Thứ Hai, 15 tháng 6, 2020

KHÁI QUÁT LỊCH SỬ QUÂN ĐỘI TRUNG HOA TRONG CÁC TRIỀU ĐẠI QUÂN CHỦ.

Trong hình ảnh có thể có: 3 người, mọi người đang đứng


Lịch sử cũng như phương thức tổ chức, biên chế của quân đội Trung Hoa trước các thay đổi đến từ những tác động của người phương Tây lên quốc gia này trong thế kỉ 19, cho thấy nhiều thay đổi đáng kể xuyên suốt các triều đại. Những sự thay đổi này đến từ các yếu tố lịch sử cũng như nền tảng xã hội khác nhau của các triều đại. Tuy nhiên, đặc điểm quân đội, tư duy quân sự của các triều đại này cũng có những điểm tương đồng đến từ những tính chất cố hữu trong văn hóa, chính trị, được thiết lập và duy trì liên tục từ thời nhà Hán. Đó là các tính chất liên quan tới hệ tư tưởng Nho giáo, mô hình nhà nước tập quyền, hay các nỗi lo thường trực trước nguy cơ xâm lược của các bộ tộc du mục. Dù thậm chí những tính chất này xuất hiện từ trước khi Trung Quốc thống nhất dưới triều đại dài lâu đầu tiên là nhà Hán, từ thời mà đất nước này vẫn bị phân chia bởi nhiều vương quốc nhỏ, thì ta vẫn nên xem chúng là những nét đặc trưng của quốc gia này trong toàn bộ quá trình lịch sử.
1, Tổ chức, vai trò của sĩ quan và binh lính.
Từ thời Tần, Hán cho tới thời nhà Thanh, chế độ nghĩa vụ quân sự của các triều đại Trung Hoa chuyển từ sự bắt buộc với đa phần tầng lớp dân chúng tới chỉ còn là sự bắt buộc dành cho một vài tầng lớp thấp mà thôi. Tầng lớp phổ biến ở đây là nông dân. Dù là vậy quân số trong quân đội vẫn là rất lớn, việc duy trì thường trực một lực lượng đông đảo sẽ đi kèm với những áp lực dành cho ngân sách nhà nước. Ví dụ so sánh giữa chế độ “phủ binh chế” thời nhà Đường và chế độ “vệ sở” thời nhà Minh là minh chứng cho điều này. Khi mà “phủ binh chế” đem lại hiệu quả trong thời gian đầu của triều đại nhà Đường sau đó mới dần trở thành vấn đề, thì “vệ sở” lại được đánh giá như sai lầm đem lại gánh nặng cho triều Minh, ngay từ khi mới ra đời.
Vậy nên, trong thời cổ, hệ thống quân sự lý tưởng vẫn là Binh Nông Hợp Nhất hay Ngụ Binh Ư Nông kết hợp nông dân với binh lính. Mỗi nông dân hay nhóm nông dân phải bắt buộc phục vụ trong quân ngũ một thời gian trong đời. Tuy nhiên không triều đại nào trong lịch sử Trung hoa áp dụng hệ thống này được lâu. Nói chung nó chỉ được thi hành trong giai đoạn đầu của một số triều đại, lơ là trong thời bình và dần dần bãi bỏ. Vấn đề của hệ thống này là nó làm suy giảm năng lực chiến đấu của người lính. Hệ thống Kỳ Binh của nhà Thanh gần với ý niệm Binh Nông hợp nhất của Trung Hoa là một ví dụ. Dù hệ thống áp dụng cho một tầng lớp ban đầu thuần chiến binh, và vẫn tồn tại sau khi chinh phục được Trung Nguyên, nhưng tinh thần thượng võ của binh lính mất đi sau một thế hệ vì không còn là một tổ chức các chiến sĩ mà chỉ còn là một bọn ăn bám vào giới cầm quyền. Họ đã trở nên thối nát không còn chiến đấu được nữa.
Chỗ đứng của tầng lớp quân nhân cũng thay đổi phụ thuộc vào đường lối chính trị, tư tưởng của các nhà lãnh đạo của từng triều đại. Trong thời nhà Tống, dù là triều đại được đánh giá giàu có nhất lịch sử Trung Quốc thì lương của những người làm trong quân đội lại rất thấp. Địa vị, tiếng nói chính trị của các sĩ quan quân đội (quan võ) thời này cũng bị xếp dưới các quan lại bàn giấy (quan văn). Thậm chí, sự tôn sùng các giá trị Nho học cùng các nhà Nho thuần túy, còn dẫn tới việc tầng lớp binh sĩ, võ quan bị đánh giá dưới cái nhìn rất thiếu tôn trọng. Như trong câu nói hay được trích dẫn trong thời đại này: “好铁不打定,好汉不当兵”(Sắt tốt không dùng làm móng ngựa, người tốt thì chẳng dùng làm lính).
2, Lịch sử trang bị, công nghệ quốc phòng.
Khách quan thì trước khi thời Phục Hưng bắt đầu, xét về độ tiên tiến trong khí tài, công nghệ quân sự trong các thời điểm khác nhau, quân đội Trung Quốc luôn ở mức tương đối cao so với các quốc gia trên thế giới.
Từ thời Tần, Hán người ta đã thay thế việc sử dụng chiến xa bằng lực lượng kỵ binh trong vai trò của đơn vị chủ lực. Bộ binh cũng được trang bị khá đa dạng với nhiều loại vũ khí, tùy theo vai trò của từng đơn vị, cơ bản nhất là kiếm, giáo, cung tên và nỏ. Nỏ là một vũ khí đặt dấu ấn cho kỹ thuật chế tạo vũ khí của Trung Hoa cổ đại. Các đơn vị tác chiến bằng nỏ được sắp xếp xen kẻ với các đơn vị cung thủ truyền thống. Bí quyết sản xuất nỏ được coi là bí mật quốc gia trong thời nhà Hán.
Cung tên đặc biệt là nỏ có vai trò rất lớn trong các trận chiến đương thời, bằng chứng là chi tiết “mũi tên che kín bầu trời” trong các văn bản miêu tả chiến tranh cổ. Dù các văn bản kể trên mang nhiều nét văn học, và các tư liệu chính xác hơn về thời kì này là khá ít, nhưng có thể cho rằng, việc tận dụng tối đa sức mạnh của cung tên hay nỏ là rất quan trọng để giành chiến thắng trong trận chiến, dù rằng bộ binh lúc này cũng đã được trang bị khiên hoặc áo giáp có khả năng chống tên.
Nói về áo giáp, “Đội quân đất nung” trong lăng mộ Tần Thủy Hoàng là bản dựng chân thực nhất về lực lượng bộ binh thời Tần. Từ những mô hình này chúng ta dễ dàng hình dung chi tiết về các bộ áo giáp được trang bị cho quân lính thời Tần, Hán. Hầu hết các bộ áo giáp này là kiểu giáp lamellar, kiểu áo giáp được tạo thành bởi nhiều phiến giáp làm từ kim loại (đồng, sắt) hay da. Các miếng phiến giáp này được nối cạnh bằng chỉ khâu (vải lanh) hoặc hồ dán. Loại giáp này khác với giáp vảy ở chỗ mỗi miếng sắt (da) được nối vào một cạnh miếng khác thay vì xếp đè lên nhau. Các hàng ngang phiến giáp được xếp đè lên những hàng trên. Áo giáp như vậy tương đối nhẹ, linh hoạt và rất phù hợp để trang bị rộng khắp do chi phí sản xuất không quá lớn. Giáp Trung Quốc lúc này khá khác so với giáp Châu Âu, nơi các lực lượng (đặc biệt là kị binh) ưa thích các cuộc tấn công ồ ạt với tốc độ cao cùng vũ khí sắc bén có sức công phá lớn, khiến họ thiết kế các miếng giáp sắt có kích cỡ lớn, liền khối và rất cứng để che chắn cho các vị trí trọng yếu trên cơ thể.
Hình ảnh về các kỵ binh trang bị khôi giáp nặng nề không chỉ là đặc sản ở châu Âu, nó cũng xuất hiện trong quân đội Trung Hoa cổ, dù không phổ biến bằng. Các ghi chép, miêu tả về “Huyền Giáp Binh” một lực lượng kỵ binh, trang bị khôi giáp nặng nề, đánh giá đây là một đơn vị rất tinh nhuệ được sáng lập và phát triển bởi Đường Thái Tông Lý Thế Dân. Thực ra, kỵ binh Trung Quốc đã nở rộ trước khi nhà Đường ra đời, trong thời đại Nam Bắc triều. Lúc này, kỵ binh là một phần của các thủ lĩnh phương Bắc, những người sau này trở thành nhà lãnh đạo của triều đại nhà Tùy, tiếp sau đó là nhà Đường. Đa phần họ là người Tiên Ti, phần còn lại là các chủng dân du mục khác. Kỵ binh thời nhà Đường không trang bị nặng nề như thời Nam – Bắc triều và có chiến giáp bảo vệ hoàn thiện hơn cho cả người lẫn ngựa. Giáp đen thời kỳ đầu dần dần bị loại bỏ và thay thế bằng giáp minh quang. Giáp minh quang có tấm kim loại hình tròn ở sau lưng và trước ngực bảo vệ, vì được mài sáng như gương và chiếu ra ánh sáng làm lóa mắt nên gọi là giáp minh quang.
Ngay cả với những người không hay tìm hiểu về chiến tranh Trung Hoa thời xưa, thì sự phổ biến của những tác phẩm tiểu thuyết chiến tranh như Tam Quốc Diễn Nghĩa, cũng đủ khiến họ, mỗi khi nói về các trận chiến “đặc sản” của Trung Hoa cổ cũng có thể hình dung ngay tới các cuộc giao tranh khốc liệt diễn ra dưới chân những hệ thống công sự vững chắc, đặc trưng bởi những bức tường thành với các tháp canh, cùng hệ thống hào nước bao quanh những khu dân cư lớn. Kiểu công sự với tường thành và hào sâu gọi là “thành quách” này đã trở nên phổ biến ở Trung Quốc từ tận thời đồ đá mới, thời mà các bức tường mới chỉ làm bằng đất. Từ đó, trở thành kiểu hình công sự phòng thủ truyền thống trong suốt lịch sử chiến tranh cổ của đất nước này.
Mô hình thành quách không chỉ được áp dụng cho các khu dân cư, các cứ điểm chiến lược cụ thể mà còn được sử dụng trải dài ở vùng biên giới, tại những khu vực được cho là trọng yếu, dễ bị tấn công giữa các quốc gia. Kiểu thành quách diện rộng này phổ biến trong thời kì Chiến Quốc, từ thế kỉ thứ 5 TCN. Đỉnh cao nhất trong các công trình biên phòng này là Vạn Lý Trường Thành được xây dựng từ thời nhà Tần.
Đôi khi các công trình quân sự này không mang tính phòng thủ mà đơn giản là để khẳng định vị thế của các lãnh chúa sở hữu vùng đất, hay phổ biến hơn trong vai trò như một cửa khẩu hải quan để quản lý giao thương và xuất nhập cảnh.
Sẽ là thiếu sót nếu không đề cập tới thuốc súng, trong quá trình phát triển kĩ thuật quân sự Trung Hoa. Thuốc súng được quân sự hóa rộng rãi trong thời nhà Tống, nó tiếp tục được sử dụng nhiều trong thời nhà Nguyên và cực thịnh trong thời nhà Minh. Người Mông Cổ với thành tựu khoa học từ khắp đế chế của họ, để lại cho các Hoàng đế nhà Minh công nghệ sản xuất súng, qua đó tối ưu hóa sức mạnh mà thuốc súng đem lại cho quân đội của mình. “Thần cơ doanh” được thành lập bởi Minh Thành Tổ Chu Đệ có thể xem là một trong những đơn vị chuyên sử dụng súng đầu tiên trên thế giới. Họ cũng biết phối hợp hỏa khí với các công sự phòng thủ của mình. Tới tận cuối triều đại, dù rằng công nghệ sản xuất pháo đã tương đối lỗi thời so với phương Tây, nhưng Vạn Lý Trường Thành cùng pháo binh vẫn gây ra rất nhiều khó khăn trong hành trình chinh phục Trung Hoa của người Mãn Châu. Đáng tiếc rằng, trong một thời gian rất dài từ giữa triều đại, nhà Minh gần như không đầu tư vào việc nghiên cứu, phát triển khoa học, công nghệ trong đó có kĩ thuật quân sự, khiến sức mạnh hỏa khí của họ gần như dậm chân tại chỗ và sau đó tụt lại hoàn toàn so với phương Tây. Điều tương tự cũng diễn ra với công nghiệp đóng tàu, các đánh giá về chất lượng tàu của Marco Polo là bảo chứng cho kĩ thuật đóng tàu của nhà Tống. Tới đầu thời Minh, các con tàu gỗ của người Trung Quốc cũng vẫn lớn hơn các con tàu cùng loại ở châu Âu. Nhưng như chúng ta đã biết, Hải quân Anh đã hoàn toàn hủy diệt Hải quân Trung Quốc bằng các con tàu hơi nước của mình trong Chiến tranh Nha phiến năm 1840. Phải nói thêm rằng, trong cả những thời điểm chất lượng tàu thuyền của Trung Quốc vượt trội hơn so với các nước láng giềng trong khu vực, họ cũng không thật sự tận dụng được lợi thế đó để mà gia tăng sức mạnh cho lực lượng hải quân một cách đáng kể. Vào cuối thời Minh, Thanh các đơn vị hoạt động trên biển không phải hải quân đúng nghĩa, mà đơn giản chỉ là lực lượng tuần tra bờ biển ngăn chặn buôn lậu và cướp biển mà thôi.
(Còn tiếp.)
Nguồn: Wiki, Weapons and warfare, Lý thuyết quân sự Trung Hoa.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét