Thứ Năm, 12 tháng 6, 2014

Vài suy nghĩ về dự án xây dựng lò phản ứng nghiên cứu mới



Lò phản ứng hạt nhân Đà Lạt
Theo IAEA, ngày nay việc xây dựng một trung tâm nghiên cứu hạt nhân mới với lò phản ứng công suất 15-20 MW không trực tiếp phục vụ cho chương trình phát triển điện hạt nhân. Vì vậy việc chúng ta cần suy nghĩ cẩn trọng về việc có nên triển khai dự án xây dựng lò phản ứng nghiên cứu mới 15-20 MW không? Chọn đối tác ra sao, và đặt ở đâu để phát huy hết khả năng của nó.

Lò phản ứng nghiên cứu ở Đà Lạt hiện nay có mấy ứng dụng quan trọng: Đào tạo nguồn nhân lực, nghiên cứu cơ bản, sản xuất đồng vị phóng xạ, chuyển hoá vật liệu, chụp ảnh neutron, các nghiên cứu trên chùm neutron, thử vật liệu.

Về đào tạo nguồn nhân lực, một lò phản ứng nghiên cứu công suất lớn hơn cũng không hẳn có nhiều ưu thế gì hơn so với một lò công suất nhỏ như hiện có.

Về sản xuất dược chất phóng xạ, một lò phản ứng nghiên cứu công suất lớn sẽ sản xuất được nhiều hơn lò công suất nhỏ cả về chủng loại lẫn sản lượng chất phóng xạ. Tuy nhiên, một thị trường tiêu thụ đồng vị phóng xạ nhỏ bé, chỉ khoảng mấy trăm Ci một năm như Việt Nam thì một lò phản ứng 15-20 MW sẽ quá dư thừa. Có thể tất cả các nước Asean chỉ cần một lò phản ứng như vậy là quá đủ.

Trước mắt Việt Nam chưa thật cần một lò phản ứng nghiên cứu công suất lớn, đặc biệt là khi mà nền kinh tế còn nhiều khó khăn.
Về thực hiện các nghiên cứu trên chùm neutron thì một lò công suất lớn có ưu thế hơn hẳn một lò công suất nhỏ. Tuy nhiên, thực tế nền khoa học công nghệ Việt Nam còn quá thấp để tận dụng khả năng này trong một tương lai gần. Còn thử vật liệu thì chỉ phù hợp với một nước có nền khoa học công nghệ, công nghiệp vật liệu phát triển.

Như vậy, trước mắt Việt Nam chưa thật cần một lò phản ứng nghiên cứu công suất lớn, đặc biệt là khi mà nền kinh tế còn nhiều khó khăn.

Tuy nhiên, do lò phản ứng ở Đà Lạt đã có thời gian vận hành rất dài (thuộc loại lão làng của thế giới) nên cũng cần phải nghĩ đến một phương án thay thế để duy trì nguồn lực về công nghệ hạt nhân, đặc biệt là khi Việt Nam thật sự muốn có điện hạt nhân.

Lò phản ứng công suất nào thì hợp lý?

Một điều cần khẳng định là một lò phản ứng công suất lớn sẽ làm được nhiều việc hơn lò công suất nhỏ nhưng có những ứng dụng mà lò công suất lớn không thay thế được lò công suất nhỏ. Trong khi đó, một lò phản ứng công suất lớn giá tiền sẽ rất cao (chẳng hạn, một lò phản ứng công suất 15-20 MW giá khoảng trên 300 triệu USD trong khi loại dưới 2 MW chỉ khoảng 50 triệu USD) nên phải tuỳ vào mức độ sử dụng mà có lựa chọn hợp lý. Ngoài ra, chi phí vận hành một lò phản ứng công suất cao sẽ rất lớn. Hãy hình dung nhiên liệu nạp cho vùng hoạt lò phản ứng hạt nhân Đà Lạt hiện có giá khoảng 5 triệu USD, “chạy” được trên 10 năm trong khi một lò phản ứng công suất 15-20 MW sẽ “đốt” hết một lượng như vậy chỉ trong một năm.

Như đã nói ở phần trên, lò phản ứng ở Việt Nam hiện nay và trong một tương lai khoảng vài chục năm tới chủ yếu chỉ dùng cho mục đích đào tạo, công tác nghiên cứu, sản xuất chỉ ở mức rất hạn chế. Vì thế một lò phản ứng công suất dưới 2 MW là phù hợp, rẻ tiền và an toàn hơn. 

Nếu xây dựng một lò phản ứng công suất cao (khoảng 15-20 MW) thì buộc phải nghĩ đến khả năng triển khai các dịch vụ để thu tiền, trang trải một phần chi phí vận hành. Hiện nay, dịch vụ chiếu xạ đơn tinh thể Si-lic (silicon doping) là có thể thu được một lượng tiền đáng kể. Ví dụ trường hợp lò phản ứng Hanaro của Hàn quốc với hai hốc chiếu silicon có thể thu về trên 5 triệu USD mỗi năm. Một thiết kế lò phản ứng mới với khoảng 5 hốc chiếu si-lic chất lượng tốt có khả năng cạnh tranh hoàn toàn có thể trang trãi được chi phí vận hành. Nhưng khả năng cạnh tranh trên thị trường này không phụ thuộc nhiều vào công suất lò mà chủ yếu là các đặc tính khác (chẳng hạn vành phản xạ nước nặng thì tốt hơn vành graphite, vành graphite thì tốt hơn berylli, vành berylli thì tốt hơn phản xạ nước thường). Trong thế giới cạnh tranh khốc liệt, nếu chúng ta không có ưu thế hơn (chất lượng, giá cả) thì khó mà giành được các hợp đồng chiếu đơn tinh thể si-lic.

Hợp tác với nước nào?

Hiện tại chúng ta đang bàn về dự án này với đối tác mặc định là Nga, không hiểu vì lý do gì. Ở đây chỉ bàn về ưu nhược điểm khi làm với Nga hay một nước khác thuần tuý về mặt chuyên môn.
Khi thực hiện một dự án lớn về khoa học công nghệ như một lò phản ứng nghiên cứu, lãnh đạo các cấp chắc phải mong muốn có một đội ngũ chuyên môn mạnh, quản lý vận hành an toàn, khai thác hiệu quả, ít rủi ro do lệ thuộc. Muốn vậy ngay sau khi hoàn tất dự án đưa lò vào vận hành thì những người làm chuyên môn của chúng ta phải cần tham gia vào các công đoạn từ thiết kế, thẩm định, xây dựng. Nhưng do không có quan điểm cởi mở nên đối tác Nga luôn từ chối điều này, họ chỉ muốn “chìa khoá trao tay”. Liên hệ đến việc Hàn quốc nhập công nghệ (lò Hanaro) từ Canada. Trong dự án này, các nhà khoa học Hàn quốc đã tham gia tất cả các công đoạn và họ đã hình thành một đội ngũ chuyên môn sâu với trình độ rất cao, hiện đã có thể tham gia thiết kế xuất khẩu lò phản ứng hạt nhân. Còn chúng ta, cách đây vài chục năm khi người Nga bàn giao lò phản ứng Đà Lạt, họ chỉ đào tạo cho chúng ta một ê-kíp vận hành. Phải mất nhiều năm sau, bằng những kênh hợp tác khác, bằng các chương trình tính toán nhận được từ các nước khác, chúng ta mới hình thành được một độ ngũ có chất lượng để đáp ứng những nhiệm vụ trong thời gian qua.

Mặt khác, muốn quản lý lò phản ứng bài bản khoa học thì không thể chỉ chờ đợi từ Nga, bởi cách tổ chức quản lý một cơ sở hạt nhân khoa học đến từ những nước như Mỹ, Pháp, Anh, Đức,…Trong lĩnh vực này, chính người Nga cũng đang cần phải học hỏi nhiều.

Những lần gặp gỡ, thảo luận trong những năm gần đây giữa hai phía cho thấy Nga chỉ muốn bán cho chúng ta một thiết bị na ná thế hệ những năm 70’ (thế kỷ trước) của họ chứ không định thiết kế theo mong muốn của chúng ta với những công nghệ cập nhật.
Hiệu quả của một lò phản ứng ngoài việc lựa chọn công suất phù hợp còn phụ thuộc vào các đặc tính khác của lò phản ứng. Mà muốn có được đặc trưng phù hợp, nhà cung cấp phải thiết kế theo ý muốn của bên sử dụng. Việc này với người Nga là rất khó. Những lần gặp gỡ, thảo luận trong những năm gần đây giữa hai phía cho thấy Nga chỉ muốn bán cho chúng ta một thiết bị na ná thế hệ những năm 70’ (thế kỷ trước) của họ chứ không định thiết kế theo mong muốn của chúng ta với những công nghệ cập nhật. Ví dụ về chiếu xạ tinh thể si-lic, một lò phản ứng với vành phản xạ berylli như Nga đề nghị sẽ thiếu khả năng cạnh tranh vì chất lượng (độ đồng nhất về trở kháng sau khi chiếu) kém hơn, đó là chưa kể đến việc dòng neutron “tắt” khá nhanh trong môi trường này nên có thể cần thời gian dài hơn để có cùng một kết quả so với nước nặng nên hiệu quả cũng bị giảm. Liên hệ dự án lò Opal của Australia mà đối tác là Argentina, trong đó người Úc đã đưa ra bài toán của họ, các hãng tham gia đấu thầu. 

Chọn Nga làm đối tác chắc chắn sẽ lệ thuộc về nhiên liệu vì sản phẩm của họ không giống ai cả. Khi đã lệ thuộc chỉ vào một nhà cung cấp thì giá cả sẽ do bên bán quyết định. Các nước khác thường hướng đến một số chuẩn, kiểu dáng nhiên liệu giống nhau nên dễ dàng chọn nhà cung cấp nhiên liệu thay thế khi cần thiết. Như lò Opal của Australia chẳng hạn, khi nhiên liệu của hãng Invap (Argentina) không ổn, họ đã mua nhiên liệu của Cerca (Pháp) thay thế.

Địa điểm xây dựng lò phản ứng mới?

Không hiểu tại sao chế độ cũ lại chọn xây lò phản ứng tại Đà Lạt, nơi không có công nghiệp và chỉ có một trường đại học nhưng về quản trị kinh doanh. Có lẽ thời đó người ta xây lò với tính biểu tượng, trang sức nhiều hơn nên mới chọn Đà Lạt. Cũng không hiểu lắm về mức độ người ta đã khai thác lò phản ứng này thời đó ra sao. Nhưng sau khi hoàn thành khôi phục và đưa vào vận hành trở lại từ năm 1984, vị trí này (Đà Lạt) đã cho thấy nhiều bất lợi.

Đầu tiên là khả năng thu hút nhân lực. Mới đầu trong quá trình thực hiện khôi phục lò phản ứng, rất nhiều người từ Hà nội vào, Sài gòn lên,…với một lực lượng chuyên môn rất hùng hậu. Mặc dù kinh nghiệm về lò phản ứng còn hạn chế, nhưng những cán bộ giảng dạy, nghiên cứu vật lý hạt nhân giỏi từ nhiều nơi đổ về đã khoả lấp phần nào sự thiếu hụt này. Tuy nhiên chỉ một thời gian sau khi đưa lò phản ứng vào hoạt động, hầu hết những người Hà nội, Sài gòn và nhiều người giỏi giang khác đã rời Đà Lạt, những người “bám trụ” lại chủ yếu là từ các tỉnh miền trung nghèo khó.

Ngoài ra, khi đặt một cơ sở cung cấp dịch vụ xa các đối tác thì rõ ràng là bất lợi. Một ví dụ nhỏ: Thị trường tiêu thụ đồng vị phóng xạ chủ yếu là Sài gòn và Hà nội. Nếu sản phẩm được sản xuất ở Sài gòn thì sẽ tiết kiệm nhiều thứ từ công chuyên chở đến việc suy giảm hoạt độ do mất thời gian đi xa. Nếu đưa lò phản ứng vào vùng sâu vùng xa hay quá biệt lập so với những nơi dùng nó thì rõ ràng việc khai thác ứng dụng nó sẽ hạn chế và kém hiệu quả.

Cũng phải nghĩ đến khả năng xuất khẩu đồng vị và triển khai các dịch vụ ra nước ngoài. Nếu lò phản ứng nghiên cứu mới đặt quá xa các trung tâm có nhiều đường bay quốc tế thì việc triển khai sẽ rất khó khăn và hiệu quả kinh tết sẽ giảm.

Không thể phủ nhận lò phản ứng Đà Lạt đã góp một phần đáng kể vào sự phát triển nhiều lãnh vực kinh tế xã hội trong những năm qua nhưng nếu thay vì Đà lạt mà ở Sài gòn hay Hà nội thì tác động của nó chắc lớn hơn nhờ lợi thế nguồn nhân lực và khả năng tiếp cận thị trường.

Tóm lại, xây dựng một trung tâm KHCN hạt nhân với lò phản ứng 15-20 MW có giá 500 triệu USD, một số tiền rất lớn trong hoàn cảnh khó khăn của đất nước, cần suy nghĩ cẩn thận về việc có nên xây không, bao giờ xây, xây lò như thế nào, chọn đối tác ra sao, và đặt ở đâu để phát huy hết khả năng của nó.

http://www.tiasang.com.vn/Default.aspx?tabid=110&CategoryID=36&News=7585

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét