Các cố vấn chính phủ và cựu quan chức Trung Quốc cảnh báo Bắc Kinh phải nhanh chóng sẵn sàng cho tình huống chiến tranh bùng phát trên bán đảo Triều Tiên.
Xung đột bán đảo có thể bùng phát bất cứ lúc nào
Các cố vấn Trung Quốc cho rằng Bắc Kinh đang mất dần kiểm soát với tình hình bán đảo.
Ông Thời Ân Hoằng, giáo sư ngành quan hệ quốc tế ở Đại học nhân dân Trung Quốc, cố vấn Quốc vụ viện Trung Quốc, nhận xét "các điều kiện trên bán đảo Triều Tiên hiện nay khiến rủi ro chiến tranh trở nên lớn nhất trong vài thập kỷ qua".
Ông Thời cho rằng tổng thống Mỹ Donald Trump và lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un bị kẹt trong vòng bế tắc đe dọa và chỉ trích lẫn nhau, và đã quá muộn để Trung Quốc tạo ra khác biệt. Ở trường hợp tốt nhất, Bắc Kinh chỉ có thể ngăn một cuộc xung đột toàn diện nổ ra.
"Triều Tiên là một 'quả bom nổ chậm'," ông Thời nói bên lề một hội nghị ở Bắc Kinh hôm 16/12 về khủng hoảng hạt nhân bán đảo. "Chúng ta chỉ có thể trì hoãn nó phát nổ và hy vọng khoảng thời gian trì hoãn đó sẽ đưa tới cơ hội tháo gỡ ngòi nổ".
Cũng tham dự hội nghị trên, tướng Vương Hồng Quang, cựu Phó tư lệnh Quân khu Nam Kinh, Trung Quốc, cảnh báo chiến tranh có thể nổ ra trên bán đảo Triều Tiên vào bất kỳ thời điểm nào.
"Chiến tranh bán đảo Triều Tiên có thể bùng nổ bất cứ lúc nào, có thể là trước tháng 3 năm sau, cũng có thể là ngay đêm nay!" ông nói, đề cập thời điểm tháng 3/2018 khi quân đội Mỹ-Hàn Quốc tổ chức các cuộc tập trận chung thường niên.
"Cách đây vài ngày Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson nói Mỹ sẵn sàng đàm phán không điều kiện với Triều Tiên, nhưng chưa đến một ngày sau thông tin đã bị Nhà Trắng bác bỏ. Tôi cho rằng Mỹ đang thực hiện theo lối 'cây gậy và củ cà rốt', nhưng chính sách của ông Trump với Triều Tiên không thay đổi".
Theo ông Vương, Trung Quốc cần chuẩn bị cho tình huống chiến tranh bùng phát, và thực thi động viên phòng thủ ở vùng Đông Bắc nước này, khu vực giáp với Triều Tiên. Ông cho rằng khi chiến tranh xảy ra, Hàn Quốc là bên thiệt hại lớn nhất, tiếp đó là Trung Quốc, đặc biệt là rủi ro về ô nhiễm phóng xạ và động đất do nổ hạt nhân.
"Đây là giai đoạn rất nguy hiểm," ông nói.
Học giả Dương Hy Vũ, chuyên gia ở Viện nghiên cứu quốc tế (Trung Quốc), liên kết với Bộ ngoại giao Trung Quốc, đánh giá các điều kiện ở bán đảo ở vào mức nguy hiểm nhất trong nửa thế kỷ qua.
"Bất kể là chiến tranh hay hòa bình [trên bán đảo] thì tiếc là Trung Quốc không thể kiểm soát, áp đặt hay thậm chí có tiếng nói trong vấn đề này," ông Dương cho hay, nói thêm rằng Bắc Kinh cần sẵn sàng cho trường hợp xấu nhất.
Trung Quốc cần sẵn sàng cho cuộc chiến
Hồi tuần trước, tờ Jilin Daily của chính quyền tỉnh Cát Lâm, Trung Quốc, đã ấn hành một bài báo lớn hướng dẫn cư dân cách phản ứng trước một vụ tấn công hạt nhân.
Tướng Vương Hồng Quang gọi bài viết này là "tín hiệu để Trung Quốc chuẩn bị cho cuộc chiến đang tới". Ông nói Bắc Kinh lo ngại các vụ thử hạt nhân thường xuyên của Bình Nhưỡng sẽ gây bất ổn cho cấu trúc địa chính trị khu vực.
Giáo sư Zhu Feng của Đại học Nam Kinh, Trung Quốc cũng khuyên chính phủ Trung Quốc chuẩn bị cả về tâm lý và thực tế cho "một thảm họa xung đột hạt nhân".
"Điều Trung Quốc cần là cảm giác nguy cơ về việc suy giảm ảnh hưởng trong chiến lược liên quan tới bán đảo, và hệ quả mang lại là hạ thấp vai trò và vị thế của Trung Quốc trong các vấn đề an ninh ở Đông Á," ông Zhu bình luận.
Ông Zhu Feng cũng gọi việc lãnh đạo Kim Jong Un không tiếp kiến ông Tống Đào - Trưởng ban liên lạc đối ngoại trung ương đảng Cộng sản Trung Quốc, đặc phái viên của chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, khi ông Tống công du Triều Tiên hồi tháng 11, là sự mất mặt đối với Bắc Kinh.
Học giả Thời Ân Hoằng cho rằng, hy vọng hòa bình cho bán đảo không thể chỉ đặt vào ông Trump và ông Kim Jong Un, mà Nga cùng Trung Quốc phải hợp tác với nhau để phản đối chiến tranh.
Trong cuộc gặp hồi giữa tuần với tổng thống Hàn Quốc Moon Jae In tới thăm Bắc Kinh, ông Tập Cận Bình cũng tuyên bố chiến tranh trên bán đảo là điều "không thể chấp nhận".
http://soha.vn/tuong-tq-ban-dao-trieu-tien-co-the-khai-chien-dem-nay-bac-kinh-can-dong-vien-chien-tranh-20171217104245122.htm
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét