Không có tên trên bản đồ, chưa từng được nhắc đến trong các báo cáo của tình báo phương Tây, "căn cứ ngầm" khổng lồ tại Liên Xô đã chôn giấu loạt bí mật suốt 45 năm.
Nằm ở phía Tây Nam của nước Nga thời nay, "căn cứ ngầm" từng không có tên trên bản đồ này ẩn chứa những bí mật khủng khiếp trong suốt thời kỳ Chiến tranh Lạnh (1947 - 1991).
Giới lãnh đạo và chuyên gia quân sự Liên Xô từng rất tự hào về "căn cứ ngầm" này vì trong suốt gần 50 năm hoạt động, tình báo Mỹ và các nước phương Tây chưa từng biết về sự tồn tại của nó, không một thông tin nào bị rò rỉ và được phương Tây thu thập.
Mãi về sau, khi Liên Xô sụp đổ (năm 1991), bí mật về "căn cứ ngầm" mới được hé lộ. Thân phận của nó cũng được xác định khi có mặt trên bản đồ chính thức từ năm 1994, và được đổi tên là Sarov một năm sau đó dưới thời chính quyền của Boris Yeltsin.
"Căn cứ ngầm" chôn giấu những bí mật quân sự của Liên Xô thời Chiến tranh Lạnh không đâu khác chính là thị trấn mang mật danh: Arzamas-16.
Vậy, bí mật nào khiến Liên Xô phải bưng bít Arzamas-16 trong suốt gần nửa thế kỷ (từ năm 1946 - 1991) dài đằng đẵng?
Bí mật căn cứ ngầm "nội bất xuất, ngoại bất nhập" của Liên Xô
Trở lại những năm đầu thập kỷ 1940, đứng trước nguy cơ xảy ra những cuộc đối đầu không khoan nhượng với Mỹ cùng các nước phương Tây, Liên Xô đã lên kế hoạch cho ra đời căn cứ quân sự bí mật nhằm chế tạo vũ khí "khủng" nhằm chủ động đáp trả mọi hành động gây chiến bất cứ lúc nào của đối phương.
Tháng 4/1946, vài tháng trước khi xảy ra cuộc Chiến tranh Lạnh kéo dài gần nửa thập kỷ giữa Mỹ và Liên Xô, chủ tịch Hội đồng bộ trưởng Liên Xô ra chỉ thị cho Viện nghiên cứu khoa học & thí nghiệm Vật lý Liên Xô thành lập ngay Trung tâm hạt nhân bí mật tại thị trấn cách thủ đô Moscow 450 km về phía Tây Nam.
Ban đầu, căn cứ ngầm có tên KB-11 và chính thức đi vào hoạt động vào đầu năm 1947. Về sau, sau hàng loạt cân nhắc thay đổi tên cho căn cứ quân sự nhằm tăng sự bảo mật (từ các tên Base 112, Site 550, Yasnogorsk, Kremlyev và Arzamas-75) thì Arzamas-16 trở thành mật danh chính thức của thị trấn.
Arzamas-16 sau ngày đổi tên chính thức trở thành căn cứ nghiên cứu các chương trình hạt nhân và quân sự bí mật của Liên Xô.
Để đảm bảo tính tuyệt mật của căn cứ ngầm, chính phủ Liên Xô đã điều động một trung đoàn tên lửa phòng không và bộ binh canh gác bên rìa thị trấn. Bên trong thị trấn được quân đội giám sát vô cùng chặt chẽ. Bất cứ ai không phận sự đều bị "mời ra" một cách thẳng thừng.
Để tránh sự dòm ngó của tình báo phương Tây, Liên Xô đã không cho Arzamas-16 lên bản đồ. Mọi hoạt động của công dân trong vùng đều qua sự quản lý nghiêm ngặt của mật vụ Liên Xô.
Quá trình cô lập biến Arzamas-16 thành căn cứ ngầm tàng hình trên bản đồ hoàn tất vào năm 1948.
Những thành công đáng tự hào tại Arzamas-16
Bắt đầu từ đây, người ta cho xây dựng hai cơ sở hạt nhân, một viện thiết kế lắp ráp và tháo gỡ đầu đạn hạt nhân tại Arzamas-16 để cho các nhà khoa học và công nhân chuyên tâm làm việc.
Tính đến năm 1990, có khoảng 30.000 người trong tổng 83.000 dân cư sống tại Arzamas-16 làm việc tại các viện nghiên cứu và cơ sở sản xuất vũ khí hạt nhân.
Có thể nói, Arzamas-16 là "lò" quy tụ các nhà khoa học quân sự xuất sắc, những dự án vũ khí hạt nhân "khủng" và bí mật.
Trong vùng diện tích rộng 232km² của Arzamas-16 ẩn chứa những kế hoạch và chương trình nghiên cứu vũ khí hạt nhân tuyệt mật của Liên Xô.
Đúng như kế hoạch, chỉ một năm sau đó, tháng 8/1949, các nhà khoa học tại Arzamas-16 đã phát triển và thử nghiệm thành công quả bom hạt nhân đầu tiên trong lịch sử của Liên Xô. Cũng trong năm này, họ phát triển đầu đạn hạt nhân đầu tiên có tên RDS-1.
Đến năm 1953, các nhà khoa học tại căn cứ ngầm tiếp tục chế tạo thành công bom nhiệt hạch.
Với những thành tựu mở đầu này, Liên Xô đã bắt kịp Mỹ trong chuỗi dự án sản xuất vũ khí hạt nhân trong chuỗi "Dự án vũ khí hạt nhân của Liên Xô" bị ngắt quãng từ Thế chiến II.
Từ Arzamas-16 đến vũ khí khủng khiếp nhất trong lịch sử nhân loại
Ngày 30/10/1961, cả thế giới chao đảo khi Liên Xô thử nghiệm thành công quả bom khinh khí AN602 mang mật danh "bom Sa hoàng" (Tsar Bomba).
Với đương lượng nổ gần 100 triệu tấn TNT, "bom vua" Sa hoàng trở thành vũ khí hạt nhân lớn nhất, mạnh nhất từng được cho nổ thử nghiệm trong lịch sử nhân loại, ngay cả Mỹ cũng chào thua.
Chỉ duy nhất quả bom Sa hoàng được sản xuất tại quần đảo Novaya Zemlya ở Bắc Băng Dương. Nhưng vỏ quả bom lại được "đặt hàng" sản xuất tại Arzamas-16.
Sau khoảnh khắc bom Sa hoàng được nổ thành công, lợi thế về hạt nhân của Liên Xô tăng mạnh, vượt mặt cả nước "sừng sỏ" là Mỹ sau vụ Mỹ thử nghiệm bom Castle Bravo trên Thái Bình Dương vào năm 1954.
Castle Bravo là loại bom nhiệt hạch "khủng" nhất của Mỹ thời bấy giờ. Tuy nhiên, đương lượng nổ của nó chỉ bằng 1/3 so với quả bom Sa hoàng của Liên Xô.
Kết
25 năm sau ngày Chiến tranh Lạnh kết thúc (tính từ năm 1991 đến năm 2016), thị trấn Arzamas-16 với quy mô lớn đã trở thành thành phố với tên gọi khác là Sarov tại Nga ngày nay.
Cuộc đua về công nghệ và vũ khí hạt nhân trong Chiến tranh Lạnh giữa Mỹ và Liên Xô đã chấm dứt, nhưng Sarov ngày nay vẫn đóng vai trò là một trong những trung tâm vũ khí chiến lược của Nga, bao gồm cả lĩnh vực công nghệ thông tin.
Tính cho đến năm 2015, dân số tại thành phố Tây Nam đã trên 92.000 người và tất nhiên, Sarov đã chính thức có mặt trên bản đồ, khép lại 45 năm hoạt động ngầm của mình trong thế kỷ trước.
http://soha.vn/bi-mat-chon-giau-suot-45-nam-tai-can-cu-ngam-cua-lien-xo-20160922133747512.htm
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét