Thứ Hai, 11 tháng 12, 2017

Kalibr Nga lật nhào "chính sách pháo hạm tên lửa" Mỹ



Sự xuất hiện của các tên lửa hành trình Kalibr tiên tiến hơn của Nga trên vũ đài chính trị-quân sự thế giới đã tước bỏ sự độc quyền của Mỹ về “chính sách pháo hạm tên lửa”. Điều đặc biệt quan trọng là tên lửa Kalibr Nga ưu việt hơn nhiều so với Tomahawk của Mỹ.
Chiến hạm Nga phóng tên lửa KalibrChiến hạm Nga phóng tên lửa Kalibr
Tên lửa hành trình hiếm khi tự nó có ảnh hưởng đến chính trị lớn và không bao giờ làm được điều đó nếu không có màn trình diễn ấn tượng. Tomahawk đã là vũ khí như vậy đầu tiên khi chính nó đã biến thành biểu tượng của Chiến tranh Vùng Vịnh năm 1991 và đã quyết định trong một thời gian dài cán cân sợ hãi và hy vọng của các kẻ thù và đồng minh của Mỹ trên toàn thế giới.
Sự xuất hiện của các tên lửa hành trình Kalibr tiên tiến hơn của Nga trên vũ đài chính trị-quân sự thế giới đã tước bỏ sự độc quyền của Mỹ về “chính sách pháo hạm tên lửa”.
Nguồn gốc hạt nhân của Kalibr
Các tên lửa họ Kalibr (anaga.ru)
Không như nhiều người nghĩ, Kalibr hoàn toàn không phải là tên lửa hành trình đầu tiên của Nga từng làm thay đổi cán cân sức mạnh thế giới chỉ bằng sự tồn tại của mình. Trên thực tế, phương tiện đầu tiên đó đã xuất hiện gần như ngay lập tức sau khi Mỹ đưa tên lửa hành trình Tomahawk vào trang bị.
Có truyền thuyết nói rằng, độ rộng đường sắt đã được quyết định bởi kích thước xe ngựa. Và nếu như điều đó không hoàn toàn là như thế đối với đường sắt thì với Kalibr và Tomahawk thì câu chuyện đúng là như thế. Năm 1931, hạm đội Mỹ đã nhận vào trang bị ngư lôi cỡ 533 mm dành cho tàu ngầm. Truyền thống đã mạnh đến nối Tomahawk được chế tạo sau đó 1/3 thế kỷ cũng có kích thước giống như cáp-xun dành cho ngư lôi hồi đầu thập niên 1930.
Chiều dài ống phóng lôi thiết kế trong thập kỷ 1920 khá khiêm tốn, chỉ là 6,25 m. Tên lửa với kích thước đó không thể đủ nhanh, mạnh và có thể bay theo quỹ đạo đường đạn cao. Bởi vậy, người ta đã buộc phải chế tạo tên lửa có tốc độ dưới âm (để tầm bắn tăng lên) và bay thấp để đột phá ở độ cao nhỏ và bằng đội hình tốp lớn. Khi Liên Xô vào năm 1975-1983, buộc phải có sự đáp trả đối với Tomahawk - đó là tên lửa hành trình Granat, thì các công trình sư Liên Xô đã có trong tay một con bài quan trọng. Các ống phóng lôi Liên Xô có chiều dài 8 m, có nghĩa là có thể chế tạo tên lửa có chiều dài lớn hơn.
Nhưng Granat đã không gặp may. Năm 1989-1991, do những thỏa thuận mới giữa Liên Xô và Mỹ, tất cả các tên lửa hành trình mang đầu đạn hạt nhân đã buộc phải loại bỏ và đưa lên bờ. Sự giải giáp tức thời của phía Liên Xô về mặt này thực chất là đơn phương. Tomahawk ngay từ đầu đã được phát triển làm vũ khí dành cho Thế chiến III, cũng như để tấn công bằng đầu đạn phi hạt nhân trong chiến tranh thông thường.
Còn các phần chiến đấu phi hạt nhân thì người ta đơn giản là không định lắp lên tên lửa Granat. Đó là vì trong những năm 1960, Liên Xô đã thực hiện một công trình nghiên cứu cho thấy tính ưu việt của các “các cuộc tấn công đón chặn” nhằm vào các phương tiện chống tên lửa của địch. Để ngăn không cho bắn hạ các tên lửa hành trình mang đầu đạn hạt nhân, một phần các tên lửa đó có thể đưa lên phía trước và cho thực hiện các vụ nổ hạt nhân đón chặn trên hành lang di chuyển. Các tên lửa chống tên lửa/phòng không của địch khi đó sẽ bị “quét sạch” khỏi hành lang này.
Có nghĩa là làn sóng chính của các tên lửa hành trình hạt nhân Liên Xô sẽ tấn công các mục tiêu mà không gặp sự kháng cự. Trong sơ đồ đó, việc sử dụng đầu đạn thông thường có khả năng làm giảm hiệu quả của tên lửa. Việc sử dụng các tên lửa đó chống lại một cường quốc hạt nhân có lực lượng phòng không mạnh là vô nghĩa. Còn sử dụng tên lửa hành trình chống các nước kiểu như Libya và Iraq thì khác với Mỹ, Liên Xô không tính đến.
Kalibr - cái khó ló cái khôn 
Năm 1991, thế giới đã thay đổi. Công nghiệp quốc phòng Nga cần phải sống sót, vì thế trên cơ sở tên lửa Granat và các kết quả nghiên cứu mới, các công trình sư Nga đã chế tạo ra tên lửa mà sau này gọi là Club 3M-14E. Đây là biến thể xuất khẩu, có chiều dài rút ngắn để vừa với các ống phóng lôi ngắn tiêu chuẩn NATO. Để đáp ứng quy định của những điều ước quốc tế về xuất khẩu vũ khí tên lửa, tầm bắn của tên lửa bị hạn chế ở mức 300 km.
Trong thời buổi khó khăn khi mà Bộ Quốc phòng Nga không quan tâm đến vũ khí công nghệ cao mới, hy vọng xuất khẩu đã tiếp thêm nguồn lực nuôi dưỡng các nghiên cứu mới. Tất cả những nghiên cứu mới đó đều rất hữu ích vào đầu thế kỷ XXI khi mà người ta hiểu ra là hợp tác Nga-NATO phát triển hoàn toàn không như những nhà dân chủ non trẻ lên nắm quyền vào năm 1991 dự tính.
Tên lửa hành trình chống hạm 3M54E (wikipedia.org/Allocer) trong họ Kalibr
Từ năm 2004, phía Nga để phản ứng với các hành động của Mỹ đã tuyên bố không coi mình bị ràng buộc hơn nữa với cam kết cất giữ trên bờ các đầu đạn hạt nhân dành cho tên lửa hành trình. Nga cũng bắt đầu nhanh chóng nghiên cứu, thử nghiệm tên lửa mới có kích thước như tên lửa Granat trước đây, nhưng có sử dụng những công nghệ mới đã được thử thách trên biến thể rút ngắn xuất khẩu.
Tên lửa Kalibr tương lai được trang bị cơ sở linh kiện cho các hệ dẫn hoàn toàn mới. Tên lửa sử dụng hệ dẫn quán tính, đầu tự dẫn radar hiệu chỉnh đường bay giai đoạn cuối để bắn chính xác vào mục tiêu. Tên lửa cũng có cả thiết bị thu tín hiệu định vị vệ tinh GLONASS. Những cải tiến đã làm giảm mạnh sai số vòng tròn xác xuất của tên lửa mới.
Và mặc dù con số sai số chính xác không được tiết lộ (đây là thông tin mật) thì trong các cuộc tập trận, theo khẳng định của các quan chức Hải quân Nga, người ta đã đưa được tên lửa vào phạm vi 5 m cách mục tiêu. Nhờ đó, ngay cả ở biến thể mang đầu đạn thông thường 450 kg, Kalibr vẫn là một địch thủ nguy hiểm.
Một tên lửa tầm bắn 300 km đã thay đổi cán cân sức mạnh chiến lược 
Nhiều người còn nhớ lần phóng đầu tiên các tên lửa Kalibr vào ngày 7/10/2015 đã gây bất ngờ thế nào đối với công chúng. Con số về tầm bắn của các tên lửa này được báo chí nhìn chung xác định là 300 km, nhưng chúng đã bay từ biển Caspie đến Syria xa hơn 5 lần là 1.500 km, hơn nữa là bay qua bề mặt địa hình phức tạp của Iran và một phần Iraq.
Đặc biệt là cả hai nước này đều đã nhanh chóng nhất trí cho tên lửa Nga bay qua. Cần nhớ rằng, khi Mỹ tấn công các nước mục tiêu thì họ đã chẳng thèm xin phép ai mặc dù để bay đến Afghanistan, tên lửa Tomahawk của họ đã phải bay “quá cảnh” qua lãnh thổ các quốc gia có chủ quyền.
Tàu chiến Nga phóng tên lửa Kalibr vào Syria (RIA/BQP Nga)
Theo thông lệ quốc tế, khi cho máy bay quân sự của mình bay qua không phận các nước khác, cần phải có sự cho phép để chúng bay qua. Năm 2015, Nga đã tạo một tiền lệ mới. Lần đầu tiên trên thế giới, các tên lửa hành trình chứ không phải là máy bay đã bay qua các nước không tham chiến với sự thỏa thuận với họ. Một số tên lửa Kalibr bay cao trên trời hoàn toàn có khả năng đã bay qua mà không có sự cảnh báo và thậm chí phòng không Iran và Iraq cũng không trông thấy. Các tên lửa Nga đã mở ra một trang mới trong điều tiết không phận quốc tế.
Trở lại với tầm bắn của Kalibr. Làm sao 300 km lại biến thành 1.500 km?  Vấn đề là ở chỗ khi phát triển Kalibr, người Nga đã quyết định chế tạo nó không phải thành một hệ thống chuyên ngành hẹp dùng để tấn công hạt nhân toàn cầu (như tên lửa hành trình Granat), mà là một công cụ kiểu module linh hoạt. Biến thể hải quân của tên lửa Kalibr có tầm bắn đến 500 km (với phần chiến đấu thông thường, tầm bắn phỏng đoán là 375 km). Đồng thời, ở giai đoạn bay cuối, nhờ tầng tăng tốc bổ sung, tên lửa có thể bay ở tốc độ siêu âm đến 2,7-2,9M.
Theo Tư lệnh Hạm đội Biển Đen của Nga, ở cấu hình chống hạm siêu âm như thế, Kalibr có thể kiểm soát một diện tích đến 800.000 km² (S=πR², trong đó R = 500 km). Điều đó không phải là ít vì từ bờ Biển Đen của Nga, nó có thể đe dọa các tàu chiến của NATO đi qua eo biển Bosphorus vào Biển Đen.
Tuy nhiên, tháng 10/2016, các tàu chiến của Phân hạm đội Caspie đã sử dụng biến thể Kalibr tấn công mặt đất. Tên lửa này không còn chế độ vọt tốc siêu âm ở đoạn cuối hành trình (và không còn tầng tăng tốc bảo đảm chế độ đó) bởi vì phòng không của các mục tiêu mặt đất yếu hơn phòng không của cụm tàu sân bay vốn là mục tiêu chủ yếu của tên lửa chống hạm Kalibr. Nhờ không có giai đoạn vọt tốc mà tầng hành trình của biến thể Kalibr tấn công mặt đất có nhiều nhiên liệu hơn. Bởi vậy, nó có thể bay xa 1.500 km với phần chiến đấu nổ phá 450 kg, và 2.600 km với phần chiến đấu hạt nhân nhẹ hơn. Khi mang đầu đạn hạt nhân, thì bất kể phương tiện mang phóng là tàu nổi hay tàu ngầm thì tên lửa vẫn đưa vào tầm ngắm hơn 5 triệu km2 mặt đất.
Đợt phóng tên lửa năm 2016 đã lần đầu tiên cho công chúng thấy rằng, với các tên lửa kalibr, cán cân sức mạnh đã thay đổi không thể đảo ngược ở bờ biển Nga mà cả trên toàn Cận Đông, hơn nữa là về thực chất là trên toàn thế giới. Ai cũng có thể cầm lấy chiếc thước và hiểu rằng, các pháo hạm của Nga với lượng giãn nước dưới 1.000 tấn từ biển Caspie bằng các tên lửa của mình có thể với tới từ Trung Quốc đến Italia và từ Saudi Arabia đến thủ đô nước Đức. Nhưng các phương tiện mang Kalibr đâu chỉ có ở biển Caspie.
Phá thế độc quyền
Dĩ nhiên là Mỹ trước đợt phóng đáng nhớ ấy đã biết đến sự tồn tại của những tên lửa đó của Nga - ngay từ năm 2012, khi Kalibr được nhận vào trang bị. Giới quân sự Nga hồi đó đã tiết lộ trung thực tầm bắn thực sự của chúng. Cũng giống như với Tomahawk, biết đến nó là một chuyện, còn nhìn thấy nó trong thực tế lại là chuyện hoàn toàn khác. Người Mỹ từ năm 1991 đã thiết lập sự độc quyền về ngoại giao pháo hạm tên lửa-hạt nhân - những chiếc tàu nhỏ có khả năng lập tức đặt trong tầm ngắm hàng triệu km2.
Điều đó đã cho phép chúng thực hiện các đòn tấn công ẩn danh vào các đất nước hòa bình mà không chịu tổn hại gì. Ví dụ, năm 2009, Mỹ đã hai lần tấn công Yemen bằng Tomahawk mà không hề tuyên chiến. Khi mà phát hiện ra là với độ chính xác và ân sủng đặc trưng cho nước Mỹ, họ đã giết hơn 20 trẻ em, 14 phụ nữ và chỉ có 6 đàn ông thì giới chức ngoại giao quân sự Mỹ mới không còn xác nhận cuộc tấn công đó là do Mỹ tiến hành. Chỉ đến năm 2011, nhờ có tiết lộ của Wikileaks mà người ta mới biết rằng đó chính là những quả Tomahawk của Mỹ.
Tàu chiến Mỹ phóng Tomahawk (REUTERS/Jonathan Sunderman/U.S. Navy)
Khi trình diễn công khai tên lửa Kalibr, Nga đã phá hủy sự độc quyền này. Điều đặc biệt quan trọng là tên lửa mới ưu việt hơn nhiều Tomahawk. Hình ảnh video các lần phóng Kalibr được quân đội Nga đăng tải không phải tình cờ. Trên đoạn video, các tàu tên lửa nhỏ đã bắn hết các tên lửa của mình trong mấy giây. Đây là sự trình diễn thuyết phục sự ưu việt đối với Tomahawk”. Thậm chí các tàu chiến lớn của Mỹ mang hàng chục tên lửa hành trình thì tốc độ bắn tên lửa thực tế cũng là 20-30 phút một quả. Chính với tốc độ đó, Hải quân Mỹ đã phóng Tomahawk tấn công lãnh thổ Syria vào năm 2014.
Bốn tàu chiến của Phân hạm đội Caspie trên video clip này trong một lúc đã phóng đi số tên lửa mà 4 tàu khu trục tên lửa cỡ lớn của Hải quân Mỹ không thể bắn đi trong cùng một khoảng thời gian. Hơn nữa, mỗi tàu trong 4 tàu khu trục này có giá hơn toàn bộ Phân hạm đội Caspie của Nga. Không cần phải giải thích tốc độ bắn có tầm quan trọng như thế nào trong một cuộc xung đột quân sự thực sự.
Tầm bắn vượt trội, cũng như chế độ vọt tốc trước khi tấn công ở tốc độ siêu âm vốn không có ở Tomahawk cũng có tầm quan trọng không kém. Các biến thể Tomahawk hiện có (Block IV) không thể tiêu diệt mục tiêu ở tầm quá 1.600 km. Và ngay để đạt tầm bắn đó thì các kỹ sư Mỹ cũng đã buộc phải giảm nhẹ phần chiến đấu xuống còn 340 kg, so với 450 kg ở Kalibr, và như vậy Kalibr còn có uy lực mạnh hơn đối thủ. Bởi vậy, nếu như một tàu chiến Nga có lượng giãn nước 900 tấn có thể với tới các căn cứ Mỹ ở các nước Vùng Vịnh Persique bằng tên lửa thì các tàu Mỹ dù là lớn hơn 15-20 lần cũng không thể đáp trả tương xứng đối với Nga cũng từ Vịnh Persique.
Tomahawk bị bắn rơi ở Serbia (wikimedia.org/Marko M)
Bức ảnh trên từ một bảo tàng Serbia cho thấy, các tên lửa dưới âm Tomahawk có thể bị bất cứ lực lượng phòng không tương đối mạnh nào bắn hạ (thậm chí cả phòng không Nam Tư vốn được trang bị các hệ thống có từ thời Liên Xô).
Trong trường hợp xảy ra xung đột ở các vùng biển xung quanh Nga, mọi ưu thế cũng ở phía các tên lửa Nga. Bởi lẽ tất cả các tên lửa chống hạm hiện có của Mỹ là Harpoon vốn được chế tạo từ những năm 1970. Phần chiến đấu của nó nhẹ hơn 2 lần so với phương án đầu đạn nặng của Kalibr, còn tầm bắn thì không vượt quá 220 km. Trong cuộc đấu tên lửa tay đôi, các tàu chiến Mỹ đơn giản là không thể có gì để đối kháng với hạm đội Nga.
Tại sao điều đó lại xảy ra? Đúng là những người chế tạo ra Tomahawk đã biến thể chống hạm có uy lực mạnh hơn và tầm bắn xa hơn nhiều Harpoon. Tuy vậy, sau năm 1991, giới tinh hoa nước Mỹ đã vứt Nga khỏi bàn tính vì cho rằng Nga đã biến mất khỏi vũ đài thế giới với tư cách một thế lực độc lập. Sự lầm lẫn này ngay cả hiện nay vẫn khá phổ biến ở bên kia đại dương: chúng ta chỉ cần nhớ đến những lời nói của ông Obama về cái gọi là “cường quốc khu vực”. Bởi vậy, Hải quân Mỹ bình thản loại khỏi trang bị các tên lửa Tomahawk chống hạm. Họ chỉ còn các biến thể dùng để tấn công những quốc gia yếu ớt nhất, không có hạm đội và không thể đánh trả.
Bởi vậy, cuộc đấu tay đôi thậm chí giữa một tàu khu trục to của Mỹ và một tàu Buyan tí hon của Nga trong những năm tới cũng gần như không thể xảy ra. Sự khinh miệt của phương Tây đối với năng lực của những nước khác như đã từng xảy ra trong thập niên 1940 một lần nữa lại có lợi cho nước Nga. Dĩ nhiên là hiện giờ Mỹ đang ráo riết sửa chữa sai lầm của mình, nhưng họ sẽ mất nhiều năm cho việc đó. Lần đầu tiên trong lịch sử “ngoại giao pháo hạm Hoa Kỳ”, những lý lẽ của nó vang lên kém thuyết phục hơn so với các đối thủ. Có lẽ điều đó sẽ tạm thời giải thoát chúng ta khỏi những lần trình diễn mới của Tomahawk trên các nước mục tiêu tiếp theo.
http://viettimes.vn/kalibr-nga-lat-nhao-chinh-sach-phao-ham-ten-lua-my-149441.html

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét