Theo tạp chí Mỹ, nhiều nước láng giềng biển của Trung Quốc trên thực tế đã triển khai các khả năng A2/AD vốn có thể ngăn chặn Trung Quốc.
Điều Mỹ lo ngại
Trang War on the rocks của Mỹ cho rằng trong 70 năm, quân đội Mỹ đã thống trị các vùng biển và vùng trời ở Đông Á, tận hưởng quyền tự do đi lại gần như tuyệt đối và khả năng ngăn cản quyền tự do đó của kẻ địch.
Tuy nhiên, hiện tại Trung Quốc đã có được tên lửa tiên tiến và phương tiện phóng có khả năng tiêu diệt tàu, máy bay và căn cứ của Mỹ trong vòng 500 dặm từ lãnh thổ Trung Quốc, cũng như phá hoại các mạng lưới vệ tinh và máy tính vốn làm cơ sở cho sức mạnh quân sự của Mỹ trên khắp Đông Á.
Giới phân tích Mỹ lo sợ Trung Quốc có thể sử dụng các khả năng chống tiếp cận/ngăn chặn xâm nhập khu vực (A2/AD) để ngăn cản quân đội Mỹ trong khi thực thi các tuyên bố chủ quyền bành trướng trong khu vực.
Nếu không bị kiểm soát, Trung Quốc cuối cùng sẽ trở thành một bá quyền của Đông Á và bắt đầu triển khai sức mạnh quân sự sang các khu vực khác, trong đó có Tây bán cầu.
Câu hỏi được đặt ra là Mỹ nên phản ứng với các khả năng A2/AD của Trung Quốc như thế nào? Một lựa chọn sẽ là sẵn sàng chuẩn bị tiêu diệt các lực lượng tấn công của Trung Quốc ngay đầu một cuộc xung đột.
Lựa chọn khác sẽ là từ bỏ bằng cách rút các lực lượng Mỹ khỏi Đông Á, bãi bỏ các liên minh của Mỹ trong khu vực và trao cho Trung Quốc một khu vực ảnh hưởng.
Theo tạp chí Mỹ, cả hai lựa chọn này đều có hạn chế. Việc chuẩn bị cho những cuộc tấn công chặn trước nhằm vào các lực lượng A2/AD của Trung Quốc sẽ không chỉ tốn kém, mà còn có thể làm tăng nguy cơ chiến tranh bằng cách khuyến khích Mỹ và Trung Quốc nổ súng trước trong một cuộc khủng hoảng.
Trong khi đó, việc rút lui không chỉ làm giảm tầm ảnh hưởng của Mỹ ở Đông Á, mà còn có thể khuyến khích Trung Quốc tìm cách chinh phục nhiều phần của khu vực này.
Lựa chọn thứ ba có thể là chiến lược “ngăn chặn tích cực”, một mức trung bình giữa sẵn sàng và từ bỏ.
Theo chiến lược này, Mỹ sẽ từ bỏ những nỗ lực chỉ huy vùng biển Đông Á ngay lập tức và thay vào đó, tập trung giúp đỡ các nước trong khu vực ngăn cản Trung Quốc kiểm soát biển và bầu trời.
Trong thời bình, Mỹ sẽ giúp đỡ các lực lượng A2/AD của các nước láng giềng của Trung Quốc bằng cách cung cấp cho họ viện trợ và vũ khí.
Trong thời chiến, quân đội Mỹ sẽ hỗ trợ các nước láng giềng của Trung Quốc bằng cách cung cấp tin tức tình báo, hậu cần và nếu cần thiết, các cuộc không kích và tấn công tên lửa hạn chế vào những lực lượng Trung Quốc hoạt động bên ngoài bờ biển Trung Quốc.
Chiến lược này duy trì sự răn đe bằng cách ngăn chặn khả năng Trung Quốc giành chiến thắng quân sự quyết định trong khi nâng cao sự ổn định khủng hoảng bằng cách bảo đảm với Trung Quốc rằng nước này sẽ không phải chịu tấn công ồ ạt vào lãnh thổ đất liền của mình ngay ngày đầu của một cuộc chiến.
Điểm yếu tiềm tàng của chiến lược này là nó đòi hỏi các nước láng giềng của Trung Quốc phải giữ vững trận tuyến chống sự bành trướng của Trung Quốc trong những khoảng thời gian kéo dài và có lẽ là không hạn định.
Không dễ bắt nạt
Theo tạp chí Mỹ, nhiều nước láng giềng biển của Trung Quốc trên thực tế đã triển khai các khả năng A2/AD vốn có thể ngăn chặn Trung Quốc kiểm soát biển và bầu trời một cách khả thi trên khắp các vùng biển gần của nước này.
Hơn nữa, Trung Quốc không thể có khả năng triển khai sức mạnh cần thiết để vượt qua những lực lượng A2/AD này, vì các lực lượng triển khai sức mạnh tốn kém hơn các lực lượng A2/AD, nền kinh tế Trung Quốc đang mất đà và tích lũy nợ khổng lồ, và các hoạt động an ninh nội địa đòi hỏi một nguồn lực quân sự rất lớn của Trung Quốc.
Từ luận điểm này, giới phân tích Mỹ cho rằng trong tương lai gần, Trung Quốc khó có khả năng vẽ lại bản đồ Đông Á bằng vũ lực – chừng nào các nước láng giềng vẫn sẵn sàng sử dụng các lực lượng A2/AD của mình và tiếp tục nhận được sự hỗ trợ của Mỹ.
Lật lại lịch sử, giới phân tích Mỹ đã chỉ ra những hạn chế đối với tham vọng của Trung Quốc, nhất là về hải quân.
Theo đó, chỉ 2 nước trong lịch sử hiện đại từng thiết lập thế bá quyền hàng hải trong khu vực: Mỹ từ những năm 1890 đến nay và Nhật Bản trong những năm 1930 và đầu thập niên 40 của thế kỷ 20.
Cả 2 trường hợp đều cho thấy rằng Trung Quốc sẽ cần 2 điều để thực thi phiên bản học thuyết Monroe của riêng mình ở Đông Á: hiện diện quân sự trên các bờ biển xung quanh biển Hoa Đông và Biển Đông, và độc quyền sức mạnh hải quân trong khu vực.
Tuy nhiên, Trung Quốc còn cách rất xa nữa mới đạt được 1 trong 2 mục tiêu này.
Mỹ và Nhật Bản trước đây đã kiểm soát các vùng biển gần bằng cách giữ các vùng đất xung quanh, đặt các căn cứ quân sự bên bờ biển và ngăn các nước láng giềng xây dựng lực lượng hải quân độc lập.
Trung Quốc hiện nay không có triển vọng kiểm soát các bờ biển ở Đông Á. Các nước láng giềng ven biển của Trung Quốc có mật độ dân số cao và sở hữu các quân đội hiện đại, và rất khó để thực hiện xâm lược đổ bộ, nếu không muốn nói là không thể, trong thời buổi vũ khí điều khiển chính xác.
Mỹ và Nhật Bản đã xây dựng và duy trì một sự độc quyền sức mạnh hải quân, chiếm 80% đến 99% trọng tải hải quân trong khu vực tương ứng của họ.
Ngày nay, hải quân Trung Quốc chiếm chưa đến 30% trọng tải hải quân của châu Á, và các nước châu Á có tranh cãi về tuyên bố chủ quyền trên biển với Trung Quốc cộng lại đạt ngang bằng mức Trung Quốc mua sắm tàu ngầm, tàu nổi, máy bay và tàu tuần duyên cảnh sát biển hiện đại trong 2 thập kỷ qua.
Giới phân tích Mỹ cho rằng, hải quân Trung Quốc có thể hùng mạnh nhất châu Á, nhưng Trung Quốc lại bất lợi về khoảng cách tới những khu vực tranh chấp chủ quyền.
Trong hầu hết kịch bản chiến tranh, các lực lượng không quân và hải quân Trung Quốc sẽ cần phải di chuyển qua lại giữa các chiến trường và căn cứ trên Đại lục, một quãng đường đi lại sẽ hạn chế nghiêm trọng số lượng phương tiện quân sự mà Trung Quốc có thể duy trì trên chiến trường. Trong khi các nước láng giềng của Trung Quốc có thể tác chiến từ các căn cứ trong nước liền kề tới chiến trường và do đó có sẵn vũ khí đạn dược đầy đủ
Nhiều trong số các nước láng giềng của Trung Quốc đã tận dụng những lợi thế địa lý này để phát triển các khả năng A2/AD bao gồm các dàn tên lửa đặt trên bờ biển, tàu ngầm tấn công chạy bằng diesel, nhiều tàu chiến nổi nhỏ và máy bay chiến đấu được vũ trang tên lửa chống tàu và ngư lôi.
Ví dụ ở biển Hoa Đông, Nhật Bản vẫn tiếp tục là một lực lượng đáng gờm. Nhật Bản đã tuyên bố kế hoạch nối một tuyến dàn phóng tên lửa dọc quần đảo Ryukyu mà có thể nhắm mục tiêu tới tất cả phương tiện trên biển và trên không trong vòng 200 đến 300 dặm giữa đất liền Nhật Bản với Đài Loan, khu vực có quần đảo Senkaku.
Nhật Bản đang mở rộng đội tàu ngầm của mình, mua sắm các máy bay chiến đấu tàng hình thế hệ thứ 5 được vũ trang tên lửa hành trình chống tàu, duy trì các lực lượng chiến tranh chống tàu ngầm hạng thế giới và một mạng lưới cảm biến rộng lớn dưới biển mà có thể theo dõi đường đi của các tàu và tàu ngầm Trung Quốc khi chúng rời cảng.
Cán cân trọng tải hải quân đang nghiêng về phía Trung Quốc, nhưng Nhật Bản vẫn có số lượng tàu chiến nổi lớn nhiều gần gấp đôi so với Trung Quốc.
15 tàu tuần duyên và tàu khu trục nhỏ hơn của Nhật Bản, dù ít hơn so với 57 tàu khu trục của Trung Quốc, sẽ có thể tiếp nhiên liệu và đạn dược tại các cảng dọc quần đảo Ryukyu và vì thế duy trì nhịp độ tác chiến cao hơn trong một cuộc chiến tranh trong các khu vực tranh chấp ở biển Hoa Đông so với các tàu tên lửa và tàu khu trục của Trung Quốc.
Trung Quốc có thể áp đảo tại một số khu vực như qua eo biển Đài Loan hay trong tranh chấp với Philippines.
Bên cạnh đó, Trung Quốc có thể tiếp tục chiến thuật “bắp cải”, tức là bao bọc các vùng biển tranh chấp bằng nhiều lớp cảnh sát biển, dân quân trên biển và tàu đánh cá.
Tuy nhiên, giới phân tích Mỹ cho rằng chiến thuật này khó có khả năng nó cho phép Trung Quốc chế ngự các vùng biển Đông Á.
Nhiều nước trong khu vực không “nhịn” Trung Quốc như trường hợp của Indonesia khi sẵn sàng cho nổ các tàu đánh cá trái phép của Trung Quốc.
http://muonmauchientranh.com/tin-tuc/khong-de-de-trung-quoc-bat-nat.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét