Hệ thống "dead hand" không dễ dàng khởi động các loại vũ khí hạt nhân tự động, cần hội tụ đủ 4 yếu tố mới khiến sở chỉ huy trí tuệ nhân tạo phát động đòn tấn công giáng hạt nhân. Nhưng chính hệ thống vũ khí siêu việt này là công cụ răn đe hữu hiệu mọi cái đầu "nóng" diều hâu.
Khi hệ thống Perimeter khởi động “Ngày tận thế”, từ hầm phóng đặc biệt sẽ phóng lên các tên lửa chỉ huy 15А11. Những tên lửa chỉ huy được chế tạo dựa trên cơ sở của tên lửa liên lục địa MR –UR -100 15А15 (SS−17 mod.1,2 Spanker) (tải trọng phóng 71 tấn, tầm bắn 11.000 km, hai tầng động cơ tên lửa nhiên liệu lỏng).
Tên lửa chỉ huy hoàn toàn không mang theo đầu đạn, mà là hệ thống truyền thông vô tuyến, được phát triển bởi Đại học Bách khoa St Petersburg. Những tên lửa đó sẽ bay lên thượng tầng khí quyển, dọc theo đất nước và truyền tải mật mã phóng các loại vũ khí hạt nhân.
Hệ thống truyền thông tin vô tuyến hoạt động hoàn toàn tự động. Tình huống có thể mường tượng như sau: tàu ngầm mang tên lửa đạn đạo gắn đầu đạn hạt nhân, đang đậu trên hải cảng quân sự, toàn bộ thủy thủ đoàn đã chết bởi vụ nổ hạt nhân, chỉ còn lại những thủy thủ trực chiến hoang mang rối loạn trong tàu ngầm.
Đột nhiên con tàu sống lại. Không cần bất cứ một sự can thiệp nào từ bên ngoài, các bộ khí tài bí mật nhận được tín hiệu phóng đạn, hệ thống phóng và tên lửa đạn đạo được kích hoạt và bắt đầu hoạt động. Tình huống này cũng sẽ diễn ra trong các hầm phóng, trên các xe phóng tên lửa và thậm chí cả trên các máy bay ném bom chiến lược, đang hoạt động trên bầu trời Nga.
Đòn đáp trả sẽ là toàn bộ kho vũ khí hạt nhân của Liên Xô trước đây và nước Nga ngày nay và hoàn toàn không cách nào tránh khỏi. Hệ thống Perimeter được thiết kế theo một cấu trúc điện tử hoàn toàn độc lập không có một mẫu nào tương đương, không thể can thiệp bằng tác chiến điện tử hoặc bị ảnh hưởng bởi các yếu tố sát thương phá hoại của vụ nổ hạt nhân, công trình cũng xây dựng đạt mức độ bí mật cấp cao nhất và chịu được sóng xung kích, phá hoại của vụ nổ hạt nhân đượng lượng nổ lớn. Để tìm ra và vô hiệu hóa Perimeter là điều không thể.
Như vậy, hiện có tồn tại hệ thống hoàn toàn tự động, có khả năng hủy diệt trên quy mô toàn cầu? Hệ thống này còn đáng sợ hơn cả Skynet trong bộ phim Terminator, hoặc thậm chí vô lý như phim "Cỗ máy ngày tận thế", vinh danh cho Dr. Strangelove. Người ta gọi nó "X-Files" theo phong cách Liên Xô hoặc hệ thống đang hoạt động? Tất cả hoàn toàn bí ẩn.
Tiến sĩ khoa học Peter Belov nhận xét:"Trong giai đoạn tồn tại của Liên Xô, đã phát triển một hệ thống mà phương Tây gọi là “dead hand”. Điều đó có nghĩa là nếu tiến hành một cuộc tấn công quy mô lớn tiêu diệt toàn bộ hệ thống chỉ huy, điều hành tác chiến của Liên Xô dẫn đến Bộ tổng tư lệnh tối cao và các bộ tư lệnh lực lượng chiến lược bị hủy diệt hoàn toàn, Bộ tư lệnh điện tử tự động hóa gửi các tín hiệu radio, sẽ kích hoạt các hệ thống vũ khí chiến lược đáp trả.
Một hệ thống tự động hóa có thể được kích hoạt ngay sau khi bị giáng đòn tấn công đầu tiên thực sự rất cần thiết. Sự tồn tại của hệ thống khiến kẻ thù hiểu rõ, ngay cả trong trường hợp hủy diệt hoàn toàn các trung tâm chỉ huy, điều hành tác chiến – một điều thực sự vô cùng khó ngay cả khi đã hoàn thiện “đòn tấn công chớp nhoáng toàn cầu” và triển khai với quy mô lớn, thì nước Nga vẫn có khả năng tự động giáng trả kẻ thù. Giám đốc Cục Hợp tác quân sự quốc tế Bộ Quốc phòng Nga, đại tướng Leonid Ivashov khẳng định.
Trong giai đoạn Chiến tranh lạnh, Mỹ cũng có một phương án dự phòng, được đặt tên là “Tấm gương”. Các phi hành đoàn của hệ thống chỉ huy trên không thường xuyên liên tục trực chiến kiểm soát bầu trời trong một khoảng thời gian gần 30 năm. Phi hành đoàn sẽ triển khai đòn tấn công đáp trả trong tình huống các căn cứ quân sự, trung tâm chỉ huy, điều hành tác chiến các lực lượng vũ trang Mỹ bị tiêu diệt bởi một đòn tấn công hạt nhân bất ngờ.
Điểm khác biệt giữa "Dead hand" và "Mirror" là Hệ thống Mirror dựa hoàn toàn vào con người trong hệ thống trinh sát, tình báo, cảnh báo sớm, chỉ huy và kiểm soát, còn Liên Xô dựa vào máy tính và tự động hóa. Sau Chiến tranh lạnh, Mỹ đóng cửa hệ thống này, còn của Nga thì rơi vào bí mật. Những người được cho là có thể biết hoàn toàn không nói chuyện về chủ đề này.
Từ những thông tin thu thập được từ nhiều nguồn cho biết, hệ thống "Perimeter" được hoàn thiện các giải pháp thiết kế trong những năm 1970. Năm 1979 bắt đầu thử nghiệm phóng và hoạt động của tên lửa chỉ huy 15А11. Liên Xô đã thiết kế hai giếng phóng tên lửa đặt biệt cho mục đích này. Các nhà khoa học Xô viết cũng thiết kế và chế tạo một sở chỉ huy đặc biệt, tự động hóa hoàn toàn. Sở chỉ huy điện tử được lắp đặt các thiết bị hoàn toàn khác hẳn các thiết bị điện tử thông thường, thực hiện nhiệm vụ kiểm soát và phóng tên lửa từ xa.
Những đợt phóng thử nghiệm đường bay của tên lửa được tiến hành dưới sự giám sát của Ủy ban thử nghiệm cấp Nhà nước, Giám đốc ủy ban là Trung tướng Vladimir Korobushin, Phó Tham mưu trưởng các lực lượng tên lửa chiến lược. Các vụ phóng tên lửa mang đài phát sóng vô tuyến thực hiện thành công ngày 26.12.1979. Trong quá trình thử nghiệm đã kiểm tra tất cả các thuật toán phức tạp được phát triển, liên kết phối hợp với tất cả các hệ thống tham gia thử nghiệm, kiểm tra khả năng thực hiện đường bay tên lửa theo quỹ đạo nhất định định trước và hoạt động của đầu đạn mang thiết bị phát tín hiệu vô tuyến, hoạt động trong chế độ tiêu chuẩn. Kết quả của các thử nghiệm khẳng định tính đúng đắn của các giải pháp kỹ thuật được chấp thuận đưa vào sử dụng.
Hệ thống Perimeter được thử nghiệm trong 10 lần phóng tên lửa chỉ huy liên tiếp. Trong quá trình thử nghiệm đã thực hiện các lần phóng tên lửa đạn đạo các loại theo tín hiệu, được phát đi từ tên lửa chỉ huy 15А11 khi đang bay trên không phận Liên Xô. Để có thể tiến hành phóng từ các giếng phóng và các bệ phóng, trên các bộ khí tài này gắn thêm anten đặc chủng nhằm thu thập các tín hiệu từ đầu đạn tên lửa chỉ huy. Những anten đầu thu sau này được lắp đặt bí mật trên tất cả các bệ phóng tên lửa của các phương tiện mang, bao gồm cả bộ phận phóng đạn trên tàu ngầm.
Trong quá trình thử nghiệm cấp nhà nước đã tiến hành 6 lần phóng thành công tên lửa đạn đạo chiến đấu, 1 lần thành công được một phần. Thành công ngoài sự mong đợi đã khiến Ủy ban thử nghiệm cấp Nhà nước chấp nhận chỉ thử 7 lần mà không phải là 10.
Thử nghiệm cũng minh chứng hiệu quả của thiết bị trong tình huống trực tiếp tiếp xúc với các yếu tố sát thương – phá hoại của vụ nổ hạt nhân, vượt quá các điều kiện đặt ra của Bộ Quốc phòng. Ngoài ra, trong quá trình thử nghiệm, nhà nước Liên bang Xô viết giao nhiệm vụ mở rộng các chức năng của hệ thống, mệnh lệnh phóng đạn đánh trả không giới hạn trong các lực lượng tên lửa chiến lược phóng từ giếng phòng, mà còn truyền mệnh lệnh phóng tên lửa cho cả các tàu ngầm mang tên lửa đạn đạo, lực lượng không quân chiến lược và lực lượng chiến hạm mặt nước mang tên lửa chiến lược.
Hệ thống cũng kết nối với tất cả các sở chỉ huy kiểm soát lực lượng tên lửa mang đầu đạn hạt nhân của Lực lượng tên lửa chiến lược, Không quân và Hải quân. Các thử nghiệm tên lửa chỉ huy cấp quốc gia hoàn thành vào tháng 3.1982, tháng 01.1985, hệ thống Perimeter đưa vào trực sẵn sàng chiến đấu.
Trong một lần kiểm tra trạng thái sẵn sàng chiến đấu vào tháng 11.1984, sau khi phóng tên lửa chỉ huy theo tiêu chuẩn báo động chiến đấu, tín hiệu từ đầu đạn tên lửa chỉ húy 15A11 truyền tín hiệu chiến đấu, khởi động tên lửa đạn đạo P-36M (15A14) – tên lửa huyền thoại mang tên Satan từ Baikonur. Tên lửa Satan phóng lên không gian, đầu đạn huấn luyện tách ra và đánh trúng mục tiêu trên thao trường Kura ở vùng Kamchatka.
Hệ thống Perimeter theo tên gọi phương Tây “dead hand” đối với Mỹ không phải là bí mật, người Mỹ bằng mọi kênh tình báo đã theo dõi rất sát mọi quá trình hoạt động của lực lượng tên lửa chiến lược Liên Xô.
Nhưng hai mươi năm trước đây, người Mỹ không biết nhiều về hệ thống kiểm soát và điều hành Perimeter. Những chi tiết cụ thể hơn về Perimeter và "dead hand " chỉ được biết đến đầu những năm 1990, một trong số các nhà phát triển của hệ thống đã sang phương Tây sinh sống và cung cấp một số thông tin hạn chế về hệ thống. Ngày 08.10.1993 tờ New York Times đăng tải một bài viết của nhà bình luận Bruce Blair về "cỗ máy ngày tận thế của Nga", chứa đựng các thông tin về hệ thống kiểm soát, chỉ huy điều hành tác chiến lực lượng tên lửa chiến lược của Liên Xô (sau đó là Nga) lực lượng tên lửa. Đây cũng là lần đầu tiên tên gọi chính thức của hệ thống - Perimeter được biết đến với truyền thông đại chúng.
Những năm đầu của thế kỷ 21, người ta không còn nắm chắc được liệu Perimeter có còn hoạt động hay không và hoạt động thế nào. Từ góc độ quân sự, không ai có thể từ chối hoặc đóng băng một hệ thống răn đe ngăn chặn hiệu quả như vậy, do đó, có nhiều khả năng Perimeter sẽ được nâng cấp, hiện đại hóa ở mực độ rất hiện đại và đang trong chế độ “sleep” ở đâu đó trên lãnh thổ rộng lớn của Nga.
Điều kiện tiên quyết để Perimeter khởi động đòn giáng trả hạt nhân là: Xác nhận vụ tấn công vũ khí hạt nhân quy mô lớn; Có hay không đường truyền thông kết nối giữa Bộ tổng tham mưu quân đội Nga. Nếu có, hệ thống tự động tắt, nếu không Perimeter sẽ liên kết đến hệ thống Kazbek.
Nếu hệ thống Kazbek không trả lời, Perimeter trao quyền quyết định cho sĩ quan trực sẵn sàng chiến đấu trong Sở chỉ huy tự động hóa của Perimeter, chỉ khi ngay cả người sĩ quan này cũng không còn sống, Perimeter bắt đầu khởi động quá trình phóng đạn
Hệ thống "azbek còn được gọi là "vali hạt nhân" - thiết bị chứa mã kích hoạt kho vũ khí hạt nhân của Nga.
Hệ thống cho phép người đứng đầu nhà nước nhận được thông tin về cuộc tấn công tên lửa, ra lệnh cho một cuộc tấn công hạt nhân, dù người đứng đầu nhà nước ở bất cứ nơi nào trên trái đất với sự giúp đỡ của "chiếc vali hạt nhân" (thiết bị đầu cuối hệ thống truyền thông điện tử, được gọi là Cheget). Sử dụng thuật toán nhận dạng mã của tổng thống, tín hiệu mã hóa đượcchuyển đến trung tâm chỉ huy, điều hành tác chiến Bộ tổng tham mưu và tiếp tục chuyển đến các sở chỉ huy lực lượng tên lửa chiến lược trên đất liền và các tàu ngầm mang tên lửa hạt nhân.
http://viettimes.net.vn/ban-tay-than-chet-nga-dang-so-the-nao-84693.html
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét