Tháng Bảy này đánh dấu 40 năm sự kiện chuyến thăm bí mật đến Bắc Kinh của cựu Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ Henry Kissinger, chuyến đi đã khởi động cho tiến trình hàn gắn mối quan hệ đã rạn vỡ trong suốt 20 năm trước đó giữ Mỹ và Trung Quốc. Chuyến đi này và chuyến thăm sau đó của Tổng thống Richard Nixon là một biểu tượng cho cuộc tái tập hợp lực lượng thời Chiến tranh Lạnh. Mỹ và Trung Quốc đã gác qua một bên các thù hằn để cùng nhau hợp tác thành công kiềm tỏa đà mở rộng ảnh hưởng của Liên bang Xô viết.
Giờ đây khi mà Liên Xô chỉ còn là quá khứ, sức mạnh Trung Hoa ngày càng tăng tiến, một số người Mỹ đã biện luận rằng sự trỗi dậy của Trung Quốc không thể mang đến hòa bình và vì thế Mỹ nên thực hiện chính sách kiềm tỏa Nước Cộng hòa Nhân dân. Thực sự một số quan chức Bắc Kinh cũng đã nhìn nhận đó là chính sách hiện này của Washington. Họ đã sai.
Hơn hết, cuộc ngăn chặn Liên Xô thời Chiến tranh Lạnh diễn ra trong bối cảnh các quan hệ thương mại và xã hội gần như bằng không. Ngày nay, mọi thứ diễn ra ngược lại, Mỹ không chỉ có quan hệ thương mại "đồ sộ" với Trung Quốc mà còn có các quan hệ xã hội mở rộng, trong đó có việc 125.000 sinh viên Trung Quốc hiện đang theo học tại các đại học Mỹ.
Khi Chiến tranh Lạnh kết thúc, cuộc kiềm tỏa Liên Xô khởi nguồn từ chuyến thăm của Kissinger không còn là cơ sở của quan hệ Mỹ - Trung. Hơn thế, quan hệ với Trung Quốc đã trở nên lạnh nhạt sau sự kiện Thiên An Môn năm 1989 và chính quyền Clinton cũng đã đưa ra một cách tiếp cận mới cho quan hệ với cường quốc Châu Á này.
Khi tôi xem xét Đánh giá chiến lượng Đông Á của Lầu Năm góc năm 1994, chúng tôi đã phản đối ý tượng kiềm tỏa Trung Quốc vì hai lý do. Nếu chúng ta đối xử với Trung Quốc như là một kẻ thù, chúng ta đang tự đảm bảo rằng chúng ta sẽ có một kẻ thù trong tương lai. Nếu chúng ta xem Trung Quốc như một người bạn, chúng có thể không đảm bảo được sẽ có một mối quan hệ hữu nghị nhưng ít nhất chúng ta có thể giữ được khả năng của những kết quả tốt đẹp hơn.
Thêm vào đó, việc thuyết phục các quốc gia khác tham gia vào liên minh kiềm tỏa Trung Quốc cũng trở nên khó khăn trừ phi Bắc Kinh "bắt nạt" các nước này như điều mà Liên Xô đã từng làm sau Chiến tranh thế giới thứ hai. Chỉ có Trung Quốc, bằng cách hành xử của minh, có thể dẫn đến việc những quốc gia khác thực hiện chính sách kiềm tỏa đối với nước láng giềng to lớn.
Thay vì kiềm tỏa, chiến lược mà chính quyền Clinton từng áp dụng có thể được gọi là "can dự và rào dậu" - giống như khẩu hiệu thời Ronald Reagan "tin tưởng nhưng có kiểm chứng" khi tiến hành thương lượng các thỏa thuận chiến lược với Liên Xô. Một mặt, Mỹ ủng hộ việc Trung Quốc gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới, chấp nhận các hàng hóa và hoan nghênh những chuyến thăm từ Bắc Kinh. Một mặt, Tuyên bố Clinton-Hashimoto tháng 4/1996 đã khẳng định rằng Hiệp ước An ninh Mỹ - Nhật không chỉ là một tàn tích của Chiến tranh Lạnh mà còn là cơ sở cho một Đông Á ổn định và phồn vinh.
Chính quyền Clinton cũng đã từng cải thiện quan hệ với Ấn Độ, một chiến lược nhận được sự ủng hộ của cả hai đảng trong Quốc hội Mỹ. Chính quyền Bush đã tiếp tục cải thiện quan hệ song phương này trong khi làm sâu sắc và chính thức hóa cuộc đối thoại kinh tế với Bắc Kinh. Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ khi đó, ông Robert Zoellick đã tuyên bố rõ là Washington sẽ chấp nhận một Trung Quốc trỗi dậy như một "cổ đông có trách nhiệm". Chính sách đó đã tiếp tục định hướng cho chính quyền Obama, vốn đã mở rộng các cuộc tham vấn kinh tế thường niên với Trung Quốc sang cả những vấn đề an ninh.
Như tôi đã viết trong cuốn sách mới đây Tương lai của Quyền lực, một trong những nội dung của sự chuyển dịch quyền lực chính của thế kỷ 21 là việc Châu Á hồi sinh. Năm 1800, Châu Á chỉ chiếm có ½ dân số thế giới và 50% GDP toàn cầu. Đến năm 1900, cuộc cách mạng công nghiệp tại Châu Âu và Bắc Mỹ đã khiến "phần hùn" của Châu Á chỉ còn 20%. Đến giữa thế kỷ này, Châu Á lại một lần nữa quay trở lại chiếm một nửa dân số và GDP của toàn thế giới.
Đây là một quá trình tiến hóa tự nhiên và đáng hoan nghênh vì nó đã giúp hàng trăm triệu người thoát khỏi đói nghèo. Thế nhưng cùng lúc nó đã làm dấy lên nỗi sợ rằng Trung Quốc có thể trở thành một mối đe dọa đối với Mỹ.
Các nỗi sợ này dường như đã bị phóng đại, đặc biệt khi người ta xem Châu Á không phải là một thực thể. Thực sự châu lục này có cán cân quyền lực riêng. Nhật Bản, Ấn Độ, Việt Nam và các nước khác không muốn bị Trung Quốc thống trị và do đó hoan nghênh sự hiện diện của Mỹ trong khu vực. Trừ phi Trung Quốc phát triển "quyền lực mềm", sự bành trướng về quân sự và kinh tế của nước này có thể sẽ làm các nước láng giềng lo sợ và tìm kiếm các liên minh để cân bằng lực lượng. Giống như Mexico và Canada đã tìm kiếm các liên minh với Trung Quốc để cân bằng quyền lực với Mỹ tại Bắc Mỹ.
Sau cuộc khủng hoảng tài chính 2008-2009, do Trung Quốc đã phục hồi nhanh và tiếp tục tăng trưởng kinh tế 10%/ năm, một số quan chức và bình luận viên của nước này đã thúc giục Bắc Kinh thực thi một chính sách đối ngoại cương quyết hơn để phản ánh sức mạnh Trung Hoa mới. Nhiều người đã lầm tưởng rằng Mỹ đang trên đà suy vong và cuộc khủng hoảng vừa qua là một cơ hội chiến lược của Trung Quốc.
Trung Quốc đã bắt đầu gia tăng các đòi hỏi chủ quyền trên Biển Đông cũng như leo thang tranh chấp biên giới bấy lâu nay với Ấn Độ. Kết quả nhãn tiền là trong hai năm qua, Trung Quốc đã làm cho quan hệ của nước này với Nhật Bản, Ấn Độ, Hàn Quốc, Việt Nam và nhiều nước khác xấu đi rõ rệt - một minh chứng đáng kể khẳng định tiên đề chiến lược mà Mỹ từng nêu ra: "Chỉ có Trung Quốc mới kiềm tỏa được Trung Quốc".
Nhưng sẽ là một sai lầm nếu chỉ tập trung vào phần phòng thủ trong chiến lược của Mỹ. Washington và Bắc Kinh (cũng như nhiều nước khác) sẽ được nhiều hơn từ việc hợp tác trong các vấn đề liên quốc gia. Một quốc gia duy nhất không thể đưa ra và thực hiện những giải pháp cho sự ổn định tài chính toàn cầu, biến đổi khí hậu, khủng bố mạng hay dịch bệnh nếu không có quan hệ hợp tác như thế.
Nếu quyền lực là khả năng đạt được kết quả mong muốn thì điều cần nhớ là đôi khi quyền lực của chúng ta sẽ lớn hơn nếu chúng ta cùng hành động với các nước khác thay vì đơn thuần "vượt lên" các nước. Đó là một định đề quan trọng cho chiến lược "quyền lực thông minh" của thế kỷ 21 và không thể bị đóng khung trong ý niệm về một sự kiềm tỏa, Khi Kissinger đặt chân xuống Bắc Kinh cách đây 4 thế kỷ, ông ta đã bắt đầu không chỉ một sự chuyển đổi xu hướng trong Chiến tranh Lạnh mà cả một kỷ nguyên mới cho sự can dự Mỹ - Trung.
- Joseph S. Nye, Jr. là Trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng dưới chính quyền Clinton và hiện là Giáo sư Đại học Havard - tác giả cuốn sách Tương lai của Quyền lực
Nam Sơn dịch từ project - syndicate
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét