*Lưu ý: do vấn đề quốc phòng là vấn đề nhạy cảm liên quan đến bí mật quân sự và an ninh quốc gia, bài viết chỉ khái quát về hệ thống phòng không với những thông tin chính thống chứ không mở rộng. Mong bạn đọc hiểu được điều này.
I) Giới thiệu:
Quân chủng phòng không - không quân (PK- KQ) của Việt Nam là một trong những lực lượng có bề dày kinh nghiệm và hệ thống tổ chức chiến đấu chặt chẽ nhất thế giới. Với kinh nghiệm tác chiến phòng không chống lại không quân Pháp trong kháng chiến chống Pháp cũng như kinh nghiệm tác chiến chống lại không quân Mỹ tại cả ba nước Đông Dương là Việt Nam, Lào và Cam Pu Chia trong giai đoạn chiến tranh Việt Nam.
Theo đánh giá của người Mỹ trong cuộc chiến, Việt Nam có hệ thống phòng không dày đặc và đáng sợ nhất thế giới. Điều này được duy trì cho đến thập niên 80. Ở thời điểm hiện tại, quân chủng PK - KQ đã và đang được hiện đại hoá với mục tiêu tiến thẳng lên hiện đại, nghĩa là hiện đại hoá toàn diện không qua từng bước.
II) Tiền thân và ngày thành lập:
Ngày 9/3/1949, Ban nghiên cứu không quân được thành lập dưới quyết định của Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp với mục đích nghiên cứu các phương án đánh trả không quân Pháp.
Trong giai đoạn 1950, sau cuộc nội chiến TQ với chiến thắng của phe Cộng Sản và chiến dịch Biên Giới của Việt Minh, quân đội nhân dân Việt Nam bắt đầu nhận được các pháo phòng không đầu tiên là các pháo 37mm từ TQ, bên cạnh đó là đại liên 12.7mm; những đơn vị pháo phòng không này đã tham chiến tại Điện Biên Phủ.
Trong năm 1955, các lớp phòng không đầu tiên đã được cử sang Cộng hoà nhân dân Trung Hoa để học tập.
Trong thời gian đầu, những khẩu pháo phòng không 37mm và Flak 37 cỡ nòng 88 mm, vốn là huyền thoại của Thế Chiến thứ 2 được viện trợ từ Liên Xô và Trung Quốc cùng với các đại liên hạng nặng 12.7mm cùng 14.5mm đã đặt nên nền tảng cho lực lượng phòng không Việt Nam.
Sau một thời gian dài phát triển nổi bật với việc thành lập Trung đoàn không quân 921, Đoàn Sao Đỏ huyền thoại thành lập ngày 30/5/1963, ngày 22/10/1963 quân chủng PK - KQ chính thức được thành lập trên cơ sở sáp nhập Bộ tư lệnh phòng không và Cục Không quân.
III) Khái quát về kinh nghiệm tác chiến:
Quân chủng PK - KQ của Việt Nam là lực lượng đầu tiên đối đầu trực tiếp với Không quân Mỹ trong một cuộc chiến tranh hiện đại và là lực lượng duy nhất đến thời điểm hiện tại từng giành chiến thắng.
Cuộc chiến tranh Việt Nam là nơi những phát minh kỹ thuật mới nhất và các chiến thuật không quân cũng như phòng không đã trở thành nền tảng cho tác chiến không quân và phòng không hiện đại ra đời.
Tác chiến điện tử hiện đại cùng với việc săn tìm, tiêu diệt và chế áp radar đối phương đã được người Mỹ phát triển trong cuộc chiến tranh này, bên cạnh đó là những giải pháp khắc chế chúng của người Việt Nam đã được Liên Xô tổng hợp và tích hợp vào việc phát triển vũ khí PK và máy bay chiến đấu của mình, để lại di sản ở tư duy quân sự hiện tại của quân đội Nga.
Lực lượng PK - KQ Việt Nam là lực lượng duy nhất trên thế giới từng bắn hạ máy bay ném bom chiến lược B-52 của không quân Mỹ. Bên cạnh đó là các máy bay F-4, F-101, F-105 và A-4 cùng nhiều loại khí tài trinh sát khác.
IV) Khái quát về lực lượng:
* Chiến thuật:
Tổ chức biên chế của quân chủng PK - KQ khá dài và phức tạp, ở đây chỉ khái quát về chiến lược , chiến thuật và hệ thống phòng không cùng vũ khí trang bị.
Tư duy quân sự Việt Nam trong tác chiến phòng không là lưới lửa. Nghĩa là biển hoả lực được tạo nên từ sự kết hợp của nhiều loại hỏa lực khác nhau với tầm bắn được phân rõ thành tầm thấp, tầm trung và tầm cao, tạo thành nhiều tầng hỏa lực đan xen kết hợp chặt chẽ với nhau nhằm đạt hiệu quả tối đa trong việc bắt bám và tiêu diệt phương tiện bay đối phương.
Yếu tố bí mật là tối quan trọng, trong chiến tranh Việt Nam, người Mỹ đã bị bất ngờ bởi các đài radar và trận địa phòng không được ngụy trang thành các vườn chuối và các ngọn núi, cánh rừng nhiệt đới.
Về phương thức tác chiến của lực lượng không quân, khác với người Mỹ vốn giao nhiệm vụ chỉ huy cho các máy bay chỉ huy và cảnh báo sớm trên không, các máy bay chiến đấu của Việt Nam được chỉ huy bởi sở chỉ huy mặt đất.
Một hệ thống các đài radar và trạm liên lạc nhỏ được trải dài khắp đất nước. Tất cả đều được ngụy trang rất kỹ và được bảo vệ bởi tác chiến điện tử. Liên lạc giữa phi công và sở chỉ huy mặt đất được truyền qua hệ thống này.
Lực lượng phòng không và không quân được chỉ huy bởi bộ tổng tham mưu và kết hợp chặt chẽ trong tác chiến.
Hiện tại, đây vẫn là phương thức tác chiến chính của PK - KQ Việt Nam.
1) Phòng không:
Ở tầm thấp, vũ khí bộ binh như AK, trung liên RPD và đại liên 12.7 mm, 14.5mm tạo nên hỏa lực đáng sợ đối với phương tiện bay thấp, đặc biệt là máy bay trinh sát, trực thăng hay UAV và tên lửa hành trình.
Bên cạnh các loại vũ khí trên, các tên lửa phòng không vác vai như Igla và Sa-8 cũng là những trang bị hiệu quả cho phòng không tầm thấp.
Pháo phòng không ZU-23-2 bên cạnh pháo K65 37mm nòng đôi cùng các pháo 57mm là cốt lõi của hệ thống phòng không tầm thấp của Việt Nam.
Hiện nay các pháo 57mm đã được hiện đại hoá với việc điều khiển bắn tự động với radar tích hợp trên xe tải quân sự có khả năng cơ động rất cao.
Bên cạnh chúng là các hệ thống Sa-9 và Sa-13 vốn là các hệ thống phòng không tự hành với tên lửa phòng không tầm thấp tích hợp với radar đặt trên khung gầm xe thiết giáp.
Bổ sung vào lưới lửa này là các xe ZSU-23 với pháo 23mm 4 nòng và hệ thống radar riêng vốn là hệ thống phòng không tự hành hiện đại nhất trong thập niên 70 đến thập niên 80 của thế kỷ trước.
Theo thông tin không chính thức, các hệ thống Pantsir S1 đã được bổ sung vào lưới lửa phòng không tầm thấp của Việt Nam trong giai đoạn 2010-2016.
Ở tầm trung, các tên lửa Sam-2 (S-75) cùng các tên lửa Sam-3 (S-125) hiện đã được hiện đại hoá bởi các chuyên gia Nga lên chuẩn TM2 Pechora với đạn tên lửa mới và các thiết bị điện tử, radar mới là cốt lõi. Bổ sung cho chúng là hệ thống Spyder từ Israel cùng các tên lửa Buk M2E nhập khẩu từ Nga tạo nên sức mạnh đáng sợ đối với bất kỳ lực lượng tấn công nào. Các tên lửa Spyder và Buk M2E hiện là các tên lửa phòng không tầm trung hiện đại nhất thế giới.
Tầm cao là yếu điểm chính của lực lượng phòng không Việt Nam do việc duy trì chúng rất tốn kém và đòi hỏi trình độ kỹ thuật cao.
Hiện tại nhiệm vụ này được thực hiện bởi 2 hệ thống S-300 PMU1 với một đặt tại Hà Nội và một đặt tại thành phố Hồ Chí Minh. Đây hiện vẫn là các hệ thống phòng không tầm cao hiện đại nhất trên thế giới hiện nay dù không còn là số một do sự xuất hiện của S-350 và S-400.
2) Không quân:
Chủ lực của lực lượng không quân Việt Nam hiện tại là 35 máy bay Su-30 MK2 được thiết kế riêng theo yêu cầu của Việt Nam. Số lượng ban đầu là 36 chiếc nhưng một chiếc đã rơi do tai nạn năm 2016.
Tiếp theo là 12 máy bay Su-27 SM2. 2 chiếc trong số này được sử dụng cho nhiệm vụ huấn luyện kỹ thuật trên mặt đất do yếu tố kỹ thuật.
Các máy bay Mig-21 huyền thoại đã bị loại biên do tuổi thọ quá cao. Nhiệm vụ đánh chặn của chúng đang được thực hiện bởi các máy bay Su-22 M3/M4 vốn là các tiêm kích bom. Hiện không quân đang tìm giải pháp thay thế toàn diện cho Mig-21.
Các máy bay Su-22 đã được hiện đại hoá lên chuẩn M3/M4 trong thập kỷ vừa qua.
Phiên bản M3 là phiên bản thiên về nhiệm vụ tấn công mặt đất, trong khi đó phiên bản M4 thiên về đối hải với khả năng mang được nhiều loại vũ khí chống hạm khác nhau.
Lực lượng trực thăng và máy bay vận tải của Việt Nam đang được thay máu mạnh mẽ.
Các trực thăng Mi-17 mới đã được mua liên tục từ những năm 2000 để thay thế các trực thăng Mi-8/17 và Mi-4 cũ. Các trực thăng UH-1A đã được phục hồi và hiện đang phục vụ tích cực trong biên chế không quân.
Hiện tại các trực thăng Mi-17 đang đảm nhận nhiệm vụ diệt tăng chính do những chiếc Mi-24 đã hết hạn sử dụng và đã bị loại biên.
Các máy bay vận tải hạng trung AN-26 cũ đang bị loại biên, thay thế cho chúng là các máy bay CN-295 của Airbus. Hợp đồng đầu tiên với 3 chiếc đã được bàn giao xong trong năm 2017. Những chiếc mới vẫn đang được đàm phán và bàn giao.
Trong giai đoạn 2010-2014, Việt Nam đã mua 6 chiếc DHC - 6 từ Canada cho nhiệm vụ tuần thám biển, tất cả đều đang họat động tích cực bên cạnh các máy bay C-212 mua từ Tây Ban Nha trong biên chế cảnh sát biển Việt Nam.
Trong 3 chiếc C-212, một chiếc đã rơi năm 2016 khi đang tìm kiếm chiếc Su-30 bị tai nạn.
Với nhiệm vụ huấn luyện, các máy bay L-39 Albatros được sản xuất trong thập niên 70-80 của thế kỷ trước là các máy bay huấn luyện chính của không quân.
Các máy bay Yak-52 vẫn là máy bay huấn luyện căn bản. Các máy bay này vẫn có chất lượng tốt và hiệu quả trong nhiệm vụ huấn luyện phi công chiến đấu.
Trong thời gian qua nhiều máy bay UAV đã được phát triển bởi Viettel qua hợp tác với các nước như Thụy Điển và Israel. Thông tin chi tiết về chúng vẫn chưa được công bố.
Điểm yếu của lực lượng không quân là thiếu máy bay chỉ huy và cảnh báo sớm trên không. Đây là nhược điểm mà Việt Nam đang cố khắc phục.
3) Lực lượng radar:
Lực lượng radar của Việt Nam là một lực lượng hỗn hợp với nhiều loại radar cũ của Liên Xô như P-15A, P-18, P-19 bên cạnh các loại radar hiện đại như PRV-16.
Trong một thập kỷ qua lực lượng radar đã được hiện đại hoá rất mạnh với các radar nhập khẩu từ Israel, Cộng hoà Séc, Nga và Ukraina. Bên cạnh đó nhiều loại radar đã được tập đoàn Viettel nghiên cứu phát triển.
Nổi bật nhất trong số này là các radar Kolchuga, Kasta 2E2 và các radar VERA-E vốn là các loại radar hiện đại nhất thế giới hiện nay.
V) Kết luận:
Quân chủng phòng không - không quân Việt Nam là một lực lượng mạnh với hệ thống phòng không chắc chắn và lực lượng không quân hiện đại.
Tuy nhiên lực lượng máy bay vẫn còn chưa đủ về số lượng cho các nhiệm vụ đặt ra. Với việc tiếp tục hiện đại hoá quân đội trong tương lai, quân chủng PK - KQ sẽ còn đạt được nhiều bước tiến mới.
Gần đây, trong năm 2018, Việt Nam đã ký một loạt thỏa thuận quân sự với Nga với tổng trị giá hơn 1 tỷ đô la Mỹ. Kết quả của thỏa thuận này sẽ rất đáng để chờ đợi.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét