Thứ Hai, 2 tháng 6, 2014

Sự bành trướng của Trung quốc trên biển đang đe dọa chiến tranh

  Trong những ngày cuối đây, vụ tranh chấp ngấm ngầm giữa Trung quốc và Việt nam về chủ quyền của các hòn đảo nhỏ bé ở Hoàng sa và Trường sa, vốn chỉ hơi nhô lên khỏi mặt nước biển Đông, đã bùng nổ đến mức độ nhiều người coi đây là một lò lửa căng thẳng tầm cỡ quốc tế, gây hậu quả cho cả hành tinh và cả vì quyền lợi của Nga và Mỹ. Các thông tin chính đã biết là: đầu tháng năm, công ty khai thác quốc gia CNOOC đã kéo một dàn khoan trị giá một tỉ đô la vào gần quần Hoàng Sa và chính quyền Trung quốc cảnh báo các tàu thuyền của các nước lân cận để họ tránh xa giàn khoan một khoảng cách ít nhất là một hải lý. Để lời nói của mình có thêm trọng lượng, Trung quốc đã gửi đến vùng biển có dàn khoan 86 chiếc tàu quân sự, trong đó có cả tàu ngầm. 

Cho rằng Trung quốc vi phạm một cách thô bạo vùng đặc quyền kinh tế của mình, bao gồm dải 120 hải lý thềm lục địa, Việt nam đã tìm cách ngăn cản vụ đột kích thông qua sự can thiệp của các đơn vị cảnh sát biển, tuy nhiên vô vọng: Trung quốc đã dùng vòi rồng buộc các tàu Việt nam phải rút lui. Các cuộc bạo động ở Việt nam sau đó đã dẫn đến chuyện cướp bóc và đốt cháy mấy chục xưởng máy Trung quốc mà thực ra là của Đài Loan chứ không phải của Trung hoa lục địa, đã gây ra những tổn thất về sinh mạng và làm những cư dân Trung quốc sinh sống ở Việt nam phải bỏ chạy hàng loạt. 

Trong những năm cuối, cùng với sự phát triển của hải quân Trung quốc, Bắc Kinh ngày càng có nhiều những yêu sách mới, đến cuối năm 2009 họ tuyên bố 80% diện tích biển Đông là lãnh hải của họ. Các nước xung quanh, như Việt nam, Philipine, Malaysia, Indonesia, và thậm chí cả Nhật bản, ngày càng bắt gặp nhiều hơn các tàu thuyền Trung quốc đi vào cách bờ biển của họ, thậm chí, chưa đầy 1km. Dù sao đi nữa, các cuộc xung đột quân sự xoay quanh những bãi đá ngầm đã không chỉ một lần đặt Trung quốc vào thế đối nghịch với tất cả các nước láng giềng của mình. 

Thế nhưng cái thực tế, rằng ở dưới đáy biển của vùng này là cả một mỏ dầu và khí, có khả năng đảm bảo cho những người chủ của nó sự giàu có trong một tương lai rất gần, không được coi là tối quan trọng. Từ 1/1/2013, một quyết định của chính quyền Bắc Kinh đã có hiệu lực, quyết định này cho phép cảnh sát của tỉnh Hải nam “ngăn cản, kiểm soát và tich thu các tàu thuyền lạ đi vào vùng biển Biển Đông củaTrung quốc một cách trái phép”. Một lò lửa của sự đối đầu mới xuất hiện, cái giá của nó còn cao hơn cái giá của tất cả các mỏ dầu và khí đốt dưới biển cộng lại. 

Cụ thể là những trục đường thương mại chính đều đi qua vùng biển này, doanh thu cả năm của chúng vượt quá 5 nghìn tỉ đô la, trong đó thương mại với Mỹ chiếm một nghìn tỉ. Nước nào nắm được quyền kiểm soát những trục đường này, nước đó sẽ gây được ảnh hưởng lên các tiến trình kinh tế và chính trị toàn cầu. Trong khu vực này, các cuộc chạy đua vũ trang đang diễn ra một cách sôi động. Theo các chuyên gia, một phần ba lượng vũ khí nhập khẩu của thế giới nằm ở các nước trong khu vực châu Á – Thái Bình Dương. Lượng vũ khí được nhập vào các nước châu Á – Thái Bình Dương cứ 5 năm lại tăng thêm một phần tư, và hiện nay, theo ước đoán, trị giá của chúng phải lên tới 100 tỉ đô la. Trung quốc tự tái trang bị vũ khí với vận tốc còn nhanh hơn các đối thủ của họ, và tương ứng với sự lớn mạnh của hải quân Trung quốc, những ham muốn của họ về mặt chính trị ngoại giao cũng ngày một lớn. 

Thay vì bảo về vùng bờ biển của mình, Trung quốc đã hướng đến việc thống trị trên biển lớn, và đã cho lính thủy đánh bộ nhảy dù dày đặc xuống vùng đất lạ để tập trận. Việc phát triển tiềm năng quân sự của Trung quốc, nhất là các đơn vị hải quân và lính dù, đã làm các chuyên gia của Trung tâm nghiên cứu chiến lược và công nghệ ở Moskva đi đến kết luận rằng “Trung quốc đang chuẩn bị cho vùng Biển Đông và các trục đường biển ở đây một số phận hệt như ở Tây tạng” 

Sự nhân nhượng Mặc dù các hành động của Trung quốc là sự đe dọa cho quyền lợi của Mỹ trong khu vực, các phản ứng của Washington cho đến nay đều rất mờ nhạt. Nhà Trắng đã coi hành động của Trung quốc là “khiêu khích”. Việc Trung quốc đã bắt đầu những hành vi hung hăng của mình vào thời điểm, khi chuyến đi thăm châu Á của Barack Obama từ lâu đã nằm trong kế hoạch, chứng tỏ họ coi chính phủ hiện nay ở Mỹ là yếu và không đủ khả năng để đảm nhiệm vai trò làm người cảnh binh của thế giới. Chính vì thế, cuộc xung đột sẽ hóa thành cuộc khủng hoảng toàn cầu đầy chất nổ, hệt như khủng hoảng ở Syrie hay Ukraine. 

Các phương cách mà các chế độ độc tài đối xử với nền dân chủ, đang lặp đi lặp lại đến nực cười, giống như Sergei Lavrov đang kêu gọi các đồng nghiệp phương tây “công nhận thực tế ở Ucraine”, trong một buổi gặp gỡ cách đây không lâu, Phòng Phong Huy, Tổng Tham mưu trưởng Quân đội Trung quốc đã kêu gọi Tướng Martin Dempsey, chủ tịch Hội đồng tham mưu trưởng Liên quân Mỹ nên „có cái nhìn khách quan hơn về tình hình ở Biển Đông“. Trên thế giới, đang có một nỗ lực nhằm thay thế chính sách của cácnguyên tắc đã được thỏa thuận bằng việc công nhận các sự việc đã rồi theo kiểu „nhân nhượng“. 

Tình (phi) hữu nghị Trung – Nga Vị thế của nước Nga có lẽ còn tế nhị hơn Mỹ. Bên ngoài, Kremli cố gắng thuyết phục thế giới rằng trong cuộc đối đầu với phương Tây, họ có thể dựa vào sự ủng hộ của Trung quốc. Chuyến đi thăm của Vladimir Putin sang Trung quốc sắp tới (bài viết này được viết trước chuyến đi của Putin ngày 21/5 -ND) là để nhằm khẳng định hình ảnh này. T

uy nhiên, cuộc xung đột vừa xảy ra tạo nên nhũng vết nứt nguy hiểm trong toàn cấu trúc. Đã từ lâu, các nhà chính trị Trung quốc đã lớn vượt ra khỏi những chiếc giày trẻ con, và họ đang tỏ rõ cho Putin thấy rằng không theo họ có nghĩa là chống họ. Cụ thể là, Moskva, trong nỗ lực không đặt hết tất cả vào một quân bài, từ lâu đã coi Việt nam như một trong những đồng minh chính của khu vực. Một quan hệ đối tác chiến lược đã được ký kết giữa Moskva và Hà nội từ năm 2001, và mười năm sau, quan hệ đó được nâng lên cấp „quan hệ đối tác chiến lược toàn diện“. Nước Nga đứng hàng đầu trong danh sách các nhà đầu tư quốc tế của Việt nam, và giúp đỡ trong việc xây dựng nhà máy điện hạt nhân. 

Đã từ lâu, Việt nam là một trong những nhà nhập khẩu quan trọng nhất chuyên nhập các loại vũ khí của Nga, mà trước hết là tàu ngầm và máy bay. Và điều quan trọng hơn cả là sau mười năm vắng bóng, nước Nga đã quyết định quay lại cảng quân sự Cam Ranh. Tàu quân sự của Nga ngày nay được tự do ra vào các cảng Việt nam và các xưởng tàu khi cần sửa chữa và khi các thủy thủ cần được nghỉ ngơi. Năm 2012, các báo chí Đảng ở Trung quốc đã gọi những hành vi của Nga ở khu vực này là „không hay“ và đã lưu ý rằng việc cộng tác với „kẻ phá hoại trật tự“ sẽ mang lại cho nước Nga những hậu quả không lường. Người Nga tham gia nghiên cứu địa chất trong khu vực thềm lục địa đang tranh chấp là lý do làm Trung quốc tức giận nhất. Gazprom, công ty độc quyền của nhà nước đã ký với Hà nội hợp đồng cho phép họ nhận 49% từ việc nghiên cứu và khai thác các mỏ, mà theo ước đoán có thể cung cấp tới 50 tỉ mét khối khí và hơn 25 triệu tấn nhiên liệuhóa lỏng. 

Bắc Kinh thậm chí cuối cùng đã phải yêu cầu Gazprom rút khỏi khu vực tranh chấp. Tuy nhiên, họ không nhận được trả lời.  Bởi vì trong năm nay, Việt nam đã tỏ ý được tham gia vào Liên minh Hải quân mà Putin vẫn đang cố gắng lôi kéo các nước Xô viết cũ (hiện chưa nhiều thành công), rõ ràng là tình hữu nghị Nga-Trung nhiều phần sẽ là mong muốn tối thượng của nước Nga. 

Trung quốc mặc dầu sẵn lòng đánh bạn với nước Nga để đối chọi lại với Mỹ trong những vấn đề ít quan trọng, nhưng trong những gì liên quan đến quyền lợi  sống còn, họ chỉ có thể đóng cho Nga một vai nhỏ của một thằng ngốc được việc. Sớm muộn gì, Bắc Kinh rồi cũng sẽ muốn chuyển hướng những tiềm năng quyền lực ngày càng phát triển của mình thành những món lợi nhờ ảnh hưởng, hoặc về chủ quyền, bất chấp những thiệt hại của những người láng giềng lân cận. Một trong những người láng giềng đó là vùng Sibir hoang vắng. Nếu như những người tham gia cuộc chơi trong vùng cùng sẵn lòng chấp nhận một thỏa hiệp có thể chấp nhận được, có thể họ đã tự chia từ lâu những vùng biển trống với nhau, và thế giới hẳn cũng đã quên là đã từng tồn tại những vùng biển như thế. 

Tuy nhiên, ở đây chẳng có bất kỳ một thỏa hiệp nào, trong khu vực Biển Đông, chúng ta là nhân chứng của những vụ cá cược ngày càng cao và là nhân chứng của canh bạc theo khẩu hiệu “tất cả, hay là không!” 

Người dịch: Thanh Mai- vietinfo.eu Dịch theo bài phân tích của Efim Fistejn đăng trên Reflex số 21/2014. (vietinfo.eu)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét