Thứ Tư, 23 tháng 8, 2017

Trung Quốc hút dư luận chú ý vào Triều Tiên để rảnh tay trên Biển Đông?


Tiến sĩ Ian Storey từ Viện ISEAS, Singapore cho biết: "Nếu Việt Nam thấy Trung 
Quốc đang ép mình quá đáng, họ sẽ phải bật lại."


Tờ South China Morning Post, Hồng Kông xuất bản ngày 18/8 dẫn lời một số nhà bình luận Trung Quốc cho rằng, rõ ràng Bắc Kinh đang chuyển trọng tâm chú ý từ Biển Đông sang bán đảo Triều Tiên. [1]
Nghê Lạc Hùng, một nhà bình luận quân sự ở Thượng Hải được South China Morning Post dẫn lời nói rằng:
"Căng thẳng trên Biển Đông đã giảm bớt, khi mối quan hệ Trung Quốc - Philippines được cải thiện.
Tuy nhiên khu vực Đông Bắc Á đang trở nên nguy hiểm, sau khi Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump tuyên bố, quân đội Mỹ đã 'khóa mục tiêu' nhằm vào bán đảo Triều Tiên.
Nếu Mỹ tấn công Triều Tiên, Trung Quốc sẽ rơi vào tình thế tiến thoái lưỡng nan bởi vì hai nước Trung - Triều đã ký Hiệp ước Hợp tác, hữu nghị và tương trợ lẫn nhau năm 1961, trong đó Bắc Kinh cam kết bảo vệ Bình Nhưỡng nếu bị tấn công."
Bình luận của ông Nghê Lạc Hùng được đưa ra trong bối cảnh Trung Quốc vừa tiến hành một cuộc tập trận quân sự 4 ngày vào đầu tháng này trên biển Hoàng Hải và vịnh Bột Hải.
Hình minh họa: Tàu sân bay Liêu Ninh, Trung Quốc diễn tập trên biển Hoàng Hải, ảnh: The Financial Express.
Đây là cuộc tập trận bắn đạn thật lớn nhất từ trước tới nay trong khu vực với hàng chục loại tên lửa khác nhau. 
Trước đó không lâu, Trung Quốc cùng mới tập trận 3 ngày ở Hoàng Hải trong dịp kỷ niệm 90 năm thành lập quân đội.
Lý Kiệt, một nhà bình luận quân sự từ Bắc Kinh nói với South china Morning Post về 2 cuộc tập trận này:
"Trung Quốc muốn thể hiện sức mạnh hải quân của họ với Mỹ, Nhật Bản và Hàn Quốc, cảnh báo các nước này chớ làm Bình Nhưỡng bất mãn vì tổ chức nhiều cuộc tập trận chung.
Bắc Kinh muốn nhắc nhở Hoa Kỳ, Nhật Bản và Hàn Quốc không tiến hành các cuộc tập trận của họ quá gần Trung Quốc hay Bắc Triều Tiên, không vi phạm thỏa thuận ngừng bắn sau cuộc Chiến tranh Triều Tiên.
Đồng thời Bắc Kinh cũng muốn ông Kim Jong-un không tiếp tục có những hành vi khiêu khích." [1]
Dương Đông kích Tây
Nhận định của 2 nhà bình luận Trung Quốc được đưa ra trong bối cảnh đầu tuần này, Ngoại trưởng Philippines Alan Peter Cayetano và sau đó là Bộ trưởng Quốc phòng Delfin Lorenzana tuyên bố:
Trung Quốc đã đảm bảo với Philippines rằng, Bắc Kinh sẽ không chiếm thêm bất cứ cấu trúc địa lý nào mới trên Biển Đông theo một thỏa thuận "giữ nguyên hiện trạng".
Tiến sĩ Trần Công Trục đã có bài phân tích về lời hứa này của Bắc Kinh trên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam: "Lời hứa dù hay ơi là hay, một con vẹt cũng nói được ngay!"
Chúng tôi nhận thấy dường như ông Nghê Lạc Hùng và ông Lý Kiệt đang làm vai trò thuyết khách cho Bắc Kinh trong việc kéo sự chú ý của dư luận quốc tế khỏi Biển Đông.
Khủng hoảng trên bán đảo Triều Tiên chỉ là cái cớ mà thôi.
Thứ nhất, chính Trung Quốc đã tự xe toạc lời hứa của mình bằng hành động của họ trên Biển Đông.

Tự do hàng hải Biển Đông là lợi ích chung của Việt Nam - Hoa Kỳ và nhân loại

Tờ Philippines Daily Inquirer ngày 20/8 đưa tin, Thẩm phán tòa tối cao Philippines, ông Antonio Carpio đã kêu gọi chính phủ nước này phải hành động chống lại cái ông gọi là hành vi xâm lược của Trung Quốc.
Ngày thứ Bảy 19/8 vị Thẩm phán này ra tuyên bố cho hay, 2 tàu khu trục nhỏ và 1 tàu tuần tra, 2 tàu cá Trung Quốc đang canh gác bãi cạn lúc nổi lúc chìm Sandy Cay, cách đảo Thị Tứ, Trường Sa (Khánh Hòa, Việt Nam; hiện đảo Thị Tứ đang do Philippines kiểm soát) 4,6 km.
Nói cách khác, tàu Trung Quốc đang hiện diện bên trong 12 hải lý lãnh hải của đảo Thị Tứ. Thẩm phán Carpio bình luận:
"Điều này có nghĩa là Trung Quốc hiện đang tìm cách chiếm thêm một cấu trúc địa lý mới nhất nằm trong lãnh hải của đảo Thị Tứ, vi phạm rõ ràng cam kết của họ rằng không chiếm thêm bất kỳ cấu trúc nào ở Trường Sa.
Điều này còn tệ hại hơn những gì đã xảy ra ở bãi cạn Scarborough. Theo bất kỳ tiêu chuẩn nào, đây là sự chiếm đóng trái phép lãnh thổ Philippines (yêu sách).
Ít nhất những gì họ (Điện Manacanang) có thể làm hiện nay là phản đối mạnh mẽ cuộc xâm lược này của Trung Quốc.
Nếu đủ can đảm, họ nên đưa một con tàu hải quân đến bảo vệ Sandy Cay, còn khi Trung Quốc nổ súng tấn công tàu Philippines, họ nên kêu gọi (Washington) thực hiện Hiệp ước Tương trợ Hoa Kỳ - Philippines."[2]
Thứ hai, ngày 11/8 tờ South China Morning Post đưa tin, Trung Quốc đã công bố kế hoạch tăng cường năng lực phát triển điện hạt nhân trên biển, phát triển các lò phản ứng hạt nhân nổi trên Biển Đông. [3]
Thứ ba, ngày 11/8 South China Morning Post dẫn nguồn tin hãng AFP cho biết:
Mặc dù ông Vương Nghị - Ngoại trưởng Trung Quốc tuyên bố ở Manila rằng Trung Quốc đã dừng các hoạt động bồi đắp, xây dựng đảo nhân tạo (bất hợp pháp) ở Biển Đông từ 2015, nhưng thực tế hoàn toàn ngược lại.
Tổ chức Sáng kiến Minh bạch hàng hải châu Á vừa công bố tài liệu và bằng chứng cho thấy Trung Quốc đang tiếp tục bồi đắp, xây dựng và quân sự hóa các đảo, cấu trúc địa lý nước này chiếm đóng (bất hợp pháp) ở quần đảo Hoàng Sa (Đà Nẵng, Việt Nam). [4]
Đây chỉ là một trong nhiều động thái "đáng quan ngại" mà Bắc Kinh vẫn tiến hành đều đặn, như phát triển công nghệ khai thác băng cháy biển sâu ở Biển Đông, công nghệ tàu lặn không người lái săn tàu ngầm...
Những nước cờ này của Bắc Kinh thực sự không dễ đối phó. Về lâu dài, độ nguy hiểm của nó còn hơn rất nhiều các hoạt động gây chú ý như vụ giàn khoan 981 năm 2014.

3 sĩ quan Trung Quốc bàn chiến lược "giết gà dọa khỉ" ở Đông Nam Á

Đó là những bước đi tiếp theo và liên tục sau khi Trung Quốc đã quân sự hóa các đảo nhân tạo và các cấu trúc địa lý họ chiếm đóng bất hợp pháp ở Hoàng Sa và Trường Sa.
Vũ khí Trung Quốc bố trí ở các cấu trúc này cùng các hoạt động tập trận rầm rộ không ngoài mục đích thị uy, đồng thời bảo kê cho các hoạt động độc chiếm Biển Đông bằng con đường kinh tế, xây dựng, đánh bắt cá và khai thác năng lượng...
Điều này cho thấy rõ, không biết vô tình hay cố ý, nhưng những bình luận của ông Nghê Lạc Hùng và ông Lý Kiệt trên South China Morning Post mà chúng tôi trích dẫn, rất có thể là viên thuốc ngủ mà Trung Quốc muốn 'nhét vào miệng' dư luận Đông Nam Á.
Những nhận định, đánh giá về ứng xử của Việt Nam
Ngày 13/8 South China Morning Post có bài viết: "Bắc Kinh đang đối mặt với những thách thức mới về yêu sách trên Biển Đông", trong đó nhận định:
"Trung Quốc có thể đã có một chiến thắng nhỏ tại Diễn đàn ASEAN, nhưng căng thẳng đã bùng nổ với Việt Nam và Singapore". [5]
Tờ báo này dẫn lời một số nhà quan sát nói rằng, Bắc Kinh có thể thành công trong việc ngăn các nhà ngoại giao hàng đầu ASEAN đề cập đến Phán quyết Trọng tài hay tình trạng quân sự hóa Biển Đông trong tuyên bố chung tại Manila đầu tháng này.
Tuy nhiên yêu sách của Trung Quốc ở Biển Đông đang phải đối mặt với những thách thức mới. 
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis và Bộ trưởng Quốc phòng Việt Nam Ngô Xuân Lịch đã cam kết tăng cường quan hệ quân sự song phương, vì lợi ích chung của họ trên Biển Đông.
Hai ông cũng nhất trí kế hoạch để một tàu sân bay Mỹ tới thăm cảng quốc tế Cam Ranh của Việt Nam vào năm tới.
Nhà nghiên cứu Trương Bảo Huy từ Đại học Lĩnh Nam, Hồng Kông nhận định:
"So với Philippines có tranh chấp với Trung Quốc ở Trường Sa, Việt Nam và Trung Quốc có tranh chấp ở phạm vi rộng hơn, bao gồm cả 2 quần đảo Hoàng Sa lẫn Trường Sa.
Nếu nền tảng của các tranh chấp này vẫn không thay đổi, căng thẳng giữa Trung Quốc và Việt Nam có thể gia tăng, vì Việt Nam gặp nhiều khó khăn trong các vấn đề chủ quyền."
South China Morning Post dẫn lời Tiến sĩ Ian Storey từ Viện ISEAS, Singapore cho biết: "Nếu Việt Nam thấy Trung Quốc đang ép mình quá đáng, họ sẽ phải bật lại."

Chiến lược "cân bằng nước lớn" của Việt Nam qua góc nhìn học giả Trung Quốc

Theo ông, Việt Nam không chấp nhận khuất phục trước áp lực của Trung Quốc, nhưng cũng không mạo hiểm để xảy ra một cuộc đối đầu với láng giềng phương Bắc.
Còn với Singapore, Kang Lin, một nhà nghiên cứu Viện Nghiên cứu Biển Đông (do Trung Quốc thành lập ở đảo Hải Nam) cho rằng:
"Mặc dù Singapore không phải là nước có yêu sách trực tiếp, nhưng họ có lợi ích ở Biển Đông.
Họ không muốn một quốc gia nào thống trị các tranh chấp, mà muốn có sự cân bằng hơn nữa trong khu vực, đó là lý do Singapore tích cực hợp tác với Hoa Kỳ". [5]
Cũng trong ngày 13/8 South China Morning Post đăng bài phân tích của Bhavan Jaipragas, một phóng viên báo này phụ trách khu vực châu Á. Bhavan Jaipragas bình luận: 
"Với các dấu hiệu Việt Nam đang tăng cường quan hệ quân sự với Mỹ, Nhật Bản và Ấn Độ - những đối thủ chiến lược của Bắc Kinh, các nhà quan sát nói rằng:
Việt Nam có thể trở thành cái gai cứng nhất Đông Nam Á đối với Trung Quốc khi Bắc Kinh đang tìm cách hút khu vực này vào vòng ảnh hưởng ngoại giao của mình. [6]
Người viết cho rằng, việc Việt Nam kêu gọi ASEAN và các nước khác quan tâm tới việc bảo vệ hòa bình, ổn định, luật pháp quốc tế, an ninh - an toàn và tự do hàng hải - hàng không trên Biển Đông tại Hội nghị Ngoại trưởng ASEAN vừa qua ở Philippines là hết sức bình thường, thể hiện trách nhiệm của một thành viên Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982.
Những hành động quân sự hóa, đơn phương áp đặt, cưỡng chế, gây căng thẳng trên Biển Đông đã và đang uy hiếp trực tiếp an ninh khu vực và lợi ích chung của ASEAN cũng như các cường quốc.
Tuy nhiên truyền thông nhà nước Trung Quốc lại tỏ ra rất tức tối, bất mãn vô cớ về chuyện này.
Bhavan Jaipragas cho hay, ngày 7/8 tờ China Daily có bài xã luận tuyên truyền xuyên tạc rằng Việt Nam "đang cố ý gieo rắc bất hòa" trong khối ASEAN. [7]
Tệ hơn, cùng ngày hãng thông tấn Tân Hoa Xã có bài xã luận với thái độ lệch lạc, sai trái, lập luận "cả vú lấp miệng em" rằng: "Đã đến lúc Việt Nam điều chỉnh thái độ, thúc đẩy hòa bình ở Biển Đông". [8]
Những hành động khi âm thầm, lúc công khai mà Trung Quốc đã và đang tiến hành ở Biển Đông đã cho thấy rõ bản chất âm mưu độc chiếm Biển Đông không thay đổi.
Có chăng chỉ là Bắc Kinh thay đổi thủ đoạn trong mỗi giai đoạn khác nhau mà thôi.
Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị nói rằng Trung Quốc đã dừng bồi đắp, xây dựng và quân sự hóa ở Biển Đông từ năm 2015, Tổ chức Sáng kiến minh bạch hàng hải châu Á đã công bố bằng chứng, hình ảnh chứng minh điều ngược lại. Ảnh: SCMP.
Tự bản thân các hành động của Trung Quốc đi ngược lại tinh thần Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982, Tuyên bố về ứng xử của các bên trên Biển Đông. 
Sau tuyên bố “Trung Quốc cam kết không quân sự hóa Biển Đông” năm 2015, những phát biểu mới nhất của các quan chức nước này càng củng cố nhận định của dư luận quốc tế, khu vực:
Đừng nghe những gì Trung Quốc nói, hãy xem những gì Trung Quốc làm.
Mọi cáo buộc vô căn cứ nhằm vào Việt Nam từ truyền thông Trung Quốc chỉ phản tác dụng trong con mắt dư luận tiến bộ.
Còn Việt Nam tăng cường hợp tác với các nước khác vừa là hoạt động ngoại giao bình thường của một quốc gia có chủ quyền, một thành viên Liên Hợp Quốc.
Những hoạt động này không chỉ giúp bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của Việt Nam, mà còn góp phần để bảo vệ hòa bình, ổn định, luật pháp quốc tế, an ninh và tự do hàng hải - hàng không trên Biển Đông, lợi ích chung của đôi bên và khu vực.
Bất cứ quan điểm nào cho rằng Việt Nam lôi kéo nước này, nước khác để “chống lại Trung Quốc” chỉ là ngụy biện, bởi 3 lý do.
Thứ nhất, các siêu cường, các nước văn minh như Hoa Kỳ, Nhật Bản, Ấn Độ, Australia, Anh quốc...đâu phải trẻ lên 3 để ai muốn lôi kéo thì lôi kéo?
Thứ hai, ngày càng nhiều nước quan tâm tới việc bảo vệ các lợi ích chính đáng của họ ở Biển Đông, cũng là bảo vệ luật pháp quốc tế, tự do và an toàn hàng hải, hàng không.
Ngoài Hoa Kỳ vẫn đang hiện diện thường xuyên trong khu vực, Nhật Bản sẽ cung cấp viện trợ quân sự và an ninh giúp Philippines, Việt Nam tăng cường an ninh hàng hải với tổng trị giá 500 triệu USD trong 3 năm, từ 2017 đến 2019. [9]
Tờ Express, Anh quốc ngày 19/8 đưa tin, quân đội nước Anh sẽ tăng cường hiện diện ở Biển Đông sau Brexit, để bảo vệ vai trò, vị thế và lợi ích toàn cầu của nước này. [10]
Thứ ba, bảo vệ trật tự và luật pháp quốc tế ở Biển Đông đã trở thành một nhu cầu bức thiết không phải của riêng quốc gia nào.
Mọi âm mưu, tham vọng một mình một chợ thống trị Biển Đông sẽ thất bại, vì nó đi ngược lại xu thế hợp tác chung trên toàn cầu.
Không quốc gia nào rảnh để đi làm cái việc gọi là “chống Trung Quốc”.
Nhưng những hành động nào của Trung Quốc vi phạm luật pháp quốc tế, xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của nước khác và khu vực, rõ ràng cần phải đấu tranh chống lại.
Tài liệu tham khảo:
[6]http://giaoduc.net.vn/Quoc-te/Trung-Quoc-hut-du-luan-chu-y-vao-Trieu-Tien-de-ranh-tay-tren-Bien-Dong-post179107.g
d

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét