Thứ Bảy, 9 tháng 7, 2011

Ngoại giao Trung Quốc: Hậu “giấu mình chờ thời”?

Trang web của tờ Liên hợp Buổi sáng (Xinh-ga-po) đăng bài của nhà phân tích độc lập Trung Quốc Chu Tuệ Lai cho biết mấy năm trở lại đây, đặc biệt kể từ khi tranh chấp chủ quyền lãnh thổ biển với hạt nhân là vấn đề Biển Đông không ngừng nóng lên, người ta cũng không ngừng tranh cãi về ngoại giao “giấu mình chờ thời” của Trung Quốc.


Trong cộng đồng quốc tế, ngày càng có nhiều người cho rằng trên thực tế Trung Quốc đã từ bỏ nguyên tắc ngoại giao này và bước vào thời đại ngoại giao hậu “giấu mình chờ thời”. Nhưng ở Trung Quốc, các cuộc tranh luận rằng có nên tiếp tục “giấu mình chờ thời” hay “phải có hành động” vẫn liên tục diễn ra. Thực tế này phản ánh việc Trung Quốc đang phải đối mặt với sự đấu tranh ngày một quyết liệt giữa một bên là trỗi dậy hòa bình và bên kia là bảo vệ lợi ích quốc gia. Việc xử lý mối quan hệ này thế nào trước tiên phải xem xét toàn diện ngoại giao “giấu mình chờ thời”.
Nội hàm hoàn chỉnh của ngoại giao “giấu mình chờ thời” 
"Giấu mình chờ thời" được Đặng Tiểu Bình đưa ra vào những năm 1990 nhằm đối phó với tình hình quốc tế. Đứng trước tình hình bất ổn xuất hiện khi Đông Âu diễn ra sự thay đổi lớn, phe xã hội chủ nghĩa tan rã, Đặng Tiểu Bình đã đưa ra phương châm “bĩnh tĩnh quan sát, giữ vững trận địa, bình tĩnh ứng phó, giấu mình chờ thời”. Khi đưa ra tư tưởng này, Đặng Tiểu Bình còn nhấn mạnh “quyết không đi đầu”. Trên thực tế, hàm nghĩa chính sách cụ thể của “giấu mình chờ thời” chính là “quyết không đi đầu”, không ham hố địa vị lãnh tụ phe xã hội chủ nghĩa mà Liên Xô để lại. 
Do Liên Xô tranh giành địa vị bá chủ với Mỹ và xây dựng phe xã hội chủ nghĩa đối lập với các nước phát triển Âu-Mỹ (sau đó rơi vào thảm cảnh), nên nội hàm cốt lõi của ngoại giao "giấu mình chờ thời" do Đặng Tiểu Bình đưa ra được thể hiện trên hai phương diện: Không thách thức bá quyền Mỹ và không thách thức hệ thống quốc tế. Lâu nay, cộng đồng quốc tế và trong nước Trung Quốc có nhiều người giải thích "giấu mình chờ thời" là chiến lược ngoại giao của Trung Quốc. Nếu xem xét từ khía cạnh không thách thức bá quyền Mỹ và không thách thức hệ thống quốc tế, "giấu mình chờ thời" kỳ thực có thể đạt tới tầm chiến lược. Nhưng, muốn lý giải một cách hoàn chỉnh ngoại giao "giấu mình chờ thời", cần phải nắm chắc nội hàm quan trọng của hai phương diện sau: 
Thứ nhất, "giấu mình chờ thời" là một sách lược Đặng Tiểu Bình sử dụng để vỗ về phái cực tả trong nước. Khi Đặng Tiểu Bình đề xướng ngoại giao "giấu mình chờ thời", phái cực tả ở Trung Quốc đang cổ súy mạnh mẽ cho thuyết cách mạng thế giới và luôn miệng nhắc tới vấn đề xuất khẩu cách mạng. Việc này đi ngược với cái gọi là đại chiến lược ngoại giao cách mạng và cải cách mở cửa. Khi Trung Quốc bắt đầu cải cách mở cửa vào những năm cuối của thập niên 1970, đối tượng của mở cửa không phải là toàn bộ thế giới theo nghĩa rộng mà chỉ là thế giới của những nước phát triển lấy Mỹ làm hạt nhân. Nếu sau khi Liên Xô tan rã, Chiến tranh Lạnh kết thúc, Trung Quốc xuất đầu lộ diện làm cái gọi là lãnh tụ phe xã hội chủ nghĩa, chiến lược cải cách mở cửa sẽ bị gián đoạn. Do đó, ngoại giao "giấu mình chờ thời" mà Đặng Tiểu Bình đưa ra về thực chất là nhằm vỗ về phái cực tả, giảm thiểu sự quấy nhiễu của họ đối với cải cách mở cửa. 
Thứ hai, "giấu mình chờ thời" từ trước tới nay không mâu thuẫn với việc bảo vệ lợi ích quốc gia, thậm chí xem xét ở góc độ ý nghĩa căn bản, người ta sẽ thấy mục đích của "giấu mình chờ thời" là nhằm bảo vệ và thực hiện tốt hơn lợi ích quốc gia của Trung Quốc. Đối với Trung Quốc, việc tiến hành cải cách mở cửa, gia nhập cộng đồng quốc tế và phát triển kinh tế chính là lợi ích quốc gia lớn nhất mà tiền đề của nó chính là việc thực hiện ngoại giao "giấu mình chờ thời", không thách thức bá quyền Mỹ và không thách thức hệ thống quốc tế.
Như vậy, xem xét về mặt bản chất, ngoại giao "giấu mình chờ thời" không có nghĩa Trung Quốc phải giữ tư thế thấp trong việc bảo vệ lợi ích quốc gia của mình, càng không có nghĩa là từ bỏ lợi ích quốc gia. Nếu cho rằng vì kiên trì ngoại giao "giấu mình chờ thời", giảm bớt những nghi ngại của Mỹ và cộng đồng quốc tế mà không dám bảo vệ lợi ích tự thân, thì đó chính là cách lý giải phiến diện về "giấu mình chờ thời". Đặng Tiểu Bình đã hơn một lần nhấn mạnh rằng Trung Quốc sẽ không bao giờ chịu ăn quả đắng tổn hại lợi ích quốc gia của mình. Trong vấn đề bảo vệ lợi ích quốc gia, Đặng Tiểu Bình luôn cứng rắn. Điều đó được thể hiện qua cuộc chiến năm 1979 với Việt Nam, trong đàm phán với Anh liên quan đến vấn đề trao trả Hồng Kông. 
Nhiều năm lại đây, ngoại giao "giấu mình chờ thời" của Trung Quốc đã quán triệt tương đối tốt chiến lược không làm kẻ thù của Mỹ, không thách thức hệ thống quốc tế, nhưng lại đối mặt với những khó khăn mang tính kỹ thuật trong việc bảo vệ lợi ích quốc gia không ngừng mở rộng. Đây là nguyên nhân quan trọng khiến ngoại giao Trung Quốc nhiều lần rơi vào bị động. Muốn thay đổi tình trạng này, Trung Quốc cần phải bắt tay thực hiện ba phương diện sau: 
Một là, đề ra đại chiến lược trỗi dậy rõ ràng đúng đắn, loại bỏ nghi ngại từ cộng đồng quốc tế. Trong quá trình bảo vệ lợi ích tự thân, trở lực lớn nhất đối với Trung Quốc đến từ sự nghi ngại của Mỹ và cộng đồng quốc tế. Khi Mỹ coi việc Trung Quốc bảo vệ lợi ích là hành động thách thức địa vị bá quyền của Mỹ, khi cộng đồng quốc tế coi việc Trung Quốc bảo vệ lợi ích là hành động thách thức hệ thống quốc tế, khi sự nghi ngại của Mỹ và cộng đồng quốc tế kết hợp với nhau, cục diện bảo vệ lợi ích tự thân của Trung Quốc sẽ trở nên phức tạp hóa. Xem xét từ khía cạnh này, trong quá trình trỗi dậy, Trung Quốc phải xác lập một đại chiến lược phát triển đất nước đúng đắn và tương đối minh bạch. Đại chiến lược này phải lấy chủ nghĩa tự do làm chỉ đạo, hợp tác với cộng đồng quốc tế làm tiền đề, thực thi trách nhiệm quốc tế làm đòn bẩy, để giảm bớt nghi ngại của Mỹ và cộng đồng quốc tế đối với sự trỗi dậy của Trung Quốc. 
Hai là, tranh thủ quyền phát ngôn. Ở đây tồn tại một vấn đề mang tính nghịch lý là tuy đề ra ngoại giao "giấu mình chờ thời" và thực thi nó, nhưng Trung Quốc lại không có quyền phát ngôn để nói rõ và giải thích về nguyên tắc ngoại giao này. Do không có quyền phát ngôn, Chính phủ và giới học giả Trung Quốc luôn bị động trong việc đối phó với những chất vấn từ dư luận, cộng đồng quốc tế, thường xuyên trong cảnh càng phân bua càng bị nghi ngờ. Ví dụ: thuyết “Trung Quốc trách nhiệm” mâu thuẫn với những kỳ vọng của cộng đồng quốc tế đối với ngoại giao "giấu mình chờ thời" của Trung Quốc. Bởi đã muốn thực thi trách nhiệm thì phải có hành động dưới tiền đề bảo vệ và thực hiện lợi ích tự thân. Nhưng mỗi khi Trung Quốc nỗ lực thực thi trách nhiệm, cộng đồng quốc tế thường nảy sinh nghi ngờ về động cơ của Trung Quốc. Hiện nay cái mà Trung Quốc cần làm là thiết lập quyền phát ngôn của mình trên ba phương diện: định nghĩa rõ "giấu mình chờ thời", định nghĩa rõ “trỗi dậy hòa bình” và định nghĩa rõ “trách nhiệm Trung Quốc”. 
Ba là, bồi dưỡng sự tự tin nước lớn. Một thách thức quan trọng hiện nay mà Trung Quốc đang phải đối mặt là vấn đề nhận thức của cộng đồng quốc tế. Ví dụ: đối với các sự vụ xung quanh, cho dù Trung Quốc nói gì, làm gì và cách làm đó của Trung Quốc là hợp tình hợp lý, nhưng cộng đồng quốc tế đều có khuynh hướng nhìn nhận tiêu cực. Đối mặt với sự nghi ngờ của cộng đồng quốc tế, hành vi ngoại giao của Trung Quốc thường trở nên “sợ bóng sợ gió”, chần chừ do dự, kết quả là bỏ lỡ thời cơ mà vẫn không thể loại bỏ nghi ngờ của cộng đồng quốc tế. Muốn kiên quyết bảo vệ lợi ích tự thân, Trung Quốc phải loại bỏ sự gây nhiễu của các loại nghi ngờ. Thời gian sẽ giải quyết tất cả. Trong tiến trình trỗi dậy, nước lớn và cộng đồng quốc tế đều có một quá trình điều chỉnh thích hợp với nhau. Nước lớn phải thích ứng với sự lo lắng và sợ hãi ở một mức độ nhất định của cộng đồng quốc tế, cộng đồng quốc tế cuối cùng cũng phải thích ứng với những chấn động và tác động nhất định gây ra bởi sự trỗi dậy của nước lớn đó. Trên thực tế, nước lớn nếu không có sự tự tin, sự lo ngại của cộng đồng quốc tế sẽ ngày thêm trầm trọng. 
Cùng với sự tăng cường của sức mạnh quốc gia và sự mở rộng về lợi ích quốc gia, việc Trung Quốc có thể xem xét một cách toàn diện và nắm vững toàn bộ nội hàm ngoại giao "giấu mình chờ thời" hay không có quan hệ trực tiếp tới sự ổn định của cộng đồng quốc tế và trực tiếp hơn là lợi ích của Trung Quốc. Xem xét từ kinh nghiệm lịch sử, cộng đồng quốc tế sẽ càng chú ý hơn tới kết quả trỗi dậy của Trung Quốc, chứ không dừng lại ở phương thức trỗi dậy. Đối với Trung Quốc, trỗi dậy là mục đích, ngoại giao "giấu mình chờ thời" là biện pháp. Trung Quốc tuyệt đối không được lý giải và thực hiện một cách cứng nhắc ngoại giao "giấu mình chờ thời", để rơi vào cạm bẫy “trỗi” nhưng không “dậy”. 
   Theo Liên hợp Buổi sáng (Xinh-ga-po) ngày 28/6
 Vũ Hiền (gt)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét