Thứ Năm, 27 tháng 10, 2016

Quan chức quân đội TQ: Thêm tàu chiến Mỹ đến là thêm bia tập bắn

Tàu khu trục Mỹ USS Decatur tuần tra gần quần đảo Hoàng Sa hôm 21/10 là lần đầu kể từ sau Thế chiến II, Hạm đội 3 của Mỹ trực tiếp chỉ huy một chiến hạm hoạt động tại châu Á.



Mục đích của hành động này được cho là nỗ lực mới nhằm kiềm chế Trung Quốc của quân đội Mỹ, đồng thời tăng cường hiện diện quân sự của Mỹ ở châu Á-Thái Bình Dương nói chung, ởbiển Đông nói riêng.
Việc lần đầu một hành động "tự do hàng hải" của chiến hạm Mỹ không do Hạm đội 7, có trụ sở đặt tại Nhật Bản, chỉ huy, cũng được nhìn nhận là động thái thử nghiệm 2 hạm đội Mỹ hoạt động đồng thời tại 2 khu vực: biển Đông và biển Hoa Đông.
Giới quan sát nhận định, Hạm đội 3 - vốn phụ trách các vấn đề phát sinh ở Đông Thái Bình Dương - chỉ huy sự kiện hôm 21/10, cho thấy đây là bước ngoặt rất lớn trong cơ chế chỉ huy tác chiến của Hải quân Mỹ.
Một quan chức quân đội Trung Quốc yêu cầu ẩn danh trả lời tờ Thời báo Hoàn Cầu ngày 26/10 đánh giá, sự gia tăng hiện diện của Hạm đội 3 Hải quân Mỹ tại biển Đông là một phần của chiến lược "tái cân bằng châu Á-Thái Bình Dương".
Theo quan chức này, khi còn là Ngoại trưởng Mỹ, bà Hillary Clinton đã thúc đẩy chiến lược "xoay trục châu Á". Hiện nay với tư cách ứng viên tổng thống của đảng Dân chủ, chính sách của bà không thay đổi và theo đó, sự gia tăng lực lượng của Mỹ ở châu Á-Thái Bình Dương hoàn toàn không đáng ngạc nhiên.
Người này cho biết: "Sự xuất hiện của Hạm đội 3 ở Tây Thái Bình Dương là dấu hiệu quân đội Mỹ không đủ sức mạnh. Mỹ luôn kỳ vọng duy trì vị thế bá chủ ở châu Á-Thái Bình Dương, nhưng những năm gần đây họ dần cảm thấy bất lực.
Nói cách khác, 'tài xế già' Hạm đội 7 đã không còn lèo lái được 'con tàu' Tây Thái Bình Dương nữa, buộc phải cầu viện Hạm đội 3. Như vậy quân đội Mỹ mới bảo vệ được ưu thế quân sự ở châu Á-Thái Bình Dương."
Nhận xét về thời điểm USS Decatur tiến hành tuần tra khu vực quần đảo Hoàng Sa, thuộc chủ quyền Việt Nam, quan chức trên nói rằng tàu Mỹ chọn đúng lúc Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte đang ở thăm Tung Quốc để gây bất ổn, do Mỹ lo sợ Trung Quốc-Philippines hàn gắn sẽ làm ổn định tình hình biển Đông, khiến Mỹ mất cơ hội tăng cường quân lực ở đây.
Nhân vật này cũng lớn tiếng khẳng định với Hoàn Cầu rằng vụ USS Decatur tuần tra biển Đông "hoàn toàn không có gì đáng sợ".
"Xét từ góc độ quân sự, chúng ta sẽ không khinh suất lơ là cảnh giác mà sẽ tăng tốc nâng cao năng lực thực chiến. Thêm vài chiếc tàu chiến [Mỹ] đến thì coi như thêm vài bia tập bắn," viên quan chức quân đội Trung Quốc tuyên bố.
Phát ngôn hung hăng này khá giống với một tuyên bố hồi giữa tháng 7 của Thiếu tướng, Phó chủ nhiệm Ủy ban an ninh chính sách quốc gia thuộc Viện nghiên cứu khoa học chính sách Trung Quốc, ông Bành Quang Khiêm.
Tướng Bành khi đó nói rằng cho biết, Mỹ hiện có 10 chiến hạm nhưng đối với biển Đông thì "điều 11 chiến hạm đến cũng vô dụng". Ông này khẳng định, tất cả hạm đội của Mỹ đến biển Đông sẽ trở thành "bia đỡ đạn sống" cho Trung Quốc.
http://soha.vn/quan-chuc-quan-doi-tq-them-tau-chien-my-den-la-them-bia-tap-ban-20161027001111238.htm

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét