Thứ Năm, 27 tháng 10, 2016

Mỹ để thua một hiệp đấu ở Châu Á

Về những xáo động địa chính trị qua chuyến đi thăm Bắc Kinh của Tổng thống Duterte, Le Figaro đăng bài “Mỹ để thua một hiệp đấu ở Châu Á”.

Trong chuyến thăm chính thức Bắc Kinh hôm 20/10, Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte đã tuyên bố quyết tâm “chia tay” với Mỹ để xích lại gần Trung Quốc. Trước đó không lâu, ông Duterte đã nói xa nói gần về việc ngừng các cuộc tập trận chung với Mỹ và đề nghị quân đồng minh rút dần khỏi Philippines.
Tổng thống Duterte muốn "quân đội nước ngoài" rút khỏi Philippines trong vòng 2 năm.  Ảnh NBC News
Tác giả bài viết đặt câu hỏi: “Những tuyên bố như vậy của tân Tổng thống Philippines phải chăng đang báo hiệu một sự thay đổi hoàn toàn ván bài địa chính trị ở Châu Á?”

Bài báo nhắc lại một thực tế là những năm đầu của thế kỷ 21 được đánh dấu bằng một cuộc đọ sức của hai cường quốc Trung Quốc và Mỹ nhằm kiểm soát khu vực Thái Bình Dương. Qua những diễn biến gần đây trong khu vực, có thể nói lúc này người Mỹ “chưa thua cả trận đấu, nhưng họ vừa thua một hiệp đấu quan trọng”.
Từng có một thời gian dài (từ 1898 đến 1946) là thuộc địa của Mỹ rồi sau đó trở thành đồng minh của nhau trong cuộc đối đầu với Liên Xô và hiện tại là trong cuộc chiến chống khủng bố Hồi giáo, cho đến giờ Philippines hầu như nằm hoàn toàn trong sự bảo hộ của Mỹ.
Năm 2003, Tổng thống Mỹ George W.Bush từng xếp Philippines vào danh sách “các đồng minh chủ chốt ngoài NATO”. Đến năm 2012, Tổng thống Barack Obama đánh giá Philippines là trọng tâm của chính sách “xoay trục về Châu Á”, một ưu tiên chiến lược của chính quyền Obama.
Chiến lược xoay trục nhằm chặn sự bành trướng trên biển của Trung Quốc này thực hiện được phải dựa vào mối quan hệ đồng minh thì mới có thể tái bố trí các lực lượng Hải quân Mỹ trong khu vực Châu Á-Thái Bình Dương.
Cánh tả Philippines lâu nay vẫn thù ghét Mỹ, gán cho nước Mỹ cái danh chủ nghĩa đế quốc hậu thuẫn cho chế độ gia đình trị ở Philippines.
Vì quá mệt mỏi và chán ghét với cái nền dân chủ liên tiếp được thống trị bởi các tập đoàn gia đình, cử tri Philippines đã chấp nhận một ứng viên dân túy, chuyên quyền như Rodrigo Duterte, một người không thuộc dòng tộc quyền quý nào ở quần đảo này. Tính cách thô lỗ của ông, thể hiện ngay cả khi đã lên làm tổng thống, lại khiến dân chúng hài lòng.
Riêng trong quan hệ với Trung Quốc, tác giả bài viết nhận thấy có hai sự việc chính khiến Tổng thống Duterte ngả nhanh về Bắc Kinh. Trung Quốc hứa đổ tiền ồ ạt đầu tư vào Philippines và chính quyền Trung Quốc khẳng định ủng hộ cuộc chiến chống ma túy của ông Duterte cũng như sẵn sàng hợp tác với Manila trong lĩnh vực này.
Trong khi đó, Washington lại công khai chỉ trích chiến dịch bài trừ ma túy của chính quyền Duterte là cuộc chiến đẫm máu, là vi phạm nhân quyền. Theo tác giả, “chỉ trích của Mỹ đã không làm suy chuyển một ly vấn đề Nhà nước pháp quyền ở Philippines mà chỉ làm cho Hoa Kỳ mất đi một trong những đồng minh lâu đời nhất”.
Đây có thể sẽ là một trong những bài học đạo đức đắt giá cho chính quyền Mỹ. Nhất là khi vào lúc này hoàn cảnh của Mỹ trong khu vực Thái Bình Dương trở lên phức tạp hơn bởi sự xuất hiện của liên minh Nga-Trung, mà bằng chứng là những cuộc tập trận chung gần đây của hải quân hai nước.
Bên cạnh đó, Thái Lan - cũng là một đồng minh lịch sử của Mỹ - cũng đang xích lại gần với Bắc Kinh. Lý do cũng bắt nguồn từ việc Washington lên án cuộc đảo chính lật đổ Thủ tướng Yingluck Shinawatra hôm 22/05/2014. Một lần nữa, thái độ của Washington, về nguyên tắc không có gì đáng trách, nhưng cũng không thể tái lập được nền dân chủ mà chỉ thúc đẩy tập đoàn quân sự Thái Lan xem lại mối quan hệ đồng minh của họ với Mỹ.
Việc Thái Lan dự kiến đặt mua 3 tàu ngầm của Trung Quốc khiến Lầu Năm Góc hết sức thất vọng.
Từ những sự việc trên, tác giả bài viết “Mỹ để thua một hiệp đấu ở Châu Á” đăng trên báo Le Figaro đi đến kết luận: “Để trở lại cuộc chơi Châu Á, chính sách đối ngoại Mỹ giờ đây phải đi kèm với ngoại giao kinh tế, dựa trên cơ sở phát triển chung và đầu tư….. Người Mỹ sẽ phải bỏ đi những bài học đạo đức để tập trung vào những điều cốt lõi trong quan hệ ngoại giao: Tương quan lực lượng, lợi ích, kết quả”.
http://kienthuc.net.vn/nong-sau/my-de-thua-mot-hiep-dau-o-chau-a-773875.html

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét