Thứ Sáu, 8 tháng 1, 2016

Chuyên gia Úc: Sức mạnh Hải quân VN đột phá với tàu ngầm Kilo

Theo GS Carl Thayer, sự kiện tiếp nhận 4 trong số 6 tàu ngầm Kilo mua từ Nga đã đánh dấu một cột mốc quan trọng trên chặng đường xây dựng và phát triển năng lực quốc phòng của VN.

Năm 2015 đánh dấu bước tiến mới của quân đội Việt Nam trên con đường xây dựng lực lượng chính quy, tinh nhuệ, từng bước tiến lên hiện đại để bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ Tổ quốc.
Đánh giá về sự kiện quân sự - quốc phòng nổi bật nhất của Việt Nam trong năm 2015, ông Carl Thayer – giáo sư danh dự trường Đại học New South Wales thuộc Học viện Quốc phòng Australia, cho rằng đó là sự kiện Việt Nam tiếp nhận tàu ngầm Kilo thứ 3 và thứ 4 từ Nga.

Lễ thượng cờ 2 tàu ngầm 184-Hải Phòng và 185-Khánh Hòa. Ảnh: Tuổi Trẻ.
Lễ thượng cờ 2 tàu ngầm 184-Hải Phòng và 185-Khánh Hòa. Ảnh: Tuổi Trẻ.
Trả lời phỏng vấn của chúng tôi, ông Thayer nhận định:
Việc tiếp nhận các tàu ngầm thứ 3 và thứ 4 lớp Varshavyanka (lớp Kilo cải tiến) đánh dấu lần đầu tiên Quân đội Việt Nam đủ khả năng tác chiến không gian đa chiều – trên bộ, trên không, trên mặt biển và dưới lòng biển.
Bên cạnh đó, nó cho thấy Việt Nam có thể tiếp thu các công nghệ hiện đại nhất trên thế giới.
Các tàu ngầm Kilo sẽ trở thành công cụ răn đe mạnh mẽ trước bất cứ quốc gia nào nhăm nhe dùng vũ lực với Việt Nam.
Những con tàu này cũng cho thấy chiến lược quốc phòng của Việt Nam đã bước sang một kỷ nguyên mới, trong đó, các lực lượng vũ trang được trang bị đầy đủ để bảo vệ chủ quyền biển đảo đất nước”.
Giáo sư Thayer đánh ra rất cao sức mạnh của các tàu ngầm Kilo Việt Nam. Sau khi trả lời phỏng vấn, ông đã gửi cho chúng tôi một tài liệu nghiên cứu, đề cập nhiều điểm mạnh của loại vũ khí này.
Theo đó, tàu ngầm lớp Kilo được Hải quân Mỹ ví von là “Hố đen đại dương” bởi chúng là một trong những loại tàu ngầm diesel-điện êm ái nhất trên thế giới.
Các tàu ngầm lớp Kilo được thiết kế để chống tàu ngầm, chống tàu mặt nước, tuần tra, trinh sát, bảo vệ các căn cứ hải quân và bờ biển. Chúng có thể hoạt động tại những vùng nước tương đối nông.
Kilo được trang bị 6 ống phóng ngư lôi 533mm, có thể phóng được cả tên lửa và/hoặc rải mìn. Tàu có thể mang theo 18 ngư lôi hoặc 24 quả thủy lôi. Có 2 ống phóng lôi được thiết kế để bắn các ngư lôi điều khiển từ xa với độ chính xác cao.
Tàu ngầm của Việt Nam được cho là sẽ trang bị các ngư lôi hạng nặng mới như 53-65 hoặc TEST 76. Tàu có thể mang 4 tên lửa hoặc nhiều hơn.
Theo vị giáo sư người Úc, vào tháng 5/2015, có thông tin Việt nam đã tiếp nhận 28 trong số 50 tên lửa hành trình mua từ Nga, trong đó có phiên bản tên lửa tấn công mặt đất 3M-14E Klub (tầm bắn 300km).
Tàu ngầm lớp Kilo còn được trang bị hệ thống phòng không Strela-3.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trên đài chỉ huy tàu ngầm Kilo 636 HQ-183 TP Hồ Chí Minh sau khi cờ Tổ quốc được kéo lên, tung bay. Ảnh: Tuổi Trẻ
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trên đài chỉ huy tàu ngầm Kilo 636 HQ-183 TP Hồ Chí Minh sau khi cờ Tổ quốc được kéo lên, tung bay. Ảnh: Tuổi Trẻ
Giáo sư Thayer cho biết, từ khi Việt Nam tiếp nhận chiếc Kilo đầu tiên, giới phân tích đã đưa ra nhiều đánh giá khác nhau về tốc độ tiếp thu công nghệ vũ khí mới và thiết lập lực lượng răn đe đáng tin cậy của Việt Nam trước các mối đe dọa.
Ông dẫn lại nhận định của cựu Đô đốc James Goldrick (Hải quân Hoàng gia Australia): “Việt Nam đang phấn đấu làm được điều mà không lực lượng hải quân nào trong thời gian gần đây làm được, cả trên phương diện quy mô lẫn thời gian”.
TƯ LỆNH QUÂN CHỦNG HẢI QUÂN
CHUẨN ĐÔ ĐỐC PHẠM HOÀI NAM
Việc xây dựng và phát triển các lực lượng bảo vệ biển nói chung, lực lượng tàu ngầm hiện đại của Hải quân Việt Nam nói riêng là việc làm bình thường của quốc gia có biển, không phải là chạy đua vũ trang, không phải để răn đe các nước trong khu vực, mà để bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo, thềm lục địa Tổ quốc trong mọi tình huống.
Trong bản nghiên cứu, ông Thayer cũng một lần nữa nhấn mạnh rằng, việc tiếp nhận 4 trong số 6 chiếc tàu ngầm lớp Kilo mua từ Nga đã đánh dấu một cột mốc quan trọng trên chặng đường xây dựng và phát triển năng lực quốc phòng của Việt Nam.
Giờ đây, Việt Nam đã vươn lên, trở thành một trong số ít các quốc gia Đông Nam Á có tàu ngầm (các nước còn lại là Indonesia, Malaysia và Singapore).
Theo ông Thayer, vào năm 2017, khi nhận đủ 6 tàu ngầm, Việt Nam sẽ được tăng cường đáng kể năng lực chống tiếp cận/chống xâm nhập, đủ sức đẩy lùi bất cứ lực lượng nào tìm cách xâm phạm chủ quyền.
Chia tay 3 sĩ quan Việt Nam lên đường làm nhiệm vụ tại Phái bộ Gìn giữ Hòa bình Liên hợp quốc, tháng 4/2015. Ảnh: TTXVN
Chia tay 3 sĩ quan Việt Nam lên đường làm nhiệm vụ tại Phái bộ Gìn giữ Hòa bình Liên hợp quốc, tháng 4/2015. Ảnh: TTXVN
Theo ông Thayer, một sự kiện đáng chú ý khác của Việt Nam trong năm 2015 là việc đẩy mạnh tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên Hiệp Quốc.
Từ lâu Việt Nam đã muốn có cơ hội đóng góp sức mình cho hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên Hiệp Quốc.
Việc cắt cử 2 sĩ quan tới Nam Sudan trong năm 2014 đã đánh dấu lần đầu tiên Việt Nam tham gia vào hoạt động gìn giữ hòa bình.
Điều này cho thấy rõ cam kết của Việt Nam là đóng góp tích cực vào tiến trình hòa bình và an ninh quốc tế.
Qua hoạt động này, Việt Nam sẽ có cơ hội tích lũy kinh nghiệm hoạt động cùng với các lực lượng quân sự trên khắp thế giới.
Bên cạnh đó, sự chuyên nghiệp của các sĩ quan được cử đi sẽ giúp Việt Nam nâng cao uy tín và được cộng đồng quốc tế đánh giá cao" - ông Thayer nhận định.
Trong năm 2015, Trung tâm Gìn giữ hòa bình Việt Nam đã giao nhiệm vụ cho 3 sĩ quan tiếp theo đi làm nhiệm vụ tại Phái bộ Gìn giữ hòa bình Liên Hợp Quốc ở Cộng hòa Trung Phi.
Dự kiến đến tháng 6/2016, Trung tâm Gìn giữ hòa bình Việt Nam sẽ hoàn thành kế hoạch huấn luyện tiền triển khai đối với Bệnh viện dã chiến cấp 2 và Đội công binh gìn giữ hòa bình để có thể nhanh chóng triển khai.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét