“Bài viết của Hứa Mai Hồng (Xu Meihong) một cựu sĩ quan tình báo cao cấp từng phục vụ 15 năm trong Quân giải phóng nhân dân Trung Hoa, vợ của Larry Engelmann, một giáo sư từng dạy tại đại học San Jose State University ở tại California, Hoa Kỳ. Xu Meihong đã ra điều trần trước Ủy ban tình báo của Thượng viện Mĩ, và viết bài Chinese Ordeal đăng trên tạp chí Vietnam của CCB Mĩ.
Tác giả đánh giá nguyên nhân, kết quả cuộc chiến theo góc nhìn của người TQ nên không loại trừ khả năng trong đó có những chi tiết được cố tình bịa đặt nhằm bôi nhọ Quân đội Nhân dân Việt Nam. Bài post dưới đây chỉ sửa về mặt từ ngữ cho phù hợp với cách dùng của người Việt Nam và giữ nguyên nội dung
----
----
Trong cuộc chiến tranh Đông Dương lần thứ nhất giữa Pháp và Việt Nam và nhất là trong trận Điện Biên Phủ, thì sự hỗ trợ của Trung Quốc đối với Việt Nam không những được coi như là vô cùng quan trọng mà còn có tính quyết định nữa. Qua cuộc chiến tranh Đông Dương lần thứ hai giữa miền Bắc và miền Nam với đồng minh Hoa Kỳ thì Trung Quốc cũng đã từng tỏ ra rất tích cực trong việc giúp đỡ nước "anh em xã hội chủ nghĩa" của họ.
Nhưng qua năm 1972, sau khi tổng thống Nixon viếng thăm Bắc Kinh rồi tiếp theo việc hai nước Trung-Mĩ tiến dần đến bình thường hóa quan hệ ngoại giao, thì quan hệ giữa Việt Nam và Trung Quốc ngày càng trở nên lạnh nhạt. Sau khi Chu Ân Lai rồi đến Mao Trạch Đông qua đời vào năm 1976, thì những mâu thuẫn giữa đôi bên ngày càng tăng thêm và trở nên trầm trọng.
Đáng ghi nhất là vụ tranh chấp chủ quyền các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa ở biển Nam Hải (biển Đông), vụ chuyển "lậu" những hàng hóa của Trung Quốc qua biên giới phía bắc Việt Nam, vụ ngược đãi kiều dân Trung Quốc ở Việt Nam và cuối cùng là vụ kình chống chế độ Khmer Đỏ ở Campuchia do Trung Quốc bảo trợ.
Qua mùa thu năm 1978, Việt Nam phát động chiến dịch khủng bố Hoa kiều và trục xuất họ ra khỏi Việt Nam, đồng thời Việt Nam ra lệnh oanh tạc các căn cứ của Khmer Đỏ ở dọc biên giới Việt Nam-Campuchia. Đến tháng 7-1978, Trung Quốc ra lệnh hủy bỏ tất cả các dự án viện trợ cho Việt Nam. Tháng 11 cùng năm đó, Việt Nam ký hiệp ước hữu nghị và hợp tác với Liên Xô, địch thủ nguy hiểm nhất của Trung Quốc, đồng thời Việt Nam chấp nhận cho Liên Xô được quyền sử dụng các căn cứ không quân và hải quân của họ kể cả căn cứ Cam Ranh.
Trước những hành động khiêu khích của Việt Nam, Đặng Tiểu Bình trong chuyến công du Singapore vào tháng 11-1978, đã tuyên bố như sau về Việt Nam : "Trung Quốc đã từng viện trợ cho họ 200 tỷ USD, đó là chưa kể mồ hôi và xương máu của dân chúng tôi đã đổ ra để giúp cho họ, để rồi sự việc ngã ngũ như thế này đây ! Cần phải trừng trị những kẻ vong ân bội nghĩa này mới được". Và để trả lời những đe dọa của Đặng Tiểu Bình, ngày 24-12-1978, Việt Nam tấn công Campuchia, đuổi quân Khmer Đỏ chạy ra biên giới Thái Lan, và chiếm thủ đô Phnom Penh. Đối với Trung Quốc, hành động tấn công CPC đã chứng tỏ rõ rệt ý đồ muốn làm bá chủ Đông Dương của Việt Nam, một hành động mà Trung Quốc không bao giờ chấp nhận. Chỉ còn một giải pháp duy nhất để cứu Thái Lan và dạy cho Việt Nam một bài học là dùng biện pháp quân sự, và Trung Quốc đã cho dàn 225,000 quân dọc theo biên giới Hoa Việt. Ngày 17-2-1979, quân đội Trung Quốc bắt đầu tấn công. Trọng pháo của Hồng quân nhã đạn dữ dội vào vị trí của quân đội Việt Nam khiến cho một phóng viên Hoa Kỳ ở trong vùng phụ cận ví cuộc pháo kích này giống như một cuộc oanh tạc của những pháo đài bay B52, có khác là ở thời gian, vì B52 chỉ oanh tạc khoảng hơn một phút thôi, còn cuộc pháo kích này kéo dài hơn 20 phút, và sau đó, 85,000 quân Trung Quốc tràn qua biên giới, xuất phát từ 26 địa điểm khác nhau.
Cuộc chiến tranh "trừng phạt" này kéo dài 16 ngày, từ 17-2, đến 5-3-1979, là một cuộc chiến ác liệt và đẫm máu, vì chỉ trong một thời gian ngắn mà tổn thất của Hồng quân Trung Quốc - căn cứ theo bản báo cáo lên thượng cấp - có thể xấp xỉ với số tổn thất của quân đội Hoa Kỳ trong cuộc chiến tranh Đông Dương thứ hai.
Một sĩ quan Hồng quân Trung Quốc từng tham gia cuộc chiến cho biết : "Đây là một cuộc chiến đẫm máu và vô cùng man rợ. Những bạn đồng ngũ của tôi - nhưng không tham gia các trận đánh ở Triều Tiên hay ở Ấn Độ hoặc chưa từng tham gia một cuộc chiến tranh nào khác - đã cho biết là họ không thể nào tưởng tượng được chiến tranh dã man, tàn độc như vậy. Một số lớn đơn vị được đưa ra mặt trận đã không được chuẩn bị kỹ càng về tinh thần cũng như về vũ khí, nên họ đã phải trả một giá rất đắt : đó là mạng sống của họ. Chỉ có một điều duy nhất làm cho anh em binh sĩ vô cùng hể hả là việc san bằng thị xã Lạng Sơn thành bình địa, mà chính bản thân tôi đã được chứng kiến tận mắt. Vụ phá hoại này đã làm cho chúng tôi vui lòng vì chúng tôi muốn trả thù bọn Việt Nam và như một cấp chỉ huy của chúng tôi từng nói "đó là một cái hôn tạm biệt " để cho bọn Việt Nam luôn luôn nhớ mãi chúng ta. Không phải riêng gì Lạng Sơn, mà tất cả các thị xã dọc theo biên giới Việt-Trung đều bị san bằng trước khi quân đội chúng ta rút lui khỏi Việt Nam; và chúng tôi không bao giờ ân hận hết, có đi chăng nữa là rất tiếc không có cơ hội để san thành bình địa hai thành phố Hà Nội và Hải Phòng".
Mấy tuần trước khi chiến tranh bùng nổ, quân đội Việt Nam đã mở chiến dịch khiêu khích Hồng quân và sau đây là lời khai của một sĩ quan nhân chứng : "Binh sĩ chúng tôi rất bực tức khi bị khiêu khích và nghĩ rằng bọn Việt Nam tưởng là chúng cũng mạnh tương đương với chúng ta vì được xếp vào hàng thứ 3 trên thế giới về quân lực, cho nên giờ đây chúng nghĩ rằng chúng muốn tác oai tác quái gì cũng được, vì chúng là bá chủ hiện nay trên bán đảo Đông Dương về lãnh vực quân sự ".
Sau khi chiến tranh chấm dứt, chúng tôi có cơ hội để nghiên cứu và phân tích những bản báo cáo về hành quân tại các chiến trường thì thấy rằng Hồng quân Trung Quốc đã trả một giá quá đắt cho cuộc thắng trận này vì chưa được chuẩn bị kỹ càng trước khi tham gia cuộc chiến. Có rất nhiều đơn vị được đánh thức dậy từ sáng sớm tinh sương để chuẩn bị hành trang xong là lên đường ra mặt trận. Và qua ngày hôm sau là đã tham gia chiến đấu rồi. Còn đạn dược thì có rất nhiều lô đã quá hạn sử dụng từ lâu, cho nên lắm khi đạn tuy rơi trúng mục tiêu nhưng lại không nổ. Trong khi đó thì chúng tôi đã tìm thấy trong những vị trí mà chúng tôi đánh chiếm được của Việt Nam vô số vũ khí hiện đại được tiếp tế trong thời kỳ chiến tranh Đông Dương thứ hai, còn đa số đạn dược của chúng ta gửi ra mặt trận được sản xuất trong thập niên 1950. Một số binh sĩ sử dụng hoả tiễn chống tăng đã bị địch bắn chết vì mặc dầu đạn đã trúng đích rồi nhưng lại không nổ. Tuy nhiên trong cái rủi lại có chỗ may là nhờ đó mà về sau đồng chí Đặng Tiểu Bình mới phát động chiến dịch đổi mới vũ khí.
Thật đáng tiếc là chúng ta không chịu rút ra những kinh nghiệm của quân đội Hoa Kỳ trong cuộc chiến ở Việt Nam. Chúng ta tin rằng Hoa Kỳ đã thua trận vì quân đội của họ không có niềm tin khi lâm chiến. Chính Chủ tịch Mao đã từng bảo chúng ta là một đội quân dù cho có vũ khí tối tân mấy đi nữa mà binh sĩ không có niềm tin ở mục tiêu chiến đấu của họ, thì họ không bao giờ mang lại chiến thắng cho chính họ được.
Nếu chúng ta tin và thực sự tin là khi chúng ta dùng hết tiềm năng quân sự của chúng ta vào cuộc chiến tranh " trừng phạt " này, thì quân đội của Việt Nam sẽ tan vỡ ngay trong vài giờ, và chúng ta sẽ chiếm Hà Nội, Hải Phòng trong một hay hai ngày mà thôi. Sau khi trừng phạt xong bọn vong ân bội nghĩa thì chúng ta rút quân về ngay. Nhưng đáng tiếc thay, mọi việc đến với chúng ta không được suôn sẻ cho lắm. Và chúng ta đã phải trả một giá rất đắt cho cuộc chiến thắng này. Một trong những vấn đề quan yếu trong cuộc chiến là việc sử dụng sao cho hữu hiệu đoàn quân cơ giới của chúng ta, căn cứ vào địa hình, địa vật của miền sơn cước Việt Nam cũng như rút ra những kinh nghiệm mà Hoa Kỳ đã thu thập được trong chiến tranh Đông Dương lần thứ hai . Nhưng rất tiếc là chúng ta không chịu học hỏi những kinh nghiệm của Hoa Kỳ trong khi điều động các đoàn quân thiết giáp của chúng ta. Đó là một hành động có thể nói là ngu xuẩn, vì mặc dầu chúng ta đã điều động các trung đoàn thiết giáp vượt qua biên giới trước tiên mà vẫn không nắm được ưu thế. Sau đây là một trường hợp điển hình:
Một nữ cán bộ Việt Nam đóng chốt tại một vị trí sát ngay biên giới, đã dùng hoả tiễn (có lẽ là B40/B41) phá hủy lần lượt từng chiếc thiết giáp của chúng ta và đã phá liền 7 chiếc. Những trường hợp như thế này đã xảy đến cho rất nhiều trung đoàn, gây thiệt hại rất lớn cho Hồng quân của chúng ta.
Có những đơn vị thiết giáp tiền sát nhận được lệnh phải vượt qua những chiếc cầu ở biên giới nhưng cấp chỉ huy không biết ước lượng sức chịu đựng của những chiếc cầu này nên đã cho đoàn xe chạy qua cầu cùng một lượt - thay vì cho qua từng chiếc một - nên cầu bị gãy và cả đoàn chiến xa rơi cả xuống sông. Sở dĩ xảy ra những chuyện đáng tiếc như thế là vì các sĩ quan chỉ huy thiết giáp của chúng ta nghĩ rằng sĩ quan công binh của Việt Nam có trình độ cao, nhưng sự thật lại không phải thế.
Và đây là một trường hợp thật là hiếm có: một đoàn thiết giáp trên đường tiến quân gặp phải một ngọn đồi cao, dốc đứng choáng cả lối đi. Viên sĩ quan chỉ huy đơn vị - vì muốn tiến nhanh - nên đã ra lệnh cho tất cả các xe thiết giáp phải trực chỉ leo thẳng lên đỉnh đồi. Vì độ dốc của đồi quá cao nên một số xe bị lật ngược trước khi lăn xuống chân đồi. Viên chỉ huy vẫn cứ ngoan cố, cho rằng vì lái xe kém nên xe mới bị lật, nên vẫn duy trì lệnh tiến quân. Cuối cùng 6 thiết giáp bị lật và không sử dụng được nữa. Còn viên sĩ quan chỉ huy đơn vị này thì bị truy tố ra trước tòa án của mặt trận.
Rất nhiều binh sĩ đã bị đưa ra xử trước tòa án mặt trận trong cuộc chiến tranh "trừng phạt " này. Tuy nhiên chỉ trong quân đội mới được biết những tin tức này mà thôi chứ đối với quần chúng thì những tin này vẫn bị ém nhẹm.
Sự thiệt hại về nhân mạng cũng như về vũ khí tuy lớn nhưng cũng không lớn bằng sự thiệt hại về uy tín của Hồng quân, vì mọi yếu kém của quân đội đã được phơi bày ra hết nhất là về phương diện kỷ luật và tuân hành mệnh lệnh.
Vì bất tuân thượng lệnh mà từng xảy ra chậm trễ trong khi hành quân : tại một ngã tư vùng biên giới gần thị xã Lạng Sơn, một số lớn xe cộ của nhiều đơn vị đồng thời đến nơi đây cùng một lúc; và chả có đơn vị nào chịu nhường quyền ưu tiên cho đơn vị nào, nên chỉ trong chốc lát một cảnh kẹt xe hỗn loạn xảy ra ngay trước mắt (Giá có một đơn vị pháo của ta rót xuống thì hết kẹt xe ngay). Lúc bấy giờ trong quân đội chúng ta chưa có vụ mang huy hiệu trên quân phục vì cấp lãnh đạo cho rằng mọi người lính đều ngang nhau, nên không thể nào phân biệt được ai là sĩ quan và ai là lính. Vì giao thông bị tắt nghẽn quá lâu nên vị tư lệnh lộ quân XLI (quân đoàn 41? Có lẽ đơn vị khác vì quân đoàn 41 TQ tham chiến ở Cao Bằng) bèn đứng ra điều động sự giao thông, giống như tướng Patton đã từng làm khi ông chỉ huy quân đoàn III ở châu Âu. Nhưng khổ một nỗi là có một số sĩ quan trẻ ở các đơn vị khác, không thuộc lộ quân XLI nên nhất định không chịu nghe theo mệnh lệnh của ông và cứ đòi cho bằng được quyền ưu tiên qua trước vì họ không biết ông ta là ai. Thậm chí có người sỉ vả rằng ông là ai mà dám đứng ra dành quyền điều khiển việc giao thông tại nơi đây? Khi ông cho biết mình là tư lệnh lộ quân XLI thì tiếng la ó lại càng to hơn nữa, vì họ cho rằng làm gì có chuyện một vị tư lệnh của một lộ quân lại chịu hạ mình xuống làm nhiệm vụ của một anh quân cảnh. Rồi trong tiếng la ó lại có xen lẫn tiếng : "Vậy tôi đây là tham mưu trưởng Hồng quân", hoặc "Còn tôi là Đặng Tiểu Bình thì ông nghĩ sao?". Trong lúc đó, một số sĩ quan phụ tá tư lệnh lộ quân XLI chạy đến giải thích thêm, nhưng cũng chả có ai chịu nghe và cuối cùng họ đi đến xô xát nhau làm cho người nào người nấy quần áo bê bết bùn. May sao, khi đó có một viên sĩ quan cao cấp kịp thời chạy đến và nhận diện được vị tư lệnh lộ quân XLI, và các viên sĩ quan đang tranh chấp nhau cũng biết mặt viên sĩ quan đến sau cùng, nên mọi việc đã được dàn xếp ổn thỏa. Cần nên ghi nhớ đây là một chuyện có thật. Và sau đó mọi sự việc đã được báo cáo lên lãnh tụ Đặng Tiểu Bình. Hai năm sau cuộc chiến tranh " trừng phạt Việt Nam", lãnh tụ Đặng Tiểu Bình ra lệnh mọi binh sĩ của Hồng quân đều phải mang huy hiệu về quân hàm của họ trên bộ quân phục.
Một sĩ quan khác được phỏng vấn kể tiếp: "Rất nhiều binh sĩ của Hồng quân đã bị thiệt mạng vì bị chính quân ta pháo kích. Sở dĩ có chuyện đáng tiếc như vậy là vì sĩ quan pháo binh của chúng ta không được huấn luyện kỹ càng hoặc trong các đơn vị pháo binh không có sĩ quan trinh sát để cho tọa độ tác xạ, nên xạ thủ chỉ bắn phỏng chừng mà thôi. Nếu đi sâu vào vấn đề thì nguyên do cũng chỉ tại thiếu sự liên lạc giữa các vị chỉ huy từng vùng của mặt trận".
Vấn đề tiếp liệu cũng gặp nhiều khó khăn vì chúng ta đưa ra mặt trận quá nhiều quân. Chúng tôi không rõ cấp chỉ huy của quân đội Hoa Kỳ đã rút ra được gì trong khi chiến đấu với quân đội Việt Nam, chứ theo chúng tôi thì đánh nhau với Việt Nam không cần phải đưa ra thật nhiều quân mà chỉ cần đưa ra một số đơn vị được huấn luyện thật kỹ càng, nhất là về chuyên môn. Một vấn đề khác nữa là cấp chỉ huy của chúng ta cho rằng không dùng không quân để yểm trợ cho bộ binh cũng có thể thắng được Việt Nam; vì Việt Nam có rất nhiều tên lửa SAM do Liên Xô cung cấp, những tên lửa phòng không này đã từng hạ nhiều pháo đài bay B52 của Hoa Kỳ, nên cấp chỉ huy của chúng ta mới dè dặt khi nói đến việc sử dụng không quân.
Khi phát động chiến tranh rồi mới thấy là chúng ta thiếu hẵn phương tiện để liên lạc và phối hợp hành động giữa các đại đơn vị cùng được lệnh tấn công một mục tiêu chung. Đó là trường hợp của 2 sư đoàn tuy được lệnh tiến chiếm một thị xã nhỏ mà vẫn cứ tưởng là chỉ có riêng đơn vị của mình được lệnh này mà thôi. Ba sư đoàn được lệnh đánh chiếm Lạng Sơn và ai cũng tưởng rằng thị xã này có rất nhiều quân Việt Nam trấn giữ. Trước khi tấn công, pháo binh của ta đã nhả liên tục hàng trăm ngàn viên đạn đại bác trong vòng 8 tiếng đồng hồ vào thị xã này. Nhưng đến khi vào chiếm Lạng Sơn, chúng ta mới thấy đó là một thị xã bỏ ngỏ và chỉ có khoảng vài trăm thường dân còn sống sót nhưng đều bị điếc vì cuộc pháo kích, cho nên chúng ta cũng đã "giải thoát" hộ cho họ. Khi cuộc chiến sắp chấm dứt, chúng ta đã huy động toàn bộ học viên sĩ quan trường công binh của Hồng quân đến đặt mìn trong từng nhà một của thị xã Lạng Sơn, tất cả những xác chết của dân chúng đều được chất thành từng đống và cũng được quấn mìn; khi mọi việc phá hoại được chuẩn bị xong xuôi, ai nấy đều rút ra khỏi thị xã, thì viên chỉ huy mới nhấn nút cho mìn nổ. Và Lạng Sơn, thị xã lớn nhất của Việt Nam ở vùng biên giới kể từ nay đã trở thành bình địa và coi như đã bị xóa tên trên bản đồ thế giới.
Trong khi tiến xuống phía nam, một số lớn binh sĩ của chúng ta bị thiếu ngủ ngày này qua ngày khác, nên khi có lệnh dừng lại để nghỉ ngơi là anh em rất hoan nghênh. Nhưng nào có nghỉ được phút nào đâu vì du kích Việt Nam chỉ rình có cơ hội đó để phục kích chúng ta. Đó là chưa kể hầm chông thì có khắp nơi, làm cho binh sĩ của chúng ta thiệt mạng cũng khá nhiều. Có nguồn tin cho hay là nhiều rừng tre ở vùng Thanh Nghệ Tĩnh đã trở nên xơ xác vì tre đã bị đốn để làm hầm chông ở trên vùng Việt Bắc nhằm làm chậm cuộc tiến quân của quân ta.
Nạn mìn bẫy cũng làm cho quân ta chết khá nhiều, và vì vậy mà quân ta ít khi bắt tù binh vì gặp bất cứ dân Việt Nam nào họ cũng đều bắn hạ cho hả cơn giận. Về phía Việt Nam, binh sĩ họ cũng có những hành động tương tự như quân của chúng ta. Cho nên sau khi ngưng chiến và trao đổi tù binh thì chỉ có một số rất ít thôi vì đa số thì đã bị giết chết cả rồi.
Một trong những điều làm cho binh sĩ của chúng ta bực tức nhất là nữ du kích Việt Nam. Trong khi tiến phía nam, chỗ nào đã đi qua rồi là chúng ta coi như vùng đó là nơi an toàn, nhưng sự thật thì không phải như thế vì trên nội địa Việt Nam không có nơi nào có thể gọi là nơi an toàn đối với chúng tôi cả. Một đoàn xe tăng T59 đi hàng một trên một con đường núi nhỏ hẹp. Gặp khúc quanh ngặt, xe dẫn đầu phải chạy rất chậm mới có thể quẹo được; nhưng trong khi rẽ thì lổ châu mai dùng để nhắm vẫn đứng yên bất động, không quay theo hướng của chiếc xe. Và chính lúc đó là lúc mà tên du kích dùng súng của bắn vào lổ châu mai và giết chết người lái xe. Lái xe của 7 chiếc xe tăng đều bị giết chết khi họ muốn quẹo xe và cả đoàn cơ giới đành phải dừng lại vì không có bộ binh đi theo hộ tống, và ai cũng tưởng đã gặp phải sức chống cự của một lực lượng hùng hậu của địch. Rồi mọi xe tăng đều bắt đầu xạ kích lung tung vì không thấy mục tiêu. Khi dứt tiếng súng thì cảnh vật lại trở về im lặng với cây rừng. Sau đó một chốc, một đại đội bộ binh được điều đến để lục soát trong vùng. Cuối cùng họ bắt được một nữ du kích Việt Nam với một khẩu súng. Viên chỉ huy đoàn xe giận quá bèn cho lột trần cô ta, trói cả tay chân rồi ném ra giữa đường. Ông ta nhảy lên một chiếc xe và lái xe này chạy qua chạy lại nhiều lần qua cô gái cho đến khi chỉ còn một mớ thịt bầy nhầy trải trên mặt đường núi. Trong khi đó binh sĩ của ông ta lên tiếng cổ vũ rầm rĩ vang cả khu rừng. Cảnh tượng này cho ta thấy rằng Hồng quân của chúng ta không phải thiếu về vũ khí tối tân, mà thiếu sự chuẩn bị về tâm lý khi phát động cuộc chiến tranh "trừng phạt Việt Nam". Chúng ta cứ tưởng rằng cuộc chiến này sẽ là một cuộc chiến tranh qui ước và người dân thường không tham gia cuộc chiến như một người lính. Nhưng họ có biết đâu ở Việt Nam mọi người dân đều là lính cả; và chính điều này đã cho ta thấy là chúng ta chưa bao giờ chịu rút tỉa những bài học từ kinh nghiệm đã qua của Hoa Kỳ.
Phụ nữ Việt Nam thường hay giả vờ chào đón chúng ta, nhưng khi đến gần thì họ ném lựu đạn vào chúng ta hoặc cầm lựu đạn nhảy vào giữa đám quân của ta để cùng chết. Có một lần có một cô gái dân sự Việt Nam bị thương và được đưa vào điều trị tại một bệnh viện dã chiến của Hồng quân. Khi vào trong bệnh viện cô ta cho nổ quả lựu đạn mang trong người để tự sát và cũng để giết luôn một số người của chúng ta nữa.
Nói đến sự dã man của cuộc chiến tranh này thì quả thật không có bút nào tả xiết, nhất là khi binh sĩ Việt Nam đối xử với tù binh Trung Quốc. Mỗi khi chúng bắt được nữ binh của chúng ta, việc đầu tiên là chúng chia nhau hãm hiếp và sau đó chúng giết họ và quẳng xác lại để cho chúng ta tìm. Có lúc chúng hãm hiếp xong còn dùng dây kẽm gai xiên qua vú của những nữ tù binh ta, làm thành từng xâu năm sáu người để cho họ không thể di chuyển được. Có nhiều trường hợp chúng bắt nữ tù binh của chúng ta ngồi trên những chiếc xiên tre vót nhọn, hoặc khi bị họ từ chối thì chúng đá cho họ té nhào lên trên những cây xiên này. Binh sĩ của chúng ta khi nghe kể lại những hành động dã man của quân đội Việt Nam thì họ rất căm thù và sau đó họ cũng đối xử như vậy với nữ tù binh Việt Nam (rõ ràng đây là một chiêu nhằm kích động binh lính TQ). Một khi binh sĩ ta đã nổi cơn thịnh nộ thì họ cũng biết bắn, giết, đốt phá nhà cửa như điên, và họ rất lấy làm vui thích khi có dịp để trả thù lại quân đội Việt Nam.
Trong cuộc chiến tranh "trừng phạt " này, chúng ta đã áp dụng chính sách tiêu thổ đối với Việt Nam. Ngay trong vùng Lạng Sơn có mỏ "lân tinh", chúng ta đã cho công binh tháo gỡ toàn bộ máy móc và dụng cụ dùng để khai thác hầm mỏ này mang về Trung Quốc. Những gì không mang đi được như đường sá, nhà cửa, các con đường hầm, đều bị phá sạch.
Đối với người ngoại quốc, nhất là đối với Hoa Kỳ - nước đã thất bại ở Việt Nam - thì Trung Quốc đã không thành công trong cuộc chiến tranh "trừng phạt Việt Nam", nhưng sự thật thì ngược lại vì nhờ có cuộc chiến tranh này mà quân đội Trung Quốc đã rút được rất nhiều ưu khuyết điểm để ngày càng tiến bộ thêm lên.
https://www.facebook.com/groups/781016645372575/permalink/986487308158840/
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét