Thứ Hai, 30 tháng 6, 2014

Trung Quốc mạnh - Trung Quốc yếu!

Trong khi bong bóng kinh tế Trung Quốc đang sắp sửa “xì hơi” thì Mỹ liên tiếp báo động về sự bành trướng của Trung Quốc qua những động thái gần đây của Bắc Kinh, như thiết lập khu định vị phòng không ADIZ tại Đông Bắc Á, rồi mở rộng khu vực ADIZ này cho tôm cá tại Biển Đông và cắm giàn khoan Hải Dương 981 ngay trên thềm lục địa của Việt Nam… Với hai nhận định trái ngược ấy thì Trung Quốc mạnh hay yếu? Một kịch bản diễn biến hòa bình đang lặp lại?

“Titanic kinh tế Trung Quốc” sắp đụng băng sơn
Sau hơn ba chục năm tăng trưởng ngoạn mục hơn 10%/năm, từ 1979 đến khoảng 2010, kinh tế Trung Quốc đã giảm dần tốc độ. Đây là sự tụt giảm chủ động của chính quyền Bắc Kinh? Có nhiều lý do để thấy rằng đà tăng trưởng của Trung Quốc đã bị giảm ngoài chủ trương của lãnh đạo nước này.
Sự tăng trưởng thần kỳ của Trung Quốc trong nhiều năm chủ yếu là nhờ sức đầu tư rất cao, thường xuyên cao hơn 40% GDP. Nhưng mức đầu tư lớn lao này lại gây ra sự lãng phí. Bởi vì phương tiện đưa vào sản xuất lại tốn kém hơn trị giá của những gì sản xuất ra do nhiều chi phí ẩn, chẳng hạn phí tổn về môi sinh bị hủy hoại…
Khi cách làm ăn này được duy trì quá lâu thì dẫn đến hiện tượng nợ xấu. Những tin tức dồn dập về núi nợ của Trung Quốc phản ảnh tình trạng này. Núi nợ đó là khối tín dụng của hệ thống ngân hàng của nhà nước, ưu tiên trút vào hệ thống doanh nghiệp của nhà nước, vào các công ty đầu tư cũng của nhà nước ở cấp địa phương và vào những dự án nằm ngoài sổ sách ngân hàng, gọi là hệ thống ngân hàng chui, là loại dự án đầu cơ đầy rủi ro và có thể sụp đổ. Khi sụp đổ thì sẽ có hiện tượng dây chuyền. Ðấy là nguy cơ khủng hoảng tài chính hay tín dụng của Trung Quốc và là lý do khiến Bắc Kinh phải chuyển hướng phát triển kinh tế.
Nhưng chính quyền Bắc Kinh lại gặp phải mâu thuẫn là vừa muốn hãm xe để đổi hướng, như khi siết vòi tín dụng vào năm 2012, mà lại vừa muốn duy trì tốc độ tăng trưởng cao để tránh nạn thất nghiệp và xáo trộn xã hội. Mâu thuẫn này bắt nguồn từ những quan điểm chính trị khác nhau giữa các thế hệ lãnh đạo Trung Quốc. Nếu không giải quyết mau chóng điều này mà để dẫn đến mức tăng trưởng khoảng 7% thì không chỉ kinh tế Trung Quốc lâm nguy mà thế giới cũng khốn đốn. Trong hai năm qua, thế giới bên ngoài được biết đến những sự kiện chính trị (mà chính xác là quá trình giải quyết mâu thuẫn trên) tại Trung Quốc trước và sau Ðại hội đảng khóa 18 vào tháng 11-2012.
Sức mạnh quân sự của Trung Quốc không che giấu nổi một nền kinh tế đang đứng trên bờ vực vỡ nợ
Trước hết là vụ Trùng Khánh với việc Bí thư Bạc Hy Lai bị điều tra, rồi ra tòa và lãnh án tù chung thân. Bạc Hy Lai là Ủy viên Bộ Chính trị, có triển vọng bước vào Thường vụ Bộ Chính trị. Sau vụ Bạc Hy Lai là việc ông Chu Vĩnh Khang bị điều tra. Chu Vĩnh Khang là Ủy viên Bộ Chính trị, nằm trong Thường vụ và lãnh đạo hệ thống an ninh nội bộ (Bộ Công an) và tình báo (Bộ Quốc an) lẫn hệ thống tòa án. Họ Chu còn là người đỡ đầu và cố gắng bênh vực Bạc Hy Lai đến tận cùng. Sau Ðại hội 18, Chu Vĩnh Khang đã về hưu mà vẫn bị điều tra và số phận ra sao thì chưa rõ. Nhưng một nhân vật ở cấp lãnh đạo như vậy mà vẫn bị điều tra thì đấy là sự điều chưa từng xảy ra ở Trung Quốc. Cùng với hai vụ trên là hàng chục đảng viên cao cấp khác trong hệ thống an ninh và dầu khí của Trung Quốc cũng đều bị điều tra và lĩnh án.
Nhưng chuyện chưa hết. Ngay giáp tết Giáp Ngọ đã có tin là Tăng Khánh Hồng cũng bị điều tra và có thể là đang ngồi tù. Là ủy viên Thường vụ Bộ Chính Trị về hưu sau Ðại hội 17, Tăng Khánh Hồng là nhân vật quyền thế bậc nhất ở hai khía cạnh. Sinh năm 1939, Tăng Khánh Hồng từng là Phó chủ tịch nước, Bộ trưởng Quốc an và nhất là Trưởng ban Tổ chức Trung ương, phụ trách hồ sơ nhân sự của đảng, có thẩm quyền về việc thăng quan tiến chức cho các đảng viên cao cấp trong chính quyền và bộ máy kinh tế quốc doanh. Và nắm giữ hồ sơ lý lịch của nhiều đảng viên như bửu bối về chính trị.
Nhưng, trước đó Tăng Khánh Hồng là nhân vật thân tín của cựu Chủ tịch Giang Trạch Dân trong Bộ Chính trị từ 2003. Sau khi về hưu, Tăng Khánh Hồng tiếp tục tác động vào thượng tầng chính trị và có góp phần vận động cho một số nhân vật vào Thường vụ Bộ Chính trị. Những vụ “đại hình” trên cho thấy chính quyền mới tại Trung Quốc đang tập trung quyền lực về trung ương để lèo lái con thuyền ra khỏi giông tố kinh tế.
Trên Báo China Business News, Chủ tịch Tập đoàn Bất động sản SOHO thuộc loại khủng long trong ngành đầu tư địa ốc Trung Quốc, cảnh báo: Nền kinh tế Trung Quốc như con tàu Titanic sắp đụng vào tảng băng sơn trước mặt. Còn theo Tổ chức xếp hạng tín dụng S&P hôm 15/6, nợ của khối doanh nghiệp Trung Quốc đã vượt Mỹ với số tiền nợ lên tới 14.200 tỉ USD trong năm ngoái.
Mỹ “bỏ bùa” Trung Quốc?
Chúng ta tò mò trở lại nghịch lý ban đầu: Tại sao giới kinh tế nói đến nỗi trăn trở của Bắc Kinh mà các nhà chiến lược tại Mỹ cứ tri hô về mối họa Trung Quốc? Giới đầu tư có tiền lặng lẽ bảo nhau về mối nguy khủng hoảng tại Trung Quốc để tìm nơi chọn mặt gửi vàng khi nền kinh tế hạng nhì thế giới bị bể bóng. Trong khi đó, giới bình luận về an ninh tiếp tục rót nước đường cho Bắc Kinh. Họ thổi bong bóng: Trung Quốc có khả năng quân sự rất đáng sợ! Nhưng đáng sợ nhất trong chuyện này là trò ma của Mỹ...
Hầu hết giới quân sự, cố vấn tình báo, tướng lĩnh hải quân Trung Quốc gần đây liên tiếp hối thúc Bắc Kinh ra tay kiên quyết hơn. Họ lên án Mỹ chống lưng cho các quốc gia có tranh chấp với Trung Quốc, đặc biệt là Philippines và Việt Nam, để “thách thức chủ quyền của Bắc Kinh” và đổ thừa căng thẳng leo thang trên Biển Đông là hậu quả trực tiếp của chiến lược quay lại châu Á của Mỹ.
Biếm hoạ về sự phát triển nóng trong lĩnh vực bất động sản ở Trung Quốc
Tư lệnh hạm đội Thái Bình Dương của Mỹ mới đây khẳng định Mỹ không muốn ngăn chặn mà muốn hợp tác với Trung Quốc, vì vậy, Bắc Kinh chẳng nên e ngại. Nhưng làm sao Bắc Kinh không giật mình khi Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Leon Panetta ngày 2/6/2014 tại Ðối thoại Sangri-La ở Singapore nhấn mạnh: Mỹ đã, đang và còn là cường quốc châu Á, để duy trì sự ổn định và quyền tự do giao lưu trên Thái Bình Dương. Trong mục tiêu đó, Mỹ sẽ đưa 60% hải đội qua Thái Bình Dương, kể cả 6 trong số 11 hàng không mẫu hạm của mình.
Thế giới toàn cầu hóa ngày nay có 90% hàng hóa chuyển dịch giữa các lục địa bằng đường biển. Trong số này, phân nửa về trọng lượng và một phần ba về trị giá là phẩm vật giữa Ấn Ðộ Dương và Thái Bình Dương, từ Nhật Bản xuống Úc. Vùng biển này là nơi sinh hoạt của 40% dân số thế giới, gần 3 tỉ người và có vị trí chiến lược nhất thế giới qua các yết hầu như eo biển Malacca, Sunda và Lombok. Ðây cũng là nơi hàng năm chuyển vận đến 1.200 tỉ USD của ngoại thương Mỹ. Vì vậy, khu vực này là nơi mà tính toán về địa chính trị của Trung Quốc lại đe đọa yêu cầu toàn cầu hóa và tự do lưu thông của Mỹ và các nước. Mỹ chủ trương bảo vệ quyền tự do chuyển vận trên mọi dòng hải lưu cho mọi quốc gia, kể cả Trung Quốc, mà Bắc Kinh không tin, đôi khi chẳng sợ. Vì thế, không chỉ chủ trương, Mỹ cần chứng minh khả năng đó.
Vì nhu cầu giảm chi khi bị thiếu hụt ngân sách và vay mượn quá nhiều, ngân sách quốc phòng Mỹ sẽ bị Quốc hội cắt 487 tỉ USD trong 10 năm tới. Nhưng đấy cũng là cơ hội biến lượng thành chất, là cải tiến bộ máy quân sự cho gọn, nhẹ, linh động và hiện đại hơn. Việc “các con diều hâu đầy lông măng” tại Bắc Kinh đang mở cờ gióng trống xuống Biển Ðông lại bất ngờ góp tiếng vào cuộc tranh luận về chi thu quốc phòng của Mỹ. Ai bẫy ai trên bàn cờ này? Rõ ràng Mỹ đang “dụ” Trung Quốc chạy đua vũ trang để rơi vào cái bẫy diễn biến hòa bình của mình.
Mỹ đang có kế hoạch phát triển hệ thống phòng thủ tên lửa ở khu vực châu Á, chủ yếu là nhằm vào Trung Quốc. Quân đội Trung Quốc cho rằng, hệ thống của Mỹ sẽ làm mất cân bằng quân sự ở khu vực Châu Á - Thái Bình Dương. Do đó, để duy trì khả năng răn đe đáng tin cậy, quân đội Trung Quốc phải nhanh chóng hiện đại hóa kho vũ khí hạt nhân để phù hợp với một cuộc chiến tranh hiện đại. Các khoản chi tiêu ngân sách quốc phòng trị giá nhiều tỉ USD của Trung Quốc nhằm thách thức quân đội Mỹ có thể nhấn chìm nền kinh tế Trung Quốc bất cứ lúc nào mà Mỹ không tốn một viên đạn.
Mặc dù Trung Quốc được coi là nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, nhưng khoảng cách giữa tầng lớp người giàu và người nghèo rất lớn. Thay vì tập trung giải quyết vấn đề nghèo đói, Bắc Kinh ra sức tìm mua các loại vũ khí mới của nước ngoài và đầu tư hàng tỉ USD để sản xuất vũ khí trong nước. Renato Reyes, chuyên gia về Mỹ của Philippines cho rằng, Mỹ có ý đồ tiếp tục thống trị toàn bộ khu vực châu Á. Washington có thể không đối đầu quân sự trực tiếp với Bắc Kinh ở thời điểm này, nhưng muốn ngăn chặn, bao vây và buộc Trung Quốc khuất phục trước sức mạnh Mỹ.
Nhiều chuyên gia cho rằng, tình hình này tương tự thời kỳ Chiến tranh Lạnh. Cuộc chạy đua vũ trang khổng lồ trong những năm 1960 giữa Mỹ và Liên Xô là chiến thuật của Washington nhằm hủy hoại nền kinh tế Liên Xô. Đến thời điểm nào đó, chắc chắn Trung Quốc sẽ trở thành một nạn nhân như vậy. Họ cảnh báo thế giới hãy chờ xem liệu người khổng lồ châu Á Trung Quốc có thể tiếp tục phát triển sức mạnh quân sự mà không gây nên những bất ổn chính trị và xã hội trong tương lai không.
S.Phương(tổng hợp)
http://petrotimes.vn/news/vn/quoc-te/the-gioi-phang/trung-quoc-manh-trung-quoc-yeu.html

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét