Tạp chí Tham khảo Nước ngoài số tháng 7 của Hồng Kông đăng bài của nhà nghiên cứu Hồ Lập cho rằng trong bối cảnh sức mạnh quốc gia của Trung Quốc đang tăng lên, địa vị quốc tế được nâng cao, sách lược ngoại giao “giấu mình chờ thời" đã không còn đủ khả năng để ứng phó với các mối quan hệ quốc tế của Trung Quốc.
Dẫn lời của Giáo sư Vương Kiện Vĩ, Chủ nhiệm khoa Chính quyền và Hành chính thuộc Viện Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Ma Cao, tác giả dự đoán lãnh đạo thế hệ thứ năm của Trung Quốc ngoài việc phải đề ra chiến lược phù hợp hơn với tình hình Trung Quốc, cũng phải xem xét tới việc làm thế nào để phát huy sức ảnh hưởng của Trung Quốc trên trường quốc tế. Vì thế, nhà lãnh đạo mới của Trung Quốc có thể sẽ có sự điều chỉnh nhất định về chính sách ngoại giao. Với những gì diễn ra vừa qua có thể các nhà lãnh đạo mới của Trung Quốc sẽ có những biểu hiện cứng rắn hơn.
Vấn đề mới cho các nhà lãnh đạo: Điều chỉnh sách lược ngoại giao như thế nào
Sách lược "giấu mình chờ thời" được Đặng Tiểu Bình đề ra sau sự kiện Thiên An Môn ngày 4/6/1989 đã giữ chủ đạo phương châm ngoại giao của Trung Quốc trong thời đại Giang Trạch Dân và Hồ Cẩm Đào, giúp Trung Quốc có được môi trường hòa bình để phát triển kinh tế. Nhưng, trong bối cảnh tình hình thế giới thay đổi và thực lực của Trung Quốc tăng lên, thế hệ lãnh đạo mới của Trung Quốc chắc chắn sẽ phải xem xét lại sách lược "giấu mình chờ thời".
Giáo sư Vương Kiện Vĩ chỉ rõ: Sách lược "giấu mình chờ thời" của Đặng Tiểu Bình đã giúp Trung Quốc thành công trong việc gia nhập cộng đồng quốc tế do phương Tây làm chủ đạo, đồng thời dọn đường cho Trung Quốc trỗi dậy nhanh chóng. Sách lược ngoại giao thời Hồ Cẩm Đào tuy có thêm một số khái niệm mới như “thế giới hài hòa”, nhưng về tổng thể, mang tính kế thừa nhiều hơn là thay đổi và ít có tính tạo lập về mặt lý luận.
Tuy nhiên, trong một số vấn đề cụ thể, Hồ Cẩm Đào vẫn có những nét khác so với thời Giang Trạch Dân. Ví dụ: Hồ Cẩm Đào đã tương đối thành công trong chính sách đối với Đài Loan, thay đổi được cách làm cứng rắn, muốn thành công nhanh, thiên về cái lợi gần và định rõ thời gian biểu trước đây; trong quan hệ với Nhật Bản, nếu thời Giang Trạch Dân nhấn mạnh nhiều hơn tới vấn đề lịch sử, thời Hồ Cẩm Đào lại nhấn mạnh nhiều hơn tới sự vỗ về, hướng về phía trước và không đặt hy vọng vào việc giáo huấn Nhật Bản. Ngoài ra, trong việc ứng phó với vấn đề Biển Đông (Trung Quốc gọi là Nam Hải), Trung Quốc cũng đã thực thi các biện pháp khác nhau. Tất cả cho thấy đã có một số thay đổi xảy ra (trong chính sách ngoại giao của Trung Quốc).
Cho dù về đại thể Hồ Cẩm Đào vẫn tuân thủ phương châm "giấu mình chờ thời", nhưng sự trỗi dậy của Trung Quốc lại là một sự thực rõ ràng và qua sự miêu tả của phương Tây, ba luận thuyết về sách lược ngoại giao của Trung Quốc đã xuất hiện, gồm “thuyết Trung Quốc cứng rắn”, “thuyết Trung Quốc ngạo mạn” và “thuyết Trung Quốc tất thắng”. Liên quan tới vấn đề này, trong buổi họp báo thuộc kỳ họp thường niên của Đại hội đại biểu nhân dân toàn quốc năm 2010, Thủ tướng Trung Quốc Ôn Gia Bảo đã nhấn mạnh Trung Quốc kiên trì đi theo con đường phát triển hòa bình, sự phát triển của Trung Quốc sẽ không ảnh hưởng tới bất cứ quốc gia nào, cho dù trở thành nước phát triển, Trung Quốc cũng vẫn không xưng bá.
Theo Giáo sư Vương Kiện Vĩ, ba luận thuyết nêu trên ngoài việc phục vụ cho mục đích tuyên truyền của phương Tây, cũng phản ánh thực tế là trong bối cảnh sức mạnh quốc gia của Trung Quốc đang tăng lên, địa vị quốc tế được nâng cao, Trung Quốc cần phải có tư tưởng chiến lược mới và khung lý luận mới về ngoại giao. Cục diện và môi trường mà Trung Quốc phải đối mặt dưới thời Giang Trạch Dân và Hồ Cẩm Đào đã quá khác nhau, nên việc Trung Quốc điều chỉnh sách lược ngoại giao thế nào là một vấn đề mới phải đối mặt. Ở Trung Quốc đã có nhiều cuộc thảo luận về việc Trung Quốc nên tiếp tục "giấu mình chờ thời" hay phải tích cực tiến tới, có thái độ cứng rắn, thay đổi luật chơi. Nhưng Hồ Cẩm Đào ngay lập tức đã ngăn lại, không cho phép có sự thay đổi quá lớn. Do đó, nhà lãnh đạo mới của Trung Quốc sau Đại hội 18 sẽ phải đối mặt với vấn đề và thách thức này, vào thời gian thích hợp sẽ phải xem xét đưa ra hành động sao cho tương ứng với sức mạnh quốc gia của Trung Quốc.
"Giấu mình chờ thời" đã không còn hợp thời
Sự xuất hiện của ba luận thuyết trên đều có liên quan tới những động thái mạnh mẽ của Trung Quốc trong các vấn đề như Mỹ - Hàn diễn tập quân sự ở Hoàng Hải, biến đổi khí hậu, đảo Điếu Ngư (Nhật Bản gọi là Senkaku) cũng như việc Trung Quốc tăng ngân sách quốc phòng, thử nghiệm tiêu diệt vệ tinh bằng tên lửa… Có lẽ vì thế, Giáo sư Vương Kiện Vĩ đã thẳng thắn nói rằng lý luận và hành vi ngoại giao của Trung Quốc đang tách rời nhau, gây ra phản ứng mạnh mẽ từ thế giới bên ngoài. Sau khi phản ứng này dội tới Bắc Kinh, Trung Quốc sẽ phải xem xét lại những gì đã xảy ra và có sự điều chỉnh. Do đó, ngoại giao Trung Quốc hiện đang trong trạng thái “chưa thay đổi, nhưng sắp thay đổi”. Một số thay đổi cụ thể của Hồ Cẩm Đào về cách làm ngoại giao cho thấy chiến lược dưới thời của Tập Cận Bình sẽ là “kiên trì giấu mình chờ thời, tích cực đóng góp”, trong đó hai chữ “tích cực” thể hiện sự chuyển biến theo thời cuộc.
Sở dĩ Trung Quốc nhiều năm kiên trì "giấu mình chờ thời" là do Trung Quốc theo đuổi trỗi dậy hòa bình. Nhưng thế giới bên ngoài có lúc cho rằng việc Trung Quốc "giấu mình chờ thời" thực ra chỉ là kế sách tạm thời, thậm chí còn nói đó là “mối nguy hiểm tiềm tàng”. Theo Giáo sư Vương Kiện Vĩ, "giấu mình chờ thời" đã không có nhiều tác dụng tích cực đối với việc Trung Quốc tuyên bố thực thi chính sách ngoại giao hòa bình. Giáo sư Vương Kiện Vĩ cho rằng thực lực của một quốc gia sẽ quyết định chính sách của nước ấy. Khi Trung Quốc còn yếu, việc thực thi sách lược "giấu mình chờ thời" còn có thể lý giải được, nhưng khi thực lực của Trung Quốc đã đạt tới trình độ nhất định thì việc tiếp tục duy trì sách lược "giấu mình chờ thời" là lỗi thời. Có thể nói sách lược "giấu mình chờ thời" cơ bản đã hoàn thành sứ mệnh lịch sử của nó.
Vì vậy, nếu như sức mạnh quốc gia của Trung Quốc tiếp tục được tăng cường, sau khi lên nắm quyền, nhà lãnh đạo mới của Trung Quốc sẽ không thể né tránh việc đưa ra quan niệm ngoại giao mới. Vì cùng với sự trỗi dậy, phạm vi lợi ích mà Trung Quốc theo đuổi sẽ không ngừng mở rộng và sẽ bao phủ toàn cầu. Nếu Tập Cận Bình giống như Giang Trạch Dân và Hồ Cẩm Đào hoạt động trong khung (sách lược "giấu mình chờ thời") của Đặng Tiểu Bình, nhà lãnh đạo này sẽ gặp nhiều khó khăn.
Nhà lãnh đạo mới của Trung Quốc ngoài việc phải đề ra chiến lược phù hợp hơn với tình hình Trung Quốc, cũng phải xem xét tới việc làm thế nào để phát huy sức ảnh hưởng của Trung Quốc trên trường quốc tế. Rốt cuộc, cùng với sự nâng lên về địa vị quốc tế của Trung Quốc, kỳ vọng của nhà lãnh đạo mới của Trung Quốc đối với đất nước sẽ tăng theo, đồng thời những lời kêu gọi Trung Quốc gánh vác trách nhiệm quốc tế lớn hơn cũng sẽ không ngừng tăng lên.
Giáo sư Vương Kiện Vĩ cho biết so với 20 năm, 30 năm trước, sức mạnh quốc gia của Trung Quốc đã thay đổi hoàn toàn, nhưng ngoại giao của Trung Quốc lại dường như không trở nên chủ động hơn, ngược lại có ngày càng bị động và khó khăn. Do đó, việc Trung Quốc phải làm thế nào để chuyển hóa sức mạnh quốc gia ngày càng tăng thành sức ảnh hưởng về ngoại giao, quyền phát ngôn trong quan hệ với thế giới và năng lực hình thành luật chơi quốc tế, là vấn đề cần phải suy nghĩ.
Giáo sư Vương Kiện Vĩ dự đoán sau khi lên nắm quyền, nhà lãnh đạo mới của Trung Quốc có thể sẽ có sự điều chỉnh nhất định về chính sách ngoại giao. Điều chỉnh này sẽ như thế nào? Xem xét những gì diễn ra vừa qua, có thể nhà lãnh đạo mới của Trung Quốc sẽ có những biểu hiện cứng rắn hơn, thái độ của nhà lãnh đạo mới đối với các vấn đề như phương Tây can thiệp vào công việc nội bộ của Trung Quốc, bảo vệ lợi ích quốc gia của Trung Quốc sẽ rõ ràng hơn so với thế hệ lãnh đạo của Hồ Cẩm Đào.
Theo Tạp chí Tham khảo Nước ngoài
Viết Tuấn (gt)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét