Thứ Năm, 21 tháng 12, 2017

Lực lượng Không quân-vũ trụ Nga ở Syria

Theo Hiệp định giữa Liên bang Nga và Cộng hòa Arab Syria đã ký kết tại Damascus vào ngày 26/8/2015, một binh đoàn của Không quân-vũ trụ Nga đã được triển khai tại Syria kể từ ngày 30/9/2015.
Lực lượng VKS hiện đang sử dụng một căn cứ không quân chính ở Hmeimim, cách Latakia 25 km về phía nam và hai căn cứ không quân hỗ trợ Shairat (40 km về phía đông nam Homs) và Tiyas (cách Palmyra 63 km về phía tây) chủ yếu dùng làm căn cứ trung gian và căn cứ trực thăng.

Ban đầu, binh đoàn này có cơ cấu hỗn hợp và được biên chế: tiêm kích (Su-30SM), máy bay ném bom chiến thuật (Su-24M và Su-34), cường kích (Su-25SM), cũng như các trực thăng vận tải và tiến công, các máy bay trinh sát vô tuyến điện tử Il-20M1 và Tu- 214R. Các căn cứ không quân trên lãnh thổ Nga đã được dùng để phát động các cuộc không kích sử dụng các máy bay ném bom chiến lược Tu-95, Tu-160 và Tu-22M3.

Máy bay chỉ huy/báo động sớm A-50 đã được sử dụng cho nhiệm vụ cảnh báo sớm trên không và đã trở về căn cứ trú đóng thường xuyên sau khi hoàn thành nhiệm vụ. VKS thực hiện đợt rút quân đầu tiên khỏi Syria diễn ra vào ngày 15 và 16/3/2016, và lần thứ hai vào cuối tháng 12/2016 sau khi thỏa thuận ngừng bắn có hiệu lực.

Thành phần binh đoàn VKS tại Syria

Máy bay tiêm kích đa năng thế hệ 4++ Su-35S (NATO gọi là Flanker E +). Chữ “S” có nghĩa là máy bay được thiết kế dành cho VKS. Su-35S bắt đầu được sản xuất vào năm 2007, có tốc độ tối đa 2.500 km/h, tầm bay 3.600 km (4.500km khi có thùng dầu phụ), trần bay thực tế 20km. Vũ khí trang bị gồm: 1 pháo tự động 30mm với 150 viên đạn, 12 điểm treo mang được 8.000 kg bom đạn (tên lửa không đối không, không đối đất, tên lửa chống hạm, rocket, bom có điều khiển KAB-500, bom không điều khiển FAB-250 và FAB- 500. Các loại vũ khí này cho phép Su-35S tác chiến như một tiêm kích và một máy bay tiến công. Các chuyên gia NATO đánh giá Su-35S là tiêm kích nguy hiểm nhất trong biên chế của VKS vì nó có hệ thống avionics thế hệ 5 và một lượng lớn tên lửa không đối không tầm xa. Ngày 22/11/2016, 4 Su-35S xuất xưởng vào giữa tháng 11/2016 tại nhà máy ở Komsomolsk trên sông Amur đã được điều đến căn cứ Hmeimim, Syria thay thế các tiêm kích đóng tại đó từ tháng 1/2016.

Tiêm kích đa năng Su-35S

Tiêm kích đa năng thế hệ 4, hai chỗ ngồi Su-30SM (NATO gọi là Flanker C) dùng để tiêu diệt các mục tiêu bay 24/24 giờ, trong mọi thời tiết, giám sát không phận, phong tỏa các sân bay đối phương và tấn công các mục tiêu trên mặt đất và trên biển. Chữ “SM” có nghĩa là sản xuất loạt, dành cho VKS. Su-30SM bắt đầu được sản xuất vào ngày 21/9/2012 (chuyến bay đầu tiên), tốc độ tối đa 2.125 km/h, khoảng 3.000 km, trần 17,3 km. Vũ khí trang bị gồm: 1 pháo tự động 30 mm, 12 điểm treo mang được 8.000 kg bom đạn (tên lửa không đối không, rocket, bom không điều khiển FAB-500 và FAB-250). Hiện nay, Nga triển khai đến 4 Su-30SM tại Hmeimim.

Tiêm kích hai chỗ ngồi Su-30SM

Máy bay ném bom chiến thuật có cánh hình học thay đổi Su-24M/Su-24M2 (NATO gọi là Fencer). Chữ “M” có nghĩa là hiện đại hóa. Các máy bay cũ nhất trong các máy bay này được chế tạo vào năm 1988-89. Su-24 được đưa vào trang bị vào năm 1983, tốc độ tối đa 1.600km/h, tầm bay với tải trọng đầy đủ 560 km, trần bay thực tế 17 km. Vũ khí trang bị: pháo nòng quay 6 nòng 23 mm với 550 viên đạn, 8 điểm treo mang được 7.500 kg bom đạn (tên lửa không đối không, tên lửa không đối đất, rocket, bom có điều khiển KAB-500, bom không điều khiển FAB-1500, FAB-500, FAB-250, các thùng treo nhỏ, các thùng treo chỉ thị mục tiêu. Hiện tại, có thể có tới 12 máy bay này được triển khai tại Hmeimim.

Máy bay ném bom chiến thuật Su-24M

Tiêm kích đánh chặn tầm xa MiG-31 (NATO gọi là Foxhound) dùng để đánh chặn và tiêu diệt các mục tiêu bay ở mọi độ cao, bất kể ngày đêm và trong mọi thời tiết, kể cả khi chúng được bảo vệ bằng các phương tiện đối phó điện tử và hồng ngoại chủ động và thụ động. Ban đầu, MiG-31 được thiết kế để đánh chặn tên lửa hành trình và vệ tinh ở quỹ đạo thấp. Một tốp 4 chiếc MiG-31 có thể giám sát không phận có chính diện rộng khoảng 1.100km. Theo Bộ Quốc phòng Nga, các máy bay này đã thay thế cho máy bay chỉ huy/báo động sớm A-50 và được sử dụng để bảo đảm phòng không cho căn cứ không quân Nga ở Hmeimim và chỉ huy các máy bay Nga trên không phận Syria. 

MiG-31 bắt đầu được sản xuất vào năm 1975, tốc độ tối đa 3.700 km/h, tầm bay 1.500 km, hoặc 3.000km khi có 2 thùng dầu phụ, trần bay 20 km, trần leo cao tối đa 30km. Vũ khí trang bị gồm: 1 pháo 23 mm với 260 viên đạn, các điểm treo mang được 3.000 kg vũ khí (4 tên lửa không đối không tầm bắn 300 km, 2 tên lửa không đối không tầm bắn 80 km, 4 tên lửa không đối không tầm bắn 20-40 km. Tháng 11/2016, ghi nhận có ít nhất một chiếc MiG-31 tại Hmeimim. MiG-31 có thể đã được sử dụng để hộ tống các máy bay Nga bay chuyển sân.

Máy bay tiêm kích đánh chặn MiG-31

Máy bay cường kích Su-25/Su-25SM3 (NATO gọi là Frogfoot). Các máy bay Su-25 cũ nhất được sản xuất vào năm 1988, nhưng sau đó đã được hiện đại hóa toàn diện sau năm 2000, nên chỉ còn một số ít máy bay biến thể cơ sở. Su-25 bắt đầu được sản xuất năm 1975, tốc độ tối đa 950 km/h, tầm bay 640 km khi không có thùng dầu phụ và 1.250 khi có thùng dầu phụ, trần bay 7 km. Vũ khí trang bị gồm: 1 pháo tự động 30mm 2 nòng với 250 viên đạn, 10 điểm treo mang được 4.400 kg bom đạn (tên lửa không đối không, tên lửa không đối diện, rocket, bom, các thùng treo nhỏ. Đặc điểm độc đáo của Su-25 là buồng lái được bọc giáp hàn titan chống được đạn 12,7mm bắn từ mọi góc độ xung quanh và chống được đạn pháo 30mm bắn từ hướng nguy hiểm nhất. Tính đến ngày 12/1/2017, 4 chiếc Su-25 đã được triển khai tới Hymimim. 
Máy bay cường kích Su-25SM

Trực thăng tiến công Mi-24 (NATO gọi là Hind) được sản xuất từ năm 1969, tốc độ tối đa 335 km/h, tầm bay 450 km, trần bay 5 km. Vũ khí tùy thuộc vào biến thể bao gồm: pháo 23 mm và 30 mm, súng máy 12,7mm, 4-6 điểm treo cho tên lửa không đối không, tên lửa chống tăng có điều khiển, súng phóng tự động 30 mm, rocket, bom 50-500 kg. Tính năng nổi bật của Mi-24 là khả năng chở 8 lính hoặc 2-4 thương binh trong khoang chở quân. Hiện nay, VKS có thể có tới 6 Mi-24 tại Hmeimim. 
Trực thăng tấn công Mi-24

Trực thăng tiến công/đổ bộ mọi thời tiết Mi-35M dùng để tiêu diệt xe tăng-thiết giáp của địch, chở quân, chi viện hỏa lực, sơ tán thương binh và chở hàng trong khoang hoặc bên ngoài. Mi-35M được đưa vào sản xuất vào năm 2005, tốc độ tối đa 300 km/h, trần bay 5,5 km, tầm bay 550 km. Vũ khí thay đổi tùy theo biến thể và có thể bao gồm: 1 pháo 23 mm với 450 viên đạn, 4 điểm treo mang được đến 1.500 kg bom đạn (tên lửa chống tăng có điều khiển, rocket, các ụ pháo treo 23 mm với 250 viên đạn. Tại Hmeimim hiện có thể có tới 6 Mi-35M.
Trực thăng tiến công/đổ bộ Mi-35M
 Trực thăng tiến công Mi-28N (NATO gọi là Havoc) dùng để tìm kiếm và tiêu diệt xe tăng-thiết giáp của địch trong môi trường có nguy cơ cao, cũng như các mục tiêu bay và máy bay bay chậm. Chữ “N” có nghĩa là có khả năng đánh đêm. Mi-28N được đưa vào sản xuất vào năm 2005, tốc độ tối đa 300 km/h, tầm bay 450km, trần bay 5,5km. Vũ khí tran bị bao gồm: 1 pháo 30 mm với 250 viên đạn, 4 điểm treo cho tên lửa chống tăng có điều khiển (đến 16 quả), rocket, tên lửa không đối không, các ụ pháo treo 30 mm với 150 vòng, thùng treo nhỏ. Đặc điểm nổi bật của Mi-28N là buồng lái được làm bằng các tấm nhôm dày 10 mm được gia cường bằng các tấm gốm dày 16 mm với kính buồng lái chống chịu được đạn 12,7 mm. VKS có thể có tối đa 6 Mi-28N tại Hmeimim. 
Trực thăng tIến công Mi-28N
Trực thăng trinh sát-tiến công Ka-52 (NATO gọi là Hokum-B) dùng để tiêu diệt xe tăng-thiết giáp và xe bọc giáp nhẹ, sinh lực và mục tiêu bay chậm. Ka-52 được đưa vào sản xuất vào năm 1997, tốc độ tối đa 350 km/h, tầm bay 460 km, trần bay 5,5km. Vũ khí trang bị gồm: 1 pháo 30 mm với 460 viên đạn, 4-6 điểm treo mang được 2.800 kg vũ khí (tên lửa chống tăng có điều kiển, tên lửa không đối không và không đối đất, rocket). Ka-52 tham chiến ở Syria từ tháng 4/2016. VKS có thể triển khai 4 chiếc Ka-52 tại Hmeimim.  
Trực thăng trinh sát-tấn công Ka-52

Trực thăng đa nhiệm Mi-8AMTSh (NATO gọi là Hip). Ở cấu hình vận tải đổ bộ, Mi-8AMTSh có thể vận chuyển đến 28 lính hoặc hàng hóa bên trong khoang hoặc bên ngoài. Trực thăng có thể mang các loại vũ khí tương tự như Mi-24, lắp trên các bệ phóng ray 4-6 và 1 pháo 23 mm hoặc súng máy 7,62mm dưới mũi. VKS hiện có thể bố trí 4 trực thăng này tại căn cứ Hmeimim.

Trực thăng đa nhiệm Mi-8AMTSh

Tính đến tháng 4/2017, kể từ khi bắt đầu chiến dịch, VKS đã tiến hành hơn 23.000 phi vụ chiến đấu và 77.000 cuộc không kích chống khủng bố. Theo Tư lệnh VKS Viktor Bondarev, tính đến tháng 8/2017, toàn bộ đội ngũ người lái của quân đội Nga đã luân phiên đến Syria và một số người đã tham gia hai đợt. Cần lưu ý rằng, ngoài các máy bay và trực thăng chiến đấu, các máy bay và trực thăng vận tải cũng đóng một vai trò quan trọng trong chiến dịch của VKS ở Syria. 
Cơ cấu của lực lượng VKS triển khai ở Syria cho thấy, trụ cột của binh đoàn này là các trực thăng tiến công, điều này đánh dấu một sự thay đổi từ yểm trợ đường không chiến dịch-chiến thuật (nhằm vào các sở chỉ huy, trại huấn luyện, kho tàng, các đoàn xe tiếp vận, các điểm tập kết lực lượng lớn) sang yểm trợ đường không chiến thuật thuần túy (nhằm hỗ trợ các lực lượng chính phủ Syria trên chiến trường và phá hủy các xe chiến đấu riêng lẻ và các vị trí chỉ huy và quan sát). Trong khi phương Tây đang khóc than thương tiếc các nạn nhân của nhiều cuộc tấn công khủng bố ở Pháp, Tây Ban Nha, Thụy Điển và Đức, cũng như đe doạ trả thù những tên khủng bố xâm nhập vào châu Âu, các lực lượng Syria với sự hỗ trợ của VKS chỉ đơn giản là thực hiện công việc của họ, tiêu diệt các tay súng khủng bố trong cuộc chiến tranh công khai.
Nguồn: Russian Aerospace forces in Syria - Overview // Southfront, 31.8.2017.
http://vietnamdefence.com/Home/khqs/chientranhxungdot/Luc-luong-Khong-quanvu-tru-Nga-o-Syria/20179/55292.vnd

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét