Thứ Hai, 1 tháng 6, 2020

Vén bức màn bí ẩn về chiến dịch “Pháo chiến Kim Môn” kéo dài suốt 21 năm giữa Trung Quốc và Đài Loan

Vào lúc quan hệ hai bên eo biển đang căng thẳng, thái độ của Trung Quốc đối với Đài Loan ngày càng cứng rắn, Đài truyền hình trung ương Trung Quốc (CCTV) từ tối 29/5/2020 bắt đầu phát sóng bộ phim tài liệu 10 tập “Pháo kích Kim Môn 1958” liên quan đến cuộc đối đầu quân sự giữa hai bên eo biển, gây nên sự chú ý.

Pháo binh Trung Quốc bắn sang Kim Môn (Ảnh tư liệu).



Nhằm giúp bạn đọc có cách nhìn tương đối đầy đủ về trận pháo kích sau phát triển thành sự kiện kéo dài tới 21 năm này, VietTimes xin giới thiệu tổng thể nguyên nhân, diễn biến, kết quả của sự kiện có ảnh hưởng lớn đến lịch sử Trung Quốc hiện đại này dựa trên tư liệu tham khảo của các bên tham chiến.
Chiến dịch đấu pháo kéo dài suốt 21 năm
Bắt đầu từ ngày 23/8/1958, một cuộc xung đột lớn đã xảy ra giữa quân đội Trung Quốc và quân Quốc Dân Đảng Đài Loan; giữa tỉnh Phúc Kiến ở Đại Lục với các đảo Kim Môn, Mã Tổ ở ven biển Hoa Đông do chính quyền Tưởng Giới Thạch ở Đài Loan kiểm soát. Do pháo binh là lực lượng chủ yếu và đấu pháo là chiến thuật chính được sử dụng trong cuộc đối đầu này nên các tài liệu, sách báo gọi đây là “Pháo kích Kim Môn” hoặc “Pháo chiến Kim Môn”. Ít ai ngờ trận “pháo chiến” ấy kéo dài dai dẳng tới…21 năm, mãi tới đầu năm 1979 mới chấm dứt. Sau hơn 60 năm, mới đây nhiều hình ảnh và tư liệu về trận đấu pháo chưa từng có giữa hai bên Eo biển Đài Loan đó mới được các bên dần dần công khai…

Vén bức màn bí ẩn về chiến dịch “Pháo chiến Kim Môn” kéo dài suốt 21 năm giữa Trung Quốc và Đài Loan (Kỳ 1) - ảnh 1
Các đảo Kim Môn (trên) và Tiểu Kim Môn (giữa) chỉ cách Hạ Môn (Phúc Kiến) chưa đầy 2 km (Ảnh: Toutiao).
Cuộc đấu pháo được phía Đại Lục gọi là “Kim Môn pháo chiến”, còn Đài Loan gọi là “23/8 pháo chiến” này do phía quân đội Trung Quốc đại lục khai màn, sau đó phía Đài Loan phản kích lại. Thời gian đầu, phía Đại Lục tập trung pháo kích các mục tiêu quân sự; sau đó chuyển sang phong tỏa tuyến vận tải đường biển để bao vây, cô lập đảo Kim Môn.
Lúc đầu, quân đội Đài Loan bị bất ngờ, không kịp đề phòng, sau đó dần dần phục hồi sức chiến đấu, được hải quân Mỹ bảo vệ, khôi phục được việc tiếp tế hậu cần cho Kim Môn; thậm chí được Mỹ tăng viện thêm các khẩu đại pháo cỡ nòng 203 mm và giúp khôi phục tuyến vận tải tiếp tế. Trong suốt thời gian đấu pháo, các tàu chiến của hải quân và máy bay của không quân hai bên cũng nhiều lần đụng độ nhau. Đến tháng 10/1958, phía Trung Quốc Đại Lục tuyên bố chấm dứt việc dùng pháo binh phong tỏa, đổi thành “Ngày lẻ bắn, ngày chẵn nghỉ”, giảm dần mật độ pháo kích, quân đội Đài Loan đã bảo vệ đảo Kim Môn thành công. Quân đội Trung Quốc vẫn duy trì kiểu pháo kích “Ngày lẻ bắn, ngày chẵn nghỉ” dai dẳng cho đến tận ngày 1/1/1979, khi Trung Quốc và Mỹ thiết lập quan hệ ngoại giao thì việc pháo kích Kim Môn mới hoàn toàn chấm dứt.
Theo số liệu do hai bên công bố thì phía Trung Quốc tung vào chiến dịch này lực lượng 215.000 quân, 800 máy bay, 12 tàu phóng lôi, 569 khẩu pháo; phía Đài Loan: 92.000 quân, số lượng pháo không được tiết lộ.

Vén bức màn bí ẩn về chiến dịch “Pháo chiến Kim Môn” kéo dài suốt 21 năm giữa Trung Quốc và Đài Loan (Kỳ 1) - ảnh 2
Nhà cửa trên đảo Kim Môn bị trúng đạn pháo (Ảnh tư liệu).
“Pháo chiến Kim Môn” là một phần của cuộc “Nội chiến Quốc – Cộng lần Hai” và cũng là trận đọ sức lớn cuối cùng về cả hải, lục, không quân giữa quân đội hai bên eo biển Đài Loan. Sau đó các cuộc va chạm chỉ thi thoảng xảy ra trên biển rồi dần dần chấm dứt hẳn.
Bối cảnh diễn ra trận pháo chiến ác liệt
Năm 1949,  sau khi thành lập, Cộng hòa nhân dân Trung Hoa mở Chiến dịch Kim Môn nhưng không đánh chiếm được nhóm đảo ven bờ này; quân đội Quốc Dân Đảng của Tưởng Giới Thạch bảo vệ thành công quyền khống chế Eo biển Đài Loan, rút lực lượng chủ lực còn lại ra đảo Đài Loan. Năm 1950, Chiến tranh Triều Tiên bùng nổ, để đề phòng Đại Lục thừa cơ tiến công chiếm Đài Loan nên Mỹ đã điều động Hạm đội 7 đến khu vực này răn đe khiến Trung Quốc gặp khó khăn gấp bội nếu tấn công đánh chiếm Đài Loan. Quân đội hai bên dàn trận đối đầu qua eo biển, tuy luôn trọng thái đối địch căng thẳng nhưng không xảy ra xung đột lớn.
Sau khi Chiến tranh Triều Tiên kết thúc, Trung Quốc lập tức đẩy mạnh xây dựng các tuyến giao thông đường sắt, đường bộ, các sân bay ở khu vực ven biển các tỉnh Chiết Giang, Phúc Kiến. Năm 1955, sau khi rút quân khỏi đảo Đại Trần, phía Đài Loan bị mất hòn đảo cuối cùng ở ven bờ tỉnh Chiết Giang. Trong các năm 1955 và 1956, các tuyến đường sắt, đường bộ và 6 sân bay liên tiếp được Trung Quốc hoàn thành và tiến hành đắp đê lấp biển, xây dựng pháo đài ở các khu vực Thạch Tỉnh, Áo Đầu cận kề đảo Kim Môn. Năm 1956, Trung Quốc chế tạo thành công máy bay tiêm kích J-5 phỏng chế theo mẫu MiG-17 của Liên Xô. Ngày 18/12/1957, ông Mao Trạch Đông chỉ thị: “Xem xét việc đưa không quân đến Phúc Kiến vào năm 1958”. Việc chuẩn bị cho tác chiến đánh Kim Môn và Đài Loan đã cơ bản hoàn tất.
Vén bức màn bí ẩn về chiến dịch “Pháo chiến Kim Môn” kéo dài suốt 21 năm giữa Trung Quốc và Đài Loan (Kỳ 1) - ảnh 3
Trung tuần tháng 7/1958, nhóm sĩ quan tự do Iraq làm đảo chính lật đổ hoàng gia, thành lập nước Cộng hòa Iraq và rút khỏi Tổ chức Công ước Trung tâm (CENTO); Mỹ và Anh vội đưa quân tới Lebanon và Jordan, tình hình Trung Đông trở nên căng thẳng. Trung Quốc lấy lý do “chi viện cuộc đấu tranh chống xâm lược của nhân dân Trung Đông”, tăng cường binh lực ở ven biển, hình thành cục diện tiến công Đài Loan. Ngày 15/7, chính quyền Đài Loan tuyên bố đặt khu vực Đài Loan, Bành Hồ, Kim Môn, Mã Tổ vào trạng thái khẩn cấp. Ngày 29/7, Trung Quốc cho biết họ bắn rơi 2, bị thương 1 máy bay của Quốc Dân Đảng Đài Loan. Ngày 31/7, nhà lãnh đạo Khruschev và Bộ trưởng Quốc phòng Liên Xô đến Bắc Kinh hội đàm bí mật với Mao Trạch Đông và Chu Ân Lai nhưng nội dung không đề cập đến việc tiến công Kim Môn.
Đảo Kim Môn nằm ở tọa độ 118, 32’ độ Kinh Đông, 24,44’ độ Vĩ Bắc, diện tích 151,65 km2, nằm đối diện các đảo Đại Đăng, Tiểu Đăng do Trung Quốc kiểm soát thuộc Hạ Môn chỉ 1,8 km nhưng cách đảo Đài Loan 220 km. Trên đảo Kim Môn, quân đội Đài Loan bố trí các trận địa pháo lớn kiểm soát đường vào cảng Hạ Môn, tạo thành mối uy hiếp nghiêm trọng  đối với tuyến vận tải biển xung quanh Hạ Môn.

Vén bức màn bí ẩn về chiến dịch “Pháo chiến Kim Môn” kéo dài suốt 21 năm giữa Trung Quốc và Đài Loan (Kỳ 1) - ảnh 4
Từ đảo Kim Môn nhìn sang Hạ Môn rất gần (Ảnh: China Times).
Ngày 4/8/1958, các trạm phát thanh tuyến trước của Phúc Kiến bắt đầu phát loa tuyên truyền “Công chiếm Kim Môn, Mã Tổ, dùng vũ lực giải phóng Đài Loan”, định dùng chiến tranh tâm lý để làm suy sụp tinh thần của binh lính phòng thủ Kim Môn. Ngày 5/8, lực lượng lớn hải, lục, không quân Trung Quốc bắt đầu tập kết ở Phúc Kiến; không quân nhanh chóng triển khai về phía Nam, các máy bay ném bom được đưa tới sân bay Lộ Kiều, các máy bay tiêm kích được đưa tới các sân bay ven biển. Ngày 6/8, “Bộ Quốc phòng” Đài Loan tuyên bố “tình hình Eo biển Đài Loan rất căng thẳng, các khu vực bước vào trạng thái chuẩn bị chiến tranh”. Các ngày từ 18 đến 20/8, Tưởng Kinh Quốc tới thị sát “tiền tuyến Kim Môn, Mã Tổ”. Ngày 20/8, Trung Quốc tập trung các tàu hải quân tại cảng Tam Đô, sẵn sàng tiến công; Tưởng Giới Thạch đi tàu chiến tới Kim Môn kiểm tra việc bố phòng, chỉ thị và động viên binh lính.
Ngày 23/8, quân đội Trung Quốc bất ngờ tiến công Kim Môn, bắn mấy chục ngàn quả đạn pháo sang hòn đảo này.

Vén bức màn bí ẩn về chiến dịch “Pháo chiến Kim Môn” kéo dài suốt 21 năm giữa Trung Quốc và Đài Loan (Kỳ 1) - ảnh 5
Bộ sưu tập các loại đạn pháo do phía Trung Quốc bắn sang Kim Môn (Ảnh tư liệu).
Về nguyên nhân Trung Quốc khai chiến, cho đến nay vẫn có mấy giả thuyết khác nhau:
Thuyết “Đánh chiếm Kim Môn”. Thuyết này căn cứ theo các tuyên bố hoặc hội nghị chính thức của Trung Quốc. Ngày 15/8, chính phủ Trung Quốc ra tuyên bố: “Chính phủ Cộng hòa nhân dân Trung Hoa tuyên bố: cần thiết phải thu hồi các đảo ven biển Kim Môn, Mã Tổ bị quân đội Quốc Dân Đảng chiếm giữ uy hiếp trực tiếp các cảng biển Hạ Môn và Phúc Châu”. Ngày 23/8, ông Mao Trạch Đông tuyên bố tại Hội nghị Ban Thường vụ Bộ Chính trị: “Chúng ta yêu cầu quân Mỹ rút khỏi Đài Loan, quân Tưởng rút khỏi Kim Môn, Mã Tổ. Nếu không rút, chúng ta sẽ đánh”. Chính phủ Trung Quốc ra tuyên bố: sau khi thu hồi Kim Môn, Mã Tổ sẽ sử dụng phương pháp hòa bình giải phóng Đài Loan và Bành Hồ. Về phía Đài Loan, thì từ tư lệnh lực lượng phòng thủ Kim Môn đến Tưởng Kinh Quốc, Tưởng Giới Thạch đều cho rằng họ đã đánh bại mưu đồ đánh chiếm Kim Môn của quân đội Trung Quốc.
Giả thuyết chính trị: “Chi viện Trung Đông, kìm chế quân Mỹ”. Thuyết này do báo chí chính thống của Trung Quốc đưa ra.
Thuyết “ngăn chặn Đài Loan độc lập”, do báo chí Hongkong nêu lên, cho rằng mục đích của cuộc tiến công bằng hỏa lực pháo binh này nhằm mục đích ngăn chặn thế lực đòi Đài Loan độc lập phát triển.
Thuyết “pháo kích Kim Môn làm yên trong nước”. Giả thuyết này cho rằng Kế hoạch 5 năm lần thứ nhất của Trung Quốc kết quả không như ý muốn, hiệu quả tập thể hóa nông nghiệp không tốt, Mao Trạch Đông đứng trước thách thức của những người khác trong ban lãnh đạo đảng nên tiến hành pháo kích Kim Môn để chuyển hướng sự chú ý sang vấn đề Đài Loan.
Pháo binh Trung Quốc bất ngờ trút đạn tập kích, phía Đài Loan thiệt hại nặng nề; nhưng sau khi Mỹ nhảy vào trợ giúp, tình hình dần thay đổi... Các đảo Kim Môn, Mã Tổ...vẫn được Đài Loan giữ vững...
Pháo tự hành M55 cỡ nòng 203mm của Mỹ viện trợ khẩn cấp cho Đài Loan bắn sang Phúc Kiến (Ảnh: Tư liệu).

5h30’ sáng ngày 23/8/1958. Tướng Thạch Nhất Thần, Phó Tham mưu trưởng Đại quân khu Phúc Châu ra lệnh bắt đầu pháo kích cụm đảo Kim Môn, hơn 600 khẩu pháo nhất tề nhả đạn dội bão lửa trùm lên đảo Kim Môn. Trong vòng 2 giờ đầu tiên đã có hơn 40 ngàn viên đạn pháo được bắn đi; tổng cộng cả ngày bắn hơn 57 ngàn quả đạn, đều là loại pháo nòng dài và pháo lựu cỡ nòng 155mm, 175mm.
Do bị bất ngờ nên phía Quốc Dân Đảng Đài Loan bị thương vong hơn 440 người. Lúc 18 giờ, Phòng ăn Bộ Tư lệnh phòng thủ Kim Môn bị trúng đạn, 2 Trung tướng Phó tư lệnh Chương Kiệt và Triệu Gia Nhượng đều chết tại chỗ, một Phó tư lệnh khác là Cát Tinh Văn bị thương nặng rồi cũng chết 3 ngày sau đó; Tư lệnh Hồ Liên, Tham mưu trưởng Lưu Minh Khuê và Bộ trưởng Quốc phòng Đài Loan Du Đại Duy khi đó đang đến thị sát Kim Môn đều bị thương; 65 ngôi nhà bị phá hủy và hư hại. Các sở chỉ huy, đài quan sát, trung tâm giao thông, trận địa pháo, công sự quan trọng đều bị trúng đạn. May cho tổ cố vấn quân sự Mỹ tại đây không ai hề hấn gì.

Pháo chiến Kim Môn: Chiến sự diễn ra ác liệt, Mỹ nhảy vào trợ giúp Đài Loan (kỳ 2) - ảnh 1
Nhà cửa trên đảo Kim Môn bị hư hại nghiêm trọng do trúng đạn pháo của Trung Quốc đại lục (Ảnh: Tư liệu).
Vụ pháo kích bất ngờ khiến người Mỹ phẫn nộ, Ngoại trưởng J. Dulles cảnh cáo: nếu Trung Quốc mưu đồ đánh chiếm Kim Môn, Mã Tổ, Mỹ sẽ coi là hành vi đe dọa hòa bình. Ngày hôm sau, pháo binh Trung Quốc tiếp tục tập trung nã vào cầu tàu ở vịnh Liệu La, sân bay quân sự Thượng Nghĩa, Kim Môn và các trận địa pháo. Pháo binh Đài Loan tiến hành phản pháo mãnh liệt, sau đó hỏa lực của Đại Lục giảm dần. Đến các ngày 7/9 và 18/9 phía Đại Lục lại khôi phục hỏa lực pháo kích mãnh liệt nhằm vào cảng Thủy Đầu, ngăn chặn tiếp tế đường biển, đường không nhằm mục đích phong tỏa đảo Kim Môn.
Ngày 24/8, các tàu phóng lôi Trung Quốc tấn công đánh chìm tàu đổ bộ Đài Sinh của Đài Loan khiến hơn 200 người chết; bắn hỏng tàu đổ bộ tăng Trung Hải khiến 8 người chết, 23 người bị thương; nhưng phía Trung Quốc cũng bị chìm tàu phóng lôi số 175.

Pháo chiến Kim Môn: Chiến sự diễn ra ác liệt, Mỹ nhảy vào trợ giúp Đài Loan (kỳ 2) - ảnh 2
Lính Đài Loan ở Kim Môn bị thương do đạn pháo (Ảnh: Life).
Để đối phó lại sự tấn công mãnh liệt của Trung Quốc, ngày 24/8, Nhà Trắng họp khẩn cấp, tướng Twining, Chủ tịch Hội đồng Tham mưu liên quân Mỹ trình bày ý kiến của Lầu Năm Góc về cuộc khủng hoảng Kim Môn; cho rằng nếu cần thiết, Mỹ phải giúp quân đội Đài Loan phòng thủ giữ vững 2 đảo Kim Môn và Mã Tổ, ngăn chặn việc quân đội Trung Quốc phong tỏa trên biển. Ông Twining cho rằng: “Để phòng thủ vững chắc hai đảo này, cần sử dụng vũ khí hạt nhân”.
Ngày hôm sau, Mỹ triển khai Hạm đội 7 để phòng vệ Eo biển Đài Loan; sau đó Hạm đội 7 giúp đỡ hải quân Đài Loan tiếp tế cho Kim Môn, tổ chức một loạt cuộc diễn tập chung giữa quân Mỹ với lục quân, không quân và lính thủy đánh bộ Đài Loan; đồng thời đưa máy bay chiến đấu F-100 cùng 1 tiểu đoàn tên lửa phòng không tới Đài Loan, thành lập Trung tâm chỉ huy tác chiến. Ngày 4/9, Dulles tuyên bố “Trung Quốc tấn công Kim Môn, Mã Tổ chính là khúc dạo đầu để tiến công Đài Loan, Bành Hồ”.
Ngày 25/8, Tổng thống Mỹ Dwight Eisenhower đồng ý phái các tàu chiến Mỹ vận tải tiếp tế hậu cần cho quân đội Quốc Dân Đảng. Ngày 27/8, ông ta phát biểu: “Mỹ sẽ không từ bỏ trách nhiệm với Đài Loan”. Ngày 28/8, chính phủ Mỹ ra tuyên bố “Mỹ không dung thứ việc tấn công Kim Môn, Mã Tổ”. Sau đó, Đài Loan tiến hành vận chuyển ban đêm để duy trì tiếp tế hậu cần cho Kim Môn, quân đội Trung Quốc thì dùng tàu chiến và pháo binh, không quân oanh tạc bờ để duy trì sự phong tỏa.

Pháo chiến Kim Môn: Chiến sự diễn ra ác liệt, Mỹ nhảy vào trợ giúp Đài Loan (kỳ 2) - ảnh 3
Các cỗ pháo hạng nặng 203mm được Mỹ viện trợ khẩn cấp cho Đài Loan được đưa tới Kim Môn tham chiến (Ảnh: Tư liệu).
Ngày 1/9, tàu tuần dương Đà Giang của hải quân Đài Loan xuất phát từ cảng Mã Công chở hàng tiếp tế cho Kim Môn, ngày 2/9 gặp và đụng độ với 8 tàu phóng lôi và 2 pháo hạm lớn của hải quân Trung Quốc ở vịnh Liệu La. Tàu Đà Giang đã bắn chìm 2 tàu Trung Quốc nhưng cũng bị hư hại nặng; tàu Duy Nguyên hư hại nhẹ nhưng vẫn hoàn thành được nhiệm vụ vận chuyển hàng tiếp tế.
Ngày 3/9, Hạm đội 7 Mỹ bắt đầu hộ tống các tàu vận tải của hải quân Đài Loan với tuyên bố không xâm phạm vào vùng lãnh hải 3 hải lý của Trung Quốc. Ngày 4/9, chính phủ Trung Quốc ra tuyên bố “mọi máy bay và tàu quân sự nước ngoài nếu không được chính phủ Trung Quốc cho phép đều không được tiến vào vùng biển và vùng trời bên trong lãnh hải 12 hải lý của Trung Quốc”. Tuy nhiên, ngày 7/9, tàu của Hạm đội 7 đã hộ tống tàu của Đài Loan tiếp tế thành công cho Kim Môn, hải quân Mỹ tìm cách tránh giao chiến trực tiếp với hải quân Trung Quốc.
Ngày 8/9, Trung Quốc lại tiến hành pháo kích, mục tiêu trọng điểm là cảng Tân Đầu, Kim Môn. Đạn pháo Trung Quốc đã bắn trúng tàu đổ bộ Mỹ Lạc (LSM 242) đang dỡ hàng làm thương vong 11 người, chiếc tàu bị cháy.
Pháo chiến Kim Môn: Chiến sự diễn ra ác liệt, Mỹ nhảy vào trợ giúp Đài Loan (kỳ 2) - ảnh 4
Ngày 11/9, quân đội Quốc Dân Đảng ở Kim Môn đã pháo kích dữ dội Ga xe lửa Hạ Môn gây thương vong cho 1 tiểu đoàn lính Trung Quốc. Ngày 15/9 các đại diện Mỹ và Trung Quốc là Đại sứ hai nước tại Ba Lan hội đàm cấp đại sứ ở Warsaw. Đại diện Trung Quốc là Đại sứ Vương Bỉnh Nam đưa ra yêu cầu đòi quân đội Quốc Dân Đảng rút khỏi các đảo ven bờ Kim Môn và Mã Tổ, đổi lại Trung Quốc cam kết không truy kích và không tấn công Đài Loan trong một thời gian nhất định. Sau đó Tổng thống Dwight Eisenhower bày tỏ Mỹ không coi Kim Môn, Mã Tổ nằm trong phạm vi Mỹ có nghĩa vụ bảo vệ theo “Hiệp ước phòng thủ chung Trung – Mỹ” mà họ ký với chính quyền Đài Loan, yêu cầu Quốc Dân Đảng từ bỏ Kim Môn, đổi lại Mỹ sẽ bù đắp bằng cách giúp trang bị 5 sư đoàn lục quân và cung cấp phương tiện để triệt thoái quân dân ở Kim Môn, Mã Tổ tới Đài Loan. Tuy nhiên đề nghị này của Mỹ đã bị Tưởng Giới Thạch thẳng thừng bác bỏ.
Trung tuần tháng 9, Mỹ viện trợ cho quân đội Quốc Dân Đảng 6 cỗ lựu pháo tự hành M55 cỡ nòng 203mm nặng 44 tấn, có thể bắn quả đạn nặng 92kg đi xa 17km, bàn giao cho tiểu đoàn pháo binh 607 thuộc sư đoàn 1 lục quân Đài Loan tiếp nhận. Sau khi được huấn luyện 1 tuần tại Đài Loan, số pháo này được chia làm 2 đợt vận chuyển tới đảo Bành Hồ. Ngày 18 và 21/9, Mỹ đã giúp vận chuyển 6 cỗ pháo khủng này tới đảo Kim Môn. Tàu vận tải cỡ 10 ngàn tấn của Mỹ chở số pháo này tới buông neo cách Kim Môn 3 hải lý rồi dùng 3 tàu đổ bộ chở chúng lên đảo.

Pháo chiến Kim Môn: Chiến sự diễn ra ác liệt, Mỹ nhảy vào trợ giúp Đài Loan (kỳ 2) - ảnh 5
Các khẩu pháo tự hành M55 được tàu đổ bộ chở tới đảo Kim Môn (Ảnh: Tư liệu).
Ngày 26/9, 3 khẩu đại pháo M55 đầu tiên tham gia chiến đấu, phá hủy các trận địa pháo của Trung Quốc ở khu vực Vi Đầu; đến 4 giờ chiều, các khẩu pháo Trung Quốc còn sót lại ở đây rút lui về phía sau nhưng vẫn bị hỏa lực của các khẩu M55 truy kích bắn trùm lên. Ngày 29/9, 3 khẩu M55 còn lại tiếp tục được đưa vào sử dụng, chủ yếu công kích các trận địa pháo và công sự Trung Quốc ở các đảo Đại Đăng và Liên Hà. Ngày 27/9, Kim Môn được Mỹ tăng viện thêm 6 khẩu pháo xe kéo M2 cỡ nòng 203 mm nữa. Đến lúc đó, quân đội Quốc Dân Đảng ở đảo Kim Môn đã có 12 khẩu trọng pháo tầm xa cỡ nòng 203mm.
Về hiệu quả của các khẩu đại pháo 203mm này, tài liệu của 2 bên ghi chép khác nhau nhiều. Tài liệu của Đài Loan ghi: “Bộ trưởng Quốc phòng Du Đại Duy được báo cáo pháo binh bắn rất chính xác, các công sự pháo của Đại Lục ở Vi Đầu đều bị băm nát, thiệt hại lớn chưa từng có. Sau hơn 1 giờ pháo kích, các khẩu 203mm đã tiêu diệt hơn 40 mục tiêu; sĩ khí của binh lính vì thế tăng mạnh”. Tư lệnh lực lượng phòng thủ Kim Môn Hồ Liên cũng ghi: “Chỉ hơn 100 quả đạn nã bất ngờ, bằng mắt thường có thể thấy địch ở bờ đối diện pháo tan người chết, khói lửa ngút trời. Quân ta lâu nay bị pháo địch áp chế, nay hoan hô như sấm dậy”.
Một sử gia Đài Loan thời đó phân tích: sau khi 12 khẩu pháo 203mm được đưa vào sử dụng, hỏa lực của quân đội Quốc Dân Đảng đã giành được ưu thế, đẩy pháo binh của Đại Lục vào thế yếu, không thể còn sử dụng pháo binh để phong tỏa Kim Môn hoặc làm suy yếu hình thái phòng ngự của phía Quốc Dân Đảng. Phía Đại Lục xét thấy đã gặt hái được về chính trị, lại không muốn xung đột dâng cao khiến Mỹ và Liên Xô trực tiếp can dự vào chiến trường khiến ngọn lửa chiến tranh lan xuống khu vực Hoa Nam; vì thế họ liên tiếp tuyên bố “ngừng bắn 1 tuần”, “ngừng bắn 2 tuần” rồi “bắn ngày lẻ, nghỉ ngày chẵn”, dần dần hạ thấp mức độ xung đột.

Pháo chiến Kim Môn: Chiến sự diễn ra ác liệt, Mỹ nhảy vào trợ giúp Đài Loan (kỳ 2) - ảnh 6
Đài quan sát pháo binh của Trung Quốc đại lục (Ảnh: Tư liệu).
Phía Trung Quốc đại lục, nhà văn Thẩm Vệ Bình viết, ông đã lục tìm nhiều báo cáo tác chiến, các bức điện, phân tích tình báo và chiến lệ đều không thấy nhắc đến việc quân địch ở Kim Môn sử dụng lựu pháo 203mm, nếu có cũng rất qua loa, mờ nhạt, kém xa việc nói về tên lửa đất đối đất MGM-1 và tên lửa không đối không “Rắn đuôi kêu” AIM-9 cùng biên đội hỗn hợp tàu sân bay. Các thống kê tổn thất của Trung Quốc sau ngày 26/9 cũng không thấy tình trạng gia tăng đột xuất. Ông phỏng vấn những lính và dân ở Hạ Môn tham gia chiến đấu hồi đó họ đều nói các công sự rất kiên cố, không có chuyện bị pháo của Quốc Dân Đảng phá hủy; cộng thêm xác suất chính xác của pháo 203mm rất hạn chế. Vả lại sau khi 2 khẩu 203 mm bị pháo Đại Lục phá hỏng, các khẩu còn lại đều ít được sử dụng nữa nên theo ông, phía Đài Loan đã thổi phồng tác dụng và hiệu quả của loại pháo này.
Thẩm Vệ Bình kết luận: “Sự có mặt của lựu pháo 203mm hiển nhiên đã tăng cường việc phòng thủ Kim Môn, nhưng không giúp thay đổi được tình thế chung là “Đại Lục mạnh, Kim Môn yếu” về hỏa lực. Chắc chắn loại pháo cỡ lớn này đã gây nên rắc rối cho Đại Lục, nhưng không đến mức như Đài Loan tuyên truyền”.

Pháo chiến Kim Môn: Chiến sự diễn ra ác liệt, Mỹ nhảy vào trợ giúp Đài Loan (kỳ 2) - ảnh 7
Pháo Trung Quốc bắn phá các tàu Đài Loan trên biển (Ảnh: Tư liệu).
Tờ The New York Times ngày 21/9/1958 đăng bài của một chuyên gia quân sự đề cập đến việc các cỗ pháo tự hành 203mm này có thể bắn đạn hạt nhân; khi đó bị giới quan sát cho rằng “cố ý tiết lộ bí mật” để đe dọa Trung Quốc. Bị vong lục của Bộ Quốc phòng Mỹ do Công ty RAND soạn thảo cho rằng: việc cung cấp loại pháo 203mm chỉ đơn thuần nhằm gia tăng sức mạnh thông thường cho quân đội Đài Loan mà thôi.

Sau khi kéo dài dai dẳng suốt 21 năm, gây thiệt hại lớn về người và của cho cả hai bên, Pháo chiến Kim Môn đã kết thúc khi Mỹ và Trung Quốc lập quan hệ ngoại giao, mở ra thời kỳ hòa dịu trong quan hệ hai bên bờ Eo biển..

Cuộc xung đột hạ nhiệt
Ngày 5/10/1958. Bộ trưởng Quốc phòng  Trung Quốc Bành Đức Hoài tuyên bố: “Xuất phát từ lập trường nhân đạo, quân đội Trung Quốc ngừng việc pháo kích Kim Môn 7 ngày để quân dân Kim Môn được nhận tiếp tế”. Ngày 6/10, Bành Đức Hoài lại ra “Thư gửi đồng bào Đài Loan”. Từ đó, cuộc pháo chiến phong tỏa Kim Môn của Trung Quốc bước sang giai đoạn mới: “bắn – dừng”, “nửa bắn nửa ngưng”, “lấy ngoại giao và chính trị làm chính, thủ đoạn quân sự là phụ”.
Đến ngày 13/10, Bộ Quốc phòng Trung Quốc lại ra lệnh tiếp tục ngừng pháo kích Kim Môn 2 tuần nữa, mệnh lệnh được đăng tải trên Nhân dân Nhật báo, trong đó nêu lý do “ngừng bắn để quan sát động thái của địch, để quân dân Kim Môn được tiếp tế đầy đủ lương thực và trang bị quân sự, giúp họ cố thủ. “Binh bất yếm trá”, nhưng đây không phải chúng ta lừa dối mà là đại nghĩa dân tộc, phân biệt rạch ròi Mỹ và người Trung Quốc..”. Tuy nhiên, chiều 20/10, Trung Quốc bất ngờ tuyên bố lệnh ngừng bắn vô hiệu vì tàu chiến Mỹ tham gia hộ tống tàu vận tải Đài Loan tiếp tế cho Kim Môn và ngay sau đó (16h chiều) khôi phục việc pháo kích, bắn 11.500 quả đạn, đến tối thì chấm dứt. Phía Quốc Dân Đảng cũng tập trung hỏa lực 7 tiểu đoàn pháo binh bắn trả từ 17 giờ chiều.
Pháo chiến Kim Môn: Mỹ và Trung Quốc lập quan hệ ngoại giao, đấu pháo chấm dứt (kỳ cuối) - ảnh 1
Lính Đài Loan ở Kim Môn bị thương được vận chuyển về Đài Bắc bằng máy bay (Ảnh: Tư liệu).
Ngày 21/10, Ngoại trưởng Mỹ Dulles bay đến Đài Bắc gặp Tưởng Giới Thạch bàn cách chấm dứt xung đột. Dulles nhắc nhở Tưởng Giới Thạch tình thế lúc đó rất dễ dẫn đến chiến tranh thế giới, bày tỏ muốn sử dụng vũ khí hạt nhân để phá vỡ việc Đại Lục pháo kích phong tỏa Kim Môn; nếu Liên Xô can dự chiến cục, Đài Loan cũng bị tấn công hạt nhân. Lúc đầu Tưởng Giới Thạch tỏ ý sẽ xem xét việc sử dụng vũ khí hạt nhân; nhưng sau khi biết Mỹ sẽ sử dụng loại bom ném xuống Hiroshima thì ông lại bày tỏ không muốn gây nên Chiến tranh thế giới thứ 3 hoặc lôi cuốn quân đội Mỹ vào cuộc xung đột quy mô lớn do việc sử dụng vũ khí hạt nhân. Dulles nêu những khó khăn, hạn chế của Mỹ về chính trị trong việc chi viện Kim Môn, rồi đưa ra với Tưởng một số điều kiện, ngầm tỏ ý muốn Đài Loan chấp nhận phương án “Hai nước Trung Quốc”.
Ngày 23/10, sau khi Dulles về nước đã công bố “Thông cáo chung Trung (Đài Loan) – Mỹ”, trong đó nêu rõ Kim Môn, Mã Tổ có liên quan mật thiết đối với phòng thủ Đài Loan, Bành Hồ. Mỹ đồng ý bố trí tên lửa hành trình Matador để bảo vệ Đài Loan. Tưởng Giới Thạch cũng đáp ứng từ bỏ vũ lực, chuyển thành “dùng chủ nghĩa Tam Dân quang phục Đại Lục”.
Pháo chiến Kim Môn: Mỹ và Trung Quốc lập quan hệ ngoại giao, đấu pháo chấm dứt (kỳ cuối) - ảnh 2
Tưởng Giới Thạch  (người mặc áo xanh) tới Kim Môn (Ảnh: Tư liệu).
Sau ngày 25/10, Trung Quốc ngừng pháo kích quy mô lớn nhưng pháo hai bên vẫn lẻ tẻ nã đạn sang nhau. Ngày hôm đó, Bành Đức Hoài tuyên bố “Ngày chẵn không bắn, ngày lẻ cũng có thể không bắn”; sau đó lại tuyên bố “chỉ bắn ngày lẻ, ngày chẵn không bắn”, từ đó tiếng pháo im dần.
Từ ngày 8/1 đến 14/1/1959 suốt một tuần im tiếng pháo. Ngày 15/1 pháo Trung Quốc đột nhiên lại bắn vung vãi. Sau đó cứ vào ngày lẻ thì hai bên nã pháo sang nhau hoặc bắn đạn truyền đơn, nhưng pháo kích quy mô lớn thì không xảy ra nữa.
Sang năm 1960, Trung Quốc mở hai đợt pháo kích quy mô nhỏ vào các ngày 17/6 và 19/6; sau đó tiếp tục bắn lẻ tẻ theo quy luật “ngày lẻ bắn, ngày chẵn ngừng”…cứ thế cho đến tận khi Trung Quốc và Mỹ công bố Thông cáo về thiết lập quan hệ ngoại giao ngày 16/12/1978.
Ngày 1/1/1979, cùng ngày với việc Trung Quốc và Mỹ chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao, Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Từ Hướng Tiền ra “Tuyên bố của Bộ Quốc phòng Trung Quốc về việc ngừng pháo kích các đảo Đại Kim Môn...”, trong đó viết: “Để thuận tiện cho việc quân dân Đài Loan, Bành Hồ, Kim Môn, Mã Tổ qua lại Đại Lục thăm thân gặp bạn, tham quan du lịch và các hoạt động thông thương, sản xuất ở Eo biển Đài Loan; tôi đã ra lệnh cho bộ đội ở tiền phương Phúc Kiến từ hôm nay chấm dứt việc pháo kích các đảo Đại Kim Môn, Tiểu Kim Môn, Đại Đảm, Nhị Đảm…”.
Pháo chiến Kim Môn: Mỹ và Trung Quốc lập quan hệ ngoại giao, đấu pháo chấm dứt (kỳ cuối) - ảnh 3
Nhà dân ở Kim Môn hư hại vì  trúng đạn pháo (Ảnh: Life).
Đến lúc này, cuộc “Pháo chiến Kim Môn” kéo dài dai dẳng suốt 21 năm mới chính thức chấm dứt.
Ngoài việc “pháo chiến”, trong thời gian này, giữa Trung Quốc đại lục và Đài Loan còn diễn ra các trận không chiến và hải chiến trên trời, dưới biển.
Về không chiến, theo ghi chép của phía Trung Quốc, họ đã sử dụng không quân chủ yếu là chiến đấu cơ MiG-17 bắn rơi 18 chiếc, bị thương 19 máy bay Đài Loan; đánh chìm 7 tàu, làm hỏng 17 tàu, phá hủy 14 xe lội nước, thu được 1 xe; phá hủy 327 công sự, trận địa, 9 xe hơi, 7 đài VTĐ và trạm radar, hơn 30 khẩu pháo; giết và làm bị thương hơn ngàn người, bắt 3 phi công Đài Loan. Phía Trung Quốc thừa nhận có 11 máy bay bị hạ và bị thương, chìm 3 tàu phóng lôi, bị thương 1 chiếc; bị phá hủy 32 khẩu pháo, 8 xe hơi, thương vong hơn 460 lính cùng 218 dân binh và thường dân.
Theo phía Đài Loan ghi chép, họ đã huy động 9.094 lượt chiếc máy bay F-86, F-84 và P-51 làm các nhiệm vụ khác nhau. Không quân Đài Loan đã đụng độ và giao chiến 12 lần với máy bay Đại Lục, bắn rơi 32 chiếc MiG-17, bắn bị thương 13 chiếc khác.
Về hải chiến: theo ghi chép của phía Đại Lục: Hải quân Trung Quốc đã đánh chìm 7 tàu, bị thương 17 tàu địch và bị đối phương đánh chìm 3 tàu phóng ngư lôi, bị thương 1. Theo phía Đài Loan thì họ đánh chìm hơn 20 tàu phóng lôi đối phương, làm hỏng 4 chiếc; Đài Loan bị chìm 2 tàu đổ bộ (Đài Sinh, Mỹ Lạc), trọng thương 1 tàu đổ bộ tăng và 1 tàu tuần tra (Trung Hải và Đà Giang).
Pháo chiến Kim Môn: Mỹ và Trung Quốc lập quan hệ ngoại giao, đấu pháo chấm dứt (kỳ cuối) - ảnh 4
Dàn loa tâm lý chiến công suất lớn ở Kim Môn được sử dụng để phát sang các đảo của Hạ Môn (Ảnh: Tư liệu).
Thiệt hại nặng nề đối với cả hai bên
Theo tư liệu của phía Trung Quốc đại lục: họ đã sử dụng 32 tiểu đoàn pháo binh và 6 đại đội pháo bờ biển gồm 439 khẩu các loại, bắn tổng cộng 470 ngàn quả đạn. Bắn rơi 18 làm bị thương 19 máy bay, bắt 3 phi công Đài Loan; đánh chìm 7, bị thương 17 tàu địch, phá hủy 14 xe bọc thép lội nước; phá hủy 7 đài radar và VTĐ, hơn 30 khẩu pháo, tiêu diệt được 439 lính Đài, làm bị thương 1.870 người. Về thiệt hại, phía Trung Quốc nói họ thương vong 460 lính, 218 dân thường, bị phá hủy 32 khẩu pháo, 8 xe ô tô, chìm 3 tàu, bị thương 1 tàu, 11 máy bay bị bắn rơi và hư hỏng…
Phía Đài Loan nói họ đã sử dụng hơn 128 ngàn quả đạn pháo phá hủy 221 khẩu pháo các loại, 17 kho đạn và kho xăng dầu, 98 xe các loại, 4 trại lính của Trung Quốc đại lục, trong khi họ chỉ mất 14 khẩu pháo, 1 kho xăng và đạn, 2 cầu cảng, chìm 2 tàu đổ bộ, 2 tàu bị thương, 3 phi công bị bắt. Đài Loan nói tỷ lệ thiệt hại của họ qua 18 trận hải chiến với Trung Quốc là 2/108; tỷ lệ thiệt hại về không quân là 2/32. Về người chết nhiều nhất là lính thông tin, ít nhất là lính pháo binh.
Pháo chiến Kim Môn: Mỹ và Trung Quốc lập quan hệ ngoại giao, đấu pháo chấm dứt (kỳ cuối) - ảnh 5
Lựu pháo xe kéo 203mm của phía Đài Loan được sử dụng trong cuộc pháo chiến (Ảnh:Tư liệu).
Về ảnh hưởng quốc tế
Giáo sư chính trị Allen Suess Whiting ở Đại học Arizona (Mỹ) cho rằng, trước khi hành động pháo kích Kim Môn, Trung Quốc không trao đổi bàn bạc với Liên Xô nên đã gây rối loạn kế hoạch ngoại giao của Liên Xô, khiến nhà lãnh đạo Khruschev tức giận, gây nên căng thẳng trong quan hệ Xô – Trung; đây là nguyên nhân quan trọng khiến Liên Xô hủy bỏ việc viện trợ hạt nhân cho Trung Quốc sau đó.
Một ảnh hưởng khác của “Pháo chiến Kim Môn” là khiến chiến lược chính trị của Tây Đức thay đổi. Willy Brant, thủ lĩnh Đảng Xã hội Dân chủ Đức và Thị trưởng Berlin khi đó – người sau này là Thủ tướng Tây Đức – đặc biệt quan tâm đến sự kiện “Pháo chiến Kim Môn”. Ông cho rằng, nếu Mỹ án binh bất động để Trung Quốc Đại Lục chiếm Kim Môn thì Tây Đức cũng không thể giữ được Tây Berlin. Kết hợp với sự kiện xây dựng Bức tường Berlin năm 1961, “Pháo chiến Kim Môn” là sự kiện quan trọng khiến Willy Brant nhìn nhận lại mức độ tin cậy của phương Tây và bắt đầu thực thi chính sách “thân phương Đông”, hàn gắn quan hệ với Liên Xô và khối Đông Âu.
Pháo chiến Kim Môn: Mỹ và Trung Quốc lập quan hệ ngoại giao, đấu pháo chấm dứt (kỳ cuối) - ảnh 6
Ngày 16/12/1978, Tổng thống Mỹ Jimmy Carter và nhà lãnh đạo Trung Quốc Đặng Tiểu Bình ký Thông cáo chung về lập quan hệ ngoại giao  - Pháo chiến chấm dứt hoàn toàn (Ảnh: Getty).
Giải mật tài liệu
Vào ngày 13/5/2008, Hans Kristensen căn cứ các văn kiện của Mỹ được giải mật cho biết: sau khi trận Pháo chiến Kim Môn bắt đầu, Tư lệnh Không quân Mỹ báo cáo Tổng thống D. Eisenhower, nếu tổng thống cho phép sử dụng bom hạt nhân, cuộc tấn công của PLA vào các đảo xa Đài Loan (như Kim Môn) sẽ ngay lập tức bị chặn lại bằng đòn tấn công hạt nhân. Tại căn cứ không quân trên đảo Ryukyu Mỹ đang lưu trữ hai loại vũ khí hạt nhân MK-6 và MK-39. Ngoài ra, nếu một cuộc không kích hạt nhân vào PLA không thể ngay lập tức chế áp được họ, 4 chiếc máy bay ném bom B-47 ở căn cứ Không quân Anderson của quân đội Mỹ trên đảo Guam sẵn sàng cất cánh ném bom các sân bay của Trung Quốc đại lục vào bất cứ lúc nào sau trung tuần tháng 8/1958.
Pháo chiến Kim Môn: Mỹ và Trung Quốc lập quan hệ ngoại giao, đấu pháo chấm dứt (kỳ cuối) - ảnh 7
Vỏ đạn được thu gom lại để rèn dao (Ảnh: Toutiao).
Đặc sản dao thép Kim Môn
Từ năm 1958 đến 1979, Quân đội Trung Quốc trong 20 năm trên thực tế đã bắn sang Kim Môn hàng triệu quả đạn. Đạn nổ được sử dụng trong giai đoạn đầu của cuộc pháo chiến, đạn pháo không nổ mang truyền đơn được sử dụng trong giai đoạn sau. Hai loại đạn thép này là vật liệu chính để rèn dao nhà bếp. Một vỏ đầu đạn có thể tạo ra 40 đến 60 con dao làm bếp, vì vậy cho đến nay những chiếc vỏ đạn này vẫn chưa được sử dụng hết.
Sau cuộc pháo chiến, ông Ngô Quân Nãi, chủ sở hữu của nhãn hiệu dao thép Kim Hợp Lợi, đã thu gom toàn bộ vỏ đạn trên đảo Kim Môn và sử dụng chúng để rèn dao. Do chất lượng thép tuyệt vời của đầu đạn, dao nhà bếp được tạo ra cũng đặc biệt sắc bén và bền. Độ cứng của thép khiến lưỡi dao không bị biến dạng ngay cả khi cắt các vật cứng, khiến dao bếp Kim Môn rất nổi tiếng ở Đài Loan. Để ngăn chặn hàng giả, sản phẩm dao thép vỏ đạn đã được bảo hộ thương hiệu.
Pháo chiến Kim Môn: Mỹ và Trung Quốc lập quan hệ ngoại giao, đấu pháo chấm dứt (kỳ cuối) - ảnh 8
Dao thép Kim Môn là một sản phẩm được cả người Đài Loan lẫn du khách Đại Lục ưa chuộng (Ảnh: ima).
Hiện tại, các hãng sản xuất dao thép nổi tiếng sản xuất dao nhà bếp từ vỏ đạn ở Kim Môn là "Dao thép Kim Hợp Lợi" và "Dao thép Kim Vĩnh Lợi".
Vì có giá trị kỷ niệm lịch sử nên những chiếc dao thép vỏ đạn này đã trở thành một món quà lưu niệm rất được ưa thích của khách du lịch quốc tế, nhất là du khách người Trung Quốc đại lục. .

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét