Theo báo “Thái Dương” (Hồng Kông), tình hình tranh chấp Biển Đông vẫn có xu hướng căng thẳng. Trên thực tế, để độc bá Biển Đông, Trung Quốc hiện vẫn chưa đủ sức mạnh, song để ngăn cản các nước xung quanh khai thác Biển Đông, Trung Quốc vẫn còn vô số cách thức.
Tuy nhiên, xét từ nhiều góc độ, tranh chấp Biển Đông sẽ không dẫn đến chiến tranh. Cựu Thứ Trưởng Ngoại giao Trung Quốc Ngô Kiến Dân từng nhấn mạnh rằng Trung Quốc không nên hễ động đến lợi ích cốt lõi là “đánh đánh, giết giết”, kiên quyết phản đối Trung Quốc diễu võ dương oai ở Biển Đông, việc làm này chỉ khiến có thêm nhiều người nguyền rủa, thậm chí căm hận Trung Quốc. Về việc Trung Quốc khai chiến ở Biển Đông, khả năng Trung Quốc khai chiến gần đây có chiều hướng tăng, nhưng về tổng thể vẫn không đánh nhau.
Theo báo “Thái Dương”, Ngô Kiến Dân có thể không còn đại diện cho Bộ Ngoại giao Trung Quốc, song quan điểm của ông có thể vẫn phản ánh quan điểm chung của hệ thống ngoại giao nước này. Mặc dù phía quân đội có quan điểm của phái cứng rắn, song các quan điểm này không giữ vị trí chủ đạo. Quan trọng nhất là thái độ của tầng lớp lãnh đạo cấp cao Trung Quốc cho thấy thống nhất không khai chiến.
Trong tình hình hiện nay, Mỹ đang cao giọng “trở lại châu Á”, Mỹ có Hiệp ước đồng minh quân sự với Philíppin, đồng thời cũng thể hiện sự ủng hộ đối với Việt Nam. Hai năm trở lại đây, hợp tác quân sự Mỹ-Việt đột ngột được thúc đẩy mạnh mẽ, một trong những nguyên nhân chính tất nhiên là nhằm cân bằng sức mạnh của Trung Quốc ở khu vực.
Gần 10 năm trở lại đây, Trung Quốc đã hao tốn biết bao tinh lực, tiền của để gây dựng các mối quan hệ với Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), kết quả đạt được rất đáng khâm phục, vai trò và vị trí của Trung Quốc trong Hiệp hội này là không thể phủ nhận. Đây cũng là một trong những nguyên nhân hối thúc Mỹ phải cấp bách trở lại châu Á. Nếu Trung Quốc tiến hành một cuộc chiến quy mô nhỏ có giới hạn đối với Việt Nam hay Philíppin, bao nhiêu thành quả và công lao Trung Quốc gây dựng ở ASEAN trước đây sẽ “đổ xuống sông xuống biển”, đồng thời tạo cho Mỹ những lý do và điều kiện tuyệt vời để “trở lại châu Á”.
Nếu như đánh một trận là có thể giải quyết vấn đề một cách vĩnh viễn, như vậy còn có thể phải suy nghĩ lại. Vấn đề ở chỗ sau khi đánh xong và giành chiến thắng, quân lực Trung Quốc cũng không có cách nào để kiểm soát hoàn toàn Biển Đông, bởi Trung Quốc vẫn chưa có lực lượng hải quân và không quân đủ mạnh để kiểm soát hữu hiệu Biển Đông. Hơn nữa, khi xảy ra chiến sự ở Biển Đông, Mỹ chắc chắn sẽ thừa cơ can thiệp, Trung Quốc sẽ khó bề tiến thoái.
Bài học tình hình Trung Đông cho thấy chủ nghĩa duy trì vũ lực của Ixraen đã đẩy khu vực luôn ở trong vòng xoáy bất ổn. Chủ nghĩa này đã đẩy tất cả các tranh chấp nhanh chóng leo thang thành vấn đề quân sự, trong khi mọi biện pháp khác như ngoại giao, đàm phán hay kinh tế… đều bị coi nhẹ.
Trở lại vấn đề Biển Đông, Trung Quốc hiện đang phải đối mặt với việc các nước xung quanh đang từng bước lấn ép trên Biển Đông. Tuy ở vào thế bị động, song Trung Quốc không phải không có “quân bài” để chơi lại. Trên thực tế, để độc bá Biển Đông, Trung Quốc hiện vẫn chưa đủ sức mạnh, song để ngăn cản các nước xung quanh khai thác Biển Đông, Trung Quốc vẫn còn vô số cách thức. Cùng với các mối quan hệ khăng khít về kinh tế và ngoại giao giữa Trung Quốc với các nước này, Trung Quốc còn nhiều con đường khác để giải quyết tranh chấp Biển Đông.
Theo “Thái Dương” (Hồng Kông) ngày 7/7
Viết Tuấn (gt)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét