Liệu Mỹ sẽ làm gì nếu Trung Quốc xây dựng phi pháp căn cứ trên bãi cạn Scarborough, tuyên bố vùng nhận diện phòng không ADIZ trên quần đảo Trường Sa hay tiếp tục những bước đi thực hiện tham vọng độc chiếm Biển Đông, bất chấp luật pháp quốc tế và yêu cầu của Mỹ?
Tổng thống Obama nên suy nghĩ thật cẩn thận khi thăm Trung Quốc lần cuối với tư cách là Tổng thống vì điều này đã trở thành câu hỏi xác định tương lai quan hệ Trung- Mỹ.
Câu hỏi này hoàn toàn là thật. Quả thực nó đã nhiều lần được hỏi rất rõ ràng ở cấp độ quân sự cao nhất như tờ New York Times đưa tin cách đây vài tháng. “Liệu Mỹ có thực sự sẽ tham chiến vì vấn đề bãi cạn Scarborough hay không?”. Tướng Dunforf hỏi Đô đốc Harris Harry, và nếu đô đốc Harris trả lời thì cũng sẽ chẳng ai nghe thấy.
Câu hỏi này được đặt ra vì chỉ trong vài tháng, Mỹ có vẻ như đang cảnh cáo bằng cả lời nói lẫn hành động rằng nước này sẵn sàng sử dụng vũ trang để ngăn chặn Trung Quốc thúc đẩy tham vọng độc chiếm Biển Đông. Đây là ý nghĩa của việc triển khai mở rộng của Nhóm tác chiến tàu sân bay, các chuyến thăm cấp cao và các tuyên bố của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ, những bài diễn văn của các quan chức quân đội cao cấp và cuộc điện đàm giữa Tổng thống Obama và Chủ tịch Tập Cận Bình.
Đưa ra lời cảnh báo như vậy là một bước đi hoàn toàn nghiêm túc. Nghiêm trọng hơn nữa sẽ là Mỹ có thể tham chiến với Trung Quốc. Và cho dù những lời cảnh báo này được đưa ra mà không có câu hỏi được thảo luận kỹ lưỡng một cách công khai giữa các nhà lập pháp và các nhà phân tích, cho đến nay người ta vẫn có thể đoán từ giọng điệu của tướng Dunford.
Phần lớn người Mỹ cho rằng sẽ chẳng bao giờ cho cuộc chiến tranh thăm dò vì Trung Quốc sẽ chẳng bao giờ dám đấu lại Mỹ. Họ đương nhiên coi rằng Trung Quốc sẽ luôn lùi bước trước khi Mỹ phải suy nghĩ nghiêm túc về chuyện có đi đến chiến tranh hay không,
Nhưng có thể họ đã nhầm. Trung Quốc đã đưa ra những lời cảnh báo nghiêm khắc, đe dọa lực lượng vũ trang sẽ chống lại bất kỳ sự can thiệp nào tới yêu sách chủ quyền của nước này trên Biển Đông. Điều này cho thấy Trung Quốc cho rằng Mỹ sẽ lùi bước, cũng như Mỹ cho rằng Trung Quốc sẽ làm như vậy- đây là một ví dụ điển hình về hình ảnh phản chiếu giữa các đối thủ.
Máy bay ném bom tầm xa H-6K ngang nhiên thực hiện "tuần tra chiến đấu" ở khu vực bãi cạn Scarborough trên Biển Đông
Sẽ chẳng có ai ngạc nhiên nếu Trung Quốc nghĩ như vậy. Giả định này có thể được củng cố bởi toàn bộ các sự việc bao gồm thất bại “Lằn ranh đỏ” ở Syria, sự cẩn trọng của ông Obama ở vấn đề Crimea và Ukraine, chủ nghĩa biệt lập trong các chiến dịch chính của năm nay và hoạt động thực thi tự do hàng hải của Mỹ trên Biển Đông. Và tất nhiên cuối cùng là Trung Quốc tin rằng các vấn đề này quan trọng với họ hơn là với nước Mỹ.
Việc xác định rõ ràng các vấn đề là một việc hết sức quan trọng. Đó không phải là vì các bãi đá và rặng san hô trên Biển Đông hay là về các nguyên tắc về luật hàng hải quốc tế. Các vấn đề này chỉ đơn giản là một phần của cuộc tranh đấu lớn hơn về tương lai trật tự khu vực châu Á và vai trò của hai nước ở đây. Cuộc tranh đấu này hết sức đơn giản: Mỹ muốn duy trì sức mạnh chiến lược dẫn đầu châu Á và Trung Quốc thì lại muốn thay thế. Vì vậy vấn đề này đặc biệt quan trọng với Trung Quốc.
Khi ông Obama lần đầu đến thăm Trung Quốc với tư cách Tổng thống năm 2009, ông hi vọng rằng Trung Quốc sẽ tiếp tục chấp nhận trật tự khu vực do Mỹ dẫn đầu. Phần lớn người Mỹ đều nghĩ rằng có thể thuyết phục Trung Quốc làm như vậy.
Nhưng những bằng chứng hiện nay lại cho thấy điều ngược lại. Trung Quốc dưới thời Tập Cận Bình không chấp nhận trật tự khu vực do Mỹ dẫn đầu. Thay vào đó, nước này muốn xây dựng một trật tự mới ở châu Á dựa trên thứ mà ông Tập gọi là “quan hệ nước lớn kiểu mới”. Cả hai bên đều chọn tranh chấp hàng hải trên Biển Đông để nâng cao vị trí của mình. Trung Quốc hung hăng thể hiện mình là một cường quốc mới và khoa trương khả năng chống lại Mỹ. Mỹ lại sử dụng những hành vi của Trung Quốc để kêu gọi sự quan tâm của các nước châu Á về tham vọng của Trung Quốc, tập hợp sự ủng hộ chống lại Trung Quốc và quan trọng nhất là vạch ra “lằn ranh” để cảnh báo Bắc Kinh không được lấn sâu hơn.
Nhưng nếu ông Tập Cận Bình kết luận rằng lời cảnh báo của Mỹ chỉ là trò bịp bợm, nhằm làm bẽ mặt ông hay người kế nhiệm của mình, Trung Quốc có thể sẽ ra tay xây dựng căn cứ trên bãi cạn Scarborough.
Và rồi sau đó liệu Mỹ sẽ làm gì? Bước đầu tiên có thể là áp đặt lệnh trừng phạt kinh tế và ngoại giao. Họ có thể hoãn lại những đàm phán về Hiệp định đầu tư song phương (BIT) và hủy vòng tiếp theo về Đối thoại chiến lược và kinh tế. Nhưng không ai có thể hi vọng Trung Quốc sẽ bị khóa tay dưới những áp lực đó. Do đó câu hỏi khó này cần được trả lời.
Chúng ta có thể hình dung ra viễn cảnh ở Phòng tình huống. Các cố vấn ngoại giao và chiến lược sẽ nhắc Tổng thống rằng đây không phải là về vấn đề đảo hay vùng biển của ai mà là sự tín nhiệm và tương lai lãnh đạo của nước Mỹ đang treo trên sợi tóc. Nhượng bộ và cho phép Trung Quốc chống lại Mỹ sẽ hoàn toàn hủi hoại vị thế của Mỹ ở châu Á và củng cố cho vị thế của Trung Quốc. Nguy cơ rất lớn và các cuộc thảo luận về hành động quân sự cần phải rõ ràng.
Nhưng lời khuyên về quân sự cũng rất rõ ràng: Một quyết định dẫn đến chiến tranh là hết sức liều lĩnh và vô cùng tốn kém. Có rất ít cơ hội để đánh nhanh thắng nhanh với giá rẻ. Ngược lại, nguy cơ là sẽ bế tắc hoặc leo thang căng thẳng, hoặc có thể là cả hai. Mỹ sẽ mất đi một số lượng lớn các tàu và máy bay. Các đồng minh như Úc và Nhật Bản sẽ lưỡng lự nếu phải tham gia vào cuộc chiến. Đây sẽ là sự can thiệp quân sự nghiêm trọng nhất của Mỹ kể từ chiến tranh Việt Nam.
Lần đầu tiên "bộ ba chiến lược" gồm các máy bay ném bom B-2 Spirit, B-1B và pháo đài bay B-52 được Mỹ triển khai ở Guam canh chừng Biển Đông
Chiến đấu cơ tàng hình F-35 Mỹ cất cánh từ tàu sân bay và phi đoàn F-35 đầu tiên đã trong tình trạng sẵn sàng chiến đấu
Không ai có thể nói trước cuộc chiến sẽ kết thúc như thế nào. Và không ai có thể hoàn toàn chắc chắn liệu nó có kết thúc trước khi leo thang đến ngưỡng hạt nhân hay không. Do đó các nhà cố vấn ngoại giao lại gióng lên những lời cảnh báo rằng hệ quả tới nền kinh tế toàn cầu do sự gián đoạn của quan hệ kinh tế Mỹ- Trung là không thể đong đếm được và còn tồi tệ hơn cả khủng hoảng tài chính toàn cầu. Các nhà cố vấn chính trị sẽ phân vân làm cách nào để tất cả những điều này có thể được chuyển sang cuộc bầu cử ở Mỹ.
Sau đó, với những thực tế khó khăn này, Tổng thống sẽ phải đối mặt với sự lựa chọn sẽ làm gì để xác định vị trí của nước Mỹ trên thế giới trong vài thập kỷ tới. Sau chiến tranh thế giới thứ hai, thật dễ dàng cho rằng Mỹ có thể duy trì sức mạnh chiến lược dẫn đầu trong khu vực quan trọng như châu Á, châu Âu và Trung Đông với ít chi phí và nguy hiểm. Với giả định đó, thật dễ để mọi người đồng ý rằng duy trì ưu thế của Mỹ trong những khu vực này là mục đích không cần bàn cãi của chính sách Mỹ.
Nhưng hiện nay giả định này cho thấy đã hoàn toàn sai lầm. Ở châu Á, Mỹ đang đối mặt với cuộc chiến điển hình về chính trị dựa trên sức mạnh khi Washington tìm cách bảo vệ vị trí của mình trong trật tự khu vực, chống lại đối thủ đáng gờm. Do đó, Mỹ phải đối đầu với logic về nền chính trị dựa trên sức mạnh: Cuối cùng vị thế của một nước trong trật tự quốc tế sẽ được xác định dựa trên các vấn đề liệu nước này có sẵn sàng dấn vào chiến tranh chống lại một đối thủ là cường quốc hay không.
Trật tự Chiến tranh lạnh ở châu Âu cơ bản được xác định dựa trên sự sẵn sàng chiến đấu của cả Mỹ lẫn Liên Xô để ngăn chặn bất cứ động thái nào về vùng ảnh hưởng giữa hai bên và trật tự đó sụp đổ khi Liên Xô không còn muốn hành động như vậy. Câu hỏi lớn là liệu Mỹ có sẵn sàng chiến đấu chống Trung Quốc để duy trì quyền bá chủ của mình ở châu Á hay không. Câu hỏi này không thể trả lời một cách đơn giản bằng việc lặp lại vấn đề cũ về tầm quan trọng của việc duy trì liên minh và duy trì trật tự dựa trên luật lệ. Chúng nằm ở những phân tích cuối cùng về phương tiện để đạt được những mục tiêu cao nhất của Mỹ.
Do đó những mục tiêu sâu sắc này - an ninh lãnh thổ và sức khỏe của nền kinh tế Mỹ - thực sự bị ảnh hưởng thế nào bởi những gì diễn ra châu Á? Liệu Mỹ có thể duy trì an ninh và thịnh vượng ở trong nước mà không trở thành cường quốc thống trị ở châu Á hay không? Liệu sự thống trị này có thực sự quan trọng để biện minh cho chi phí khổng lồ và cuộc chiến tranh với Trung Quốc, điều đe dọa nghiêm trọng tới an ninh và thịnh vượng của Mỹ hay không? Đây là những câu hỏi mà Mỹ cần phải giải quyết rất khẩn trương.
Trong khi đó Mỹ vẫn phải rất thận trọng trong việc đưa ra những lời cảnh báo tới Trung Quốc về việc Mỹ sẵn sàng sử dụng sức mạnh liên quan đến những sự kiện ở Biển Đông. Nếu Mỹ không dám chiến đấu thì nên dừng những lời khoa trương lại. Còn nếu dám thì phải thật kiên quyết và rõ ràng để Trung Quốc khỏi nghi ngờ ý chí của Mỹ. Sự mập mờ hiện tại về quyết tâm của Mỹ chính là tình thế nguy hiểm nhất.
* Lược thuật bài viết trên National Interest của tác giả Hug White là giáo sư nghiên cứu chiến lược ở Đại học quốc gia Úc tại Canberra.
http://viettimes.vn/the-gioi/dia-chinh-tri/bien-dong-my-vach-lan-ranh-san-sang-ra-tay-voi-trung-quoc-74852.html
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét