Một báo cáo do Lầu Năm Góc tài trợ đã đánh giá về sức mạnh hạt nhân đáng sợ mà Nhật Bản có thể đạt được trong tương lai gần.
Trang Washington Free Beacon cho hay, Nhật Bản có thể nhanh chóng xây dựng hệ thống vũ trang hạt nhân, gồm tên lửa chiến lược trên đất liền và tàu ngầm, đủ khả năng làm 30 triệu người thiệt mạng trong chiến tranh hạt nhân (giả định) với Trung Quốc.
Con số ước lượng chiếm đến gần 2/3 dân số của 2 trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa lớn và đông dân nhất Trung Quốc là Bắc Kinh và Thượng Hải cộng lại (khoảng 46 triệu dân) đã thực sự tạo thành mối quan ngại cho chính phủ Trung Quốc.
Báo cáo của Office of Net Assessment (ONA), một bộ phận thuộc Lầu Năm Góc được thành lập từ năm 1973, hé lộ chính phủ Nhật sẽ hoàn thành vũ trang hạt nhân chỉ trong 10 năm nhờ vào cơ sở hạ tầng năng lượng hạt nhân vượt trội và hệ thống bệ phóng tàu vũ trụ, tên lửa hành trình hay công nghệ tàu ngầm sẵn có.
Theo báo cáo, Lực lượng phòng vệ biển Nhật Bản (JMSDF) có khả năng lựa chọn đầu tư vào sức mạnh tàu ngầm hạt nhân chiến lược, trong khi Lực lượng phòng vệ trên bộ (JGSDF) phát triển tên lửa hạt nhân có tính cơ động cao.
Báo cáo cũng hé lộ mối lo ngại của một số quan chức trong chính phủ Mỹ về thái độ không tích cực của Tổng thống Barack Obama trong nỗ lực phát triển vũ khí hạt nhân.
Họ cho rằng điều này đã gây tác dụng ngược khiến rủi ro phổ biến hạt nhân tăng cao, đặc biệt ở những đồng minh của Mỹ hiện không nắm vũ khí hạt nhân như Nhật và Hàn Quốc, khi mà các nước này bắt đầu hoài nghi cam kết bảo vệ đồng minh bằng "ô hạt nhân" của Washington.
Từ sau khi CHDCND Triều Tiên tiến hành vụ thử hạt nhân lần thứ 5 và là lần thứ 2 kể từ đầu năm nay, hàng loạt nghị sĩ trong Quốc hội Hàn Quốc của đảng Saenuri cầm quyền đã đòi chính phủ của Tổng thống Park Geun Hye lập kế hoạch phát triển vũ khí hạt nhân.
Động thái ở Hàn Quốc nhanh chóng khiến Bắc Kinh cảm thấy mối đe dọa rằng nếu Seoul thành công, đây sẽ là sự kiện "mở đường" cho Tokyo có hành động tương tự.
Trong khi đó, báo cáo của ONA nói các nhân tố thúc đẩy Nhật phát triển hạt nhân, ngoài sự "lững lờ" của Mỹ, còn có mối đe dọa từ chương trình hạt nhân Triều Tiên, các vụ thử của Iran và việc Nga, Trung Quốc vũ trang hạt nhân.
ONA chỉ ra, luật an ninh mới được Quốc hội Nhật thông qua hồi năm ngoái cùng những nỗ lực nới lỏng hiến pháp sau Thế chiến II của Nội các Thủ tướng Shinzo Abe đã tạo cơ hội để quân đội Nhật mở rộng phạm vi hoạt động và nâng cao sức mạnh.
Quân giải phóng nhân dân Trung Quốc (PLA) lần đầu tiên cảm nhận mối đe dọa cận kề vào tháng 8/2015, khi ông Abe phát biểu tại lễ tưởng niệm nạn nhân thiệt mạng do bom nguyên tử ở Hiroshima và lần đầu không nhắc đến "3 nguyên tắc phi hạt nhân" (không sở hữu, không chế tạo, không đưa vũ khí hạt nhân vào lãnh thổ Nhật).
Trước đó vào tháng 3/2016, Cục trưởng Cục pháp chế thuộc Nội các Nhật Bản Yokohata Yusuke tuyên bố trước Thượng viện nước này rằng "Nhật Bản sử dụng vũ khí hạt nhân không vi phạm hiến pháp".
Ông Yusuke nói: "[Việc sử dụng vũ lực] cần thiết để bảo vệ quốc gia đã bị hạt chế tới mức độ thấp nhất, nhưng tôi không cho rằng có bất kỳ hình thức sử dụng vũ khí hạt nhân nào bị cấm trong Hiến pháp Nhật Bản."
Thời báo Hoàn Cầu (Trung Quốc) nhận định, Thủ tướng Abe sẽ không lãng phí nỗ lực của Nội các và tìm kiếm đột phá, nhằm thể hiện rằng JSDF thực sự nắm "thượng phương bảo kiếm", sẵn sàng "động binh" ở nước ngoài.
http://soha.vn/bao-cao-my-suc-manh-hat-nhan-nhat-ban-co-the-giet-30-trieu-nguoi-20160827161306027.htm
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét