Lê Nguyên Vỹ, Tiền Vệ: Khác với cuộc chiến tranh đầy bất ngờ tại biên giới Trung Việt năm 1979, những cuộc gây hấn có chủ ý gần đây của Trung Quốc như muốn báo trước một cuộc chiến xâm lấn Trường Sa và độc chiếm Biển Đông của nước này.
Về phía Việt Nam, thái độ đáp trả không còn thể hiện qua những tuyên bố “võ mồm” nữa mà đã có những bước tiến mạnh bạo hơn, biểu lộ sự cứng rắn của những người đứng đầu chính phủ thông qua một số động thái chuẩn bị về mặt quân sự và việc ban hành các văn bản pháp luật cho thời chiến.Có vẻ như chiến tranh giữa Việt Nam và Trung Quốc là điều không thể tránh được: Một cường quốc mới nổi lên phàm ăn phàm uống với tổng sản lượng nội địa (GDP) từ 1198 tỉ Mỹ kim vào năm 2000 nhảy vọt lên đến 5878 tỉ Mỹ kim vào năm 2010. Sự tăng trưởng của kinh tế và thu nhập ở nước này tất yếu kéo theo sự tăng trưởng của nhu cầu. Nếu năm 2000, mức tiêu thụ năng lượng của Trung Quốc là hơn 1.000 triệu tấn dầu thì vào năm 2010, con số này đã tăng lên đến 2,5 lần, đưa Trung Quốc vượt mặt Hoa Kỳ, trở thành quốc gia tiêu thụ năng lượng cao nhất thế giới.
Năm 2010, tổng lượng nhập khẩu dầu thô của Trung Quốc là 239 triệu tấn, tăng 17,5%; trong đó lượng nhập khẩu dầu khí tăng từ 52% (2009) lên 55% (2010), vượt qua giới hạn đỏ 50% trong 2 năm liền. Theo một số dự báo, đến năm 2020, tỷ lệ dầu khí nhập khẩu của Trung Quốc sẽ tăng lên 65%. Nước này đang đầu tư mạnh vào các nguồn năng lượng thay thế, thế nhưng toàn bộ 25 nhà máy điện hạt nhân đang trong quá trình xây dựng của nước này cũng sẽ chỉ đáp ứng chưa đầy 1% nhu cầu sau khi được chính thức đưa vào hoạt động.
Trung Quốc đầu tư vào sản xuất dầu ở khắp nơi trên thế giới, từ Angola tới Sudan hay Kazakhstan. Tuy nhiên, trong năm 2006, tổng sản lượng dầu ở nước ngoài của các công ty Trung Quốc chỉ là 0,675 triệu thùng/ngày – chưa đầy 19% lượng nhập khẩu. Và Trung Quốc tiếp tục trông chờ vào dầu Trung Đông, với hơn một nửa sản lượng nhập khẩu từ Ả Rập Xê-út và Iran.
Tính đến năm 2008, Trung Quốc đã có 12.000 dự án đầu tư chính thức ở hơn 180 quốc gia và vùng lãnh thổ. Thương vụ mới nhất là việc nhà sản xuất dầu khí lớn nhất của Trung Quốc PetroChina hôm nay ký thỏa thuận mua 60% cổ phần của công ty Athabasca của Canada với giá 1,7 tỷ USD để khai thác bitum. Bitum chủ yếu được sử dụng để rải đường; nó cũng có thể được tinh luyện để trở thành các sản phẩm nhẹ hơn của dầu mỏ. Dự án khai thác này được triển khai tại hai mỏ dầu lớn MacKay và Dover ở tỉnh Alberta, Canada – một tỉnh có trữ lượng dầu thô lớn thứ nhì thế giới, lên tới 1,6 nghìn tỷ thùng. Dù chi phí khai thác tại những mỏ này rất tốn kém, giá dầu phải ở mức 80 USD/thùng mới đem lại nguồn lợi, nhưng phía Trung Quốc vẫn kiên quyết đầu tư.
Ngày 18/7, PetroChina cũng nhất trí mua lại một lượng khí đốt thiên nhiên khổng lồ từ Australia. Lượng khí đốt được mua bán trong thương vụ này lên tới 2,25 triệu tấn mỗi năm, hợp đồng kéo dài 20 năm. Với mức giá thị trường hiện tại của khí đốt tự nhiên, tổng giá trị của hợp đồng này là 41 tỷ USD. Đối tác ký kết thỏa thuận này với PetroChina là hãng dầu khí Exxon Mobile – hãng năng lượng có giá trị vốn hóa thị trường lớn nhất thế giới hiện nay.
Theo tính toán, để phục vụ phát triển kinh tế, nhu cầu tiêu thụ khí đốt tự nhiên của Trung Quốc sẽ tăng gần gấp ba lần trong 10 năm tới, có thể lên tới khoảng 510 triệu m3/ ngày vào năm 2020, đưa Trung Quốc trở thành thị trường nhập khẩu khí đốt tự nhiên lớn thứ ba thế giới, sau Nga và Mỹ.
Trước đó, PetroChina nhất trí mua 45,51% cổ phần của Công ty dầu mỏ Singapore (SPC) với giá hơn một tỷ USD. Thoả thuận này càng cho thấy sự quan tâm ngày càng tăng của Trung Quốc trong việc tìm kiếm nguồn tài nguyên tự nhiên ở nước ngoài tại thời điểm mà nhiều công ty về tài nguyên đang rất cần vốn.
Trong tương lai, nếu Trung Quốc không đáp ứng nổi yêu cầu năng lượng, nền kinh tế của nó sẽ bị kìm hãm mạnh.
Trong khi đó, biển Đông với diện tích 3.447 km2 gấp rưỡi Địa Trung Hải, có đặc điểm quan trọng là rất rộng và nông. Phần thềm lục địa bao gồm khoảng một nửa diện tích trong tổng số 3.447km2 có tầm quan trọng lớn về kinh tế, đặc biệt là quần đảo Trường Sa trải dài một chuỗi 600 dặm, có nhiều rạn san hô nhỏ, vừa là vùng đánh cá phong phú vừa có thể là chìa khóa trong việc thiết lập quyền kiểm soát khu vực biển Đông.
Theo các chuyên gia, biển Đông có tài nguyên dầu khí phong phú: Trữ lượng do phía Trung Quốc ước tính khoảng hơn 50 tỷ tấn dầu thô, hơn 20.000 tỉ mét khối khí thiên nhiên, gấp 25 lần trữ lượng dầu và tám lần trữ lượng khí đốt hiện có của Trung Quốc. Theo các báo Trung Quốc, tính đến giữa năm 2010, có khoảng 180 mỏ dầu và khí thiên nhiên, 200 cấu tạo dầu khí được tìm thấy ở vùng biển Biển Đông, trong đó phần lớn đều ở độ sâu từ 500 – 2000m. Ngày 23/5/2011, Trung Quốc đã hạ thủy giàn khoan dầu khí Hải dương 981 kiểu nửa chìm. Đây là siêu giàn khoan đầu tiên do Trung Quốc tự sản xuất, được gọi là “tàu sân bay dầu khí”, hoạt động ở độ sâu tối đa 3.000 m, giếng khoan sâu tối đa 12.000m, thuộc thế hệ thứ sáu trên thế giới. Nó cho phép Trung Quốc tiến từ độ sâu khai thác 300 m gần bờ ra độ sâu 3000 m ngoài biển khơi. Giàn khoan này đang hoạt động thử nghiệm tại biển Hoa Đông và sẽ được kéo tới Biển Đông chậm nhất là mùa thu năm nay. Ngoài ra, theo một nguồn tin Trung Quốc, giàn khoan 981 có thể được huy động vào mục đích quân sự trong trường hợp cần thiết.
Biển Đông là một tuyến đường huyết mạch nối các mỏ dầu ở Trung Đông tới các nhà máy ở Đông Á, trong đó, hơn 80% lượng dầu nhập khẩu của Trung Quốc đi qua vùng biển này. Một khối lượng dầu lửa và hàng hoá khổng lồ từ vùng Cận Đông đi qua biển Đông. Khoảng 1.1 tỷ tấn hàng hoá đi lại hàng năm tới Nhật qua eo biển Malacca, Biển Đông và eo Bashi. 900 triệu tથn nhập vào Nhật và khoảng 200 triệu tấn xuất từ Nhật, tức là vào khoảng 3 triệu tấn hàng và 15 con tàu trọng tải 200 ngàn tấn hàng ngày đi qua khu biển này. Chỉ nói tới dầu thô không thôi, Nhật sử dụng 238,37 triệu tấn hàng năm, tương đương với 650 ngàn tấn hàng ngày, tức là 3,3 con tàu trọng tải 200 ngàn tấn. 90% dầu lửa của Nhật chuyển qua eo Malacca, Biển Nam Trung Hoa và eo Bashi.
Là thủy lộ ngắn nhất giữa Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương, biển Đông chứa đựng những hành lang đường biển đông đúc nhất thế giới. Hơn một nửa số lượng tàu chở dầu của toàn thế giới lưu thông qua nơi này. Cùng với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, biển Đông có tầm quan trọng chiến lược vô giá. Các chuyên gia coi đây là “Địa Trung Hải của châu Á”.
Một kho báu khổng lồ hấp dẫn như thế mà chỉ bị một anh tiểu quốc Việt Nam đang trong thời kỳ rệu rả và phân hóa xã hội chính trị nghiêm trọng ngáng đường, hỏi sao không khêu gợi lòng tham của Trung Quốc.
Về phía Việt Nam, tuy khả năng không thể ngốn hết biển Đông và thực tế hiện nay thu nhập các khoản từ biển Đông chiếm tỷ trọng không lớn trong nền kinh tế quốc gia: Xuất khẩu thủy hải sản 5 tháng đầu năm 2011 đạt 2,13 tỷ USD, dầu thô hơn 6 tỷ USD, các bộ phận còn lại không đáng kể, nhưng hiện tại, mất biển Đông là mất nguồn thu nhập thủy hải khoáng sản cực kỳ quan trọng đang là tiền đề cho kinh tế biển. Mất biển Đông là mất niềm hy vọng trở thành cường quốc biển khu vực và quan trọng nhất: Mất vĩnh viễn con đường thông thương ra Thái Bình Dương.
Biển Đông với Việt Nam là tài sản hợp pháp nhiều đời không thể đánh mất, bất cứ chính quyền nào không bảo vệ được sẽ bị nhân dân loại bỏ. Chết sống gì chính quyền Cộng Sản Việt Nam cũng phải chống trả lại Trung quốc để bảo vệ biển Đông.
Cả hai nước đều có những khó khăn riêng và chung nên không thể đánh nhau, mặc dù biển Đông đối với hai nước đều là vấn đề sinh tử.
Thời điểm hiện nay, theo Ting Lu thuộc ngân hàng Merrill Lynch, thu nhập bình quân đầu người năm 2010 của Trung Quốc là 4.200 USD, chỉ bằng 9% của Mỹ. Mức sống hiện nay tại Trung Quốc mới bằng mức sống của Nhật Bản giai đoạn năm 1954, Đài Loan năm 1972 và Hàn Quốc năm 1976. Kinh tế Trung Quốc đang đối mặt với lạm phát tăng cao, nợ chính phủ, bong bóng tài sản phình to, bộc lộ những khó khăn do nóng vội tăng trưởng bất chấp quy luật phát triển bền vững, làm mất cân đối sự bình ổn của toàn xã hội và môi trường sinh thái. Chuyên gia kinh tế Dylan Grice đến từ Ngân hàng Societe Generale (Pháp) mô tả hiện tượng tăng trưởng bùng phát “công nghiệp” của Trung Quốc giống như “bong bóng bất động sản” của Mỹ và Nhật. Dylan Grice cho rằng về bản chất toán học thì hai hiện tượng này là như nhau: mức lãi suất đầu tư thấp dẫn đến lạm phát và phá sản. Nhận định của Dylan Grice có sức thuyết phục hơn khi có tin chính phủ trung ương Trung Quốc đã đồng ý cung cấp khoản cứu trợ hơn 463 tỷ USD cho các chính quyền địa phương sau khi điểu chỉnh GDP. Số tiền này bằng 1/2 khoảng TARP mà chính phủ Mỹ đã đưa ra để cứu trợ nền kinh tế lớn nhất thế giới. Hiện GDP của Trung Quốc bằng 1/3 của Mỹ, vậy khoản cứu trợ cho thấy mức độ khủng hoảng nợ xấu của họ hiện nay, và ước tính ít nhất các khoản nợ xấu của nền kinh tế Trung Quốc cũng gấp rưỡi mức độ khủng hoảng năm 2008.
Hơn bao giờ hết, Trung quốc cần ổn định tâm lý xã hội nói chung và tâm lý các nhà đầu tư trong và ngoài nước nói riêng. Chiến tranh lúc này sẽ là đòn nốc ao kết thúc giai đoạn phát triển thần kỳ của Trung Quốc; các nhà đầu tư sẽ dè dặt trong mọi kế hoạch và họ sẽ chuyển vốn đến những quốc gia khác để tránh rủi ro. Biển Đông dậy sóng cũng đặt con đường huyết mạch vận chuyển hàng hóa xuất nhập quan trọng của Trung Quốc lâm vào nguy hiểm.
Nhưng quan trọng nhất: nếu Trung Quốc đánh chiếm biển Đông, họ sẽ đẩy phần còn lại của thế giới vào thế nghi ngại họ và chắc chắn, Việt Nam nhận được rất nhiều hỗ trợ của các cường quốc để tiến hành một cuộc chiến tranh tiêu hao trên biển vốn là sở trường du kích ngàn đời của dân Việt. Đây là cuộc chiến tranh được nhiều cường quốc chờ đợi để kềm chế Trung Quốc.
Về phương diện quốc gia, Việt Nam nhẹ nhàng hơn Trung Quốc vì Việt Nam tuy là một nước nhỏ nhưng có vị trí địa chính trị, địa kinh tế rất quan trọng với thế giới; nếu xảy ra chiến tranh với một người khổng lồ như Trung Quốc, chắc chắn Việt Nam sẽ được nhiều cường quốc hỗ trợ đầy đủ. Khi đất nước nguy biến, người Việt trong nước và khắp thế giới sẽ xóa bỏ những mâu thuẫn, dị biệt, đoàn kết chống ngoại xâm. Với hơn 4 triệu người Việt hải ngoại so với 85 triệu dân trong nước, khi cần thiết họ có thể gánh vác một phần gánh nặng kinh tế thời chiến của Việt Nam.
Nhưng về phương diện nhà nước thì Việt Nam gặp rất nhiều khó khăn. Chiến tranh giữa Việt Nam và Trung Quốc sẽ đặt nhà cầm quyền Việt Nam vào thế: nếu muốn có lực đánh lại Trung Quốc, phải thỏa hiệp và chia sẻ quyền lực với tất cả các thành phần chống đối trong và ngoài nước, phải minh bạch hóa toàn bộ đường lối chính sách quốc gia, công khai hệ thống chi tiêu của Đảng Cộng Sản và nhất là phải cam kết rời bỏ chủ trương độc quyền lãnh đạo.
Nhiều chục năm qua, nhà cầm quyền Cộng Sản Việt Nam một mình một chợ làm mưa làm gió không ai kiểm soát. Chỉ có trời mới biết ánh sáng dân chủ rọi vào sẽ phơi bày những điều khủng khiếp nào trong quá khứ và dòng chảy tài chính quốc gia lọt vào túi của những ai. Viễn cảnh này chắc chắn không thích thú gì với những vị lãnh đạo đương chức cũng như đã về hưu vì lúc đó nhân dân không chỉ nguyền rủa mà còn đưa họ lên đoạn đầu đài.
Nhưng tại sao thời gian gần đây Trung Quốc và Việt Nam đều có động thái nắn gân lẫn nhau?
Tình hình thế giới đang có nhiều thay đổi ở châu Phi và Trung Đông. Hệ thống quyền lực phương Tây đang bị cầm chân ở nhiều nơi: Từ Afghanistan, Pakistan, Trung Đông, Châu Phi, nơi nào cũng sôi sục bạo động và chiến tranh. Một bộ phận nóng đầu của chính quyền Trung Quốc cho rằng đây là thời cơ nuốt trọng Việt Nam không ai làm gì được. Họ tin tưởng chính quyền Cộng Sản Việt Nam trong cái thế đơn độc trên chính trường thế giới; đang bị Trung Quốc kềm kẹp mọi mặt về kinh tế và quân sự sẽ không dám phản kháng. Và sự thành công này giúp họ củng cố quyền lực phe nhóm mình.
Họ không ngờ tinh thần dân tộc vẫn sôi sục trong lòng đảng viên Cộng Sản Việt Nam đã buộc nhà cầm quyền Việt Nam phải có thái độ mạnh mẽ chống trả.
Khi mặt trận võ mồm giữa Trung Quốc và Việt Nam bắt đầu căng thẳng, hai bên đều hiểu chiến tranh hoàn toàn không có lợi cho ai: Việt Nam chắc chắn sẽ có biến đổi chính trị và Trung Quốc sẽ bị cuốn vào cuộc chiến tranh không khoan nhượng trên biển Đông: Người Việt Nam khắp thế giới trở về với đủ loại khí giới góp sức đồng bào trong nước tiến hành chiến tranh du kích trường kỳ trên biển. Mọi công trình của Trung Quốc trên biển Đông sẽ không tồn tại, tàu thuyền chở hàng của Trung Quốc sẽ bị nổ tung không chỉ trên biển Đông mà trên các đại dương. Chỉ cần người Việt duy trì kiểu tấn công như cướp biển Somali trong 6 tháng, nền kinh tế Trung quốc sụp đổ thê thảm.
Trung quốc sẽ không dám mở cuộc chiến tranh tổng lực với Việt Nam vì cuộc chiến tranh ăn cướp và ăn hiếp nước nhỏ như thế sẽ đóng sập cánh cửa được thế giới thừa nhận là quốc gia văn minh, cường quốc toàn cầu.
Nhưng nếu Trung Quốc dám liều lĩnh mở cuộc chiến tranh tổng lực thì cũng vậy. Người Việt không dại gì trực diện đương đầu với vũ khí hiện đại của Trung Quốc. Họ sẽ phân tán mỏng lực lượng với hỏa tiễn cầm tay hoặc tên lửa quy mô nhỏ trên các con thuyền thô sơ lang thang khắp mặt biển. C o dẫu Trung Quốc có bắt sống toàn bộ ban lãnh đạo Việt Nam thì cũng chẳng ích lợi gì. Quân đội Việt Nam sẽ tan loãng vào dân chúng và với sự hỗ trợ của người Việt khắp thế giới, họ sẽ là niềm kinh hãi của Trung Quốc không chỉ trên biển mà còn trên bộ.
Một cuộc chiến tranh du kích như vậy sẽ đẩy nền kinh tế Trung Quốc xuống vực thẳm vì nếu lưu thông trên biển Đông bị đình trệ trong vòng hai tháng, toàn bộ kho hàng dự trữ của Trung Quốc từ lương thực thực phẩm đến nhiên liệu các loại đều cạn kiệt. Điều này đặt dấu chấm hết cho giấc mộng trở thành cường quốc toàn cầu của Trung Quốc.
Trong thời đại cạnh tranh hôm nay, chỉ cần chậm chân một chút là vĩnh viễn tụt hạng. Một cuộc chiến tranh như thế sẽ đẩy Trung Quốc – một quốc gia còn lệ thuộc nhiều vào xuất khẩu và đầu tư nước ngoài rơi ngay vào suy thoái không hãm được.
Cả nhà cầm quyền Trung Quốc và Việt Nam đều bằng lòng khoanh vùng mâu thuẫn chờ cơ hội giải quyết. Những động thái gần đây của hai bên đã cho thấy điều đó.
Nhưng thực tế không phải vậy.
Hiện nay đồng bạc VN mất giá 20% trong vòng ba năm nay, chính phủ VN nợ ngoại quốc 29 tỷ USD, mỗi năm phải trả tiền lời 4 tỷ USD. Chỉ trong tháng 5-2011, nhập cảng nhiều hơn xuất cảng 1.7 tỷ USD, ngoại tệ dự trữ chỉ còn 12,2 tỷ (theo Tổng Cục Thống Kê), không đủ trả tiền lời và mua hàng nhập cảng cho năm nay, trong đó có những nguyên liệu cần thiết cho các nhà máy. Chắc chắn nhà nước sẽ phải đi vay nợ thêm, dù số nợ công đã tăng tương đương 52,6% tổng sản lượng nội địa (GDP). Hệ thống ngân hàng rối loạn. Ngân hàng nhỏ vay tiền ngân hàng lớn của nhà nước với lãi xuất 20% để chi phí cấp thời và cho vay lại với lãi xuất 14% theo luật định (đài BBC 23-5-2011, theo hãng tin tài chính Bloomberg).
Hiện trạng kinh tế Việt Nam đang diễn ra trong bối cảnh Trung Quốc vẫn thi hành chính sách tằm ăn dâu lãnh thổ Việt Nam và đục khoét ruột kinh tế Việt Nam cũng như mua chuộc quan chức Việt Nam các cấp bằng nhiều hình thức.
Theo thống kê mới nhất của Hiệp hội Nhà thầu Việt Nam, hầu hết các dự án nhiệt điện than, khai khoáng,ਠhóa chất, luyện kim, xi măng triển khai từ năm 2005 đến nay do các nhà thầu nước ngoài làm tổng thầu EPC, với tỷ lệ trúng thầu rất lớn. Đơn cử, tỷ lệ trúng thầu của các nhà thầu Trung Quốc lên tới 90%. Chất lượng đấu thầu thấp đã dẫn đến một thực trạng đáng báo động là, phần lớn các dự án do nhà thầu nước ngoài làm tổng thầu EPC bị kéo dài thời gian xây dựng và chậm tiến độ bàn giao so với hợp đồng.
Trung Quốc hiện nay đã trở thành thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam, vượt qua cả Nhật Bản và Hàn Quốc. Nhập siêu của Việt Nam và Trung Quốc đã tăng liên tục kể từ khi hiệp định tự do mậu dịch ASEAN-Trung Quốc có hiệu lực ngày 1/7/2005. Mức nhập siêu từ Trung Quốc đã tăng rất nhanh trong những năm gần đây, từ mức 2,67 tỷ đôla năm 2005 vọt lên tới 12,7 tỷ đôla năm 2010, tức là tăng gần gấp 5 lần!
Theo các số liệu do Tổng cục Thống kê công bố, trong 5 tháng đầu năm nay, mức thâm thủng mậu dịch, tức là nhập siêu của Việt Nam chưa gì đã lên tới khoảng 6,5 tỷ đôla và trong đó, phần lớn vẫn là nhập siêu từ Trung Quốc. Nói chung, so với các nước trong khu vực Đông Nam Á, thâm hụt thương mại của Việt Nam với Trung Quốc hiện là lớn nhất và kinh tế Việt Nam đang bị Trung Quốc thôn tính dần.
Về lãnh thổ trên đất, Trung Quốc thông qua các tập đoàn khai thác lâm khoáng sản Hong Kong, Đài Loan, Trung Quốc thuê 264 ngàn ha đất rừng đầu nguồn dài hạn (50 năm) ở các tỉnh xung yếu biên giới phía bắc để trồng rừng nguyên liệu và nhất là khai thác bauxite trên 10.000 ha vùng đất chiến lược Tây nguyên kéo theo hàng trăm ngàn công nhân Trung Quốc không ai kiểm soát được.
Trên biển, họ thu hẹp vùng đánh bắt của ngư dân Việt Nam bằng những hành động bạo lực hung dữ quy mô nhỏ từng ngày và đã thành công: Ngư dân từ lâu không dám đánh bắt quanh quần đảo Hoàng Sa và một phần quần đảo Trường Sa. Hậu quả , chỉ trong vòng 6 tháng đầu năm 2011, khoảng 147 trong tổng số 793 doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản đã ngừng chế biến.
Họ luôn khiêu khích các đơn vị tàu thuyền nhà nước Việt Nam vào giới hạn 50km tính từ bờ; áp lực này dai dẳng và tăng lên mỗi ngày. Ngay cả lực lượng hải quân cũng tránh va chạm với lực lượng tuần duyên Trung Quốc.
Đối với Asean – một tập hợp lỏng lẻo trong đó có Việt Nam, Trung Quốc dùng chiến lược tăng cường hợp tác kinh tế thương mại. Các nền kinh tế của phần lớn các nước ASEAN đã không thể tách rời kinh tế Trung Quốc. Trong 4 tháng đầu năm 2011, kim ngạch thương mại Trung Quốc – ASEAN đạt 111 tỷ USD, tăng 26,5%. Dự kiến cả năm sẽ vượt 300 tỷ USD. Và như vậy trong quan hệ thương mãi với Trung Quốc, Việt Nam chỉ còn cách cúi đầu nhận lệnh.
Những cái thòng lọng này mỗi ngày mỗi siết chặt vào toàn bộ nền kinh tế quốc gia, kèm theo các biện pháp mua chuộc và răn đe các kiểu nhắm vào từng cá nhân lãnh đạo; đến một lúc nào đó chính quyền Việt Nam như cá nằm trên thớt, Trung Quốc muốn gì chẳng được.
Thời gian qua, Trung Quốc có những động thái giống như sắp chiến tranh đến nơi, thực chất là một kiểu hù dọa và thăm dò dư luận Việt Nam và dư luận thế giới, cũng như đánh lạc hướng dư luận Trung Quốc không để ý quá nhiều đến những khó khăn hiện nay, chứ thực ra Việt Nam chỉ là con cua đang trên hành trình vào nằm trong giỏ chờ đúng thời điểm là Trung Quốc bỏ vào nồi cần gì đánh nhau cho rắc rối.
Đà Nẵng 12-7-2011
Lê Nguyên Vỹ
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét