Thứ Hai, 15 tháng 6, 2020

HỌC GIẢ NHÀ NƯỚC TRUNG QUỐC LIỆT KÊ NHỮNG HẬU QUẢ VIỆT NAM SẼ NHẬN LÃNH NẾU KHỞI KIỆN TRUNG QUỐC

Trong hình ảnh có thể có: một hoặc nhiều người


(Trích Bản Tin Biển Đông Số 26, sắp công bố)
Việc Trung Quốc đe doạ Việt Nam sẽ phải lãnh chịu hậu quả nếu đưa tranh chấp Biển Đông ra Toà án quốc tế có lẽ không phải là điều gì mới mẻ với nhà nước Việt Nam và với nhiều người. Năm ngoái, trong Toạ đàm "Vùng biển Bãi Tư Chính và Luật pháp quốc tế" được tổ chức tại Viện Nghiên cứu Chính sách Pháp luật và Phát triển, tướng Lê Văn Cương tiết lộ:
“Sau khi Tòa trọng tài ngày 12/7/2016 ra phán quyết về Trung Quốc thua hoàn toàn, một tháng sau Trung Quốc cử lãnh đạo cao cấp sang gặp lãnh đạo cao cấp của Việt Nam yêu cầu Việt Nam phải thực hiện 5 điều không. Cái không thứ nhất là không được ủng hộ Phán quyết của Tòa trọng tài. Cái không thứ hai là trong ASEAN không được đưa phán quyết này ra để bàn thảo liên quan đến Biển Đông. Cái không thứ ba là trong đa phương quốc tế các đồng chí không được đưa phán quyết ra. Cái không thứ tư trong đàm phán song phương với Trung Quốc, Việt – Trung, Trung – Việt, các đồng chí không được đưa phán quyết ra. Cái không thứ năm là các đồng chí không được kiện Trung Quốc. Và các đồng chí đấy trước đây có sang nói với ta, nếu mà các đồng chí mà kiện chúng tôi thì thành tựu 30, 40 năm đổi mới đổ xuống sông xuống biển hết.”
Tuy nhiên, lần này, các học giả Trung Quốc đã không ngần ngại công khai viết không chỉ trong nội bộ giới nghiên cứu Trung Quốc mà còn cho quốc tế biết. Chỉ trong cùng một tuần, trên trang South China Sea Strategic Probing Initiative (SCSPI) có tới hai bài viết, một bài tiếng Trung ký tên tổ chức SCSPI, và một bài tiếng Anh của TS. Ngô Sỹ Tồn, Viện trưởng Viện nghiên cứu quốc gia Nam Hải của Trung Quốc. Có một điều mà giới nghiên cứu quốc tế đều hiểm ngầm, các nhà nghiên cứu Biển Đông trong nhà nước Trung Quốc không thể có quan điểm khác biệt với quan điểm của Đảng và Nhà nước Trung Quốc, đặc biệt ở cương vị đứng đầu viện nghiên cứu quốc gia như ông Tồn. Nói cách khác, khó tồn tại cái gọi là “quan điểm cá nhân" ở những người như ông Tồn.
1. Ngô Sỹ Tồn: Liệu Việt Nam có suy nghĩ kỹ trước khi khởi kiện Trung Quốc về vấn đề Biển Đông?
Trong bài viết bằng tiếng Anh, tác giả đặt ra câu hỏi, liệu Việt Nam đã đánh giá đầy đủ các hệ quả của hành động “hấp tấp” này hay chưa, vốn sẽ gây ảnh hưởng lớn tới hoà bình và ổn định ở khu vực?
Đánh giá của Việt Nam về khả năng kiện có thể được giải thích bởi mấy lý do: (1) Việt Nam có thể cố gắng chiếm đóng trái phép các đảo và đá một cách vĩnh viễn, ảnh hưởng tới chủ quyền của Trung Quốc; (2) Việt Nam tin rằng một phán quyết như vậy sẽ “tạo ra nền tảng để kháng cự Trung Quốc và khiến cho cộng đồng quốc tế ủng hộ Việt Nam; (3) làm xấu đi hình ảnh của Trung Quốc; và (4) khiến cho quá trình đàm phán Bộ Quy tắc ứng xử trên Biển Đông (COC) bị hoãn lại, tạo thời cơ để Việt Nam tối đa hoá lợi ích.
Trung Quốc sẽ không ngồi yên. Ngô Sỹ Tồn vạch ra một số hậu quả mà Việt Nam có thể nhận lãnh sau khi khởi kiện Trung Quốc: (1) Trung Quốc có thể công bố đường cơ sở thẳng của quần đảo Trường Sa; (2) Trung Quốc sẽ cứng rắn và áp dụng các biện pháp mạnh hơn nữa đối với các hành vi đánh cá trái phép của Việt Nam; (3) Trung Quốc sẽ gây khó khăn hay thậm chí ngăn chặn quá trình quân sự hóa trên các thực thể mà Việt Nam đang chiếm đóng trái phép; (4) Trung Quốc sẽ xúc tiến việc thăm dò và khai thác dầu khí xung quanh bãi Tư Chính.
2. SCSPI: Trung Quốc sẽ phản ứng ra sao nếu Việt Nam đưa vấn đề Biển Đông ra trọng tài quốc tế?
Còn trong bài viết tiếng Trung cũng trên trang SCSPI và ký tên SCSPI, tác giả viết:
Bất kể Trung Quốc có ra hầu tòa hay vẫn tuân thủ lập trường "ba không", thì Trung Quốc có thể tăng cường các hoạt động trả đũa ngoài tòa án. Như chúng ta đã thấy, ngay sau khi Philippines đưa vụ kiện ra trọng tài quốc tế vào năm 2013, Trung Quốc đã khởi động việc xây dựng đảo tại Biển Đông. Xét về mức độ nào đó, Trung Quốc coi việc xây dựng đảo nhân tạo là một biện pháp trả đũa Philippines. Nếu Philippines không “đơn phương ” khởi kiện Trung Quốc, thật khó có thể tưởng tượng rằng Trung Quốc sẽ quyết tâm thực hiện hoạt động xây dựng đảo và rạn san hô ở quy mô lớn như vậy. Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam. Khối lượng thương mại giữa hai nước đạt hơn 100 tỷ đô la Mỹ trong hai năm liên tiếp. Mối quan hệ kinh tế gần gũi và mối quan hệ giữa hai đảng và quân đội nói chung khá ổn định. Nếu Việt Nam khăng khăng làm theo ý muốn của mình, thì không chỉ các trao đổi kinh tế, thương mại và nhân dân giữa hai nước sẽ bị ảnh hưởng nặng nề, mà quan hệ giữa hai đảng, chính phủ và quân đội hai nước cũng chắc chắn sẽ bị ảnh hưởng.
Trên thực tế, chính quyền Việt Nam cũng có thể ý thức rõ được việc đệ trình lên trọng tài quốc tế chỉ có thể làm cho tình hình Biển Đông trở nên phức tạp và khó giải quyết hơn, và chưa chắc đã có lợi cho việc giải quyết tranh chấp Biển Đông giữa Việt Nam và Trung Quốc. Trung Quốc và Việt Nam là những nước láng giềng không thể “chuyển nhà” đi chỗ khác, và đối với Hoa Kỳ, Việt Nam cũng chỉ là một quân cờ trong trò chơi chiến lược của nước này. Nếu Việt Nam "đưa sói vào nhà", điều đầu tiên mà Việt Nam phải hứng chịu sẽ là việc thay đổi hình thái ý thức. Trong thế giới ngày nay, việc các quốc gia bị ảnh hưởng bởi sự can thiệp của các lực lượng bên ngoài khiến cho tình hình trong nước bị hỗn loạn, rối ren và bất ổn đã từng xảy ra rất nhiều.
Bản dịch toàn văn hai bài viết sẽ sớm được đăng tải trên website Dự án Đại Sự Ký Biển Đông.
Xem thêm:
SCSPI ngày 12/6: Will Vietnam Think Twice Before Filing for Arbitration on the South China Sea? http://www.scspi.org/en/dtfx/1591971010
SCSPI ngày 12/6: 越南如提起南海仲裁,中国会如何反应?: http://www.scspi.org/zh/dtfx/1591756997
Ảnh: Tờ Hoàn Cầu Thời Báo, phụ san của Nhân Dân Nhật Báo của Trung Quốc đăng tranh biếm hoạ về mối quan hệ giữa Trung Quốc và Việt Nam.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét