Thứ Hai, 26 tháng 9, 2016

Trung Quốc bị vây bởi “Vạn Lý Trường Thành ngược”


Theo hai chuyên gia James Holmes và Toshi Yoshihara thuộc Học viện Hải chiến Mỹ, chuỗi đảo thứ nhất là một dạng “Vạn Lý Trường Thành ngược”, tức là giống như một vòng vây hiệu quả của các đồng minh Mỹ, với mỗi bên đóng vai trò như một tháp canh giám sát và thậm chí có thể ngăn chặn Trung Quốc tiếp cận với Thái Bình Dương.
Mỹ có kế hoạch thường trực hai cụm tác chiến tàu sân bay Mỹ ở khu vực châu Á-Thái Bình DươngMỹ có kế hoạch thường trực hai cụm tác chiến tàu sân bay Mỹ ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương
(tiếp theo kỳ trước)
Quan hệ kinh tế với Trung Quốc sẽ khăng khít hơn so với Nhật Bản bởi nếu thống nhất, Triều Tiên sẽ gần như chắc chắn nằm dưới quyền điều hành của Seoul, trong khi hiện nay Trung Quốc đã là đối tác thương mại lớn nhất của Hàn Quốc. Cuối cùng, khi đã xích lại gần hơn với Bắc Kinh và xa rời Nhật Bản, nước Triều Tiên thống nhất sẽ chẳng có lý do gì để tiếp tục giữ chân quân Mỹ trong lãnh thổ của mình. Hay nói cách khác, không khó để nhìn ra viễn cảnh một Triều Tiên trong vòng tay của Đại Trung Hoa và thời kỳ hiện diện của bộ binh Mỹ ở Đông Bắc Á sẽ dần đi đến hồi kết.
Ví dụ trên bán đảo Triều Tiên đã cho thấy biên giới đất liền của Trung Quốc mang lại nhiều cơ hội tiềm năng hơn là mối đe dọa. Như Mackinder đã kết luận, Trung Quốc có khả năng sẽ phát triển thành một cường quốc cả trên biển và đất liền, ít nhất sẽ đủ sức làm lu mờ Nga tại khu vực lục địa Á-Âu. Nhà khoa học chính trị John Mearsheimer từng viết trong cuốn “The Tragedy of Great Power Politics” (Bi kịch của chính trị cường quốc): “Những quốc gia nguy hiểm nhất trong hệ thống quốc tế là những cường quốc lục địa có trong tay lực lượng quân đội khổng lồ”.
 Đây có thể là nguyên nhân người ta phải e ngại tầm ảnh hưởng của Trung Quốc, bởi quốc gia này đang ngày càng trở thành một cường quốc lục địa. Tuy nhiên, Trung Quốc chỉ khớp với mô tả của Mearsheimer một phần, vì dù quân đội quốc gia sở hữu đến 1,6 triệu binh lính, lực lượng này vẫn khó có thể phát triển được khả năng viễn chinh trong những năm tới. Quân đội Trung Quốc (PLA) từng ứng phó với trận động đất Tứ Xuyên 2008, giải quyết các vụ bạo động sắc tộc gần đây ở Tây Tạng và Tân Cương và cả thách thức an ninh từ Olympic Bắc Kinh 2008…
Tuy nhiên, theo Abraham Denmark, thuộc Trung tâm An ninh Mỹ Mới (Center for a New American Security), những thành quả trên chỉ cho thấy quân đội Trung Quốc (PLA) đủ khả năng di chuyển lực lượng trong phạm vi đại lục Trung Quốc, chứ vẫn chưa thể vận chuyển quân nhu và các loại vũ khí thiết bị hạng nặng ở một mức độ cần thiết cho các cuộc triển khai quân sự ở nước ngoài.


Lính dù Trung Quốc trong một cuộc diễn tập
Chiến hạm hải quân Trung Quốc khai hỏa trong một cuộc tập trận chung với Nga
Binh sĩ Trung Quốc ở quân khu Thẩm Dương tập trận
Nhưng đạt được khả năng này hay không có lẽ cũng không quan trọng, vì dù sao việc PLA vượt qua biên giới Trung Quốc cũng khó có thể xảy ra trừ trường hợp có tính toán sai lầm (nếu có thêm một cuộc chiến tranh khác với Ấn Độ) hoặc khi cần lấp chỗ trống (nếu chế độ Triều Tiên sụp đổ). Trung Quốc vẫn có thể lấp đầy các khoảng trống quyền lực ở những vùng biên giới tiếp giáp bằng những biện pháp dân số và đầu tư doanh nghiệp mà không cần dùng đến một lực lượng bộ binh viễn chinh theo sau bảo vệ.
Sức mạnh chưa từng thấy trên đất liền của Trung Quốc phần nào nhờ công đóng góp của các nhà ngoại giao, những người những năm gần đây luôn phải làm việc không ngửng nghỉ để giải quyết hàng loạt tranh chấp biên giới với các nước cộng hòa Trung Á, Nga và những láng giềng khác. Tầm quan trọng của sự thay đổi này là rõ ràng. Đã không còn thời kỳ một quân đội hùng hậu luôn ngấp nghé Mãn Châu. Trong thời kỳ chiến tranh Lạnh, sự hiện diện đáng ngại này đã buộc Mao Trạch Đông phải đổ dồn ngân sách quốc phòng của Trung Quốc cho lực lượng bộ binh và sao lãng hải quân. Vạn Lý Trường Thành là một bằng chứng cho lịch sử luôn phải vật lộn với những cuộc xâm lược trên đất liền dưới nhiều hình thức của Trung Quốc từ thời xa xưa. Nhưng giờ đây tất cả đã là quá khứ.
Tham vọng trên biển
Nhờ tình hình thuận lợi trên đất liền, Trung Quốc giờ đây có thể tự do tập trung xây dựng một lực lượng hải quân hùng hậu. Nếu như với các quốc gia nhỏ ven biển và các đảo quốc theo đuổi phát triển sức mạnh trên biển là điều tất yếu thì làm như vậy lại là một điều xa xỉ đối với những cường quốc lục địa lâu năm như Trung Quốc.
Riêng trường hợp Trung Quốc, xa xỉ phẩm này có thể không quá khó đạt được khi địa hình bờ biển cũng thuận lợi không kém so với đất liền. Phần lãnh thổ của nước này chiếm hầu hết đường bờ biển Đông Á trong cả vùng ôn đới và nhiệt đới của Thái Bình Dương và biên giới phía nam Trung Quốc cũng đủ gần với Ấn Độ Dương để có thể kết nối với nhau bằng những tuyến đường bộ và ống dẫn nhiên liệu trong tương lai. Trong thế kỷ XXI, Trung Quốc sẽ mở rộng quyền lực cứng của mình ra thế giới bên ngoài chủ yếu bằng lực lượng hải quân.
Tuy nhiên, quốc gia này phải đối diện với một môi trường trên biển chông gai hơn nhiều so với trên đất liền. Hải quân Trung Quốc gần như không nhìn thấy được nhiều triển vọng nào khác ngoài những khó khăn trong khu vực mà nước này gọi là “chuỗi đảo thứ nhất”, gồm bán đảo Triều Tiên, đảo Kuril, Nhật Bản (bao gồm quần đảo Ryukyu), Đài Loan, Philippines, Indonesia, và Úc. Ngoại trừ Úc, tất cả những địa điểm còn lại đều có nguy cơ trở thành ngòi nổ xung đột. Đến nay, Trung Quốc đã bị vướng vào nhiều tranh chấp về chủ quyền ở những vùng đáy đại dương giàu năng lượng ở biển Hoa Đông và Biển Đông, cụ thể là với Nhật Bản ở đảo Điếu Ngư/Senkaku, với Philippines… ở Biển Đông.
Những tranh chấp này tuy có thể giúp Bắc Kinh kích động chủ nghĩa dân tộc trong nước, nhưng với các nhà chiến lược hải quân, viễn cảnh trên biển này lại không mấy sáng sủa. Như mô tả của James Holmes và Toshi Yoshihara từ Học viện Hải chiến Mỹ, chuỗi đảo thứ nhất là một dạng “Vạn Lý Trường Thành ngược”, tức là giống như một vòng vây hiệu quả của các đồng minh Mỹ, với mỗi bên đóng vai trò như một tháp canh giám sát và thậm chí có thể ngăn chặn Trung Quốc tiếp cận với Thái Bình Dương.
Máy ném bom chiến lược H-6K Trung Quốc phóng tên lửa trong cuộc diễn tập phô trương sức mạnh gần đây
Cận cảnh Đá Chữ Thập đã bị Trung Quốc bồi lấp, xây đảo nhân tạo trái phép với đường băng và các nhà chứa máy bay tại quần đảo Trường Sa
Phản ứng của Trung Quốc trước cảm giác bị giam hãm này đôi khi rất quyết liệt. Sức mạnh trên biển thường ôn hòa hơn so với trên bộ, bởi hải quân không thể một mình xâm chiếm những vùng rộng lớn và nhiệm vụ phải đảm nhận không đơn thuần là chiến đấu (chẳng hạn như bảo vệ hoạt động giao thương). Do đó, người ta hẳn đã trông chờ Trung Quốc sẽ ôn hòa như những quốc gia biển trước đó, điển hình là Venice, Anh, hay Mỹ, và cũng như các nước này, sẽ tự quan tâm hàng đầu tới việc bảo vệ sự ổn định của hệ thống hàng hải, bao gồm cả lưu thông thương mại tự do.
Nhưng Trung Quốc lại không tự tin đến như vậy. Do vẫn chưa là một cường quốc biển vững vàng, quốc gia này nhìn nhận đại dương dưới góc nhìn lãnh thổ, ngay từ cách gọi “chuỗi đảo thứ nhất” và “chuỗi đảo thứ hai” (gồm các vùng lãnh thổ Guam và quần đảo Bắc Mariana của Mỹ) đã cho thấy người Trung Quốc coi đây là những không gian đảo mở rộng của lãnh thổ Trung Quốc rộng lớn. Với cách tính toán theo kiểu “tổng tất cả bằng không” như vậy với những vùng biển gần kề, các nhà chỉ huy hải quân Trung Quốc đang cho thấy dấu hiệu đi theo học thuyết của chiến lược gia hải quân Mỹ thời kỳ đầu thế kỷ XX Alfred Thayer Mahan về ủng hộ kiểm soát biển và các cuộc chiến mang tính quyết định. Tuy nhiên, họ vẫn chưa sở hữu lực lượng hải quân đủ mạnh để áp dụng học thuyết này, và hệ quả của sự chênh lệch giữa tham vọng và tiềm lực là một số sự cố vụng về trong vài năm gần đây.
Vào tháng 10/2006, một tàu ngầm Trung Quốc bám theo tàu USS Kitty Hawk và sau đó nổi lên trong tầm bắn ngư lôi của tàu Mỹ. Vào tháng 11/2007, tàu Trung Quốc đã từ chối cho đội tàu sân bay Kitty Hawk tiến vào cảng Victoria khi tàu này đang tìm nơi neo đậu tránh biển động và thời tiết xấu. (Dù vậy Kitty Hawk có ghé thăm Hong Kong năm 2010). Đến tháng 3/2009, một nhóm nhỏ tàu hải quân của PLA đã đe dọa tàu thăm dò của Mỹ USNS Impeccablekhi tàu này đang hoạt động công khai bên ngoài ranh giới lãnh hải 12 hải lý của Trung Quốc ở Biển Đông, chặn đường tàu và làm động tác giả đâm tàu. Đây là những hành động không phải của một cường quốc chín chắn, mà mới chỉ của một cường quốc chưa trưởng thành…
Thái độ hung hăng trên biển của Trung Quốc cũng được thể hiện qua những hợp đồng mua vũ khí. Bắc Kinh đang phát triển khả năng bất đối xứng với mục tiêu ngăn chặn Hải quân Mỹ tiến vào Biển Hoa Đông và những vùng biển ven Trung Quốc. Trung Quốc đã hiện đại hóa hạm đội tàu khu trục của mình và có kế hoạch sở hữu một hoặc hai chiếc tàu sân bay nhưng sẽ chưa thể có được tất cả các loại tàu chiến. Thay vào đó, nước này đã tập trung vào xây dựng các chủng loại mới của tàu ngầm thông thường, tàu ngầm tấn công hạt nhân và thậm chí tàu ngầm mang tên lửa đạn đạo.
Theo Seth Cropsey, nguyên trợ lý thứ trưởng Hải quân Mỹ, và Ronald O’Rourke thuộc Bộ phận nghiên cứu thuộc Quốc hội, trong vòng 15 năm tới, Trung Quốc có thể sở hữu một lực lượng tàu ngầm lớn hơn của Hải quân Mỹ, vốn hiện đang có 75 tàu ngầm đang được triển khai. Không những vậy, Cropsey cho rằng, hải quân Trung Quốc có kế hoạch sử dụng các loại radar tầm xa, vệ tinh, mạng lưới định vị sóng âm dưới đáy biển, và các hoạt động chiến tranh mạng nhằm phục vụ các tên lửa đạn đạo chống tàu (ASBM). Mục tiêu cuối cùng của những tiến bộ công nghệ này song song với sự phát triển nhanh chóng của hạm đội tàu ngầm Trung Quốc là nhằm ngăn chặn khả năng tiếp cận dễ dàng của Hải quân Mỹ vào những khu vực quan trọng phía Tây Thái Bình Dương.
Trung Quốc đang cố gắng thiết lập chiến lược chống tiếp cân nhằm hất Mỹ khỏi khu vực Tây Thái Bình Dương
Để thúc đẩy nỗ lực kiểm soát các vùng nước tại Eo biển Đài Loan và biển Hoa Đông, Trung Quốc cũng đang cải thiện khả năng tác chiến của mình, mua sắm các máy bay chiến đấu thế hệ thứ tư của Nga, và triển khai khoảng 1.500 tên lửa đất đối không dọc bờ biển. Thêm vào đó, song song với việc đặt hệ thống cáp quang dưới lòng đất và dịch chuyển các lực lượng phòng thủ vào sâu trong lục địa phía Tây nhằm tránh tầm bắn tên lửa hải quân của những kẻ thù tiềm tàng, Trung Quốc còn đang phát triển một chiến lược tấn công nhằm tiêu diệt các tàu sân bay, biểu tượng sức mạnh của Mỹ.
Tất nhiên, Trung Quốc trong tương lai gần sẽ không tấn công tàu sân bay Mỹ, và nước này vẫn còn một con đường dài phía trước nếu muốn trực diện thách thức sức mạnh quân sự Mỹ. Nhưng mục tiêu của Trung Quốc là phát triển những năng lực này dọc đường bờ biển nhằm dập tắt ý định của hải quân Mỹ tiếp cận theo ý muốn vào khu vực giữa chuỗi đảo thứ nhất và bờ biển Trung Quốc.
* Lược thuật bài viết của tác giả Robert D.Kaplan - nhà phân tích địa chính trị hàng đầu tại Stratfor và là phóng vên quốc gia cho The Atlantic. Ông cũng là tác giả của cuốn The Revenge of Geography: What the Map Tells Us About Coming Conflicts and the Battle Against Fate ( tạm dịch “Sự trả thù của địa lí: bản đồ bật mí về những cuộc xung đột và trận chiến chống lại số phận sắp diễn ra”) xuất bản tháng 9/2012
http://viettimes.vn/trung-quoc-bi-vay-boi-van-ly-truong-thanh-nguoc-78836.html

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét