Theo báo Hồng Kông “Văn hối” ngày 10/6, Thông tin về 11 chiến hạm của Trung Quốc trong mấy ngày qua chọc thủng “chuỗi đảo thứ nhất” để tiến ra biển xa khiến dư luận Trung Quốc hết sức quan tâm và phía Nhật Bản vô cùng cảnh giác. Sau đây là một số đánh giá về vấn đề này dưới góc nhìn của chuyên gia Trung Quốc.
Hoạt động của Hải quân Trung Quốc mấy chục năm qua bị bao vây bởi các chuỗi đảo của Mỹ, an ninh năng lượng của Trung Quốc vì thế cũng nằm trong tay các nước lớn trên biển như Mỹ. Thông tin về 11 chiến hạm của Trung Quốc trong mấy ngày đi qua vùng biển quốc tế nằm giữa đảo Okinawa và đảo Miyako của Nhật Bản để tiến ra Thái Bình Dương khiến dư luận Trung Quốc hết sức quan tâm và phía Nhật Bản vô cùng cảnh giác. Bàn về vấn đề này, Phó Thư ký Hội Khoa học Quân sự Trung Quốc, Thiếu tướng La Viện, chỉ ra rằng việc Hải quân Trung Quốc chọc thủng chuỗi đảo thứ nhất là điều tất yếu và hoàn toàn hợp pháp.
Theo La Viện, có 4 lý do hợp lý để Hải quân Trung Quốc chọc thủng “chuỗi đảo thứ nhất” lần này:
Một là, có quốc gia dùng lực lượng quân sự đến "cửa nhà" quốc gia khác “khua đao múa súng”, tiến hành tập trận chung song vẫn không bị chỉ trích. Đây là cuộc diễn tập nằm trong kế hoạch thường niên của Hải quân Trung Quốc, các nước không có quyền có ý kiến.
Hai là, có nước lấy lý do “tự do hàng hải” để lộng hành trên khắp thế giới, tại sao Trung Quốc lại không có quyền tự do đi lại trên biển?
Ba là, có nước áp dụng chính sách pháo hạm đến nước khác đe dọa vũ lực, áp bức một số nước có chủ quyền, trong khi cuộc diễn tập này của Trung Quốc được nói rõ là không nhằm đe dọa bất cứ nước nào thì tại sao không thể tiến hành?
Bốn là, cùng với sự nâng cao sức mạnh tổng hợp của Trung Quốc, cộng đồng quốc tế yêu cầu Trung Quốc có nghĩa vụ quốc tế nhiều hơn, nếu không chọc thủng chuỗi đảo thứ nhất, Trung Quốc không thể thông thuộc vùng biển xung quanh, làm sao có thể tham gia các hoạt động cứu nạn quốc tế, tấn công hải tặc hay đối phó với các vấn đề an ninh phi truyền thống khác? Do đó, việc Trung Quốc chọc thủng chuỗi đảo thứ nhất bảo vệ quyền lợi biển và để có những cống hiến đối với an ninh chung của cộng đồng quốc tế là việc làm không có gì đáng trách hay dị nghị.
La Viện cho biết phân tích từ góc độ luật pháp quốc tế, việc Hải quân Trung Quốc lần này vượt qua hải phận quốc tế cũng không có gì đáng chê trách. Hải quân Trung Quốc xưa nay luôn là lực lượng quân sự hòa bình, chưa hề tạo ra mối đe dọa đối với thế giới, đồng thời phát huy những cống hiến to lớn đối với sự phát triển quan hệ tốt đẹp giữa Trung Quốc với nhiều nước. Đợt diễn tập này của Hải quân Trung Quốc tuyệt đối không tạo thành mối đe dọa đối với các nước khác.
Theo La Viện, xét từ góc độ quốc phòng, Trung Quốc vốn lấy lục quân làm chủ đạo. Do trào lưu cải tiến quân sự mới trên thế giới hiện nay, các nước đang tăng cường xây dựng các binh chủng kỹ thuật cao, Trung Quốc cũng phải điều chỉnh kết cấu quân sự, tích cực tăng cường cho hải quân và không quân, xây dựng binh chủng kỹ thuật cao để nâng cao năng lực bảo vệ lợi ích hải dương cũng như toàn vẹn lãnh thổ quốc gia. Đây cũng là việc làm tất yếu.
Liên quan vấn đề này, Giáo sư Vương Dật Châu - Phó Viện trưởng Học viện Quan hệ Quốc tế Đại học Bắc Kinh - cho biết đây là một đợt huấn luyện bình thường của Hải quân Trung Quốc, các nước khác (chỉ Nhật Bản) không có lý do gì phải phân tích vấn đề quá mức. Việc Hải quân Trung Quốc tiến ra biển xa hiện mới chỉ ở giai đoạn đầu, có thể dự báo rằng quy mô các biên đội Hải quân Trung Quốc chọc thủng chuỗi đảo thứ nhất sẽ ngày càng lớn, trang bị sẽ ngày càng tiên tiến, có thể bảo vệ giao thông trên biển của Trung Quốc. Nhật Bản không có lý do gì để lo ngại điều này, sức mạnh Hải quân Nhật Bản ai cũng đều rõ, song quyền lợi giao thông trên đường biển quốc tế không phải chỉ thuộc về một mình Nhật Bản.
Vương Dật Châu cho rằng hành động lần này cho thấy Hải quân Trung Quốc đã đủ năng lực chọc thủng chuỗi đảo thứ nhất, bảo vệ hòa bình và sự ổn định vùng biển Đài Loan và các vùng biển liên quan. Cũng giống như toàn bộ tiến trình phát triển kinh tế Trung Quốc, các bước hiện đại hóa hải quân của nước này sẽ được thúc đẩy ổn định theo mục tiêu đã định, sẽ không bị cản trở bởi bất cứ quốc gia hay sức mạnh bên ngoài nào.
Theo Vương Dật Châu, là một nước lớn, Trung Quốc không thể mãi chỉ có lục quân mà không có hải quân hùng mạnh, hải quân cũng không thể chỉ hoạt động ở biển gần. Tiến ra biển xa là mục tiêu và sứ mạng của Hải quân Trung Quốc, cộng đồng quốc tế nên hiểu rõ điều này.
Theo Văn hối
Anh Tuấn (gt)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét