Mặc dù trên danh nghĩa Hải quân Nhật Bản chỉ là một lực lượng tự vệ nhưng họ được trang bị những tàu chiến có tốc độ cao, tàu ngầm diesel hiện đại và tàu đổ bộ cỡ lớn không thua kém bất kỳ quốc gia nào.
Lực lượng Hải quân Nhật Bản có tổng cộng 114 tàu chiến và 45.800 người tình nguyện nhập ngũ. Trong số này 46 tàu khu trục, tức là nhiều hơn số tàu của Hải quân Anh và Pháp cộng lại.
Mục tiêu chính của Hải quân Nhật Bản đó là bảo vệ đất nước trong trường hợp bị xâm lược, giành lại những vùng lãnh thổ của mình từ tay đối phương và giúp các tuyến đường biển được thông thoáng.
Hiện tàu chiến lợi hại nhất của Nhật Bản là tàu lớp Kongo, được trang bị các loại tên lửa định hướng. Lớp này bao gồm 4 tàu là Kongo, Kirishima, Myoko và Chokai, lấy tên từ các tàu của Nhật Bản thời Thế chiến II.
Được thiết kế dựa trên tàu lớp Arleigh Burke của Mỹ, tàu có hệ thống phòng không Aegis, có thể xác định và vô hiệu hóa tên lửa của đối phương. Trên lý thuyết chỉ cần 2 tàu lớp Kongo là đủ khả năng bảo vệ bao phủ phần lớn lãnh thổ Nhật Bản.
Phần lớn các tên lửa trên tàu đều phục vụ mục đích phòng vệ. Tàu có tên lửa đánh chặn SM-2MR và SM-3, sau này sẽ được thay thế bằng loại tên lửa mới hơn. Tàu lớp Kongo cũng có một khẩu pháo hạng nặng, 8 tên lửa chống hạm Harpoon, 6 ống phóng ngư lôi chống tàu ngầm và hai hệ thống tự vệ tầm gần Phalanx do Mỹ sản xuất.
Một tàu cỡ lớn khác của Nhật Bản là tàu sân bay trực thăng Izumo, có trọng lượng 27.000 tấn và chiều dài gần 250 m. Tàu có sàn đỗ và khoang chứa trực thăng cùng tháp chỉ huy.
Tàu có thể mang theo tối đa 14 trực thăng có những chức năng khác nhau như dò tìm tàu ngầm đối phương, xác định vị trí ngư lôi và tấn công trên biển. Điều này cho phép tàu Izumo có thể thực hiện nhiều nhiệm vụ khác nhau.
Không chỉ có tàu chiến trên biển, tàu ngầm của Nhật Bản cũng đóng vai trò rất quan trọng. Nước này hiện đang có 22 tàu ngầm thuộc lớp Oyashio và Soryu để sẵn sàng nghênh tiếp với bất kỳ hành vi xâm phạm nào của các nước khác.
Với khối lượng 4.100 tấn, tàu Soryu là tàu ngầm có kích cỡ lớn nhất của Nhật Bản kể từ sau thời Thế chiến II. Tàu được trang bị động cơ đẩy không phụ thuộc không khí (AIP) mang tên Stirling, giúp nó có thể hoạt động dưới đáy biển tối đa là hai tuần, đạt tốc độ 13 hải lý/h khi đang nổi và 20 hải lý/h khi đang lặn.
Tàu được trang bị 6 ống phóng với 20 ngư lôi hạng nặng Type 89 và các tên lửa Harpoon phiên bản tàu ngầm do Mỹ chế tạo. Tàu cũng có khả năng thả thủy lôi nhằm phong tỏa các địa điểm xung yếu nhằm ngăn chặn đối phương xâm nhập.
Sau hết, Nhật Bản còn có 3 tàu đổ bộ lớp Osumi. Lớp tàu này có hình dáng giống một tàu sân bay cỡ nhỏ có boong tàu dài 130 m. Tàu được thiết kế để vận chuyển xe tăng giữa các khu vực đảo lớn ở Nhật Bản, qua đó củng cố bộ binh để đề phòng bị xâm lược.
Tàu lớp Osumi có thể mang lượng hàng hóa 1.400 tấn, tương đương 14 xe tăng và 1000 binh lính. Tàu mang trong khoang các tàu đổ bộ đệm khí LCAC của Mỹ, giúp đưa các xe tăng từ tàu tiếp cận bãi đổ bộ.
Tàu lớp Osumi phù hợp với chiến lược quốc phòng mới của Nhật Bản, khi nước này muốn có một lực lượng mạnh để có thể nhanh chóng tái chiếm các hòn đảo bị đối phương xâm nhập chiếm đóng.
Sức mạnh cơ động của Hải quân Nhật Bản cũng đã được kiểm chứng. Trong trận động đất ngày 11/03/2011, toàn bộ tàu chiến của Hải quân Nhật Bản đã nhanh chóng được đưa đến khu vực bị ảnh hưởng bởi thiên tai chỉ 45 phút sau khi thảm họa xảy ra.
18 giờ sau đó, 17 tàu mang hàng cứu trợ đã nhanh chóng được triển khai. Sự chuyên nghiệp và hiệu quả của Hải quân Nhật Bản trước những tình huống bất ngờ này đang cho thấy đây là lực lượng vũ trang trên biển lợi hại bậc nhất ở châu Á.
http://soha.vn/vi-sao-nhat-ban-ma-khong-phai-trung-quoc-co-hai-quan-manh-nhat-chau-a-20161018002112056.htm
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét