Thứ Hai, 25 tháng 12, 2017

'Cánh tay nối dài' của Trung Quốc bị dò xét

Hàng loạt quốc gia lên tiếng quan ngại trước nghi vấn Trung Quốc dùng nhiều cách thức nhằm tăng cường sức ảnh hưởng và can dự vào vấn đề chính trị nội bộ.

Kết quả hình ảnh cho 'Cánh tay nối dài' của Trung Quốc bị dò xét

Úc, Đức, New Zealand và Mỹ cùng một số nước khác lần lượt cảnh báo điệp viên Trung Quốc tạo nhiều tài khoản giả mạo trên mạng xã hội nhằm thu thập thông tin, lôi kéo hoặc tiếp cận trực tiếp, gây ảnh hưởng đến các nhà làm luật để đẩy mạnh chính sách có lợi cho nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới.
Căng thẳng Úc - Trung Quốc
Trong diễn biến mới nhất từ vụ bê bối nhận tài trợ chính trị từ Trung Quốc, thượng nghị sĩ Công đảng Úc Sam Dastyari hôm 12.12 đã tuyên bố rút lui khỏi Thượng viện. Ông Dastyari bị gây áp lực phải từ chức kể từ khi xuất hiện những cáo buộc ông để một công ty thuộc sở hữu của tỉ phú Trung Quốc Hoàng Hướng Mặc chi trả hóa đơn pháp lý cho văn phòng của ông. Hồi cuối tháng 11, ông Dastyari bị cách chức khỏi một số vị trí tại Thượng viện do đưa ra những tuyên bố ủng hộ Trung Quốc về vấn đề Biển Đông.
Trong cuộc họp báo ngày 13.12, Thủ tướng Úc Malcolm Turnbull chỉ đích danh Trung Quốc và cảnh báo các cường quốc nước ngoài “có âm mưu chưa có tiền lệ và ngày càng tinh vi nhằm gây ảnh hướng đến nền chính trị Úc”. Ông Turnbull tuyên bố chính phủ sẽ tăng cường biện pháp đề phòng tình trạng này, bao gồm lệnh cấm nhận tài trợ từ nước ngoài. Chính quyền Trung Quốc đã phản ứng dữ dội trước những cáo buộc từ giới chức và truyền thông Úc. Theo Reuters, Bộ Ngoại giao Trung Quốc ngày 8.12 đã triệu tập Đại sứ Úc Jan Adams để trao công hàm phản đối những cáo buộc “vô căn cứ” của Canberra.
Trong khi đó, các quan chức an ninh New Zealand vừa trình báo cáo lên Thủ tướng Jacinda Ardern và Bộ trưởng An ninh Andrew Little, cảnh báo Trung Quốc gia tăng hoạt động gián điệp tại nước này, theo tờ Financial Times. Theo báo cáo, trong năm 2017 nhiều cá nhân có mối liên hệ mật thiết với chính quyền Trung Quốc đẩy mạnh những hoạt động can dự vào vấn đề nội bộ, âm mưu tiếp cận thông tin nhạy cảm từ chính phủ và khối tư nhân.
Cơ quan tình báo New Zealand cũng đã tiến hành điều tra cáo buộc nghị sĩ gốc Hoa Dương Kiện từng làm việc cho Học viện Huấn luyện quân sự Trung Quốc trong suốt 15 năm. Ông Dương, là nghị sĩ thuộc đảng Quốc gia cầm quyền kể từ năm 2011, bác bỏ cáo buộc làm gián điệp cho Trung Quốc, gọi cuộc điều tra là “chiến dịch bôi nhọ” xuất phát từ sự phân biệt đối xử đối với người New Zealand gốc Hoa.
Mỹ, Đức lo ngại
Cũng với tâm lý cảnh giác trước việc Trung Quốc mở rộng tầm ảnh hưởng, Cơ quan tình báo BfV của Đức hồi cuối tuần rồi đã công bố danh sách chi tiết những tài khoản mạng xã hội do điệp viên Trung Quốc làm giả nhằm thu thập thông tin cá nhân của các chính trị gia Đức.
Kết quả cuộc điều tra kéo dài 9 tháng của BfV cho thấy điệp viên Trung Quốc giả mạo hồ sơ là chuyên viên tư vấn, học giả trên trang LinkedIn để liên hệ với trên 10.000 người, bao gồm chính trị gia, nhà ngoại giao tại Đức và thậm chí một số quốc gia khác ở châu Âu.
Trong khi đó, Ủy ban Quốc hội Mỹ về Trung Quốc (CECC) hôm qua đã tiến hành phiên điều trần về cách thức Trung Quốc triển khai “sức mạnh mềm”, theo Đài ABC. Thượng nghị sĩ Marco Rubio, chủ trì phiên điều trần, lưu ý thủ đoạn của Trung Quốc tập trung vào khai thác các đối tượng là học giả và chính trị gia.
Dẫn lại mối lo ngại Trung Quốc nỗ lực tăng cường sức ảnh hưởng tại các đại học Úc, CECC cảnh báo nguy cơ Bắc Kinh cũng có động thái tương tự tại Mỹ. “Chẳng hạn, Trung Quốc có thể lợi dụng Học viện Khổng Tử (được đặt trong khuôn viên các trường đại học) để xúc tiến quan điểm và gieo rắc thông tin lệch lạc”, tiến sĩ Glenn Tiffert, nghiên cứu sinh thuộc Đại học Standford trình bày trong phiên điều trần với tư cách nhân chứng.
Phản ứng trước những thông tin trên, truyền thông nhà nước Trung Quốc kịch liệt bác bỏ mọi cáo buộc. Tờ Hoàn Cầu thời báo thậm chí kêu gọi Bắc Kinh phải có biện pháp trả đũa nhắm vào công dân và nhà ngoại giao phương Tây.
Nhiều nghiên cứu mới đây chỉ ra rằng Trung Quốc tăng cường sức ảnh hưởng ở nước ngoài thông qua nhiều biện pháp bao gồm: thu mua tài sản, xây dựng mạng lưới điệp viên thông qua chương trình trao đổi và giao lưu văn hóa, ve vãn các chính trị gia bằng những món quà xa xỉ và mở rộng Học viện Khổng Tử tại các đại học ở nước ngoài. Vào tháng 9.2017, báo cáo của học giả Anne-Marie Brady gây chấn động dư luận New Zealand. Bà Brady, giáo sư khoa học chính trị thuộc Đại học Canterbury, mô tả chi tiết những hoạt động nhằm tăng cường quyền lực mềm của Trung Quốc tại New Zealand. Theo bà Brady, Trung Quốc thiết lập nhiều mạng lưới tài trợ nhằm tiếp cận các chính trị gia từ cấp thấp cho đến cao và người thân gia đình họ tại New Zealand.
https://thanhnien.vn/the-gioi/canh-tay-noi-dai-cua-trung-quoc-bi-do-xet-909877.html

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét