Thứ Ba, 13 tháng 9, 2016

Nga-Trung tập trận vùng biển Trạm Giang: Né dư luận quốc tế?

Nga và Trung Quốc đã bắt đầu tiến hành tập trận “Tương tác biển-2016” ở vùng biển ngoài khơi thành phố Trạm Giang thuộc tỉnh Quảng Đông-Trung Quốc.

Nga-Trung khai mạc tập trận “Tương tác biển-2016”

Theo thông báo của Bộ Quốc phòng Nga, ngày 12 tháng 9 đã bắt đầu cuộc tập trận chung của lực lượng hải quân Nga và Trung Quốc mang tên “Tương tác biển-2016”. Cuộc tập trận này được giới chức lãnh đạo Nga-Trung tuyên bố là diễn ra ở khu vực Biển Đông.

Trong cuộc thao diễn ngày 12/9 của lực lượng hải quân hai nước có sự tham gia của hơn 250 binh sĩ thủy quân lục chiến, huy động gần hai chục phương tiện hàng không (máy bay chiến đấu, máy bay trực thăng, máy bay không người lái), 18 tàu chiến và tàu bổ trợ.

Trong thành phần biên đội tàu Nga gồm có các khu trục hạm ​​chống ngầm “Đô đốc Vinogradov" (Admiral Vinogradov - BPK 572) và "Đô đốc Tributs" (Admiral Tributs - BPK 564), tàu đổ bộ "Peresvet", tàu kéo cứu hộ "Alatau" và tàu chở dầu "Pechenga".

Nga-Trung tap tran vung bien Tram Giang: Ne du luan quoc te?
Tàu vận tải đổ bộ Trường Bạch Sơn (số hiệu 989) của hải quân Trung Quốc tham gia tập trận

Ngày 12/9, Phó Tư lệnh Hải quân Nga, Phó Đô đốc Alexandr Fedotenkov đặc biệt nhấn mạnh rằng, cuộc diễn tập chung giữa hải quân nước này với hải quân Trung Quốc không nhằm mục đích chống lại bất cứ ai.

"Đây là hoạt động hiệp lực trong đấu tranh chống hải tặc và đảm bảo lưu thông tàu thuyền" - vị Phó Đô đốc Nga khẳng định thêm rằng, cuộc tập trận được thực hiện với mục đích hòa bình, nhằm bảo đảm an ninh, an toàn trên biển.

Việc Bắc Kinh và Moscow tổ chức cuộc tập trận chung hải quân này đã vấp phải sự chỉ trích của nhiều chuyên gia quân sự và giới học giả quốc tế, đặc biệt là sau khi Tổng thống Nga Vladimir Putin tuyên bố ủng hộ Trung Quốc bác bỏ tính chất pháp lý của phán quyết PCA.

Điều mà cộng đồng quốc tế quan tâm về cuộc tập trận Nga-Trung là cuộc tập trận này được tổ chức ở đâu, trong bối cảnh Tòa án Trọng tài Thường trực The Hague vừa đưa ra phán quyết hồi tháng 7 vừa qua, bác bỏ những yêu sách chủ quyền phi lý của Trung Quốc.

Trước đó, giới chuyên gia cho rằng, trong bối cảnh đang Bắc Kinh đang phớt lờ phán quyết PCA và dọa rút lui khỏi Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật biển 1982 (UNCLOS 1982), Bắc Kinh muốn thông qua cuộc tập trận trên Biển Đông để tỏ thái độ phủ nhận phán quyết PCA.

Các học giả nhận định, Moscow có quyền tổ chức tập trận chung với bất cứ ai, nhưng việc Nga và Trung Quốc tổ chức tập trận với nhau rõ ràng là sự thể hiện Moscow đã ủng hộ Bắc Kinh “từ lời nói đến hành động”.

Các quan chức Nga và Trung Quốc đều nhấn mạnh rằng, về mục đích, nội dung và các khoa mục diễn tập tác chiến đổ bộ, đánh chiếm đảo trên Biển Đông lần này được cho là "không nhằm vào bất cứ nước thứ 3 nào, không có giả định đối tượng tác chiến cụ thể".

Tuy nhiên, các chuyên gia quân sự đều khẳng định rằng, bất cứ một cuộc tập trận nào cũng đều có những mục đích, yêu cầu rõ ràng, phải xuất phát từ một kẻ địch cụ thể, một kịch bản tác chiến cụ thể. Không ai xây dựng kế hoạch tập trận để tấn công hay phòng thủ trước một đối thủ "vô hình".

Ngay cả đối với các cuộc tập trận phòng thủ, ít nhất cũng phải xác định là đối thủ tác chiến là ai, đánh vào hướng nào, bằng phương tiện gì, thời gian và địa điểm dự đoán sẽ bị tấn công, từ đó mới xác định được phương án phòng thủ.

Còn đối với các cuộc tập trận tấn công, chắc chắn là trong kế hoạch tác chiến giả định phải xác định đầu tiên là đánh vào mục tiêu nào, của ai, thực lực như thế nào và đánh bằng bằng loại vũ khí gì. Do đó, đối tượng tác chiến phải là điều được hoạch định đầu tiên, sau đó đến mục tiêu tác chiến.

Logo của cuộc tập trận “Tương tác biển-2016 ( Naval Interaction-2016)

Hiện Trung Quốc đang đòi chủ quyền phi pháp với hầu hết các đảo, bãi đá ngầm và các rạn san hô trên Biển Đông. Ngay cả những người "ngây thơ" nhất về mặt chính trị cũng nhận thức được rằng, việc quân đội nước này tập trận đổ bộ đánh chiếm đảo không thể là một khoa mục "vu vơ".

Việc Nga tập trận với các nước trên lãnh thổ của mình là điều rất bình thường nhưng nếu Nga tổ chức diễn tập hoặc tham gia cuộc tập trận do một nước tiến hành trái phép trên lãnh thổ nước khác hoặc trong khu vực đang có tranh chấp với nước khác thì tính chất của chúng đã khác nhau hoàn toàn.

Nếu Moscow tham dự cuộc tập trận do Bắc Kinh tổ chức trong các khu vực được quốc tế công nhận thuộc lãnh thổ của Nga hay Trung Quốc thì đó là điều bình thường nhưng nếu đó là các khu vực Trung Quốc đã xâm chiếm trái phép của các nước thì sẽ là bất bình thường.

Do đó, sau khi Trung Quốc tuyên bố tổ chức tập trận ở vùng biển ngoài khơi thành phố Trạm Giang, thuộc tỉnh Quảng Đông, giới phân tích cho rằng, Nga và Bắc Kinh và Moscow đã tính tới những phản ứng của các nước Đông Nam Á và cộng đồng quốc tế để lựa chọn khu vực tập trận “an toàn”.

http://baodatviet.vn/quoc-phong/binh-luan-quan-su/nga-trung-tap-tran-vung-bien-tram-giang-ne-du-luan-quoc-te-3318575/?paged=2

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét