩa do Mỹ cầm đầu, phe Xã Hội Chủ Nghĩa do Liên Xô cầm đầu, tập hợp các nước đồng minh xung quanh mình chống lại nhau.
Từ đó thế giới hình thành cục diện Chiến tranh Lạnh mà cái mốc kể từ tháng 3 năm 1947 khi Tổng thống Mỹ Truman chính thức công bố chính sách “ngăn chặn chủ nghĩa cộng sản, chống lại Liên Xô”.
Cục diện này kéo dài hơn 40 năm trong Thế kỷ 20, tuy chiến tranh thế giới không xảy ra, nhưng chiến tranh cục bộ xảy ra ở nhiều khu vực trong đó có bán đảo Triều Tiên.
Thập niên 1990 Thế kỷ 20 khi Liên Xô - Đông Âu sụp đổ, Chiến tranh Lạnh kết thúc, nhưng nó vẫn để lại nhiều di chứng mà bán đảo Triều Tiên là một trong những di chứng này.
Cuộc Chiến tranh Triều Tiên nổ ra ngày 15/6/1950 bộc lộ rõ mâu thuẫn giữa các nước lớn. Cuộc chiến kết thúc vào ngày 27/7/1953 với Hiệp định đình chiến ký kết tại Bàn Môn Điếm, trong đó Triều Tiên -Trung Quốc là một bên, một bên là Mỹ đại diện cho liên quân.
Hiệp định này đã chia cắt bán đảo Triều Tiên thành hai miền kể từ đó cho tới nay.
Sau cuộc Chiến tranh này, khu vực Đông Bắc Á đã hình thành hai trục quan hệ đối đầu nhau, một bên là Triều Tiên-Trung Quốc-Liên Xô và một bên là Mỹ - Nhật - Hàn Quốc - Đài Loan.
Mỗi bên đều muốn lập ra một khu đệm nhằm bảo vệ an ninh của mình, nhằm ngăn chặn từ xa các cuộc tấn công của đối phương.
Hai nước Trung Quốc và Liên Xô là “người đỡ đầu” chủ yếu của Triều Tiên. Tuy nhiên sau khi Liên Xô và Đông Âu sụp đổ thì vai trò này của Nga giảm sút đáng kể.
Trong khi đó, Mỹ và Đồng Minh là “người đỡ đầu” cho Hàn Quốc. Cả hai bên đều không muốn bán đảo này thống nhất thành một khối vì sợ rằng khu đệm này mất đi làm ảnh hưởng tới bố cục địa chiến lược cũng như lợi ích chiến lược của các bên.
Kể từ khi Trung Quốc tiến hành quốc sách Cải cách mở cửa vào cuối thập niên 1970 và Liên Xô sụp đổ vào đầu thập niên 1990, tình hình đã diễn biến theo chiều hướng có lợi cho Mỹ và Đồng Minh.
Lúc này, cả hai "người đỡ đầu lớn” của Bình Nhưỡng là Trung Quốc và Nga đều lập quan hệ ngoại giao với Mỹ/Đồng Minh, đồng thời ra sức mở rộng quan hệ buôn bán, hợp tác kinh tế đầu tư, hợp tác chính trị, chiến lược thậm chí cả hợp tác quân sự vì lợi ích của đất nước mình.
Số liệu thống kê của Trung Quốc cho biết khi lập quan hệ ngoại giao Trung - Mỹ vào năm 1979, kim ngạch mậu dịch hai nước khoảng trên 2 tỉ USD, tới năm 2008 kim ngạch buôn bán hai bên tới 333,7 tỉ USD, tăng hơn 130 lần so với năm 1979.
Hiện nay kim ngạch buôn bán hai nước tới gần 500 tỉ USD.
Tính tới cuối tháng 6/2009, Mỹ đã đầu tư vào Trung Quốc 57.331 hạng mục với tổng kim ngạch đầu tư thực tế trên 61 tỉ USD, trở thành một trong đối tác buôn bán và đầu tư lớn nhất của Trung Quốc.
Cùng với hợp tác kinh tế buôn bán, quan hệ chính trị quân sự cũng tăng lên, khiến hai nước ngày càng gắn bó với nhau.
Sau khi tiến hành 6 vòng Đối thoại chiến lược chính trị và 5 vòng Đối thoại chiến lược kinh tế, hai nước chuyển sang giai đoạn mới là tiến hành Đối thoại chiến lược và kinh tế từ năm 2009, tới nay đã tiến hành được 7 vòng, trong đó vấn đề hạt nhân bán đảo Triều Tiên là một nghị trình quan trọng trong đối thoại này.
Nền kinh tế CHDCND Triều Tiên phụ thuộc vào nguồn viện trợ từ Trung Quốc trong nhiều thập kỷ qua. (Ảnh minh họa: Fox News)
Trong khi đó quan hệ Trung Quốc - Hàn Quốc cũng không ngừng tăng lên, nhất là từ khi hai nước lập quan hệ ngoại giao năm 1992.
Số liệu của Trung Quốc cho biết khi lập quan hệ ngoại giao năm 1992, kim ngạch buôn bán Trung - Hàn chỉ có 5 tỉ USD, nhưng tới năm 2004 đạt trên 90 tỉ USD, hiện nay tới.
Năm 2012 đạt 253 tỉ USD, dự kiến năm 2015 có thể đạt 300 tỉ USD. Đầu tư trực tiếp của Hàn Quốc tại Trung Quốc tới 9/2007 đạt 21,1 tỉ USD với 19.512 hạng mục.
Chẳng những quan hệ kinh tế, buôn bán, mà quan hệ ngoại giao, quân sự hai nước Trung - Hàn cũng tăng lên đáng kể, nhất là trao đổi và đối thoại cấp cao.
Cùng với quan hệ Trung - Hàn tăng lên thì quan hệ Trung Quốc - Nhật Bản, quan hệ Trung Quốc đại lục - Đài Loan đã chuyển từ thù địch sang đối thoại và hợp tác kinh tế.
Tình trạng “có mới nới cũ” của Trung Quốc làm Triều Tiên bị rơi vào thế bị cô lập tại Khu vực Đông Bắc Á, tình hình phát triển kinh tế, buôn bán gặp nhiều khó khăn, bởi vậy, phát triển quân sự, nhất là vũ khí hạt nhân là một đảm bảo cho lợi ích quốc gia của Triều Tiên.
Tình trạng này đã làm quan hệ hai nước Triều - Trung trở nên căng thẳng và xấu đi. Đây là một đặc điểm nổi bật ở bán đảo Triêu Tiên và cũng là nguyên nhân đưa tới vấn đề hạt nhân bán đảo Triều Tiên.
GDP năm 2009 của Triều Tiên chỉ đạt 27,8 tỉ USD, trao đổi hợp tác kinh tế buôn bán của Triều Tiên chủ yếu với Trung Quốc là.
Năm 2009, kim ngạch buôn bán hai chiều Trung - Triều đạt 2,8 tỉ USD, chiếm 70 % tổng kim ngạch buôn bán với các nước.
Trên thực tế, Trung Quốc là “người đỡ đầu” nuôi Triều Tiên, như hàng năm viện trợ trung bình từ 100 – 200 triệu USD.
Những năm đầu thế kỷ 21, do kinh tế Triều Tiên sa sút, nên viện trợ của Trung Quốc tăng lên đáng kể, như năm 2005 tới 2 tỉ USD, từ năm 2006 tới năm 2010 viện trợ cho Bình Nhưỡng tới 7,5 tỉ USD. Trung Quốc là nước cung cấp tới trên 70% nguyên nhiên liệu, lương thực cho Triều Tiên.
Trong khi kinh tế Triều Tiên khó khăn thì kinh tế Hàn Quốc không ngừng lớn mạnh, dự kiến tới năm 2030, GDP bình quân đầu người của Hàn Quốc đạt từ 16.000 USD tới 49.000 USD, nâng khả năng cạnh tranh của Hàn Quốc từ vị trí thứ 25 thế giới năm 2005 lên vị trí thứ 10 năm 2030.
Tình trạng này làm so sánh thực lực kinh tế giữa hai miền bán đảo Triều Tiên trở nên chênh lệch quá lớn, từ đó cũng tạo ra mâu thuẫn nghiêm trọng.
Sự phát triển vũ khí hạt nhân của Triều Tiên làm cho trục Triều Tiên - Trung Quốc - Nga đều là những bên sở hữu vũ khí hạt nhân, trong khi các đồng minh của Mỹ là Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan không có vũ khí hạt nhân.
Đây là điều làm Mỹ lo ngại Khu vực Đông Bắc Á sẽ trở thành một khu vực điểm nóng vũ khí hạt nhân trên thế giới, thế cân bằng chiến lược quân sự bị đảo lộn.
Vì vậy, ngăn chặn Triều Tiên phát triển vũ khí hạt nhân phù hợp với lợi ích chiến lược của Mỹ ở khu vực này, đồng thời nó cũng là một lá bài gây sức ép với Trung Quốc, một nước hiện đang thách thức địa vị bá quyền của Mỹ.
Để hòa dịu quan hệ Trung - Mỹ, Trung Quốc đề xuất và cầm trịch “Đàm phán 6 bên về vũ khí hạt nhân bán đảo Triều Tiên” vào tháng 8/2003 để kiểm soát Triều Tiên và trấn an Mỹ cũng như các nước đồng minh của Mỹ trong khu vực.
Di chứng của bán đảo Triều Tiên theo đó càng xấu đi.
Tổng thống Hàn Quốc Kim Dae Jung (phải) nắm tay thân mật lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Il trong chuyến thăm Bình Nhưỡng tháng 6/2000.
Những nỗ lực của 2 miền bán đảo
Mỹ và dư luận các nước, tiếp đó cả Trung Quốc đều cho rằng sự phát triển và sở hữu vũ khí hạt nhân của Triều Tiên đã tạo ra điểm nóng trên thế giới, đe dọa hòa bình ổn định khu vực Đông Bắc Á. Vì vậy, các bên đều muốn tìm giải pháp chữa trị di chứng này.
Trước tiên là nội bộ hai miền bán đảo Triều Tiên. Do tính dân tộc của nhân dân Triều Tiên rất cao, nên họ mong muốn thống nhất, muốn phá rào thoát khỏi sự lệ thuộc vào hai ông chủ. Hai miền nam - bắc đã có những bước đi hòa dịu rất khích lệ.
Ngày 25/2/1998 khi nhậm chức, Tổng thống Hàn Quốc Kim Dae Jung đã đưa ra "Chính sách ánh dương" mang tính đột phá, chủ động giúp Triều Tiên phát triển kinh tế, chủ động lên Bình Nhưỡng tiến hành cuộc gặp thượng đỉnh đầu tiên giữa hai miền từ 13/6 - 15/6/2000 sau hơn nửa thế kỷ chia cắt.
Tiếp đó nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Il tiến hành chuyến thăm đáp lễ Hàn Quốc. Hàn Quốc đã tiến hành mở Khu công nghiệp ở Kaesong và viện trợ các mặt cho Triều Tiên, còn Bình Nhưỡng mở khu du lịch Kum Gang cho Hàn Quốc.
Đương kim Tổng thống Hàn Quốc Park Geun Hye khi là nghị sĩ quốc hội đã hai lần thăm Triều Tiên vào tháng 3 và tháng 7/2004 để tìm kiếm con đường hòa giải dân tộc và được cố Chủ tịch Kim Jong Il đón tiếp trọng thị.
Khi bà thắng cử, lần đầu tiên trong lịch sử hai nước Triều Tiên, Hãng thông tấn chính thức nhà nước Triều Tiên và tờ Rodong Sinmun - cơ quan phát ngôn của đảng Lao Động Triều Tiên ngày 20/12/2012 đều đưa tin về kết quả bầu cử Tổng thống Hàn Quốc.
Dư luận cho rằng đây là thông điệp cho bước đi hòa dịu. Ngoài ra, hai bên liên tiếp tổ chức các cuộc gặp gỡ các gia đình li tán trong chiến tranh sống ở hai miền.
Tuy nhiên, những bước đi hòa dịu này đều bị hai "ông lớn" là Mỹ và Trung Quốc làm ách lại.
Trong chuyến thăm Mỹ từ 4/3 tới 9/3/2001, ông Kim Dae Jung đã đề nghị chính quyền của Tổng thống George Bush thực hiện chính sách nới lỏng hơn nữa với Bình Nhưỡng để làm mềm hơn quan hệ Liên Triều, nhưng bị Bush gạt bỏ.
Trong khi đó, “ông chủ Trung Quốc” còn ngặt nghèo hơn. Do hoàn toàn phụ thuộc về kinh tế vào Trung Quốc theo kiểu xin - cho, nên về chính trị Triều Tiên phải thỉnh thị Trung Quốc, từ đó những bước đi của Triều Tiên với Hàn Quốc và Mỹ đều bị Trung Quốc ách lại.
Kể từ khi ông Kim Jong Un và bà Park Guen Hye lên nắm quyền tới nay, hai miền bán đảo Triều Tiên chưa có bước đi mang tính đột phá nào đáng kể.
Đàm phán 6 bên - một sản phẩm của Trung Quốc khiến Bình Nhưỡng nổi giận
Khi những nỗ lực giảm căng thẳng của hai miền bị ách lại thì “Vòng đàm phán 6 bên về vũ khí hạt nhân bán đảo Triều Tiên” ra đời.
Đây có thể nói là sản phẩm chủ yếu của Trung Quốc do bị Mỹ gây sức ép nhiều mặt.
Để hòa dịu bầu không khí quan hệ Mỹ-Trung, Bắc Kinh đề xướng cơ chế “Đàm phán 6 bên” (gồm Triều Tiên, Hàn Quốc, Trung Quốc, Mỹ, Nga, Nhật Bản) nhằm mục đích hòa hoãn quan hệ hai miền đồng thời là nước cờ lấy Triều Tiên làm con bài "mặc cả" với Mỹ.
Đàm phán 6 bên họp được 6 vòng đều ở Bắc Kinh và đều do Trung Quốc cầm trịch. Vòng thứ nhất họp trong ba ngày từ 27/8 - 29/8/2003 và Vòng 6 họp từ ngày 18/7/2007 kết thúc ngày 30/9/2007.
Đáng lưu ý là Giai đoạn 2 của Vòng 4, các bên ra Tuyên bố chung ngày 19/9/2005 gồm 7 điểm, trong đó Triều Tiên tuyên bố từ bỏ chương trình hạt nhân, nhanh chóng trở lại Hiệp ước không phổ biến vũ khí hạt nhân và chấp nhận sự giám sát quốc tế.
Các bên còn lại cam kết sẵn sàng cung cấp dầu lửa, năng lượng, đảm bảo an ninh cho Triều Tiên, Mỹ, Nhật Bản cam kết từng bước bình thường hóa quan hệ với Triều Tiên.
Đại diện các quốc gia tham dự Đàm phán 6 bên chụp ảnh tại nhà khách Điếu Ngư Đài, Bắc Kinh ngày 26/7/2005. Ảnh: Getty Images
Nhưng ngay sau khi ký kết Triều Tiên nhận thấy mình đã bị lừa, bởi vì viện trợ và đảm bảo an ninh chưa thấy đâu, nhưng bản thân bị mất đi quyền tự vệ có hiệu lực nhất, an ninh và chủ quyền bị đe dọa.
Bởi vậy, quốc gia này bắt đầu tẩy chay Đàm phán 6 bên, đồng thời liên tiếp bắn thử tên lửa tầm xa, tiếp đó tiến hành thử vũ khí hạt nhân lần thứ nhất vào ngày 16/10/2006, nên bị Liên Hợp Quốc ra Nghị quyết số 1718 lên án và trừng phạt.
Đáng lưu ý là Trung Quốc đã ủng hộ Nghị quyết này và gây sức ép đáng kể đối với Triều Tiên, vì vậy ngày 23/4/2009 Triều Tiên tuyên bố rút khỏi Đàm phán 6 bên.
Tiếp đó ngày 25/5/2009, Triều Tiên lại tiếp tục tiến hành thử vũ khí hạt nhân lần thứ hai và Liên Hợp Quốc ngày 12/6/2009 đã ra Nghị quyết số 1874 lên án hành động trên.
Kể từ đó tới nay, Đàm phán 6 bên rơi vào bế tắc, cơ may nối lại rất mờ mịt. Trung Quốc - Người cầm trịch bị bẽ mặt, vai trò uy tín đối với bán đảo Triều Tiên bị giảm sút nghiêm trọng.
Đàm phán 6 bên không còn là “lá bài” hiệu lực để mặc cả với Mỹ, bất chấp việc tới nay Bắc Kinh vẫn thúc giục Triều Tiên và các bên tái khởi động và quay lại Đàm phán, đồng thời coi Tuyên bố 7 điểm ngày 19/9/2005 là tiêu chí cho giải quyết vấn đề hạt nhân bán đảo Triều Tiên.
“Sản phẩm” này của Trung Quốc đã bị Triều Tiên từ chối. Dư luận một số nước thậm chí cho rằng Đàm phán 6 bên có thể chỉ là vấn đề lịch sử trong quá khứ.
Bắc Kinh tìm mọi cách cản Triều Tiên "phá rào" tiếp cận Mỹ
Thời kỳ Bill Clinton nắm quyền, hai nước Mỹ và Triều Tiên cũng có những bước đi hòa dịu đáng khích lệ, nhất là những chuyến đi Bình Nhưỡng của cựu Tổng thống Mỹ Jimmy Carter vào năm 1994 sau hơn 40 năm hai nước thù địch.
Tiếp đó, tháng 4/2011 ông Carter lại có chuyến thăm Bình Nhưỡng và được lãnh tụ Kim Jong Il cho biết “Sẵn sàng đàm phán trực tiếp với Tổng thống Hàn Quốc”.
Kể từ khi Tổng thống Barack Obama lên nắm quyền năm 2009, hai nước Mỹ và Triều Tiên đã 4 lần tiến hành gặp gỡ và đàm phán trực tiếp giữa quan chức chính phủ hai nước.
Năm 2014, tạp chí Time của Mỹ bình chọn nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un là một trong số những nhân vật quyền lực nhất thế giới để chứng tỏ Mỹ coi trọng ông Kim và mong muốn mở ra quan hệ hai nước.
Trong bài “Nhìn lại tình hình căng thẳng bán đảo Triều Tiên” đăng trên tạp chí The National Interest của Mỹ ngày 20/4/2013, Tiến sĩ Robert Joseph Manning viết: “Trên thực tế, Triều Tiên đang mong muốn đối thoại trực tiếp với Mỹ.
Thời gian qua, Triều Tiên cho phép các Công ty máy tính Mỹ tới đầu tư. Ngay trong lúc tình hình căng thẳng tháng 4/2013, Triều Tiên tuyên bố sẽ tổ chức cuộc chạy thi marathon ở Bình Nhưỡng và mời các vận động viên Mỹ tham gia.
Trung tuần tháng 4/2013, Triều Tiên còn tổ chức 'Liên hoan phim quốc tế' diễn ra trong 10 ngày, đã mời các nước Phương Tây và Mỹ tham gia.”
Trong chuyến thăm Trung Quốc cuối cùng từ 20/5 - 26/5/2011, ông Kim Jong Il đã đưa ra ba yêu cầu, trong đó yêu cầu đầu tiên là Triều Tiên cần cải thiện quan hệ và đối thoại trực tiếp với Mỹ không qua trung gian Trung Quốc.
Tuy nhiên, phía Trung Quốc chỉ muốn duy trì các cuộc đàm phán 6 bên hoặc ít nhất là đàm phán có Trung Quốc chủ trì.
Bởi vậy, dư luận cho rằng Triều Tiên đang muốn “phá rào cản Trung Quốc” để đối thoại mang tính thực chất với Mỹ, như vậy sẽ có lợi hơn cho Triều Tiên, nhưng hiện nay chưa thể “phá rào thành công” do Trung Quốc ra sức tìm cách ngăn cản.
Trong bài “Triều Tiên ngày càng xa rời Trung Quốc”, mạng tin quân sự Tây Lục ngày 21/4/2013 viết: “Triều Tiên ngày càng muốn tiếp cận Mỹ và lên án Trung Quốc đã kìm hãm họ.
Triều Tiên cho rằng Trung Quốc là nước kiếm lời trong cuộc Chiến tranh Triều Tiên, nhưng ra sức kể công.
Hiện nay Trung Quốc đi với Mỹ, nhờ Mỹ giúp đỡ nên kinh tế mới phát triển mạnh mẽ, nhưng lại ra sức kiềm chế Triều Tiên đối thoại trực tiếp với Mỹ.”
Trong thông điệp năm mới ngày 1/1/2016, nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un đã tỏ rõ thái độ muốn cải thiện quan hệ với Seoul mà không nhắc tới "đồng minh" Trung Quốc. Ảnh: Reuters
Giải pháp nào chữa trị "di chứng"
Cuộc Chiến tranh Lạnh đã để lại di chứng của bán đảo Triều Tiên hiện nay. Điều cốt lõi để loại bỏ di chứng này là đất nước thống nhất, hòa giải dân tộc, gia đình đoàn tụ, nhân dân được tự mình quyết định vận mệnh của nước mình, đưa đất nước phát triển phồn vinh, dân chúng sống trong hòa bình và ổn định.
Nhưng hai nước Trung Quốc và Mỹ lại không muốn như vậy, vì nó đụng chạm tới lợi ích chiến lược của họ. Một nước Triều Tiên thống nhất có kinh tế phát triển lại có vũ khí hạt nhân sẽ là mối đe dọa đối với hai nước lớn, nhất là Trung Quốc.
Chính vì vậy, họ luôn ngăn cản hai miền bán đảo thống nhất, muốn duy trì hiện trạng hai miền càng lâu càng tốt.
Mọi bước đi hòa giải và hiệp thương đi tới thống nhất đất nước của Seoul và Bình Nhưỡng đều bất lợi đối với lợi ích chiến lược của Mỹ, Trung.
Nhà lãnh đạo Kim Jong Un từng tuyên bố: "Vũ khí hạt nhân là tài sản chung của cả dân tộc hai miền nam bắc Triều Tiền”, cho thấy nguyện vọng thống nhất đất nước, hòa giải dân tộc của cả hai miền là chính đáng, là hiện thực, nhưng đang bị bên ngoài can thiệp.
Vấn đề cốt lõi trên bị nước lớn làm ngơ, trong khi đó, họ lại tập trung vào vấn đề vũ khí hạt nhân của Triều Tiên, hơn nữa cả 5 nước lại chỉ tập trung mũi nhọn vào Triều Tiên, nên bị Triều Tiên tẩy chay là điều dễ hiểu. Quan hệ Trung - Triều bị xấu đi là điều khó tránh khỏi.
Dư luận các nước cho rằng Triều Tiên và Hàn Quốc là con bài của hai nước lớn để mặc cả với nhau, đối với Trung Quốc thì con bài này nặng ký hơn khi chơi với Mỹ.
Người Trung Quốc cho rằng Mỹ có nhiều con bài chơi với Trung Quốc, nhưng phía Trung Quốc thì có quá ít "vốn" để chơi lại, nên Trung Quốc không thể bỏ được "đồng minh xương máu" Triều Tiên.
Tờ Thời báo Hoàn Cầu của Trung Quốc cũng viết: "Từ bỏ Triều Tiên đồng nghĩa với việc Trung Quốc hai tay dâng tặng lợi ích chiến lược cho Mỹ - điều mà Mỹ rất mong muốn nhưng không thể thực hiện nổi trong suốt cuộc chiến tranh Triều Tiên”.
Diễn biến trên bán đảo Triều Tiên thời gian qua cũng như quan hệ của hai nước lớn là Trung Quốc và Mỹ đối với vấn đề bán đảo cho thấy, chưa có dấu hiệu nào để hai "ông lớn" có những biện pháp chính sách thực chất giải quyết vấn đề cốt lõi của di chứng bán đảo Triều Tiên do Chiến tranh Lạnh để lại.
Vì vậy tình hình bán đảo này vẫn rơi vào bế tắc, thậm chí có thể xấu đi trong năm tới khi Triều Tiên cũng như Hàn Quốc đang muốn thoát khỏi sự khống chế của Trung Quốc và Mỹ./.
Sau vụ ban nhạc Moranbong bỏ diễn ở Trung Quốc và về nước hôm 12/12, dư luận Trung Quốc cho rằng Triều Tiên hiện nay là nước rất khó hiểu, không còn nghe theo Bắc Kinh.
Vì vậy thời gian tới, Trung Quốc sẽ rất khó dự đoán được diễn biến quan hệ hai nước để định ra chính sách thích hợp, giảm bớt mức độ xấu đi đang ngày càng tăng lên. Cho dù quan hệ có xấu đi, nhưng Trung Quốc vẫn không thể từ bỏ Triều Tiên.
Trong “Tam quốc diễn nghĩa” hồi 72 có viết thế trận quân Tào và quân Lưu Bị giằng co ở Hán Trung, nên Tào Tháo mất ngủ vì lo lắng lương thực đã cạn, trời lại đổ mưa liên tiếp.
Trong khi suy tư, đầu bếp mang bát cháo gà lên, Tào Tháo nhìn thấy miếng gân gà trong bát cháo, liền lẩm bẩm nói “Kê gân”.
Vừa lúc đó quân lính lên xin mật khẩu trong đêm, nghe Tào Tháo nói vậy tưởng là mật khẩu đêm.
Dương Tu, một người rất giỏi chữ nghĩa nghe vậy, liền bảo tướng sĩ thu dọn đồ đạc rút lui. Mọi người hỏi vì sao, Dương Tu nói Chúa Công nói “Kê gân”, tức là miếng gân gà, ăn không được mà bỏ thì tiếc.
Tình hình bán đảo Triều Tiên thực sự là miếng “gân gà” đối với cả Trung Quốc và Mỹ.
Bởi lẽ, bán đảo Triều Tiên hiện nay có vị trí chiến lược và lợi ích rất lớn đối với hai nước ở khu vực Đông Bắc Á, thậm chí tới cả Khu vực Châu Á-Thái Bình Dương.
Cho dù Triều Tiên có chính sách cứng rắn, tìm cách thoát khỏi Trung Quốc, nhưng Bắc Kinh vẫn không thể từ bỏ.
Hàn Quốc sau khi làm ăn với Trung Quốc cũng không chịu nghe lời Mỹ, nhưng Mỹ cũng không thể bỏ.
Quan hệ Trung-Triều từ mật thiết tới rạn nứt
Quan hệ hai nước trước đây gắn bó mật thiết, vì Thế hệ lãnh đạo lão thành hai nước sát cánh, gắn bó, thân thiết bên nhau cùng chiến hào trong cuộc Chiến tranh chống Mỹ.
Bởi vậy, mối quan hệ nhà nước cũng là mối quan hệ giữa cá nhân, quan hệ chiến hữu giữa lãnh đạo lão thành cấp cao hai nước. Khi gặp phải vấn đề gây cấn hay mâu thuẫn nảy sinh, lãnh đạo hai bên đều có thể kiềm chế, dàn xếp và dễ đi tới thỏa thuận, nhân nhượng với nhau.
Vì thế, quan hệ cá nhân thân thiết giữa các bậc lãnh đạo lão thành như giữa lãnh tụ Triều Tiên Kim Nhật Thành với lãnh tụ Trung Quốc Mao Trạch Đông là nhân tố quan trọng ổn định quan hệ hai nước.
Nhưng sau khi các bậc tiền bối qua đời, tới các thế hệ lãnh đạo sau này thì quan hệ này nhạt dần, bởi lẽ họ không có mối quan hệ cá nhân gắn bó.
Ngoài ra, tình hình thế giới thay đổi, lợi ích theo đó của mỗi nước cũng thay đổi theo, nên sự bất đồng gay gắt nảy sinh là điều tất yếu, nhất là sự mâu thuẫn về lợi ích quốc gia giữa hai nước.
Cho dù thế hệ lãnh đạo đi trước có gắn bó với nhau, có thỏa thuận nhân nhượng nhau, nhưng mâu thuẫn và bất đồng hai nước vẫn nảy sinh, nhất là sau khi Trung Quốc thực hiện quốc sách cải cách mở cửa với thế giới bên ngoài, tăng cường quan hệ với Mỹ và Phương Tây.
Lợi ích giữa Trung Quốc với Mỹ, các nước Phương Tây cũng như với các nước đồng minh với Mỹ như Hàn Quốc ngày càng tăng lên, trong khi lợi ích giữa Trung Quốc với Triều Tiên giảm sút, nhất là khi ông Đặng Tiểu Bình thực hiện chính sách thực dụng thì mối quan hệ hai nước bắt đầu rạn nứt.
Năm 1981 khi Hàn Quốc giành quyền đăng cai tổ chức Thế vận hội Olympic tại Seoul vào năm 1988, Triều Tiên lo ngại uy tín và ảnh hưởng của Hàn Quốc với thế giới tăng lên, vì vậy đã đề nghị hai miền cùng hợp tác tổ chức Olympic.
Do kinh tế Triều Tiên đang gặp khó khăn, yếu kém nên ông Kim Nhật Thành phải có chuyến thăm Trung Quốc năm 1987 nhằm tìm kiếm viện trợ và sự giúp đỡ của Bắc Kinh về vấn đề này nhưng bị Đặng Tiểu BÌnh đã từ chối khéo.
Ông Đặng thoái thác rằng: “Tổ chức thế vận hội không phải là việc dẽ dàng, vì rất tốn kém, hơn nữa còn ván đề đảm bảo an ninh. Về thời gian thì quá muộn để hai bên hợp tác.”
Tháng 10/1991, Kim Nhật Thành thăm Trung Quốc lần cuối cùng chủ yếu xin viện trợ vì sau khi Liên Xô và Đông Âu sụp đổ, kinh tế Triều Tiên rất khó khăn, nhất là xăng dầu.
Khi đó Đặng Tiểu Bình đã 88 tuổi, nên không còn tiếp khách nước ngoài, nhưng vẫn “phá lệ” tiếpKim Nhật Thành. Lần này Đặng cũng... từ chối ông Kim.
Mâu thuẫn Bắc Kinh-Bình Nhưỡng bộc lộ rõ nét vào năm 1992 khi Trung Quốc lập quan hệ ngoại giao với Hàn Quốc.
Điều này cho thấy, lợi ích của mỗi nước đã thay đổi, nên cho dù mối quan hệ cá nhân của lãnh đạo tiền bối có gắn bó thân thiết nhưng mâu thuẫn bắt đầu nảy sinh. Khi các thế hệ sau lên nắm quyền thì quan hệ sẽ không còn mặn nồng như trước.
Quan hệ Trung-Triều còn tốt đẹp thời Mao Trạch Đông, Kim Nhật Thành
Thế hệ lãnh đạo thứ hai: Triều Tiên "lãnh đủ", quan hệ nhạt phai
Tháng 7/1994 khi lãnh tụ Kim Nhật Thành qua đời và con trai Kim Jong Il lên nắm quyền, mâu thuẫn Trung-Triều tăng lên khi nhất là việc Trung Quốc thuyết phục và muốn áp đặt mô thức cải cách của mình cho phía Triều Tiên.
Đáng lưu ý là cải cách giá lương tiền năm 2009 của Triều Tiên đã bị thất bại thảm hại, dẫn tới tình hình chính trị, xã hội mất ổn định, Trung Quốc phải viện trợ khẩn cấp tới 10 tỉ USD để ổn định lại tình hình các mặt.
Sau vụ này, Bình Nhưỡng đã tẩy chay mô thức cải cách Trung Quốc áp đặt cho Triều Tiên.
Do Trung Quốc vẫn là chỗ dựa chủ yếu về kinh tế, nên mâu thuẫn và bất đồng vẫn nằm trong vòng kiểm soát, không để bộc lộ và gay gắt.
Kể từ năm 2000 tới khi qua đời, ông Kim Jong Il đã 7 lần thăm Trung Quốc để củng cố quan hệ hai nước và xin viện trợ kinh tế.
Trong chuyến thăm cuối cùng từ 20/5-26/5/2011, ông đã đã đưa ra ba yêu cầu đối với Trung Quốc, như Bắc Kinh ủng hộ Triều Tiên nhanh chóng hòa hoãn cải thiện quan hệ với Mỹ, gạt bỏ bất đồng về đường lối chính trị giữa hai nước và yêu cầu Trung Quốc giúp đỡ "Người thừa kế" sau này.
Về vấn đề người thừa kế của dòng họ Kim ở Triều Tiên, việc ông Kim Jong Un lên nắm quyền từ tháng 12/2011 được cho là diễn biến bất ngờ đối với các nhà cầm quyền ở Bắc Kinh. Dư luận thế giới cho rằng đây là cú sốc đối với Trung Quốc, nước hậu thuẫn chủ yếu từ trước tới nay.
Ông Kim Jong Un (đi đầu bên phải xe tang) tại lễ quốc tang lãnh đạo Kim Jong Il.
Những cuộc thanh trừng bởi rạn nứt gay gắt từ thế hệ lãnh đạo thứ ba Triều Tiên
Trước khi qua đời, ông Kim Jong Il căn dặn Kim Jong Un rằng “Cuộc sống của Người lãnh đạo sẽ rất gian khổ, khó khăn sau này con sẽ trải nghiệm điều này”.
Kể từ khi lên nắm quyền thay cha vào tháng 12/2011, Kim Jong Un đã thực hiện một loạt biện pháp chính sách chứng tỏ Triều Tiên muốn thoát khỏi sự kiểm soát và thao túng của Trung Quốc.
Trước tiên thay đổi và thanh trừng một loạt tướng lĩnh lão thành cấp cao có quan hệ mật thiết với Trung Quốc.
Kể từ khi lên nắm quyền tới tháng 10/2013, Kim Jong Un đã điều chỉnh lại 40% nhân sự trong đảng tức 97 người, trong đó chủ yếu là tướng lĩnh lão thành có quan hệ gắn bó với Trung Quốc.
Người đầu tiên bị giết là Phó Nguyên soái Kim Jong Gak, 72 tuổi (tháng 2/2012), nguyên là Ủy viên Bộ chính trị, Phó Chủ tịch Quân ủy trung ương, Bộ trưởng Bộ lực lượng vũ trang.
Tiếp đó là Thượng tướng U Dong Chuk,71 tuổi (tháng 4/2012) Ủy viên Quốc phòng, Thứ trưởng Thứ nhất Bộ an ninh quốc gia.
Cùng thời gian trên, Kim Yong Chun, 77 tuổi, Ủy viên Bộ chính trị, Ủy viên Quân ủy trung ương, Phó Chủ tịch Hội đồng quốc phòng, Bộ trưởng Bộ lực lượng vũ trang cũng "biến mất".
Trong “nhóm 3 người” có quyền lực mạnh nhất, thân Trung Quốc ở Triều Tiên giai đoạn 2012-2013, Phó Nguyên soái Ri Yong Ho, 71 tuổi Tổng tham mưu trưởng bị giết tháng 7/2012 và Jang Song Thaek, Phó Chủ tịch Quân ủy trung ương, Bộ trưởng Bộ hành chính vào tháng 12/2013.
Trong nhóm 3 người này, đáng lưu ý là Jang Song Thaek (67 tuổi), một nhân vật số 2 của đảng Lao động sau Kim Jong Un, người chủ chốt đưa ông Kim lên nắm quyền.
Về quan hệ gia đình, ông là chồng của bà cô ruột Kim Jong Un, là đại diện của “Phái thân Trung Quốc”. Ông bị Bình Nhưỡng thanh trừng mà không thông báo cho phía Trung Quốc biết.
Còn lại nhân vật thứ ba của "bộ 3 quyền lực" là Choe Ryong Hae, được ông Kim Jong Un giữ lại và tin cậy. Ông Choe hiện đóng vai trò quan trọng như sợi dây liên kết quan hệ Trung-Triều.
Cùng với việc thanh trừng, Kim Jong Un đã đề bạt thêm 27 người là thân tín của mình, đồng thời tiến hành kiểm soát, giám sát chặt chẽ đối với người Hoa ở Triều Tiên.
Thậm chí, có thông tin tới nay khoảng 100 gia đình Hoa Kiều ở Triều Tiên bị bắt hoặc bị quản chế. Tuy nhiên, cả Bắc Kinh và Bình Nhưỡng đều phủ nhận điều này.
Vụ thanh trừng "quyền lực số 2" Triều Tiên Jang Song Thaek là một đòn đánh của Kim Jong Un nhằm vào phái thân Trung Quốc ở nước này.
Kể từ giữa năm 2013, Triều Tiên cũng phản ứng mạnh mẽ như bắn tên lửa, bắn pháo khu phi quân sự giữa hai miền mỗi khi Trung Quốc tăng cường quan hệ với Hàn Quốc, hoặc lãnh đạo hai nước Trung-Mỹ gặp gỡ nhau, điển hình một số vụ như:
Khi Trung Quốc thông báo Chủ tịch Tập Cận Bình bỏ qua “chiến hữu” Triều Tiên thăm Hàn Quốc hai ngày (từ 3/7 tới 4/7/2014), ngày 29/6/2014, Triều Tiên đã bắn tên lửa sang Hàn Quốc cảnh cáo hai nước.
Ngày 20/8/2015, khi Hàn Quốc thông báo Tổng thống Park Geun Hye sẽ thăm Trung Quốc và dự Lễ duyệt binh ngày 3/9/2015 tại Quảng trường Thiên An Môn thì ngay chiều 20/8, Triều Tiên bắn pháo, dẫn tới cuộc đấu pháo nghiêm trọng nhất giữa hai bên trong 5 năm qua.
Ngày 3/9/2015 Đoàn đại biểu Triều Tiên do ông Choe Ryong Hae dẫn đầu đã bỏ về ngay sau lễ duyệt binh, khi phía Trung Quốc đón tiếp thịnh tình đối với bà Park Geun Hye sang dự Lễ duyệt binh trong khi lạnh nhạt với Triều Tiên.
Bộ ngoại giao Trung Quốc chính thức thông báo chuyến thăm Mỹ của Chủ tịch Tập Cận Bình ngày 16/9/2015 thì Triều Tiên đã tuyên bố tái khởi động Nhà máy hạt nhân Yongbyon vào hôm 15/9.
Cùng với việc khởi động lại nhà máy này, Triều Tiên còn tuyên bố nhân kỉ niệm 70 năm ngày thành lập đảng Lao Động Triều Tiên 10/10/2015, sẽ tổ chức Lễ duyệt binh lớn với quy mô tới 30.000 binh sĩ tham gia để chứng tỏ rằng họ không còn nghe theo "cái gậy chỉ huy của Trung Quốc" như trước đây.
Ngày 21/8/2015 khi Trung Quốc phê phán việc Triều Tiên khởi động lại nhà máy hạt nhân, thì ngay trong chương trình thời sự đêm hôm đó, Đài truyền hình trung ương Triều Tiên đã phát bản tin của Bộ Ngoại giao cảnh cáo Trung Quốc “hãy im mồm” và nói: “Hơn 10 năm qua chúng ta đã kiềm chế.
Còn giờ đây kẻ nào vẫn còn nhắc lại luận điệu cũ rích kiềm chế thì chẳng có lợi gì cho cục diện trên bán đảo này”.
Nhân Quốc khánh 67 năm của Triều Tiên (9/9/2015), lãnh đạo Trung Quốc gửi điện chúc mừng ngày 8/9/2015, các nước khác cũng gửi điện mừng, trong đó Nga và Cuba.
Điện mừng của hai nước Nga và Cuba được đăng trang trọng ngay trên đầu trang nhất của tờ Rodong Sinmun - cơ quan phát ngôn của đảng Lao Động Triều Tiên.
Trong khi đó, điện mừng của lãnh đạo Trung Quốc chỉ đăng nhỏ ở cuối trang 2. Điều này chứng tỏ Triều Tiên không coi trọng Trung Quốc như trước đây.
Kể từ khi Kim Jong Un lên nắm quyền lãnh đạo Triều Tiên năm 2011 và Tập Cận Bình trở thành lãnh đạo Trung Quốc từ cuối năm 2012 tới nay, nguyên thủ quốc gia hai nước chưa hề có cuộc gặp mặt hoặc thăm lẫn nhau. Đây là điều không bình thường trong quan hệ hai nước láng giềng Trung-Triều.
Trung Quốc từ phản ứng gay gắt với Bình Nhưỡng...
Khi Triều Tiền áp dụng những chính sách cứng rắn, phía Trung Quốc đã phản ứng gay gắt, như lên tiếng cảnh cáo, đe dọa trút bỏ “chiếc ba lô Triều Tiên”.
Ngày 7/4/2013 phát biểu tại “Diễn đàn Châu Á Bác Ngao”, Chủ tịch Tập Cận Bình đã cảnh cáo mạnh mẽ Triều Tiên "làm náo loạn cả khu vực và thế giới", đồng thời đe dọa sẽ áp dụng biện pháp mạnh mẽ, nhất là trừng phạt kinh tế.
Từ đó dư luận trong các giới Trung Quốc, nhất là phái diều hâu cứng rắn lên tiếng “trút bỏ gánh nặng ba lô Triều Tiên” đè nặng suốt 60 năm qua đối với Trung Quốc.
Ngày 2/4/2013 ông Đặng Duật Văn, Phó Tổng biên tập tờ Thời báo Học tập của Trường đảng Trung Quốc nói thẳng thừng Bắc Kinh không nên đeo đuổi mà phải từ bỏ Triều Tiên.
Báo chí Trung Quốc ngày 9/4//2013 dẫn phát biểu của một số cựu chiến binh tham gia Chiến tranh Triều Tiên cho rằng “Tình hữu nghị bằng máu kề vai sát cánh chung một chiến hào trước đây giờ không còn quan trọng nữa. Kẻ nào cố ý làm tổn hại lợi ích của Trung Quốc, cần phải trừng phạt tới cùng”.
Thời báo Hoàn Cầu của Trung Quốc ngày 3/4/2013 cũng cho rằng nước này không nên để Triều Tiên dắt mũi nếu không sẽ là nạn nhân của hành động phiêu lưu mạo hiểm.
Hoàn Cầu cũng kêu gọi chính phủ Trung Quốc áp dụng biện pháp cứng rắn trừng phạt và gây sức ép, cắt giảm đáng kể viện trợ kinh tế đối với Bình Nhưỡng.
Về chính thức, từ ngày 24/7/2013, Trung Quốc đã bỏ cụm từ “Chống Mỹ viện Triều” thay vào đó là cụm từ “Chiến Tranh Triều Tiên”, đồng thời không sử dụng những cụm từ như “quan hệ đồng minh máu thịt”, “quan hệ chiến hữu cùng chiến hào” nữa.
Mỹ, Nhật chen chân vào bán đảo Triều Tiên
Trong khi Trung Quốc phản ứng gay gắt, thì phía Mỹ và đồng minh cũng có những “chuyển động ngoại giao” đáng lưu ý.
Kể từ khi Tổng thống Barack Obama lên nắm quyền năm 2009, quan chức chính phủ hai nước Mỹ và Triều Tiên đã 4 lần tiến hành gặp gỡ và đàm phán trực tiếp. Mỹ cũng bày tỏ đang để ngỏ cánh cửa cải thiện quan hệ với Bình Nhưỡng.
Trung tuần tháng 5/2013, Triều Tiên đã mời Cố vấn Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe tới thăm để thảo luận và cải thiện quan hệ Nhật-Triều.
Những chuyển động ngoại giao hết sức tế nhị cho thấy phía Triều Tiên muốn “phá rào” để đối thoại trực tiếp với Mỹ và Nhật Bản. Điều này làm đảo lộn chiến lược của Trung Quốc ở Đông Bắc Á.
9/2002: Thủ tướng Nhật Bản Junichiro Koizumi (trái) trở thành nguyên thủ đầu tiên của nước này tới thăm Triều Tiên. Trong cuộc gặp với ông Koizumi, ông Kim Jong Il đã xin lỗi vì những vụ bắt cóc công dân Nhật Bản vào những năm 1970 và 1980.
... đến làm lành vì không thể "già néo đứt dây"
Những trạng thái chuyển động ngoại giao tế nhị trên, buộc Trung Quốc bắt đầu chuyển sang biện pháp xuống thang hòa dịu làm lành với Triều Tiên.
Bởi lẽ, Triều Tiên có vai trò địa chiến lược rất quan trọng đối với Khu vực Đông Bắc Á và với Trung Quốc, Trung Quốc không thể từ bỏ, nên ông Tập Cận Bình đã tiến hành điều chỉnh lại quan hệ với Triều Tiên.
Một là, yêu cầu Mỹ và các bên liên quan không gây sức ép. Ngày 25/9/2015 khi Tổng thống Obama đề nghị Trung Quốc cùng phối hợp có biện pháp đối với Triều Tiên, Tập Cận Bình nói ngay: “Hiện nay tình hình bán đảo Triều Tiên hiện phức tạp và nhạy cảm, các bên không thể khiêu khích, chọc tức Triều Tiên”.
Ông Tập đề nghị các nước liên quan tới bán đảo Triều Tiên như Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc thời gian tới đều phải đặt việc cải thiện quan hệ với Triều Tiên vào vị trí quan trọng hơn.
Hai là, Trung Quốc đã chủ động cử Lưu Vân Sơn, Ủy viên thường vụ Bộ chính trị, Bí thư trung ương sang thăm vào tháng 10/2015 nhân kỉ niệm 70 năm ngày thành lập đảng Lao Động Triều Tiên, chuyển thư của Tập Cận Bình gửi Kim Jong Un về cải thiện quan hệ hai nước.
Ba là, ngày 25/11/2015, bổ nhiệm Tống Đào đảm nhiệm chức Trưởng ban đối ngoại trung ương thay Vương Gia Thụy để cải thiện quan hệ Trung-Triều.
Bốn là, kiến nghị phía Triều Tiên đưa Moranbong, ban nhạc nữ nổi tiếng do chính Kim Jong Un tuyển chọn, sang biểu diễn tại Bắc Kinh để làm dịu bầu không khí hai nước.
Nhưng tất cả biện pháp này vẫn chưa có hiệu quả, mà căng thẳng nhất là vụ Moranbong bỏ về nước chiều chiều 12/12/2015, chỉ vài giờ trước chương trình biểu diễn.
Trong khi quan hệ Trung - Triều trục trặc thì quan hệ Mỹ - Hàn Quốc cũng nảy sinh mâu thuẫn, nhất là chính sách tự chủ của Hàn Quốc trong việc tăng cường quan hệ với Trung Quốc, ra sức tìm những bước đi cải thiện quan hệ liên Triều, bất lợi cho Mỹ.
Bắc Kinh cử Lưu Vân Sơn (trái) tới dự lễ duyệt binh 10/10/2015 của Triều Tiên như một động thái vãn hồi quan hệ.
Bán đảo Triều Tiên là miếng “gân gà” mà Trung Quốc và Mỹ không thể từ bỏ
Vừa qua, cũng chính Thời báo Hoàn Cầu lại cho rằng Trung Quốc không thể từ bỏ Triều Tiên.
Tờ báo đã phê phán quan điểm và chủ trương "từ bỏ Triều Tiên" ở Trung Quốc với lý do Triều Tiên đã mất vai trò lá chắn chiến lược đối với Trung Quốc.
Nhưng tờ này cho rằng Mỹ không những không rút quân khỏi Hàn Quốc và Nhật Bản, mà còn không ngừng tăng cường sự hiện diện quân sự tại hai quốc gia này. Bởi vậy lý do này không hợp logic.
Hoàn Cầu cho rằng mặc dù giữa Trung Quốc và Triều Tiên tồn tại quá nhiều mâu thuẫn, xung đột và bất đồng, có thời điểm Triều Tiên ngang ngược, không “vâng lời” Trung Quốc trong các vấn đề quốc tế, nhưng đó chỉ mang tính chất biểu hiện bề nổi.
Quan hệ hữu nghị Trung - Triều là điều cần thiết đối với cả hai phía, chứ không chỉ riêng Trung Quốc. Trung Quốc và Triều Tiên vẫn nhất trí về lợi ích cốt lõi trên bình diện địa - chính trị.
Hoàn Cầu phân tích, nếu từ bỏ Triều Tiên thì Trung Quốc sẽ đẩy Bình Nhưỡng đến ngõ cụt và buộc phải "tử chiến đến cùng", dẫn đến chiến tranh bùng phát trở lại trên bán đảo liên Triều.
"Từ bỏ Triều Tiên" đồng nghĩa với việc Trung Quốc hai tay dâng tặng "lợi ích chiến lược" cho Mỹ -điều mà Mỹ rất mong muốn nhưng không thể thực hiện nổi trong suốt cuộc Chiến tranh Triều Tiên.
Bán đảo Triều Tiên là miếng “gân gà” đối với cả hai nước lớn Trung Quốc và Mỹ, nhất là đối với Trung Quốc hiện đang bất lợi hơn so với Mỹ trong Khu vực Đông Bắc Á.
Chính vì vậy, có thể dự đoán rằng cả hai nước lớn Trung Quốc và Mỹ sẽ có bước xuống thang hòa dịu hơn đối với Triều Tiền cũng như Hàn Quốc thời gian tới./.
http://soha.vn/quoc-te/trieu-tien-vi-sao-giac-mong-thoat-trung-mai-khong-thanh-20151227191823476.htm
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét