Thứ Năm, 18 tháng 6, 2020

Báo Nhật: Gây hấn ở Biển Đông, biển Hoa Đông, Trung Quốc hậu Covid ngày càng hung hăng

Tờ báo Nhật Nikkei Asian Review bình luận, Trung Quốc ngày càng đặt ra rủi ro lớn hơn cho thế giới.


Báo Nhật: Gây hấn ở Biển Đông, biển Hoa Đông, Trung Quốc hậu Covid ngày càng hung hăng

Kinh tế tăng trưởng thấp nhất trong 50 năm
Hậu Covid, một trong những vấn đề khiến Trung Quốc quan ngại là là tình trạng mất việc. Mặc dù tỷ lệ thất nghiệp chính thức ở nước này là khoảng 6%, nhưng nếu tính cả những người lao động nhập cư bị mất việc ở các thành phố, con số này sẽ vọt lên khoảng 20%, theo một ước tính riêng, tờ Nikkei Asian Review cho hay.
Bài phát biểu của Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường trước Quốc hội ngày 22/5 đã không đặt mục tiêu tăng trưởng kinh tế trong năm nay. Ông cũng không giấu diếm sự lo lắng của mình về tình trạng mất việc.
Ngân hàng Thế giới dự báo nền kinh tế Trung Quốc sẽ tăng trưởng 1,0% trong năm nay, mức tăng trưởng thấp nhất kể từ khi đất nước bắt đầu chính sách mở cửa vào cuối những năm 1970.
Robert Zoellick, kiến ​​trúc sư chính sách Trung Quốc của cựu Tổng thống George W. Bush, cho rằng, nếu nhà lãnh đạo Trung Quốc không thể kiểm soát dịch COVID-19, điều đó sẽ gây ra áp lực cho chính nhà lãnh đạo nền kinh tế thứ 2 thế giới.
Chính sách đối ngoại cứng rắn, khó đoán
Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là tình hình ổn định trong nước của Trung Quốc có thể ảnh hưởng đến hành vi của họ đối với các quốc gia khác như thế nào? Tờ Nikkei Asian Review đưa ra 3 khả năng chính:
Thứ nhất, Trung Quốc có thể cố gắng tránh va chạm không cần thiết với nước khác để tập trung vào việc bảo vệ ổn định trong nước.
Thứ hai, Trung Quốc có thể trở nên hiếu chiến hơn về mặt ngoại giao, áp dụng lập trường cứng rắn đối với nhiều quốc gia.
Khả năng thứ ba, giao thoa giữa 2 lựa chọn đầu tiên, rằng Bắc Kinh sẽ có thái độ thân thiện hay thù địch, tùy thuộc vào cách họ nhìn nhận mối quan hệ song phương với quốc gia khác.
Hành vi của Trung Quốc kể từ khi bắt đầu bùng phát Covid-19 cho thấy lựa chọn thứ 2 nhiều khả năng xảy ra.
Cụ thể, trong thời gian qua, Trung Quốc không hề giảm nhiệt ở các điểm "nóng" mà tiếp tục thể hiện quan điểm cứng rắn. Vào ngày 8/5, theo thông báo của Lực lượng bảo vệ bờ biển Nhật Bản (JCG), 4 tàu hải cảnh Trung Quốc đã di chuyển vào vùng biển gần quần đảo tranh chấp Senkaku/Điếu Ngư.
Khoảng 50 phút sau đó, hai tàu Trung Quốc bắt đầu đuổi theo một tàu cá Nhật Bản tại khu vực cách Uotsuri, đảo lớn nhất trong Senkaku/Điếu Ngư, khoảng 12 km về phía tây nam, theo hãng tin Jiji Press.
Hồi tháng 4, Bắc Kinh đơn phương lập đơn vị hành chính cấp huyện đối với 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam, vi phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam, bất chấp luật pháp quốc tế.
Ngoài ra, tàu sân bay Liêu Ninh của nước này đã tiến hành các cuộc tập trận ở eo biển Đài Loan. Với Mỹ, Bắc Kinh đang ở bên bờ vực của một cuộc chiến tranh lạnh mới với Washington.
Trước đây, Bắc Kinh từng giảm căng thẳng với các đồng minh và đối tác của Mỹ, như Nhật Bản, Úc, Ấn Độ và các nước ở Đông Nam Á khi quan hệ giữa Bắc Kinh và Washington leo thang.
Bắc Kinh đã sử dụng chiến thuật này vào năm 1989. Sau sự kiện Thiên An Môn, Trung Quốc đã tiến gần hơn đến Nhật Bản như một bước đầu tiên hướng tới quá trình "phá băng" trong quan hệ với các nước phương Tây. Một quan chức cao cấp của Nhật Bản tại thời điểm đó đã mô tả kế hoạch của Trung Quốc là nhờ Nhật Bản để chấm dứt sự cô lập.
Thời điểm đó, Trung Quốc được lãnh đạo bởi Đặng Tiểu Bình, người được cho là có chính sách đối ngoại tinh tế và điềm tĩnh. Tuy nhiên, vào thời điểm hiện tại, khi Trung Quốc thể hiện tham vọng siêu cường, nước này có thể tìm cách đẩy dư luận trong nước bằng cách hướng sự quan tâm ra các vấn đề bên ngoài, có lập trường cứng rắn một cách vô lý đối với một số quốc gia và có các động thái khó đoán.
Tờ báo Nhật cho rằng, thế giới đang đối phó với một Trung Quốc trở nên quyết đoán hơn trên mọi phương diện. Nhưng cùng với tham vọng của mình, Trung Quốc cũng phải đối mặt với các vấn đề nội bộ. Đối phó với một nước lớn đang có nhiều vấn đề nội bộ nhưng sở hữu sức mạnh quân sự và kinh tế đáng kể sẽ là một thách thức thậm chí còn khó khăn hơn trong tương lai.

Với 1.000 tàu ngầm, 450 tàu chiến, TQ sẽ bá chủ đại dương vào 2030: Thực tế hay ảo tưởng?

Điều đáng lo ngại nhất về Hải quân Trung Quốc là đến năm 2030, họ có thể sẽ phát triển được một lực lượng tàu chiến mặt nước gồm hơn 450 chiếc cùng lực lượng tàu ngầm 1.109 chiếc.


Với 1.000 tàu ngầm, 450 tàu chiến, TQ sẽ bá chủ đại dương vào 2030: Thực tế hay ảo tưởng?

Những kịch bản đầy tham vọng của Hải quân Trung Quốc
Trong một bài viết mới đây đăng tải trên tờ the Sunday Guardian, Thuyền trưởng James E. Fanell, nguyên Giám đốc các Chiến dịch Tình báo và Thông tin của Hạm đội Thái Bình Dương Hải quân Mỹ đã đưa ra một dự báo khủng khiếp: Đến năm 2030 Hải quân Trung Quốc có thể vươn lên vị trí thống lĩnh, còn tới 2049 lực lượng này sẽ chiếm giữ ưu thế vượt trội trên thế giới.
James Fanell viết: “Sau 20 năm chuyển đổi, Hải quân Trung Quốc (PLAN) hiện đang hoạt động ở khắp nơi trên thế giới, từ Baltic cho tới Nam Thái Bình Dương, từ Bắc Cực cho tới Nam Cực”.
Theo James Fanell, PLAN hiện nay không còn lo ngại về việc thiếu hụt tàu chiến mà tập trung nhiều hơn vào phát triển các tàu sân bay và tàu tấn công đổ bộ trực thăng (LHA) như Type 075.
Điều đáng lo ngại nhất trong dự báo của James Fanell là đến năm 2030, PLAN có thể sẽ phát triển được một lực lượng tàu chiến mặt nước gồm hơn 450 chiếc cùng lực lượng tàu ngầm 1.109 chiếc.
Con số này tăng 10% so với dự báo trước đó của Fanell vào năm 2015. Mục đích của Trung Quốc là tăng cường sự hiện diện hải quân ra phạm vi toàn cầu, trước hết là ở Ấn Độ Dương và sau đó là vươn xa hơn nữa.
Với 1.000 tàu ngầm, 450 tàu chiến, TQ sẽ bá chủ đại dương vào 2030: Thực tế hay ảo tưởng? - Ảnh 1.
Nhóm tác chiến tàu sân bay Liêu Ninh của Hải quân Trung Quốc. Ảnh: Cimsec
Một số mục tiêu mà Trung Quốc đặt ra đã trở thành hiện thực khi PLAN đang không ngừng mở rộng căn cứ quân sự đầu tiên của nước này tại Djibouti bên bờ Biển Đỏ.
Căn cứ này có vị trí ở gần Căn cứ Viễn chinh Hải quân Mỹ, được Trung Quốc đầu tư 590 triệu USD xây dựng năm 2017. Mặc dù Djibouti chỉ là một trong những quốc gia rất nhỏ ở châu Phi nhưng lại trở thành đối tác chiến lược quan trọng của Bắc Kinh.
James Fanell không phải là người duy nhất bày tỏ lo ngại trước tốc độ mở rộng hải quân của Trung Quốc. Tháng trước, một báo cáo nghiên cứu của Quốc hội Mỹ cho biết, các chương trình hiện đại hóa hải quân của Bắc Kinh là rất đáng quan ngại.
Báo cáo trên đặc biệt nhấn mạnh tới các kế hoạch mà Trung Quốc đang tích cực theo đuổi, trong đó có tên lửa đạn đạo chống hạm (ASBM), tên lửa hành trình chống hạm (ASCM), tàu ngầm, tàu chiến mặt nước, tàu lặn không người lái, và các hệ thống C4ISR (chỉ huy, điều khiển, thông tin, máy tính, tình báo, do thám và trinh sát) hỗ trợ.
Giấc mộng bá chủ đại dương có trở thành hiện thực?
Mặc dù những thông tin đề cập ở trên liên quan tới tham vọng mở rộng hải quân của Trung Quốc ra toàn cầu là đáng quan ngại nhưng theo chuyên gia Peter Suciu của Tạp chí National Interest (Mỹ) thì Bắc Kinh cũng đang phải đối diện với những vấn đề rất nghiêm trọng.
Thứ nhất, chương trình hiện đại hóa hải quân của Trung Quốc phức tạp hơn rất nhiều chứ không đơn giản là sự tăng trưởng thuần túy trong bối cảnh nạn tham nhũng đang hoành hành tại các xưởng đóng tàu của nước này.
Trung Quốc càng rót nhiều tiền cho hoạt động đóng tàu thì cơ hội tham nhũng cho các quan chức càng cao. Liệu Bắc Kinh có giải quyết được vấn đề một cách triệt để?
Với 1.000 tàu ngầm, 450 tàu chiến, TQ sẽ bá chủ đại dương vào 2030: Thực tế hay ảo tưởng? - Ảnh 2.
Các tàu ngầm thông thường lớp Song của PLAN. Ảnh: CNC
Thứ hai, lịch sử đã cho thấy một số bài học nhãn tiền. Hải quân Hoàng gia Anh trước đây từng áp dụng chiến lược gọi là “tiêu chuẩn hai cường quốc”, theo đó họ phải duy trì được số lượng chiến hạm ít nhất cũng tương đương với sức mạnh của hai lực lượng hải quân kế cận cộng lại. Thời điểm đó là Pháp và Nga.
Yêu cầu này đã trở thành một vấn đề thực sự khi Hải quân Hoàng gia Anh bắt tay vào đóng chiến hạm HMS Dreadnought khiến việc đầu tư cho các lớp tàu chiến khác bị xao nhãng. Hậu quả là, nước Anh đã đánh mất lợi thế của mình so với các cường quốc hải quân khác.
Với Trung Quốc, nếu như Bắc Kinh muốn giành được vị thế thống lĩnh hải quân thì họ phải đủ sức hạ thủy và duy trì được số lượng tàu sân bay nhiều hơn con số 11 mà Hải quân Mỹ đang vận hành hiện nay.
Đó là chưa kể tới việc Trung Quốc phải chạy đua với các lực lượng hải quân khác như Anh, Pháp hay Australia. Một khi NATO còn tồn tại thì vấn đề với Trung Quốc không chỉ là 11 tàu sân bay của Mỹ mà còn của cả các nước đồng minh khác.
Như vậy, hãy cứ để Trung Quốc đổ tiền vào phát triển một lực lượng hải quân nếu họ coi đó là một lựa chọn. Tuy nhiên, việc duy trì nó, kết hợp đối phó với nạn tham nhũng cũng như tham vọng cố gắng tạo ra một “tiêu chuẩn đa cường quốc” thì kết quả có thể không giống như những gì Trung Quốc đặt cược.

Vụ đụng độ không tiếng súng ở biên giới Trung-Ấn: Hành vi của TQ "khác thường và đáng lo ngại"?

Mặc dù binh sĩ hai nước Ấn Độ - Trung Quốc chỉ dùng gạch đá và gậy gộc trong vụ ẩu đả, nhưng đã có 20 binh sĩ Ấn Độ được xác nhận thiệt mạng trong vụ việc này.


Vụ đụng độ không tiếng súng ở biên giới Trung-Ấn: Hành vi của TQ "khác thường và đáng lo ngại"?

Vụ đụng độ "khác thường"
Hãng BBC (Anh) dẫn lời nhà phân tích Vipin Narang bình luận về vụ đụng độ căng thẳng giữa binh sĩ hai nước Trung-Ấn tại khu vực biên giới hôm 15/6 vừa qua là điều "rất, rất tồi tệ".
Theo thông tin cập nhật mới nhất từ phía quân đội Ấn Độ, vụ đụng độ ở Ladakh được đánh giá là nghiêm trọng nhất trong vòng gần nửa thế kỷ qua giữa hai quốc gia láng giềng này đã khiến 20 binh sĩ Ấn Độ thiệt mạng.
Phía Ấn Độ cũng cho biết cả hai phía đều có thương vong, tuy nhiên Trung Quốc vẫn chưa công bố hay xác nhận thông tin này.
Tiến sĩ Narang, giáo sư nghiên cứu về vấn đề an ninh tại Viện Công nghệ Massachusetts, nhận định rằng "quy mô, phạm vi và sự leo thang căng thẳng tại hai phía biên giới [Trung-Ấn] gần đây là điều chưa từng có tiền lệ".
Hai quốc gia láng giềng sở hữu vũ khí hạt nhân này từng có lịch sử đụng độ và tranh chấp biên giới tại khu vực kéo dài hơn 3.440km, được biết đến với tên gọi là Đường Kiểm soát Thực tế (LAC). Các cuộc tuần tra biên giới của binh sĩ hai nước nhiều lần dẫn đến những vụ ẩu đả, nhưng trong suốt 4 thập kỷ qua, hai nước chưa từng nổ súng vào đối phương.
Đó là lý do khiến nhiều người cảm thấy ngạc nhiên về cuộc đụng độ mới nhất giữa binh sĩ hai nước sau nhiều tháng căng thẳng.
Vụ đụng độ không tiếng súng ở biên giới Trung-Ấn: Hành vi của TQ khác thường và đáng lo ngại? - Ảnh 2.
An Indian soldier at the border in Ladakh. Ảnh: Getty
"Đây là một vụ đụng độ khác thường", ông Shashank Joshi, biên tập viên mục Quốc phòng của tạp chí The Economist, bình luận. "Trong suốt 45 năm qua, không bên nào nổ súng, và đột nhiên có ít nhất 20 binh sĩ thiệt mạng trong một buổi tối vì một vụ đụng độ vũ lực chỉ dùng gạch đá và gậy gộc".
Vụ đụng độ này xảy ra sau một số vụ ẩu đả xảy ra ở Ladakh trong những tuần gần đây, nhưng cả hai bên không hề nổ súng.
Truyền thông đưa tin hồi đầu tháng 5 vừa qua cho hay các binh sĩ Trung Quốc đã dựng lều, đào hào và triển khai vũ khí hạng nặng tại khu vực biên giới - cụ thể là thung lũng Galwan ở Ladakh. Ông Ajai Shukla, một nhà phân tích quốc phòng hàng đầu của Ấn Độ, cho biết Trung Quốc đã chiếm 60 km2 lãnh thổ do Ấn Độ kiểm soát tại khu vực này trong vòng một tháng qua.
Được biết, Trung Quốc tuyên bố chủ quyền với 90.000 km2 về phía Đông Bắc của lãnh thổ Ấn Độ, trong khi đó phía Delhi nói rằng đối phương đang chiếm 38.000 km2 lãnh thổ của họ.
Các vụ đụng độ trên xảy ra sau khi Ấn Độ xây dựng một con đường dài hàng trăm km kết nối với một căn cứ không quân đã được đưa vào hoạt động trở lại vào năm 2008, theo BBC.
Hành vi của Trung Quốc "đáng lo ngại"
Những chi tiết về vụ ẩu đả chết người hôm thứ 2 vừa qua giữa binh sĩ hai nước Trung-Ấn vẫn còn chưa rõ ràng. Trong khi đó, Delhi và Bắc Kinh đang cáo buộc đối phương vi phạm các điều khoản đồng thuận về việc tôn trọng LAC tại Thung lũng Galwan.
Ấn Độ cho biết hai bên đang sử dụng các kênh quân sự và ngoại giao nhằm tìm cách xoa dịu tình hình, và các chỉ huy cấp cao của hai bên đã có "cuộc họp hữu ích" hôm 6/6. Hai bên đã đồng ý về "quá trình giảm leo thang", và sau đó, các chỉ huy quân đội đã tham dự một loạt các cuộc họp về việc thực hiện các điều khoản đồng thuận, theo Bộ Ngoại giao Ấn Độ.
Tuy nhiên, sau vụ việc hôm 15/6, Delhi đã cáo buộc Bắc Kinh "có ý định đơn phương thay đổi hiện trạng" tại khu vực biên giới, khiến cả hai bên đều phải chịu tổn thất. Trong khi đó, Trung Quốc lại cáo buộc quân đội Ấn Độ "vi phạm" các điều khoản đồng thuận khi các binh sĩ Ấn Độ đã vượt biên giới 2 lần và "thực hiện các cuộc tấn công khiêu khích binh sĩ Trung Quốc".
Ông Ankit Panda, một biên tập viên cấp cao của tạp chí The Diplomat, nhận định rằng tình hình căng thẳng leo thang giữa hai nước Trung-Ấn trong thời gian gần đây là "một trong những cuộc khủng hoảng nghiêm trọng nhất trong nhiều năm qua" - kể từ sau vụ tranh chấp ở Doklam năm 2017 và có thể lâu hơn thế nữa.
Vụ đụng độ không tiếng súng ở biên giới Trung-Ấn: Hành vi của TQ khác thường và đáng lo ngại? - Ảnh 5.
Bản đồ thể hiện các vụ đụng độ giữa binh sĩ hai nước. Nguồn: BBC
Tuy nhiên, theo ông Shivshankar Menon, một chuyên gia về Trung Quốc và cựu cố vấn an ninh quốc gia Ấn Độ, cho rằng hành vi của Trung Quốc lần này "rất khác biệt so với những gì chúng ta đã từng chứng kiến trong quá khứ".
"Những điều chúng ta từng chứng kiến là hàng loạt vụ việc, hàng loạt động thái leo thang và Trung Quốc chiếm những vùng lãnh thổ mà họ chưa từng chiếm giữ trước đây dọc theo LAC. Đây là một dấu hiệu đáng lo ngại vì nó không giống với hành vi của Trung Quốc trước đây", ông Menon phân tích.
Nhiều chuyên gia đã đưa ra những giả thiết khác nhau về hành động của Trung Quốc tại khu vực biên giới với Ấn Độ.
Về mặt chiến thuật, việc Delhi tăng cường cơ sở hạ tầng biên giới có thể đã khiến quân đội Trung Quốc quyết định hành động ở Ladakh. Đại dịch COVID-19 có thể đã được sử dụng làm vỏ bọc để Trung Quốc hành động, đặc biệt là khi quân đội Ấn Độ phải trì hoãn các cuộc tập trận ở Ladakh vào tháng 3 vừa qua. Tuy nhiên, ông Joshi và Tiến sĩ Narang đều cho rằng đây không phải là nguyên nhân duy nhất.
Ông Menon - cựu Đại sứ của Ấn Độ tại Trung Quốc, tin rằng chủ nghĩa dân tộc có phần liên quan đến vụ việc do những "căng thẳng trong nước và kinh tế" tại nước này, thể hiện qua một loạt động thái gần đây của Bắc Kinh đối với Đài Loan, Hồng Kông hay cuộc chiến thuế quan với Australia.
Hôm 16/6, phía quân đội Ấn Độ xác nhận các binh sĩ nước này đã rời khỏi địa điểm xảy ra đụng độ. Các báo cáo ban đầu cho biết các kênh quân sự đang được sử dụng và cả hai bên đều không tiếp tục có động thái khiến căng thẳng leo thang. "Đây là tin tốt đối với Ấn Độ, vì nước này hiện có ít lựa chọn trả đũa khả dĩ", ông Panda nhận định.
Trong khi đó, ông Joshi tin rằng sau vụ đụng độ này sẽ là một cuộc "xung đột ngoại giao quy mô lớn và kéo dài", mở ra "thời kỳ mới của sự ngờ vực và đối kháng cao độ" giữa hai nước, theo BBC.

Tại sao Mỹ không để Hàn Quốc tự bảo vệ mình trước Triều Tiên?

Dân số Hàn Quốc lớn gấp đôi so với Triều Tiên và nền kinh tế công nghệ hiện đại hơn 40 lần. Một quốc gia có những đặc điểm đó có khả năng tạo ra bất kỳ lực lượng phòng thủ nào họ muốn hoặc cần (bao gồm xây dựng kho vũ khí hạt nhân, nếu họ chọn) để ngăn chặn hoặc đánh bại kẻ thù. Vì sao Mỹ vẫn cần phải bảo vệ Hàn Quốc trước Triều Tiên?


Tại sao Mỹ không để Hàn Quốc tự bảo vệ mình trước Triều Tiên?

Căng thẳng giữa Hàn Quốc và CHDCND Triều Tiên đang leo thang ở mức báo động. Triều Tiên đã cắt đứt mọi đường dây liên lạc giữa hai quốc gia Hàn Quốc vào ngày 8/6, phá hủy văn phòng liên lạc chung tại thành phố Kaesong của Triều Tiên.
 Cấu trúc bốn tầng bằng kính màu xanh lấp lánh - đã bị hủy hoại với một vụ nổ khủng khiếp, cơ quan thông tấn nhà nước của Triều Tiên KCNA đưa tin.
Sự bất bình của Bình Nhưỡng là vì một chiến dịch mà các nhà hoạt động chống lại chế độ Kim Jong-un (bao gồm cả một đội ngũ những người đào thoát khỏi Triều Tiên) đã tiến hành từ lãnh thổ Hàn Quốc. 
Những người bất đồng chính kiến đó gửi những quả bóng bay với các gói tờ rơi chống chế độ từ trên cao xuống từ các vị trí ngay phía nam Khu phi quân sự (DMZ) và xem chúng bay về phía bắc vào lãnh thổ Triều Tiên.
Căng thẳng trên Bán đảo Triều Tiên hiện đã trở lại mức đáng lo ngại của năm 2017, khi chính quyền mới của tổng thống Donald Trump áp dụng lập trường đối đầu gay gắt với Triều Tiên. 
Có một cảm giác nhẹ nhõm rộng khắp Đông Á năm sau đó khi Washington theo đuổi một đường lối hòa giải hơn, và tổng thống Trump và Kim Jong-un đã tổ chức cuộc họp thượng đỉnh đầu tiên. Nhưng hy vọng về một mối quan hệ hợp tác giữa Washington và Bình Nhưỡng đã dần phai nhạt trong hai năm sau đó và hiện rõ ràng là đang “hấp hối”. 
Chính phủ của ông Kim gần đây nhấn mạnh rằng họ không còn quan tâm đến việc tiếp tục đàm phán với Mỹ. Do đó, cả đối thoại giữa Mỹ và Triều Tiên và hợp tác liên Triều đã sụp đổ đồng thời.
Ted Galen Carpenter, chuyên gia nghiên cứu về an ninh thuộc viện Cato (Mỹ) cho rằng, sự trỗi dậy những căng thẳng nguy hiểm ở bán đảo Triều Tiên có thể khiến các nhà lãnh đạo Mỹ đánh giá lại chính sách của họ ở khu vực. 
Washington có hiệp ước về việc bảo vệ Hàn Quốc và nếu cuộc khủng hoảng hiện nay bùng nổ thành xung đột vũ trang, Mỹ sẽ có rất ít sự lựa chọn ngoài việc tôn trọng cam kết đó. Tuy nhiên, các điều kiện dẫn đến việc ký kết hiệp ước đó rất ít liên quan đến tình hình thế giới ngày nay và việc tiếp tục nghĩa vụ không vượt qua một tính toán lợi ích và rủi ro cho nước Mỹ.
Washington đã phê chuẩn cam kết an ninh với Hàn Quốc ngay sau khi xảy ra Chiến tranh Triều Tiên đẫm máu. Môi trường chiến lược toàn cầu lúc đó là cực kỳ phân cực, với Mỹ và Liên Xô là những cường quốc duy nhất thực sự quan trọng. 
Các nhà lãnh đạo Mỹ đã xem cả Trung Quốc và Triều Tiên là “khách hàng” của Liên Xô và giải thích cuộc tấn công vào Hàn Quốc năm 1950 của Triều Tiên là động thái đầu tiên trong một cuộc tấn công do Liên Xô dàn xếp để thống trị Đông Á. Là một quốc gia yếu kém, nghèo nàn, Hàn Quốc không có khả năng tự vệ trong hoặc sau cuộc chiến đó.
Ngày nay, môi trường chiến lược đã rất khác về nhiều mặt. Thế giới có nhiều trung tâm quyền lực kinh tế và thậm chí là quân sự thay vì là lưỡng cực. Hàn Quốc là một trong những con hổ kinh tế châu Á và có lợi thế to lớn so với miền Bắc. 
Dân số Hàn Quốc lớn gấp đôi so với Triều Tiên và nền kinh tế công nghệ hiện đại hơn 40 lần. Một quốc gia có những đặc điểm đó có khả năng tạo ra bất kỳ lực lượng phòng thủ nào họ muốn hoặc cần (bao gồm xây dựng kho vũ khí hạt nhân, nếu họ chọn) để ngăn chặn hoặc đánh bại kẻ thù.
Giữ lại một quốc gia hoàn toàn có khả năng tự bảo vệ mình như một “khách hàng an ninh” của Mỹ có ý nghĩa rất nhỏ từ quan điểm của lợi ích thực sự của người Mỹ. 
Một cuộc xung đột vũ trang giữa hai miền Triều Tiên, sẽ không tạo thành động thái mở đầu trong một cuộc tấn công của cộng sản nhằm thống trị Đông Á, như Mỹ nhận định sau Thế chiến II. Đó sẽ là một cuộc đấu tranh đơn phương giữa hai quốc gia nhỏ ở Đông Bắc Á.
Tuy nhiên, hậu quả bất lợi có thể xảy ra đối với Mỹ khi vướng vào một cuộc chiến như vậy là lớn hơn đáng kể so với thời Chiến tranh Lạnh. Triều Tiên không sở hữu vũ khí hạt nhân vào thời điểm 1950, không có tên lửa có khả năng bắn đến Mỹ. Ngày nay, Bình Nhưỡng đã là một quốc gia có vũ khí hạt nhân và đang nhanh chóng có được tên lửa tầm xa.
Sự gia tăng căng thẳng liên Triều hiện nay là một ví dụ về một cuộc cãi vã có thể lôi kéo Mỹ vào một cuộc xung đột vũ trang ít có liên quan đến các vấn đề quan trọng đối với Mỹ. Chuyên gia Carpenter nhận định: Đã đến lúc Washington bắt đầu từ bỏ cam kết ngày càng lỗi thời đối với Hàn Quốc. Hy vọng, cuộc khủng hoảng liên Triều mới nhất sẽ lắng xuống mà không xảy ra chiến tranh. 
“Nhưng lịch sử cho thấy các cuộc khủng hoảng trên Bán đảo Triều Tiên giống như xe buýt; ngay cả khi một xe vừa đi qua, xe khác sẽ xuất hiện tương đối sớm. Các nhà lãnh đạo Mỹ nên bắt đầu quá trình rút ra ngay bây giờ, không phải chờ nhiều năm nữa khi một tình huống thậm chí còn nguy hiểm hơn diễn ra”, ông Carpenter viết.

Thứ Tư, 17 tháng 6, 2020

Indonesia tỉnh táo phản pháo Trung Quốc về vấn đề Biển Đông

Công hàm của Trung Quốc gây choáng váng cho Indonesia cũng như các nhà nghiên cứu còn bán tín bán nghi. Indonesia lập tức đáp trả để bảo vệ quyền lợi chính đáng. 


Trân trọng giới thiệu bài viết dành cho Tuần Việt Nam của Đại sứ Nguyễn Hồng Thao:
Ngày 12/6, Phái đoàn Indonesia tại LHQ đã ra công hàm No. 148/POL-703/VI/20 nhanh chóng thể hiện quan điểm đáp lại Công hàm No. CML/46/2020 ngày 2/6 của Phái đoàn Trung Quốc nhận xét về Công hàm trước đó của Indonesia No. 126/POL-703/V/20 ngày 26/5.
Indonesia tỉnh táo phản pháo Trung Quốc về vấn đề Biển Đông
Tổng thống Indonesia Joko Widodo thị sát tàu chiến. Ảnh: Reuters
Các công hàm này nằm trong cuộc chiến công hàm 2.0 về thềm lục địa mở rộng ở Biển Đông do Malaysia khởi xướng từ ngày 12/12/2019. 
Trước đó, trong cuộc chiến công hàm 1.0 khi Malaysia và Việt Nam đệ trình hồ sơ chung ranh giới ngoài thềm lục địa mở rộng lên Ủy ban ranh giới thềm lục địa năm 2009, Indonesia, nước không có tranh chấp tại Biển Đông, đã có công hàm No. 480/POL-703/VII/10 ngày 8/7/2010 bác bỏ đường yêu sách 9 đoạn của Trung Quốc đưa ra năm 2009.
Trong công hàm này, Indonesia khẳng định ‘không phải là quốc gia yêu sách có tranh chấp chủ quyền trên Biển Đông” và “cái gọi là bản đồ đường 9 đoạn có trong công hàm CML/17/2009 (của Trung Quốc) ngày 7/5 rõ ràng thiếu cơ sở luật quốc tế và hoàn toàn ngược lại với Công ước Luật biển 1982” (The so-called 'nine-dotted lines map' as contained in the above circular note Number CML/17/2009 dated 7th  May 2009 clearly lacks international legal basis and is tantamount to upset the UNCLOS 1982).
Indonesia phản đối vì lo ngại rằng một phần nhỏ của đường 9 đoạn có thể chạm vào vùng nước đặc quyền kinh tế của Indonesia xung quanh đảo Natura, điểm cơ sở trong hệ thống đường cơ sở quần đảo của Indonesia quy định trong văn bản Regulation No. 37 năm 2008.
Đệ trình một phần thềm lục địa mở rộng của Malaysia 2019 đưa đến sự đụng độ của tàu thăm dò dầu khí West Capella do Malaysia thuê với tàu nghiên cứu Hải dương địa chất 8 có sự hộ tống của các tàu hải giám của Trung Quốc trong tháng 4-5 năm 2020 gần với khu vực Natura buộc Indonesia ra công hàm khẳng định lập trường này một lần nữa. Công hàm ngày 26/5 gồm 3 điểm:
1, Indonesia không phải là một bên tranh chấp lãnh thổ ở Biển Đông
2, Indonesia ủng hộ Phán quyết trọng tài Biển Đônng năm 2016 rằng không một thực thể biển nào trong quần đảo Trường Sa được có vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa;
3, Indonesia nhắc lại bản đồ đường 9 đoạn rõ ràng thiếu cơ sở luật quốc tế và hoàn toàn ngược lại với Công ước Luật biển 1982. Quan điểm này đã được Phán quyết của Tòa trọng tài Biển Đông khẳng định là bất kỳ quyền lịch sử nào mà CHND Trung Hoa có thể có đối với tài nguyên sinh vật và không sinh vật đều đã bị thay thế bởi các ranh giới vùng biển quy định bởi Công ước Luật biển 1982.  
Toan tính Trung Quốc
Thế nhưng Trung Quốc không nghĩ vậy. Công hàm ngày 2/6 cho rằng “Trung Quốc có chủ quyền đối với Nam Hải chư đảo (bao gồm Nam Sa quần đảo - Trường Sa của Việt Nam) và các vùng nước kế cận. Trên cơ sở Nam Hải chư đảo, Trung Quốc có vùng nước nội thủy, lãnh hải, tiếp giáp lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa. Trung Quốc có các quyền lịch sử tại Biển Đông. Chủ quyền Trung Quốc trên Nam Hải chư đảo và các quyền và lợi ích biển của chúng đã được thiết lập trong quá trình thực tiễn lịch sử lâu dài và nhất quán với luật quốc tế, bao gồm Hiến chương LHQ và Công ước luật biển 1982”.
Trung Quốc khẳng định “không có tranh chấp lãnh thổ giữa Trung Quốc và Indonesia trong Biển Đông”. Thế nhưng, họ cho rằng “Trung Quốc và Indonesia có các yêu sách chồng lấn về quyền và lợi ích biển tại một số phần ở Biển Đông”. Vì vậy, Trung Quốc tỏ ra hào phóng  đề xuất “mong muốn giải quyết các yêu sách chồng lấn này thông qua thương lượng và hòa giải với Indonesia, và sẽ làm việc với Indonesia để duy trì hòa bình và ổn định ở Biển Đông”. Trung Quốc cũng không quên nhắc lại lập trường “ba không” đối với Tòa trọng tài 2016 cho rằng Tòa đã vượt quá thẩm quyền (ultra vires) và Trung Quốc không chấp nhận phán quyết.
Công hàm của Trung Quốc thực sự gây choáng váng cho Indonesia cũng như các nhà nghiên cứu còn bán tín bán nghi về ý định của Trung Quốc. Văn bản này lần đầu tiên chính thức xác nhận quan điểm của Trung Quốc coi Indonesia là một bên tranh chấp vùng biển ở Biển Đông. 
Trong khi vẫn duy trì yêu sách đường 9 đoạn, Trung Quốc đã tìm cách kết hợp các vùng biển quy định trong Công ước Luật biển vào khái niệm Nam hải chư đảo. Khái niệm này có thể được giải thích là các quần đảo ở Biển Đông bao gồm Tây Sa (Hoàng Sa của Việt Nam), Đông Sa, Trung Sa và Nam Sa (Trường Sa của Việt Nam). Trung Quốc có thể yêu sách vẽ đường cơ sở quần đảo bất hợp pháp cho các quần đảo này (như đã làm với Hoàng Sa năm 1996) và từ đó đòi hỏi vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa.
Tuyên bố của Trung Quốc bản tiếng Anh sử dụng Nam Hải chư đảo có vùng nước nội thủy, lãnh hải, tiếp giáp lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa ở số ít chứ không phải số nhiều. Điều đó không loại trừ khả năng Trung Quốc coi toàn bộ Nam Hải chư đảo là một thực thể để mở rộng vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa từ đường cơ sở xác định không phù hợp với Công ước Luật biển. Dù theo cách giải thích nào thì vùng biển mà Trung Quốc yêu sách sẽ mở rộng lớn hơn cả từ đường 9 đoạn và “chồng lấn” vùng diện tích đáng kể với Indonesia.
Indonesia tỉnh táo phản pháo Trung Quốc về vấn đề Biển Đông
Ảnh: Reuters
Trước tuyên bố này, Trung Quốc đã cho tàu cá xâm nhập vào vùng nước Natura, gây cớ cho tàu hải giám xuất hiện trong vùng biển này. Bằng cách này Trung Quốc đang tiến hành “biến vùng không tranh chấp thành vùng có tranh chấp”.
Đáp trả chính đáng của Indonesia
Không có gì ngạc nhiên khi Indonesia lập tức đáp trả để bảo vệ quyền lợi chính đáng mà Công ước Luật biển mang lại cho họ. Công hàm ngày 12/6 mới đây nhắc lại hai luận điểm trước của công hàm 26/5:
1, Không thực thể nào tại quần đảo Trường Sa có danh nghĩa vùng đặc quyền kinh tế hoặc thềm lục địa và vì vậy không thực thể nào sẽ tạo ra danh nghĩa chồng lấn biển với vùng đặc quyền kinh tế hoặc thềm lục địa của Indonesia.
2, Không có quyền lịch sử nào tồn tại trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Indonesia đối với CHND Trung Hoa. Nếu bất kỳ một quyền lịch sử nào tồn tại trước khi Công ước Luật biển có hiệu lực thì các quyền này đã bị thay thế bởi Công ước Luật biển 1982. Về nội dung phản đối không có gì khác nhưng lời lẽ của Indonesia sử dụng mạnh mẽ và nhấn mạnh không có các yêu sách chồng lấn nào với Trung Quốc khi không một thực thể nào tại Trường Sa có danh nghĩa vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa. Như vậy Indonesia khẳng định họ không phải là bên tranh chấp lãnh thổ cũng không phải là bên tranh biển trong Biển Đông.
Điểm mới nữa trong Công hàm này là Indonesia cho rằng: “Không có lý do pháp lý chính đáng nào theo luật quốc tế, đặc biệt là Công ước Luật biển 1982, để tiến hành đàm phán phân định ranh giới biển với CHND Trung Hoa hoặc về bất kỳ vấn đề nào về các yêu sách quyền và lợi ích biển đưa ra trái ngược với luật quốc tế”.
Indonesia đã tỉnh táo để không mắc mưu Trung Quốc. Ranh giới các vùng biển của Indonesia được xác định từ đường cơ sở quần đảo được luật quốc tế thừa nhận trong khi yêu sách quần đảo của Trung Quốc là yêu sách đơn phương, không dựa trên luật quốc tế, đặc biệt là Công ước Luật biển 1982. Ở đây không phải là chuyện đàm phán hàng đổi hàng mà là không có gì đổi lấy hàng.
Vụ việc buộc các nước xung quanh Biển Đông phải cảnh giác. Bất kỳ nước nào không có hành động phản ứng quyết liệt từ đầu một ngày nào đó sẽ trở thành nạn nhân. Indonesia, nước không có tranh chấp trên Biển Đông đã trở thành nước thứ hai trong Đông Nam Á có tuyên bố chính thức ủng hộ Phán quyết trọng tài 2016.
Sự tham gia của Indonesia trong cuộc chiến công hàm của Philiippines, Malaysia và Việt Nam sẽ khích lệ các nước ASEAN khác sớm tạo nên một lập trường nhất quán sử dụng Công ước Luật biển 1982 như công cụ pháp lý duy nhất, toàn diện và chặt chẽ để xác định các vùng biển và giải quyết các tranh chấp biển vì hòa bình, ổn định và phát triển của khu vực.