Thứ Tư, 10 tháng 6, 2020

DANH TƯỚNG VIỆT CẦM QUÂN TẤN CÔNG SANG ĐẤT TỐNG

Không có mô tả ảnh.


Theo sách “Đại Việt sử ký toàn thư”, Tông Đản là danh tướng có công lớn trong trận tấn công vào châu Ung, châu Khâm và châu Liêm cuối năm 1075, đầu năm 1076, do Lý Thường Kiệt chỉ huy.
Tuy nhiên, người đời vẫn quen gọi ông là Tôn Đản. Lý do chính yếu có lẽ là vì lệ kỵ húy một vị vua thời nhà Nguyễn. Đó là vị vua thứ ba của triều Nguyễn - Thiệu Trị, có tên thật là Nguyễn Phúc Miên Tông, cho nên tất cả nhân vật lịch sử trước đó có tên hoặc hiệu hay tự là Tông đều phải đổi thành Tôn.
Tông Đản là một trong những tù trưởng nổi tiếng, người dân tộc Tày. Ông sinh năm 1046 tại tổng Kim Pha, châu Quảng Nguyên thuộc đạo Thái Nguyên (nay là Nà Cạn, phường Sông Bằng, thành phố Cao Bằng). Cha ông là Nùng Tồn Thương làm Châu mục châu Quảng Nguyên, là người có công giúp nhà Lý ổn định vùng biên cương Cao Bằng, Lạng Sơn.
Năm 1072, vua Lý Thánh Tông qua đời, vua Lý Nhân Tông nối ngôi khi mới 6 tuổi. Nhà Tống ở phương Bắc nhận thấy đây là một cơ hội tốt để xâm lược Đại Việt. Biết tin, triều đình nhà Lý đã cử Thái úy Lý Thường Kiệt chỉ huy quân đội, chuẩn bị lực lượng đối phó.
Thực hiện chủ trương tiên phát chế nhân (chủ động xuất quân ra trước để khống chế mọi hoạt động của đối phương), Lý Thường Kiệt cho rằng: “Ngồi yên đợi giặc không bằng đem quân ra trước để chặn mũi nhọn của giặc". Năm 1075, Tông Đản được cử làm Phó tướng, cùng Lý Thường Kiệt dẫn 10 vạn quân thủy bộ đánh sang đất Tống.
Để chuẩn bị cuộc tấn công Đại Việt, nhà Tống đã xây dựng 3 căn cứ quân sự lớn ở Châu Ung, Châu Khâm và Châu Liêm. 3 căn cứ này nằm cách xa nhau, trong đó Châu Ung ở cách xa biên giới Đại Việt hơn cả. Tông Đản được giao 6 vạn quân bộ tiến đánh Châu Ung, Lý Thường Kiệt dẫn 4 vạn quân thủy đánh Châu Khâm và Châu Liêm.
Đây là cuộc tấn công hết sức táo bạo, chỉ một sơ suất nhỏ cũng có thể dẫn đến những nguy hại lớn đối với vận mệnh quốc gia. Châu Ung, châu Khâm và châu Liêm lại ở cách biệt nhau, cho nên vai trò độc lập chỉ huy tác chiến của các tướng lĩnh trong trận này là rất quan trọng. Và Lý Thường Kiệt đã tin cậy mà trao phó nhiệm vụ tiêu diệt căn cứ châu Ung cho Tông Đản, còn đánh vào châu Khâm và châu Liêm thì do đích thân Lý Thường Kiệt đảm trách.
Trong 3 căn cứ này, châu Ung cách xa biên giới Đại Việt hơn cả. Châu Ung có thành trì kiên cố, quân số đông, lương thực dồi dào, vũ khí đầy đủ. Nếu không nắm vững nghệ thuật đánh thành thì rất dễ có khả năng bị sa lầy ở châu Ung, mà sa lầy ở châu Ung thì tình hình sẽ chuyển biến theo chiều hướng hết sức bất lợi cho Đại Việt. Tuy nhiên, Tông Đản đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, xứng đáng với sự tin cậy ủy thác của chủ tướng Lý Thường Kiệt và quân, dân Đại Việt lúc bấy giờ.
Vào thời đó, từ khi lên nắm quyền Tể tướng, Vương An Thạch thường có ý lập công ở ngoài biên giới nhà Tống. Quan giữ chức Tri châu của châu Ung là Tiêu Chú đón biết ý đó của Vương An Thạch liền dâng thư nói rằng, Giao Châu tuy đã giữ đúng lệ triều cống nhưng thực ra thì vẫn ăn ở 2 lòng, nay nếu bỏ lỡ, không đánh chiếm lấy thì sau này chắc chắn sẽ phải nặng mối lo.
Vua nhà Tống tin lời, bèn xuống chiếu cho Trầm Khởi thường quấy rối nước ta. Nhà Tống còn ra lệnh nghiêm cấm các châu, huyện không được mua bán, trao đổi với ta. Vua ta đưa thư kháng nghị sang nhà Tống thì quan lại nhà Tống đem “dìm” hết các thư ấy đi, vì thế vua ta giận lắm, sai Lý Thường Kiệt và Tông Đản thống lĩnh hơn 10 vạn quân, chia đường sang đánh nhà Tống.
Lý Thường Kiệt dẫn quân đến châu Khâm và châu Liêm, đánh phá được. Quân Tống bị giết trên 8.000 tên. Tông Đản đem quân đi đánh châu Ung. Quan Đô giám của Quảng Tây là Trương Thủ Tiết nghe tin vội đem quân đến cứu, nhưng đội quân này bị Lý Thường Kiệt đón đánh tan tành ở cửa ải Côn Luân, Trương Thủ Tiết bị chém tại trận.
Tại Châu Ung, quân Đại Việt đánh hơn một tháng. Tông Đản sai quân dùng hỏa công, bắn các chất cháy như nhựa thông vào thành, trong thành thiếu nước, không thể chữa được cháy. Quân Đại Việt đắp các bao đất cao sát tường để trèo lên thành. Ngày thứ 42, thành Châu Ung bị hạ, tướng Tô Giám tự tử Tông Đản giết và bắt sống hơn năm vạn tám ngàn người.
Nếu cộng với số bị giết ở châu Khâm và châu Liêm thì tất cả phải tới 10 vạn. Lý Thường Kiệt cùng chư tướng bắt tù binh ở 3 châu dẫn về.
Sau khi hạ được các thành Châu Ung, Châu Khiêm, Châu Liêm, quân Đại Việt rút về nước. Tông Đản được vua phong chức Lang Trung tướng quân, triệu về kinh thành Thăng Long làm Đô quân thống lĩnh ngự tiền sử.
Sau khi đã hạ thành Ung, với mục đích phá hủy kế hoạch chuẩn bị nam chinh của Tống triều, đã không tiến đánh thêm những vùng khác, hay chiếm đóng các vùng quân Tống đã thất thủ. Ta đã kéo toàn bộ lực lượng trở về Đại Việt để chuẩn bị cho cuộc phục thù của nhà Tống (đã xảy ra hai tháng sau là tháng 4 năm 1076).
Và cũng với sự kiện này, sử gia Ngô Thì Sĩ đã viết trong sách “Việt sử tiêu án” rằng: Việc đường đường chính chính đem quân vào nước người, đến không ai địch nổi, về không ai dám đuổi theo thì phải kể đến đệ nhất võ công là trận đánh vào châu Ung, châu Liêm của Lý Thường Kiệt và Tông Đản.
Từ đây, nước Tàu không dám coi thường nước ta. Mục đích chiến đấu của Lý Thường Kiệt và Tông Đản ngày ấy là giữ vững chủ quyền lãnh thổ, nhưng bảo vệ quyền lợi của nhân dân, bất kể đó là dân Việt hay dân Tống khỏi đau khổ là một tư tưởng nhân nghĩa hết sức cao đẹp của bộ chỉ huy chống quân Tống ngày ấy.
Tư tưởng nhân nghĩa đó vượt khỏi phạm vi dân tộc và thời đại. Dù có thể đây chỉ là một “cái cớ” để 2 ông cất quân chiến đấu, nhưng ít nhiều nó thể hiện được quan điểm “thân dân” và chiến thuật “tâm công” của 2 ông.
(Nguồn: QTP)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét