Thứ Ba, 10 tháng 6, 2014

Lập phòng tuyến chống Trung Quốc

Mỹ đang nỗ lực xây phòng tuyến chống Trung Quốc bằng các quốc gia châu Á-Thái Bình Dương.

Sự gia tăng nhanh chóng ức mạnh hải quân của Trung Quốc, các yêu sách chủ quyền của Trung Quốc đối với nhiều quần đảo ở biển Hoa Đông và Biển Đông, các nỗ lực của Bắc Kinh nhằm xây dựng các căn cứ ở Ấn Độ Dương buộc Mỹ và các nước ở khu vực Viễn Đông, Đông Nam Á và Nam Á áp dụng các biện pháp tăng cường an ninh của mình.

Theo ý đồ của Washington, một phòng tuyến chống Trung Quốc sẽ được xây dựng nên ở tây Thái Bình Dương, trải dài sang cả những vùng biển rộng lớn của Ấn Độ Dương. Hiện có mọi tiền đề để thực hiện việc này. Chỉ cần nhìn lên bản đồ là có thể thấy rằng, Trung Quốc từ phía các vùng biển tiếp giáp bị bao vây bởi các đảo quốc và quốc gia bán đảo tạo ra một vành đai tự nhiên ngăn chặn các tham vọng của Trung Quốc.

Sức mạnh suy giảm
Tại sao lại nói đến một phòng tuyến quốc tế chống Trung Quốc? Tại sao bản thân nước Mỹ không có khả năng thiết lập hàng rào kiềm chế hoạt động của hải quân Trung Quốc? Câu trả lời rất rõ ràng. Washington hiện nay không có đủ cả lực lượng lẫn khả năng để làm việc đó.

Trung Quốc và các quốc gia giáp giới

Trong hai thập niên qua, biên chế số lượng của hạm đội Mỹ vì hạn chế ngân sách ngày càng nhỏ lại. Điều đó đặc biệt liên quan đến tàu chiến. Điều đó thể hiện rõ khi giở các sách niên giảm The Naval Institute Guide to the Ships and Aircraft of the U.S. Fleet năm 1993-2013 của Norman Polmar. Người ta nói rằng, các tàu cũ sẽ được thay thế bằng các tàu công nghệ cao mới, có tiềm lực tấn công và phòng thủ mạnh hơn. Nhưng ngay cả một hạm tàu công nghệ cao hiện đại nhất cũng không thể cùng lúc có mặt ở hai điểm khác nhau trên chiến trường biển.

Nếu bỏ không tính đến 14 tàu ngầm nguyên tử chiến lược vốn là vũ khí tối hậu, thì trong biên chế của Hải quân Mỹ có 55 tàu ngầm nguyên tử đa năng và tàu ngầm nguyên tử tên lửa, 10 tàu sân bay hạt nhân lớp Nimitz, 22 tàu tuần dương tên lửa lớp Ticonderoga, 62 tàu khu trục tên lửa lớp Arleigh Burke, 13 frigate lớp Oliver Hazard Perry, 4 tàu chiến ven bờ (LCS) và 13 tàu quét lôi lớp Avenger, tổng cộng 179 đơn vị tàu chiến. Thoạt nhìn thì thấy là nhiều, nhưng phân tích kỹ thì thấy sự thiếu hụt rõ ràng về số lượng tàu.

Trong 22 tàu tuần dương lớp Ticonderoga trong năm 2014, có 11 chiếc sẽ bị chuyển sang lực lượng dự bị để tiết kiệm ngân sách. Ngoài ra, không thể không nói đến thâm niên phục vụ của đa số các tàu lớp này đã quá 25 năm và không lâu nữa chúng sẽ bị loại bỏ. Sau năm 2030, dự kiến “các tàu chiến mặt nước tương lai FSC” (Future Surface Combatant) sẽ được nhận vào biên chế. Dự kiến, chúng sẽ được trang bị pháo ray điện tử, các hệ thống vũ khí năng lượng định hướng, trước hết là vũ khí laser, và các radar công suất mạnh. Đó sẽ là những tàu chiến đắt tiền và chắc chắn sẽ không thể đóng nhiều, nếu như không nói đến là chuyến chưa chắc đã đóng. Nghĩa là các tàu FSC sẽ không thể thay thế các tàu tuần dương lớp Ticonderoga.

Hải quân Trung Quốc đặt hạm đội Mỹ trong tầm ngắm

Tất cả các frigate lớp Oliver Hazard Perry còn trong biên chế đều đã bị gỡ vũ khí tên lửa và chúng thực chất đang làm nhiệm vụ tàu tuần tra ngoài khơi (OPV), tức là không phải là tàu chiến đấu. Trong năm 2014 và 2015, chúng sẽ được bán hay chuyển giao cho hải quân các nước khác. Các tàu quét lôi lớp Avenger cũng có tuổi tác khá cao, nhưng thay thế chúng hiện tại thậm chí còn chưa được dự tính.

Các tàu chiến chủ lực của Hải quân Mỹ hiện là 62 tàu khu trục tên lửa lớp Arleigh Burke. Đây là những tàu chiến rất thành công, có khả năng thực hiện rất nhiều nhiệm vụ. Mỹ dự định tăng số lượng các tàu này lên đến 75 chiếc. Nhưng đến khi điều đó xảy ra, tất cả các tàu tuần dương lớp Ticonderoga sẽ bị loại bỏ. Nói cách khác, tổng số các tàu chiến đa nhiệm trong biên chế Hải quân Mỹ sẽ giảm đi 9 chiếc.

Tác dụng của các tàu chiến nước nông LCS của Mỹ mà người ta đã tạo cho nó hình ảnh phóng đại quá lố còn là điều tranh cãi. Tàu USS Freedom (LCS 1) đã được đưa vào biên chế Hải quân Mỹ vào năm 2008, nhưng đến nay nó vẫn chưa thực sự có khả năng chiến đấu. Chuyến đi quảng cáo năm ngoái đến Singapore đã biến thành sự xấu hổ đối với tàu này. Tháng 7/2013, ở gần bờ biển Singapore, USS Freedom đã bị chết máy và phải sửa chữa. Tháng 10, nước tràn qua kẽ nứt trong đường ống nước đã làm ngập gần 1 m phần đáy tàu, còn vài ngày sau thì nước lọt vào hệ thống thủy lực. Tàu lại phải sửa chữa.

Các tàu LCS của Mỹ (ảnh trên) sẽ không thể chống nổi các tàu tên lửa lớp Type 22 của Trung Quốc trang bị mỗi tàu 8 tên lửa chống hạm YJ-83

Điều đó cũng có thể nói về tàu ba thân USS Independence (LCS 2) mà Mỹ vẫn không tài nào làm cho nó nên hồn do những vấn đề với ăn mòn và thiết bị điện.

Nhưng vấn đề thậm chí không phải là ở chỗ xảy ra vô số hư hỏng. Trên các tàu đầu tiên xảy ra đủ trục trặc khác nhau. Thậm chí chưa nói đến cái giá cả kinh khủng của LCS (chi phí đóng tàu Freedom là 637 triệu USD, đóng Independence là 704 triệu USD), bản thân khái niệm tàu nước nông cao tốc với cấu trúc vũ khí module cũng chưa vượt qua được kiểm nghiệm thực tế. Người ta dự định nhận vào trang bị module chống thủy lôi trong năm 2014. Nhưng đối với các tàu chống thủy lôi thì tốc độ cao là tối kỵ. Module chống ngầm thì không biết bao giờ sẽ ổn, còn hiệu quả của nó khiến người ta rất nghi ngờ. Module vũ khí chống hạm té ra hoàn toàn bịa đặt. Để tác chiến chống tàu mặt nước, đúng hơn là tàu nhỏ (xuồng), LCS dự định được trang bị tên lửa Griffin. Chúng có cái tiện là bắn được từ các bệ phóng hệ thống tên lửa phòng không tầm gần RAM mà các tàu LCS được trang bị. Nhưng Griffin chỉ có tầm tiêu diệt mục tiêu có vài kilômet, còn phần chiến đấu có trọng lượng chỉ có 5,9 kg. Tức là nó chỉ có thể tiêu diệt những chiếc xuồng nhỏ ở tầm “một cánh tay”. LCS té ra lại là những con tàu trần như nhộng, trang bị những thanh kiếm bằng giấy. Khi tàu LCS đụng đầu mặt đối mặt chẳng hạn với tàu tên lửa Type 22 của Trung Quốc với 8 tên lửa chống hạm YJ-83 có tầm bắn đến 95 km và phần chiến đấu 165 kg, có thể mạnh dạn đặt cược 99,9 ăn 0,1 vào chiến thắng của tàu Trung Quốc.

Các máy bay tuần biển P-8A Poseidon của Hải quân Mỹ tại căn cứ không quân Kadena, Nhật Bản

Mới đây, chính quyền Mỹ đã quyết định hạn chế số lượng tàu LCS trong biên chế Hải quân Mỹ ở mức 32 chiếc thay vì 52 chiếc dự kiến trước đó. Lý do nêu ra là do cắt giảm ngân sách. Trên thực tế, việc cắt giảm chương trình đóng tàu LCS là do người ta đã nhận ra một cách muộn màng sự vô dụng của chúng. Và, xét theo tư duy logic, chương trình đóng tàu LCS sẽ phải cắt giảm hơn nữa.

Công ty Bath Iron Works (BIW) đang đóng hoàn thiện tàu khu trục thế hệ mới Zumwalt (DDG 1000). Theo Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Chuck Hagel, người từng đến thăm BIW vào ngày 21/11/2013, tàu này sẽ đóng vai trò quan trọng tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Đây là sự phóng đại quá mức. Zumwalt và 2 tàu khác lớp này dùng chủ yếu để tấn công các mục tiêu bờ và chúng vẫn còn phải chứng minh hiệu quả của mình. Kiểu gì thì chúng cũng sẽ không gây ảnh hưởng lớn đến cán cân sức mạnh ở châu Á-Thái Bình Dương. Trung Quốc đang hoàn thiện tên lửa đường đạn chống hạm DF-21D có tầm bắn 810 hải lý (1500 km) để tấn công các tàu mặt nước cỡ lớn, còn nay đã bắt tay vào chế tạo tên lửa DF-26 có tầm tiêu diệt mục tiêu trên biển lên đến 3000 km với phần chiến đấu siêu vượt âm. Ngoài ra, theo tạp chí Naval Forces, tàu khu trục Zumwalt có giá 5 tỷ USD có thể dễ dàng trở thành nạn nhân của một quả thủy lôi trị giá 2,5 ngàn USD.

Tàu khu trục chở trực thăng Hyuga của Hải quân Nhật Bản trong cuộc tập trận Mỹ-Nhật

Trong Hải quân Mỹ đang diễn ra việc thay thế các tàu ngầm hạt nhân lớp Los Angeles (hiện có 40 chiếc) bằng các tàu ngầm hạt nhân đa năng lớp Virginia. Khi hoàn thành việc thay thế, nếu tính cả 3 chiếc tàu ngầm hạt nhân lớp Seawolf, trong biên chế Hải quân Mỹ sẽ còn 36 tàu ngầm hạt nhân đa năng. Tức là số lượng tàu giảm đi 15 chiếc. Hiện chưa thấy nói về việc thay thế 4 tàu ngầm hạt nhân trang bị tên lửa hành trình vốn được cải hoán từ các tàu ngầm hạt nhân mang tên lửa đường đạn lớp Ohio. Tuy nhiên, đây chẳng phải là các tàu ngầm mới.

Không nên quên rằng, hơn một nửa các tàu hiện có trong biên chế đang thực hiện các cuộc hành trình dài từ nơi trực làm nhiệm vụ và trở về, cần phải sửa chữa, còn các thủy thủ đoàn của chúng cần phải nghỉ ngơi. Và mặc dù Washington đã tuyên bố dịch chuyển trọng tâm hoạt động quân sự của mình từ Đại Tây Dương sang Thái Bình Dương, sự hiện diện thực tế của tàu chiến Mỹ ở tây Thái Bình Dương sẽ tăng lên không đáng kể.

Sự thiếu hụt tàu chiến Mỹ muốn bù đắp bằng việc tăng cường các cụm tàu sân bay. Tháng 12/2013, tại căn cứ Kadena trên đảo Okinawa, Nhật Bản đã bắt đầu triển khai các máy bay tuần biển tối tân nhất của Hải quân Mỹ là P-8A Poseidon. Chúng được dùng không chỉ để phát hiện và tiêu diệt tàu ngầm, mà cả tấn công tàu nổi bằng tên lửa chống hạm Harpoon. Hiện nay, Không quân Mỹ đang thử nghiệm các máy bay ném bom chiến lược siêu âm B-1B Lancer với tư cách phương tiện mang tên lửa chống hạm tầm xa LRASM có khả năng tiêu diệt mục tiêu ở tầm đến 900 km. Tuy nhiên, phía đối địch cũng có những phương tiện hàng không và phòng không có khả năng đối phó với P-8A và B-1B.

Tàu khu trục Akizuki của Hải quân Phòng vệ Nhật Bản

Nói một cách khác, các quốc gia ở Viễn Đông, Đông Nam Á và Nam Á sẽ phải chủ yếu dựa vào sức mình để bảo đảm an ninh trong khu vực. Không phải vô lý mà tại khu vực này, trong thập niên gần đây, ta thấy một sự bùng nổ vũ khí chưa từng có. Thậm chí có thể nói đến một cuộc chạy đua vũ trang. Và việc phát triển hải quân được người ta rất chú trọng.

Ta hãy xem việc xây dựng hải quân ở các nước sẽ hợp thành nên phòng tuyến chống Trung Quốc đang được tiến hành ra sao. Ta hãy bắt đầu đi từ bắc xuống nam.





Tàu khu trục chở trực thăng Hyuga của Hải quân Nhật Bản trong cuộc tập trận Mỹ-Nhật


Sườn phía bắc vững chắc đến mức nào?

Hải quân Phòng vệ Nhật Bản
Hải quân Phòng vệ Nhật Bản đương nhiên là một trong những lực lượng hải quân hùng mạnh nhất thế giới. Thậm chí, có thể khẳng định, nếu không tính đến lực lượng hạt nhân chiến lược, Hải quân Nhật về năng lực hiện đứng thứ hai thế giới sau Hải quân Mỹ. Hải quân Nhật hiện không có các tàu ngầm hạt nhân và tàu sân bay. Mà Nhật hiện cũng chưa cần đến chúng. Hải quân Phòng vệ Nhật thua kém về số lượng so với hải quân Trung Quốc, nhưng các tàu của họ đáp ứng những yêu cầu hiện đại nhất, có chất lượng tuyệt vời và trên các tàu là các thủy thủ được huấn luyện thành thục.

Tàu khu trục Akizuki của Hải quân Phòng vệ Nhật Bản

“Từ góc độ những con số thuần túy, Nhật Bản thua kém Trung Quốc 10 lần về quân số quân đội, 4 lần về máy bay chiến đấu và 2 lần về tổng trọng tải tàu chiến. Nhưng khi nói đến chất lượng huấn luyện và trình độ công nghệ vốn là các yếu tố then chốt trong chiến tranh hiện đại, thì Nhật dễ dàng vượt xa Trung Quốc”, Trưởng văn phòng đại diện tại Bắc Kinh của tờ báo Mỹ Christian Science Monitor, ông Peter Ford đánh giá. Tuy nhiên, không thể không thừa nhận là khoảng cách chất lượng giữa Hải quân Nhật và hải quân Trung Quốc đang thu hẹp nhanh chóng.

Nòng cốt của hạm đội Nhật là các tàu khu trục (trong biên chế có 41 chiếc, ngoài ra còn 3 tàu huấn luyện mặc dù chúng vẫn duy trì đầy đủ tiềm lực chiến đấu). Đó là các tàu chiến đa năng, có khả năng thực hiện các nhiệm vụ tiến công, chống ngầm và bảo đảm phòng không. Nhưng vai trò nhiệm vụ chống ngầm được chú trọng trước hết. Các tàu khu trục chở trực thăng tối tân lớp Hyuga (2 chiếc) có lượng giãn nước 19.000 tấn và 2 tàu khu trục chở trực thăng đang đóng lớp Izumo có lượng giãn nước 27.000 tấn hoàn toàn dùng cho nhiệm vụ chống ngầm. Những đồn đoán rằng, chúng là các tàu sân bay “trá hình” hoàn toàn không đúng với thực tế. Mặc dù, dĩ nhiên là nếu tiếp tục phát triển hướng này, Nhật Bản trong tương lai gần sẽ có thể đóng các tàu sân bay thực thụ. Hiện nay, trở ngại cho việc đó là hiến pháp Nhật và lập trường của Mỹ, nơi người ta vẫn nhớ rõ những ký ức về trận oanh kích Trân Châu Cảng. Hiện thời, các chiến dịch tiến công trên biển Nhật Bản giao phó cho Không quân và không quân hải quân triển khai trên mặt đất.

Máy bay tuần biển Kawasaki P-1

4 tàu khu trục tên lửa lớp Kongo có lượng giãn nước 9.500 tấn, được trang bị hệ thống chỉ huy chiến đấu Aegis của Mỹ và các tên lửa phòng không có điều khiển SM-3IA, là các tàu phòng thủ tên lửa và có thể chặn thu các tên lửa tầm trung. Còn 2 tàu khu trục trang bị hệ thống Aegis lớp Atago có lượng giãn nước 10.000 tấn, được trang bị các tên lửa phòng không có điều khiển SM-2 và hiện chỉ được dùng làm tàu phòng không. Tuy nhiên, sắp tới, chúng sẽ được hiện đại hóa, gồm ứng dụng phần mềm mới nhất Aegis 5.1, trang bị mới bằng tên lửa phòng không có điều khiển SM-3IIA có khả năng tiêu diệt tên lửa đường đạn ở các giai đoạn bay khởi tốc, giữa và cuối. Cần lưu ý rằng, các tên lửa SM-3IIA là sản phẩm hợp tác Mỹ-Nhật. Trong dự án này, Nhật Bản đóng vai trò không hề nhỏ.

Mới đây, Tokyo đã quyết định tăng cường lực lượng phòng thủ tên lửa trên biển. Vào năm 2020, dự kiến đưa vào biên chế Hải quân Nhật thêm 2 tàu khu trục trang bị Aegis và tên lửa chống tên lửa. Cũng không được quên là căn cứ hải quân Yokosuka được biên chế 2 tàu tuần dương và 7 tàu khu trục Mỹ. Một số trong các chiến hạm này làm chức năng phòng thủ tên lửa.

Nhật cũng đang đóng các tàu khu trục vạn năng. Tối tân nhất trong số đó là các tàu lớp Akizuki (19DD) có lượng giãn nước toàn tải 6.800 tấn và tốc độ 30 hải lý/h. Chúng được trang bị 8 tên lửa chống hạm nội địa SSM-1B, các tên lửa phòng không có điều khiển tầm trung ESSM để trong các bệ phóng thẳng đứng Mk 41. Trong các bệ phóng này còn bố trí các tên lửa chống ngầm ASROC. Vũ khí chống ngầm còn được tăng cường bằng 2 cụm x 3 ống phóng ngư lôi 324 mm và 2 trực thăng. Vũ khí pháo trên tàu gồm 1 ụ pháo 127 mm Mk 45 Mod. 4 và 2 khẩu pháo tự động 6 nòng 20 mm Phalanx dùng để phòng thủ tầm ngần. Hệ thống chỉ huy chiến đấu ATECS của các tàu khu trục này được mệnh danh là Aegis của Nhật Bản.

Các anten mạng pha khá nhỏ gọn của radar OPS-20C và FCS-3A dùng để phát hiện các mục tiêu mặt nước và mục tiêu bay, cũng như dẫn vũ khí tới các mục tiêu này, được lắp cố định trên phần trên của cấu trúc thượng tầng. Ngày 13/3/2014, Hải quân Nhật nhận vào biên chế tàu khu trục Fuyuzuki, tàu thứ tư và cuối cùng của loạt tàu này. Còn nay, họ đang đóng các tàu khu trục lớp 25DD có lượng giãn nước 5.000 tấn. Tàu đầu tiên trong số đó sẽ được đưa vào hoạt động vào năm 2017. Các tàu này sẽ có nhiệm vụ chuyên biệt chống ngầm.

Nhật cũng đang chuẩn bị đóng “các tàu khu trục có tính cách mạng” DDR Destroyer Revolution. Chưa rõ, “tính cách mạng” của các tàu chiến có lượng giãn nước 5.400 tấn này là gì. Chúng sẽ xuất hiện các triền đà sau năm 2021, còn chức năng chính của chúng là hộ tống các tàu khác. Dường như các tập đoàn đóng tàu sẽ bắt đầu sớm hơn đáng kể việc lắp ráp các tàu khu trục hộ tống (frigate) 3.000 tấn để thay thế 6 tàu cùng loại lớp Abukuma. Chức năng của chúng là tác chiến chống ngầm và chống tàu mặt nước đối phương.

Tàu ngầm thông thường Hakuryu lớp Sōryū của Hải quân Nhật Bản đang tiến vào bến cảng Trân Châu Cảng

Hải quân Nhật hiện có 16 tàu ngầm, 5 trong số đó thuộc lớp Sōryū trang bị động cơ không cần không phí (AIP) và vũ khí tên lửa-ngư lôi. Hiện tại, đây có lẽ là những tàu ngầm thông thường tuyệt đỉnh nhất thế giới. Nhật Bản đang tiếp tục đóng các tàu lớp này. Trong biên chế Hải quân Nhật còn có 2 tàu ngầm huấn luyện. Cũng giống như các tàu khu trục huấn luyện, chúng hoàn toàn có khả năng chiến đấu. Bộ chỉ huy Hải quân Nhật, trước mối đe dọa Trung Quốc, đã quyết định tăng số lượng tàu ngầm trong biên chế lên đến 18 chiếc.

Tập đoàn Kawasaki đang phát triển các máy bay tuần biển Р-1 trang bị động cơ turbine phản lực. Các máy bay này có trọng lượng cất cánh 79.700 kg, tốc độ tối đa 996 km/h, tầm bay 8.000 km và trần bay 13.520 m, mang được 9 tấn bom. Vũ khí trang bị cho các máy bay với các cấu hình khác nhau có thể gồm các tên lửa Harpoon và Maverick, ngư lôi chống ngầm, thủy lôi và bom chìm. Р-1 sẽ thay thế P-3 Orion trong các đơn vị không quân của Hải quân Nhật Bản.
Nguồn: Aleksandr Mozgovoi // Oborona, N.3.2014.
http://vietnamdefence.com/Home/phantich/Lap-phong-tuyen-chong-Trung-Quoc/20146/53731.vnd

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét