Thứ Bảy, 9 tháng 7, 2011

SỨC MẠNH QUÂN ĐỘI TRUNG QUỐC HIỆN NAY RA SAO?

Ngày 24/6, trang mạng của Tổ chức Stratfor đã đăng bài phỏng vấn ông Nathan Hughes, Giám đốc Phân tích Quân sự của tổ chức này, xoay quanh sức mạnh lẫn điểm hạn chế của nền quân sự Trung Quốc.
Stratfor là tổ chức ra đời năm 1996 ở Austin (Texas, Mỹ) bởi nhà sáng lập George Friedman. Stratfor quy tụ các chuyên gia tình báo toàn cầu cung cấp và trao đổi các thông tin độc lập về sự phát triển chính trị, kinh tế và quân sự cho những người đóng vai trò quan trọng trong việc thu thập tin tức tình báo ở Mỹ và các nước trên thế giới. Bằng những thông tin được trao đổi, Stratfor nỗ lực đưa ra những lời giải thích xác đáng về các sự kiện trên thế giới.
Stratfor cho biết những căng thẳng gia tăng ở vùng Biển Đông giữa Việt Nam, Philippin và Trung Quốc gần đây nhất bắt nguồn từ xung đột chủ quyền vùng lãnh hải giàu tài nguyên dầu khí. Trung Quốc cũng lên tiếng yêu cầu Mỹ tránh can dự vào các xung đột chủ quyền ở Biển Đông – một động thái được Trung Quốc ví như “đang đùa với lửa”.
Những đánh giá mới nhất về sức mạnh và tiềm năng của quân đội Trung Quốc được chuyên gia Nathan Hughes thảo luận bắt đầu từ tin tức về việc tàu sân bay đầu tiên của Trung Quốc sẽ được thử nghiệm trên biển và dự kiến đưa vào sử dụng vào năm tới. Ông Nathan Hughes cho biết: “Chương trình tàu sân bay của Trung Quốc mới chỉ ở giai đoạn ban đầu. Quân đội Trung Quốc đã sở hữu tàu chiến Varyag trong hơn một thập kỷ. Varyag ban đầu được mua từ Ucraina để làm sòng bạc, ít nhất theo mục tiêu đề ra từ năm 1988. Tuy nhiên, cần thời gian dài mới có thể phát triển tất cả những năng lực cần thiết để điều hành một tàu sân bay hiệu quả. Đây là điều Mỹ đã thực hiện trong 100 năm qua trong khi Trung Quốc mới chỉ bắt đầu. Khi tàu sân bay được đưa ra biển, chưa ai có thể chắc chắn khi nào các máy bay trên tàu này có thể cất cánh. Chúng tôi hình dung rằng vẫn còn một lượng thiết bị và mảnh vụn đáng kể trong quá trình chế tạo vẫn nằm trên sàn tàu và ‘đống phế liệu’ này có thể ra biển cùng tàu sân bay bởi cuộc thử nghiệm đầu tiên trên biển chỉ nhằm mục tiêu đẩy tốc độ động cơ và đảm bảo hệ thống điều khiển cơ bản của tàu hoạt động đúng hướng”.
+ Như vậy tàu sân bay Trung Quốc chỉ diễn tập trên biển chứ không có thử nghiệm vũ khí?
-                           Đúng thế. Các cuộc diễn tập thử nghiệm ban đầu của tàu sân bay chỉ để đảm bảo rằng động cơ hoạt động đúng thiết kế, đặc biệt khi nói đến mục tiêu của tàu sân bay như là đưa vào sử dụng và phục hồi hai cánh của tàu sân bay.
+ Cho dù với việc bổ sung thêm loại phương tiện này, Hải quân Trung Quốc vẫn chỉ là một bộ phận nhỏ của quân đội Trung Quốc. Hầu hết thiết bị quân sự thuộc về bộ binh và lực lượng này cũng chiếm nguồn ngân sách lớn hơn. Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc nỗ lực ra sao để giải quyết các vấn đề trong nước?
-                           Vấn đề quan trọng cần nhớ về Trung Quốc là đa số quân đội và lực lượng an ninh đều phục vụ cho việc giải quyết các vụ đụng độ trên đất liền và thực hiện các sứ mệnh an ninh trong nước. Vai trò của Hải quân và Không quân mặc dù được nhắc đến nhiều trong thời gian gần đây nhưng vẫn chỉ là phần nhỏ. Trên thực tế, nếu kết hợp cả Hải quân và Không quân, hai lực lượng này vẫn ít hơn lực lượng an ninh nội bộ dưới quyền chỉ huy của Bộ Quốc phòng. Chúng ta cũng cần chú ý rằng Trung Quốc là một nước lớn, tương đương với diện tích nước Mỹ. Tuy nhiên, dân số Trung Quốc lớn hơn dân dố Mỹ khoảng một tỉ người. Hầu hết dân chúng sống trong điều kiện thấp, nhiều người vỡ mộng với việc tái cân bằng tài chính. Nhiều người sống ở các vùng tự trị và là dân tộc thiểu số. Do vậy, Trung Quốc khá vất vả trong việc kiểm soát an ninh nội bộ mặc dù người ngoài nhìn nhận rằng nước này đang hướng hoạt động quân sự ra bên ngoài.
+ Ông có thể đưa ra một vài con số được không?
-                           Tổng lực lượng Không quân và Hải quân thuộc Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc có số lượng dưới 600.000 quân trong khi lực lượng vũ trang nhân dân và lực lượng an ninh các cấp trong nước, bao gồm cảnh sát vùng biên, cảnh sát đường sắt, có số lượng trên 700.000 người. Con số này chưa tính đến lực lượng Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc với 1,6 triệu quân nhân.
+ Vậy khả năng các lực lượng này khi tác chiến nhanh ra sao?
-                           Lực lượng quân đội Trung Quốc hiện nay có trình độ công nghệ khá thấp. Mục tiêu chủ yếu của họ là duy trì an ninh trong nước và bảo vệ biên giới quốc gia và chiến đấu theo lối truyền thống. Do vậy, Trung Quốc phải đối mặt với nhiều thách thức sâu sắc trong thời kỳ hiện đại hoá từ năm 1980 trong vấn đề áp dụng kỹ thuật, hệ thống và các loại vũ khí mới mà họ đã và đang nghiên cứu, tích hợp các phương tiện này theo một hệ thống triển khai chiến đấu hiệu quả hơn ngoài mặt trận. Trung Quốc gần đây đã tập trung nhiều vào việc thử nghiệm hai tàu chiến và một tàu hỗ trợ trong sứ mệnh chống cướp biển ở ngoài khơi vùng biển Xômali. Mặc dù đây là một vấn đề ‘uy tín quốc gia’, song nó đòi hỏi phải nghiên cứu những vấn đề cơ bản trong việc duy trì các tàu chiến hải quân ngoài khơi, bảo trì và bổ sung các nguồn hậu cần. Đây là những vấn đề Trung Quốc vẫn chưa quen và việc nghiên cứu các giải pháp để có thể triển khai các lực lượng lớn ở vùng biên giới Trung Quốc vẫn là một câu hỏi lớn thực sự cần có lời giải đáp.
+ Ông đánh giá thế nào về chất lượng nền tảng công nghệ mà Trung Quốc đã đầu tư?
-                           Tôi đã nghiên cứu nền tảng công nghệ mới nhất của Nga từ những năm 1980. Vào thời điểm bấy giờ, khi mọi việc diễn ra theo chiều hướng xấu đối với Nga, Trung Quốc là khách hàng duy nhất và lớn nhất mua công nghệ cao của Nga. Họ đã kết hợp việc mua bán công nghệ này với hoạt động gián điệp, bao gồm cả hệ thống gián điệp trên mạng, để đánh cắp thông tin công nghệ mới nhất cảu Liên Xô và các nước đồng minh. Trung Quốc đã có những nỗ lực lớn trong việc tập hợp các thông tin để tự xây dựng nền tảng công nghệ riêng cho họ. Tuy nhiên thách thức đặt ra là Trung Quốc vẫn còn khá mới mẻ trong lĩnh vực này trong khi công nghệ phát triển như vũ bão. Trung Quốc ít có khả năng tích hợp những tiến bộ công nghệ trong chiến tranh bởi thiếu kinh nghiệm thực tế. Điều này để lại dấu hỏi về khả năng ứng dụng thiết bị một khi chiến tranh nổ ra.
***
(Đài BBC 15/6)
Một cuộc chạy đua vũ trang hàng hải đang diễn ra tại Biển Đông. Bắc Kinh đang nhanh chóng phát triển năng lực quân đội nhằm mở rộng sức mạnh tới những bến bờ mới.
Hiện hải quân nước này đã thống trị khu vực và trong tương lai có thể sẽ thách thức vị trí số một của hải quân Mỹ. Chẳng khó đoán tại sao nhiều nước láng giềng của Trung Quốc lại tỏ ra lo lắng, nhất là Việt Nam và Philippin, những quốc gia đang có tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông với Trung Quốc.
Theo Tiến sỹ Andrew Erickson, chuyên gia về Trung Quốc tại Học viện Hải quân Mỹ: “Trung Quốc không muốn khởi chiến mà chỉ muốn phô trương sức mạnh để không đánh mà thắng, răn đe các hành động mà Bắc Kinh xem là ảnh hưởng tới lợi ích cốt lõi của Trung Quốc”.
Hiện có ba hệ thống vũ trang có thể xem như là tiêu biểu cho việc mở rộng tầm chiến lược của Trung Quốc.
-                           Hàng không mẫu hạm đầu tiên của Trung Quốc sẽ được sử dụng thử vào cuối năm nay.
-                           Cuối năm ngoái, những bức ảnh đầu tiên bị rò rỉ cũng cho thấy loại máy bay tàng hình đầu tiên mà Trung Quốc đang chế tạo.
-                           Các chuyên gia quân sự Mỹ nói rằng Trung Quốc đã bắt đầu sử dụng loại tên lửa tầm xa có khả năng tiêu diệt các mục tiêu di động trên biển.
Tiến sĩ Erickson nói rằng cho tới nay, việc phát triển khả năng quân sự của Trung Quốc vẫn ở tầm khu vực và nhằm ngăn chặn Đài Loan tuyên bố độc lập. Một phần của chiến lược này là phát triển khả năng chống trả các hàng không mẫu hạm của Mỹ, phòng trường hợp Oasinhton quyết định can thiệp vào các xung đột trong vùng.
Hệ thống tên lửa diệt tàu chiến
Trung Quốc đã đưa vào sử dụng một số lượng đáng kể tên lửa và các loại vũ khí khác có tầm bắn rất xa. Trong số đó, đặc biệt nhất là tên lửa chống tàu chiến DF-21D. Đây là hệ thống đặt trên mặt đất, có khả năng tấn công các hàng không mẫu hạm vốn là nền tảng của chiến lược hàng hải Mỹ.
Tên lửa DF-21D (còn có tên gaọi CSS-5) có tầm bắn hơn 1.500km. Nó được trang bị đầu đạn nguỵ trang cho phép quân đội Trung Quốc nhắm bắn các tàu chiến tại Tây Thái Bình Dương. Các quan chức Mỹ và người đứng đầu cơ quan an ninh Đài Loan đều cho rằng Trung Quốc đã bắt đầu mang tên lửa DF-21D ra sử dụng.
Không khó đoán được tại sao Bắc Kinh lại muốn có loại tên lửa này. Mục tiêu chính là ngăn chặn cường quốc hải quân khác trong khu vực là Mỹ, không cho nước này can thiệp vào các cuộc khủng hoảng trong tương lai, nhất là liên quan tới Đài Loan.
Cá mập bay
Kể từ thời kỳ Thế chiến II, hàng không mẫu hạm đã trở thành phương thức biểu thị uy thế hải quân trên thế giới.
Các nhóm hàng không mẫu hạm của Mỹ mang theo sân bay cùng nhiều loại máy bay chiến đấu có khả năng thực hiện nhiều hoạt động khác nhau. Mỗi tàu sân bay đều đi kèm một loạt chiến hạm và tàu ngầm để bảo vệ.
Nay Trung Quốc cũng bắt đầu tham gia cuộc đua hàng không mẫu hạm, tuy trong chừng mực còn khá sơ khai. Trung Quốc mua hàng không mẫu hạm Varyag từ thời Xôviết của Ucraina, và đang làm công việc trang bị lại.
Hàng không mẫu hạm đầu tiên của Trung Quốc sẽ mang theo máy bay cơ tiêm kích J-15, còn lại là Cá mập bay. Đây là loại máy bay chiến đầu được thiết kế dựa trên một loại máy bay khác của Nga, Sukhoi Su-33.
Theo tạp chí có uy tín Aviation Week & Space Technology, Trung Quốc có thể cũng mau Su-33 từ Ucraina.
Tin cho hay hàng không mẫu hạm đầu tiên có thể hạ thuỷ trong mùa Hè này. Khi đã hoạt động, nó sẽ mang lại cho hải quân Trung Quốc sức mạnh mới trong các tranh chấp hàng hải với các nước láng giềng.
Thế nhưng, giới chuyên gia phương Tây nói rằng hàng không mẫu hạm này chủ yếu được sử dụng trong huấn luyện vì việc điều hành hàng không mẫu hạm đòi hỏi kinh nghiệm mà cần nhiều thời gian mới có thể tích luỹ được.
Người ta cho rằng chiếc Varyag sửa lại này khó có thể cạnh tranh với các loại tàu sân bay của Mỹ. Tuy nhiên, Tiến sỹ Erickson cho biết Trung Quốc sẽ dùng hàng không mẫu hạm để “phô trương sức mạnh, ganh đua vị trí cường quốc đang lên và tập luyện các thao tác cơ bản”.
Đầy tham vọng
Không quân Trung Quốc cũng đang phát triển rất nhanh. Xưa nay, đa số các máy bay chiến đấu của nước này được sản xuất từ thời Liên Xô. Thế nhưng mới đây loại máy bay chiến đấu Thành Đô J-20 đã được ra mắt, đưa Trung Quốc vào danh sách số ít quốc gia có khả năng chế tạo máy bay tàng hình chống rađa đời thứ năm. Chuyến bay ra mắt của J-20 hồi tháng 1/2011 được thực hiện chỉ vài giờ trước khi Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Robert Gates tới thăm Bắc Kinh, được nhiều nhà quan sát cho là hành động có chủ ý của Bắc Kinh.
Chuyên gia phân tích Douglas Barrie từ Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế ở Luân Đôn, mói máy chiến đấu J-20 chưa sánh được với các máy bay tàng hình của Mỹ. Tuy nhiên ông nói thêm: “Loại máy chiến đấu này đánh dấu tham vọng của Trung Quốc trong việc nâng cao khả năng tác chiến trên không, và tăng cường căn cứ không quân”.
Dự án máy bay tàng hình của Trung Quốc cũng vẫn còn nhiều ẩn số. Ông Barrie còn cho biết: “Hiện còn chưa rõ liệu J-20 sẽ được mang ra sản xuất để tác chiến hay chỉ là mô hình công nghệ. Việc này sẽ cho thấy Trung Quốc có thể tăng cường khả năng nhanh chóng như thế nào. Nhiều khả năng nước này có thể mang các máy bay chiến đấu tàng hình ra sử dụng vào thập kỷ tới”.
Vậy, ý nghĩa của chiếc J-20 là gì, trong khi Mỹ sẽ có trong tay hàng trăm máy chiến đấu thế hệ thứ năm?
Theo ông Barrie, nếu Trung Quốc sản xuất hàng loạt J-20 thì không quân nước này có thể thách thức các cường quốc trong vùng châu Á-Thái Bình Dương, nhất là Mỹ.
Các chỉ huy quân đội Mỹ đang theo dõi sự phát triển của quân đội Trung Quốc một cách chăm chú. Thế nhưng trong tương lai gần, có lẽ Bắc Kinh vẫn còn phải chiêm ngưỡng sức mạnh hải quân của Mỹ một cách đầy thèm muốn./.


Nguồn: http://anhbasam.wordpress.com/2011/07/07/164-s%E1%BB%A9c-m%E1%BA%A1nh-quan-d%E1%BB%99i-trung-qu%E1%BB%91c-hi%E1%BB%87n-nay-ra-sao/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét