Theo Ngân hàng Thế giới (WB), GDP của Bhutan năm 2016 là 2,237 tỷ USD, tức là không bằng một phần tư số tiền mà quốc gia này vừa được Trung Quốc mời chào hỗ trợ.
Từ hơn hai tháng nay, cao nguyên Doklam trở thành điểm nóng trong mối quan hệ giữa Bhutan, Trung Quốc và Ấn Độ.
Cho tới nay, căng thẳng và đối đầu trực tiếp leo thang giữa Trung Quốc và Ấn Độ, nhưng tới đây rất có thể mối quan hệ đồng minh chiến lược giữa Ấn Độ và Bhutan sẽ bị ảnh hưởng tiêu cực và cục diện quan hệ giữa ba bên này cũng như diễn biến tình hình ở nơi đây rất có thể sẽ chuyển biến rất cơ bản.
Nguyên do không phải ở chỗ quân đội Trung Quốc và Ấn Độ vẫn dàn trận đối nhau, tăng thêm binh lính hoặc triệt thoái khỏi cao nguyên mà ở một quyết sách mới của Trung Quốc dưới dạng một lời chào mời để quyến rũ Bhutan: Trung Quốc ngỏ ý viện trợ và hỗ trợ tài chính 10 tỷ USD cho Bhutan.
Đối với Trung Quốc, tác dụng thực tế của chiêu thức này không chỉ đơn thuần như câu ngạn ngữ "Đồng tiền đi trước đồng tiền khôn" mà còn ở chính con số tuyệt đối "10 tỷ USD". Theo Ngân hàng Thế giới (WB), GDP của Bhutan năm 2016 là 2,237 tỷ USD, tức là không bằng một phần tư số tiền mà quốc gia này vừa được Trung Quốc mời chào hỗ trợ.
Sức quyến rũ của nó rất lớn, thậm chí quá lớn so với khả năng tỉnh táo đề kháng của Bhutan, cho dù ai ai cũng biết rằng Trung Quốc tung cú đòn này để nhằm vào Ấn Độ, cụ thể là để lôi kéo Bhutan về phía mình, để phân rẽ Bhutan với Ấn Độ và để đẩy Ấn Độ vào một cái bẫy về chính trị, pháp lý cũng như an ninh.
Cao nguyên Doklam là vùng lãnh thổ mà cả Bhutan lẫn Trung Quốc đều coi là lãnh thổ của mình. Ở khu vực này, Trung Quốc tranh chấp chủ quyền lãnh thổ với cả nhiều nước khác nữa, trong đó có những nước đã thỏa thuận giải quyết với Trung Quốc.
Vì Bhutan không phải là đối thủ quân sự của Trung Quốc nên nước này dựa vào Ấn Độ. Với Ấn Độ, Trung Quốc đã 3 lần tiến hành chiến tranh biên giới và đến hiện tại chuyện tranh chấp chủ quyền lãnh thổ giữa hai bên vẫn dai dẳng tồn tại, nhưng nếu đụng độ quân sự thì không biết mèo nào sẽ cắn mỉu nào.
Năm 1947, thực dân Anh chuyển giao quyền bảo hộ xứ Bhutan cho Ấn Độ. Năm 2007, hai nước ký kết Hiệp ước hữu nghị Ấn Độ - Bhutan, trong đó có quy định cấm nước này sử dụng lãnh thổ của mình làm tổn hại đến lợi ích quốc gia của nước kia và Ấn Độ cam kết sẽ bảo vệ Bhutan trong trường hợp chiến tranh xảy ra với Bhutan.
Trong câu chuyện hiện tại, quân đội Ấn Độ được triển khai ở cao nguyên Doklam trên cơ sở Hiệp ước và cam kết nói trên. Cao nguyên này không phải là vùng lãnh thổ tranh chấp chủ quyền giữa Ấn Độ với Bhutan hay với Trung Quốc.
Đối với Ấn Độ, việc không để cho Trung Quốc chiếm cao nguyên có tầm quan trọng vô cùng to lớn và chiến lược. Một mặt, ở đấy có chuyện thực hiện cam kết bảo vệ Bhutan và không để Bhutan sa vào phạm vi ảnh hưởng của Trung Quốc.
Mặt khác, cao nguyên này còn có ý nghĩa chiến lược về quân sự. Nó có thể là bàn đạp chiến lược cho Trung Quốc tấn công vào lãnh thổ Ấn Độ và chia cắt Ấn Độ.
Trung Quốc và Ấn Độ hiện dàn binh trên cao nguyên và bên nào cũng tỏ ra sẵn sàng chiến đấu tới cùng, nhưng trong thâm tâm, hai bên đều không muốn để xảy ra đụng độ quân sự.
Về lý, Trung Quốc yếu thế hơn Ấn Độ, nhưng về quân sự thì đối phó Trung Quốc lâu dài ở nơi đây và rồi sẽ cả ở biên giới của Ấn Độ với Trung Quốc nữa sẽ là thách thức rất lớn và cái giá rất đắt đối với Ấn Độ về mọi phương diện.
Cái hiểm hóc trong chiêu thức 10 tỷ USD của Trung Quốc là số tiền hấp dẫn quá mức Bhutan có thể khước từ - trừ khi Ấn Độ chịu mời chào tương tự - và giúp Trung Quốc bắn một mũi tên trúng đồng thời hai đích là thu phục được Bhutan vào quỹ đạo chi dẫn dắt của mình, phân hóa Bhutan với Ấn Độ, đồng thời đẩy Ấn Độ hoàn toàn ra khỏi cao nguyên Doklam.
Chỉ cần Bhutan tuyên bố là không có chuyện tranh chấp chủ quyền lãnh thổ giữa Bhutan và Trung Quốc ở nơi này thì Ấn Độ ngay lập tức không còn lý do gì để triển khai quân đội ở nơi đây. Khi ấy, Trung Quốc sẽ biện luận Ấn Độ chứ không phải Trung Quốc xâm phạm biên giới quốc gia khác.
Với cú đòn hiểm này, Trung Quốc đặt Bhutan trước quyết định lựa chọn khó khăn mà quyết định ấy có như thế nào thì cũng động chạm đến tương lai của đất nước.
Nhưng cả Ấn Độ hiện cũng khó xử không kém. Chiêu thức này đã được Trung Quốc nhiều lần sử dụng với nhiều đối tác ở trong cũng như ngoài khu vực này từ lâu và cho thấy luôn rất hiệu quả. Nhưng Ấn Độ cũng đâu có thiếu kinh nghiệm đối phó chiêu trò cũ với đối tác mới này của Trung Quốc ở Nepal, Sri Lanka, Bangladesh hay ở châu Phi....
Hiện tại là trận chiến giữa họ "giành" Bhutan.
http://soha.vn/trung-quoc-choi-don-hiem-dieu-gi-xay-ra-neu-bhutan-khong-de-khang-noi-voi-10-ty-usd-20170827023347004.htm
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét