Sự kiện “tàu Bình Minh 2″ xẩy ra ngay trước thềm Đối thoại Shangri-La làm chúng ta dễ dàng nhận thấy đó là một tính toán chiến thuật nằm trong chiến lược độc chiếm biển Đông của Bắc Kinh. Tướng Lương Quang Liệt, người dẫn đầu đoàn đại biểu hùng hậu của TQ – vốn rất nổi tiếng với tuyên bố về Đài Loan ngay sau khi ông ta nhậm chức Bộ trưởng Quốc phòng: “Đối với Đài Loan, đánh chậm không bằng đánh sớm, đánh nhỏ không bằng đánh lớn, đánh chiến tranh thường qui không bằng đánh chiến tranh hạt nhân, chỉ đánh Đài Loan không bằng lôi cả Nhật Bản vào cùng đánh”.
Cho nên, không có gì ngạc nhiên khi các bên tham dự Đối thoại Shangri-La hồi hợp chờ đợi “giọng lưỡi” của Lương.
Thế nhưng, các bên tham dự Đối thoại Shangri-La lại bất ngờ lắng nghe bài phát biểu đầy “nhã nhặn” của Lương. Có người làm một bản thống kê cho thấy, trong bài phát biểu ấy, có 3 từ “hữu nghị”, 6 từ “đối thoại”, 47 từ “hợp tác” và 34 từ “hòa bình”! Không phải ngẫu nhiên mà TQ luôn nói đến chiến lược “trỗi dậy hòa bình” của TQ – nhất là trong thời gian gần đây, trong khi việc làm của họ thì ngược lại. Không cần phải chờ đợi đâu xa, sự kiện tàu Viking 2 ngày 9.6.2011 tiếp ngay sau sự kiện tàu Bình Minh 2 đã làm cho những người luôn tin tưởng vào mối quan hệ Việt – Trung cũng bừng tỉnh, hiểu rõ TQ muốn gì và chắc chắn TQ sẽ không dừng lại ở đó. Thế giới có quyền đặt câu hỏi, vậy TQ áp dụng chiến lược trỗi dậy hòa bình hay trỗi dậy chiến tranh?
Thập kỷ sáu mươi, xuất phát từ bối cảnh quốc tế lúc bấy giờ, nhận định chiến tranh thế giới có thể sẽ xẩy ra, Mao đề ra chiến lược “đánh mạnh, đánh sớm, đánh chiến tranh hạt nhân”. Thế là không biết bao nhiêu nhân tài, vật lực của quốc gia đổ vào việc chuẩn bị chiến tranh, TQ gần như kiệt sức. Cuối thập kỷ bảy mươi, Đặng nhận định: Chiến tranh lớn không xẩy ra, đừng sợ. Tôi thấy chí ít mười năm nữa cũng không đánh nhau đâu. Chúng ta phải bình tĩnh đưa ra phán đoán mới, phán đoán này là vô cùng quan trọng để chúng ta có thể yên tâm chuyển trọng điểm sang xây dựng kinh tế. Không có phán đoán này, hàng ngày cứ lo sợ hốt hoảng, làm sao có thể yên tâm xây dựng được?
Chiến lược “thu mình, dấu tài” của Đặng ra đời – tất nhiên chúng ta thừa hiểu, chiến lược ấy ra đời trong điều kiện TQ còn yếu về mọi mặt. TQ lớn tiếng tuyên bố với thế giới: TQ vĩnh viễn không xưng bá, không đứng đầu, không cầm cờ, không đối kháng, không thách thức trật tự thế giới đang tồn tại. Đặng lại nói, mặc dù một số nước thế giới thứ ba mong muốn TQ đứng đầu, song TQ nhất thiết không nên đứng đầu, đứng đầu không có ích gì, mọi cái chủ động đều mất hết. Không đứng đầu không phải là lời nói khách sáo mà là một suy nghĩ chính trị, một suy xét chiến lược của TQ.
Ý nghĩa của “thu mình, dấu tài” của TQ là gì? Giấu tài là che giấu tài năng, không bộc lộ ra ngoài. Nó xuất phát từ tình hình thực tiễn TQ và so sánh lực lượng quốc tế, trước hết TQ chỉ có thể làm tốt công việc của mình trong nước. TQ cố hết sức tránh huênh hoang, tạo ra môi trường quốc tế thuận lợi để tập trung sức xây dựng kinh tế. Mục tiêu là tranh thủ thời cơ, thực hiện bốn hiện đại hóa, tạo ra một sự phát triển vượt bậc cho TQ.
Chiến lược ấy đã tỏ ra có hiệu quả. Năm 2010, tổng GDP của TQ đã vượt Nhật Bản, đạt 5,88 nghìn tỷ USD, chỉ đứng sau Hoa Kỳ với 14,66 nghìn tỷ USD.
Đến đây, chúng ta hãy nhìn tổng quát một chút “mối đe dọa” của TQ. Theo một số nguồn tin phương Tây, tổng quân số thường trực hiện nay của 4 quân chủng Quân đội TQ vào khoảng 2,3 triệu người; trong đó Lục quân có 1.560.000 quân, Không quân có 385.000 quân và Hải quân có 255.000 quân, lực lượng tên lửa chiến lược có 100.000 quân. Ngoài ra, Trung Quốc còn duy trì một lực lượng cảnh sát vũ trang với 660.000 người để bảo đảm an ninh nội địa.
TQ có 9.480 chiếc xe tăng các loại, trong đó 8.180 xe tăng hạng nhẹ, 5.000 xe thiết giáp, 58.450 khẩu pháo, cối và rốc két các loại. Vũ khí phòng không của Lục quân gồm 10.300 pháo phòng không và 1.600 tên lửa. Lục quân cũng được trang bị 384 máy bay trực thăng các loại.
Không quân có 4.486 máy bay các loại, gồm máy bay ném bom, máy bay tiêm kích bom, cường kích, tiêm kích và nhiều loại khác. Lực lượng phòng không có 1.578 tên lửa phòng không, 16.000 pháo cao xạ các loại.
Hải quân TQ có tổng số 1.503 tàu, xuồng các loại, trong đó có tàu ngầm, tàu khu trục, tàu hộ vệ, tàu phóng lôi, tàu tên lửa, tàu tuần tiễu trang bị pháo, tàu xuồng đổ bộ và tàu phục vụ. Lực lượng không quân của hải quân có 956 máy bay các loại gồm: máy bay ném bom, rải lôi, máy bay cường kích, tiêm kích, máy bay trinh sát chống ngầm, máy bay vận tải và máy bay trực thăng.
TQ có 609 tên lửa chiến lược trên đất liền với các loại tên lửa đạn đạo xuyên lục địa, tên lửa đạn đạo tầm trung, tên lửa đạn đạo tầm ngắn. Ngoài ra, lực lượng này còn có 13 tên lửa trang bị trên tàu ngầm và 326 bom và đầu đạn hạt nhân trên máy bay.
Thống kê nêu trên khó mà đầy đủ và chính xác, song cũng cho chúng ta thấy sức mạnh quân sự của “chiến lược trỗi dậy hòa bình” của TQ. TQ thường nhấn mạnh, chính sách quốc phòng “phòng ngự” và chiến lược quân sự “phòng ngự tích cực” của mình. Rằng số vũ khí hạt nhân “ít ỏi” mà TQ có chỉ là để tự vệ. TQ không khiêu khích quân sự với bất cứ nước nào. Tuy nhiên, nếu ai cố tình gây chiến tranh với TQ, TQ sẽ tiến hành phản kích để tự vệ.
Với việc triển khai các chính sách đối nội và đối ngoại, sự phát triển “mối đe dọa” của TQ, thế giới ngày càng e ngại TQ. Thứ nhất, TQ phát triển nhanh chóng tất nhiên sẽ dẫn đến việc bành trướng ra bên ngoài bằng vũ lực và xâm lược. Điều này lịch sử đã chứng minh. Thứ hai, TQ với dân số 1,3 tỷ người, trình độ khoa học kỹ thuật, trình độ quản lý lạc hậu sẽ tiêu hao quá mức tài nguyên nhân loại, làm rối loạn thị trường thế giới, phá hoại cân bằng sinh thái toàn cầu, tạo thành mối đe dọa cho thế giới. Thứ ba, sự phát triển của TQ sẽ gặp nhiều mâu thuẫn do chế độ chính trị, khó khăn sẽ ngày càng gay gắt, tất yếu dẫn đến rối loạn chính trị, gây mất ổn định cho khu vực cũng như thế giới. Thứ tư, mô hình TQ phát triển thành công sẽ có ảnh hưởng chính trị to lớn, tạo nên mối đe dọa vai trò chủ đạo thế giới của các nước phương Tây và Hoa Kỳ.
Chiến lược trỗi dậy hòa bình của TQ ra đời là để đối phó và hóa giải sự lo ngại đó của thế giới. Chiến lược này có thể xóa hết mối nghi ngại đó của thế giới hay không, điều này phụ thuộc vào TQ. Đó là trong hành xử, TQ phải tỏ ra là một nước lớn có trách nhiệm, nói đi đôi với làm.
Với các nước láng giềng, TQ thường nói, “làm bạn với láng giềng, thân thiện với láng giềng, yên ổn với láng giềng, trợ giúp láng giềng, hỗ trợ láng giềng, làm giàu láng giềng”. Thế ư? Cứ xem những hành động của TQ – nhất là thời gian gần đây về tranh chấp chủ quyền trên biển Đông, sẽ hiểu lời nói của TQ có giá trị đến đâu. Chiến lược trỗi dậy hòa bình của TQ liệu có thuyết phục được thế giới hay không?
Và như thế, TQ trỗi dậy hòa bình hay trỗi dậy chiến tranh – câu trả lời thật quá dễ dàng.
Nguồnhttp://lemaiblog.wordpress.com/2011/06/12/trung-quốc-trỗi-dậy-hoa-binh-hay-trỗi-dậy-chiến-tranh/
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét