Có những ngày tháng Hai được nói đến rất nhiều, ca ngợi rất nhiều, cờ đỏ bay khắp nơi và cũng có những ngày tháng Hai rất đáng nhớ, cần phải nhớ thì lại đang chìm dần vào quên lãng. Bến Lú – sông Tương? “Sông Tương Tư suốt đời anh sẽ nhớ. Bến Lú mà, em sẽ chóng quên thôi”?
Cảm xúc tháng Hai? Trên đất nước VN nầy, nói đến ngày nào, tháng nào, năm nào mà lại không cảm xúc? Chúng ta không nói đến tháng Tư hay tháng Tám, tháng Năm hay tháng Mười. Thời gian đang tiến dần đến ngày 17.2, đánh dấu 32 năm cuộc chiến tranh biên giới phía Bắc. Thời gian có thể làm cho lịch sử hiện lên rõ nét hơn, sống động hơn và thời gian cũng có thể làm phai nhòa lịch sử, song chắc chắn không một ai có thể xóa bỏ được lịch sử.
Trước mắt tôi là các tác phẩm bàn về quân sự của Võ Nguyên Giáp và Trường Chinh. Vào thời điểm nổ ra cuộc chiến biên giới phía Bắc năm 1979, Võ Nguyên Giáp vẫn là Bộ trưởng Quốc phòng. Đáng tiếc là vai trò của ông trong cuộc chiến này chưa được nói đến nhiều. Còn Trường Chinh, bấy giờ là Chủ tịch Quốc hội, đến năm 1986, ông trở lại làm Tổng Bí thư, sau khi Lê Duẩn mất.
Khi cuộc chiến nổ ra, như chiến thuật ông cha ta thường dùng, VN trước tiên tìm cách ngăn cản bước tiến của quân TQ bằng các lực lượng tại chỗ như dân quân, du kích, cố gắng kìm chân các lực lượng TQ càng lâu càng tốt. Đồng thời, cấp tốc điều các sư đoàn chủ lực từ phía Tây Nam về. Liệu chiến tranh có “hạn chế về không gian và thời gian” như TQ rêu rao hay không? Thử hỏi, nếu 60 vạn TQ không bị tổn thất nặng nề, họ có tự nguyện dừng lại ở mấy tỉnh biên giới rồi rút lui?
Giờ đây, nguyên nhân của cuộc chiến tranh biên giới năm 1979 giữa VN và TQ phần nào đã được làm rõ. Mới đây, phát biểu của tướng Lưu Á Châu càng cho chúng ta thấy tính toán sâu xa của TQ và Đặng Tiểu Bình. Gạt ra ngoài tính chất phi nghĩa của cuộc xâm lược, có thể nói tầm nhìn của họ Đặng đặc biệt xa rộng.
Ngay từ những năm tám mươi, phân tích nguyên nhân vì sao TQ đánh VN, Trường Chinh đã chỉ rõ, một số giới phương Tây cho rằng đây là “cuộc đánh nhau giữa các nước cộng sản”, nó chừng tỏ “những mâu thuẫn về lợi ích dân tộc đã vượt lên trên sự thống nhất về hệ tư tưởng trong các nước XHCN”. Không! Vấn đề là ở chỗ âm mưu và hành động của TQ chống VN từ trước đến nay, TQ đang thực hiện “chủ nghĩa Mao sau Mao” hay là “chủ nghĩa Mao không có Mao”. Mà biểu hiện nổi bật nhất của chủ nghĩa Mao là chủ nghĩa bành trướng và chủ nghĩa bá quyền đại Hán tộc.
Giữa lúc quân TQ đang ào ạt tấn công trên toàn tuyến biên giới, quân đội VN đang cố gắng ngăn cản bước tiến của quân TQ, Võ Nguyên Giáp đã khẳng định “Nhân dân VN nhất định thắng lợi, giặc TQ xâm lược nhất định thất bại”.
Võ Nguyên Giáp đã phân tích rất sâu sắc dã tâm và mưu đồ đen tối của nhà cầm quyền phản động TQ đối với VN. Chính sách của họ chính là sự kế tục ở một thời kỳ mới của chủ nghĩa bành trướng đại dân tộc đã từng ngự trị trong lịch sử lâu đời của các triều đại phong kiến TQ. Nó là sự biểu hiện tập trung tất cả những gì độc ác nhất, nham hiểm nhất trong quốc sách thôn tính VN mà các hoàng đế TQ đã từng theo đuổi mấy ngàn năm qua. Rõ ràng, phân tích đó đã chiếu một cái nhìn toàn diện vào chiều sâu lịch sử của VN và TQ, cho thấy sự am hiểu và đánh giá đúng đối phương, từ đó đề ra đường lối đúng. Võ Nguyên Giáp là một nhà quân sự nhưng trước hết, ông là một nhà chính trị có cái nhìn toàn cục, biện chứng.
Từ rất sớm, VN đã phát hiện và đề phòng dã tâm của TQ – luôn muốn VN suy yếu, bắt buộc lệ thuộc vào TQ, thần phục TQ, đi vào quỹ đạo của TQ. Họ đã lợi dụng cuộc chiến của VN với người Mỹ nhằm thu lợi cho họ. Những nhà lãnh đạo TQ quả là không “hổ thẹn” với tiền nhân của họ!
Có một chi tiết đặc biệt, Võ Nguyên Giáp nêu rõ: “với sự thỏa thuận ngầm của Mỹ, họ đã thừa lúc ta dồn sức vào kháng chiến, ngang nhiên đánh chiếm quần đảo Hoàng Sa của nước ta”.
Trường Chinh và Võ Nguyên Giáp đặc biệt phân tích về chiến lược hai gọng kìm và chiến lược đánh vòng của TQ. Mỗi khi các triều đại phong kiến phương Bắc muốn đánh nước ta, họ thường đánh chiếm Lâm Ấp, Chiêm Thành để tạo nên thế trận bao vây từ hai hướng. Thế kỷ XI, đời nhà Lý, nhà Tống cấu kết với vua Chămpa quấy phá biên giới phía Nam VN để chuẩn bị cho quân nhà Tống từ phía Bắc đánh xuống. Thế kỷ XIII, đời nhà Trần, để xâm lược nước ta lần thứ hai, nhà Nguyên dùng một lực lượng khá mạnh do Toa Đô chỉ huy, liên minh với quân Chămpa đánh vào miền Nam VN, phối hợp với đại quân do Thoát Hoan chỉ huy từ phía Bắc đánh xuống.
Song, tất cả mưu đồ đó của các triều đại phong kiến TQ đều thất bại và lần này lịch sử cũng sẽ lặp lại. Quả nhiên, điều đó đã xẩy ra. Khẳng định TQ sẽ thất bại trong cuộc xâm lược VN của Trường Chinh và Võ Nguyên Giáp đã được chứng minh là chính xác.
Bây giờ nhìn lại, ta càng thấy sự phân tích của hai ông ngày càng có tính tiên tri hơn. Hiện nay, VN có thể bị bao vây từ phía Bắc, phía Đông, phía Tây và phía Tây Nam. Đó là chưa kể hàng loạt kiểu “bom nổ chậm” khác. Trường Chinh đã chỉ ra vai trò của lưới gián điệp cài sẵn của TQ, vấn đề sử dụng người Hoa…
Là một nhà quân sự, dĩ nhiên Võ Nguyên Giáp bàn sâu về những biện pháp quân sự trong cuộc chiến với TQ – tất nhiên, không để lộ ý đồ chiến lược. Ông nhấn mạnh, bộ đội thường trực phải thật tinh. Lực lượng hậu bị phải thật mạnh, vừa chiến đấu vừa rèn luyện, làm chủ mọi thứ binh khí kỹ thuật hiện đại, nâng cao trình độ hiệp đồng tác chiến, tạo nên chất lượng chiến đấu thật cao, sức mạnh và hiệu lực chiến đấu thật lớn. Nhanh chóng phát hiện và nắm vững quy luật của chiến tranh, nhanh chóng phát hiện chỗ yếu cơ bản và chỗ mạnh tạm thời của địch. Kiên quyết và linh hoạt, giỏi đánh địch bằng mọi hình thức, tiến công dũng mãnh, phản công kiên quyết, phòng ngự kiên cường.
Có một điều khá lý thú, lập luận của Võ Nguyên Giáp về “làm chủ đất nước để tiêu diệt địch, tiêu diệt địch để giữ vững quyền làm chủ đất nước; làm chủ chiến trường trong từng trận chiến đấu…”, phải chăng là vì cái lý thuyết “làm chủ tập thể” của Lê Duẩn lúc bấy giờ đang được tung hô, đề cao? Hẳn vậy? Nghiên cứu các tác phẩm quân sự của Võ Nguyên Giáp trước đó, chúng ta có thể trả lời được câu hỏi này.
Trường Chinh và Võ Nguyên Giáp đều nhấn mạnh phải làm cho đất nước ta mạnh lên trong mọi hoàn cảnh. Ta mạnh lên thì buộc địch phải cân nhắc trong các tính toán quân sự phiêu lưu của chúng, do đó, có điều kiện đẩy lùi nguy cơ chiến tranh, giữ vững hòa bình lâu dài.
Đây lại là một bài học thời sự nóng hổi đối với chúng ta.
TQ từ trước đến nay vẫn nói rất nhiều đến cuộc chiến tranh biên giới năm 1979 với VN. Họ luôn khẳng định họ là chính nghĩa. Họ ca ngợi các tướng lĩnh và quân đội TQ trong cuộc chiến. Còn VN thì sao?
Đây là lời của Trường Chinh, nhân kỷ niệm ba năm ngày xẩy ra cuộc chiến:
“Thắng lợi của nhân dân VN đánh bại cuộc chiến tranh xâm lược của bọn bành trướng và bá quyền TQ cách đây ba năm mãi mãi được ghi vào lịch sử như một cái mốc quan trọng của phong trào đấu tranh của nhân dân VN và nhân dân thế giới vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội”.
Nguồnhttp://lemaiblog.wordpress.com/2011/02/08/c%E1%BA%A3m-xuc-thang-hai/
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét