Thứ Năm, 10 tháng 8, 2017

Nếu xảy ra, chiến tranh giữa Mỹ và Triều Tiên sẽ như thế nào?

Với việc Washington không còn nhiều cơ hội để ngăn chặn Triều Tiên sở hữu tên lửa đạn đạo liên lục địa gắn đầu đạn hạt nhân, giới quan sát bắt đầu phân tích đến các lựa chọn quân sự của Tổng thống Mỹ Donald Trump.



Ngày 8/8, ông Trump cảnh báo Bình Nhưỡng sẽ đối mặt với "lửa cháy và cơn thịnh nộ" nếu nước này tiếp tục đe dọa tới an ninh của Mỹ. Tướng không quân Mỹ về hưu Tom McInerney tuyên bố nước này có thể san bằng Triều Tiên chỉ trong 15 phút nếu Bình Nhưỡng tấn công hạt nhân lãnh thổ Mỹ và Hàn Quốc. 
Hãng Fox News (Mỹ) dẫn lời Tướng 3 sao về hưu Tom McInerney nhận định: "Nếu Triều Tiên trả đũa hạt nhân chúng ta, chỉ vài phút sau đợt tấn công đầu vào Seoul, sẽ chẳng có gì còn lại".
Sau khi Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc thông qua những biện pháp trừng phạt hà khắc nhất nhằm vào chế độ của ông Kim Jong-un, Triều Tiên đã tái khẳng định chương trình vũ khí hạt nhân của nước này là cần thiết để ngăn chặn một vụ xâm lược của Mỹ. Đối với ông Trump và Mỹ, không còn lựa chọn nào dễ dàng.
Nếu xảy ra, chiến tranh giữa Mỹ và Triều Tiên sẽ như thế nào? - Ảnh 1.
Pháo binh Triều Tiên dàn trận dọc bờ biển trong cuộc diễn tập bắn đạn thật và ngư lôi chống tàu ngầm nhân dịp kỷ niệm 85 năm ngày thành lập Quân đội Nhân dân Triều Tiên (ngày 25/4).
1. Mỹ không thể tấn công kiểu "phẫu thuật"?
Tấn công phẫu thuật - chiến lược đánh vào các mục tiêu quân sự, đồng thời cố gắng hạn chế các thiệt hại ngoài dự kiến này - dường như không đủ hiệu quả. Các cơ sở hạt nhân và tên lửa của Bình Nhưỡng nằm phân tán và ẩn giấu sâu trong những vùng đồi núi. 
Trong trường hợp Mỹ thất bại để phá hủy toàn bộ chúng, sẽ có khoảng 10 triệu người ở Seoul, 38 triệu người ở Tokyo và hàng chục ngàn quân nhân Mỹ ở khu vực Đông Bắc Á đứng trước nguy cơ bị tên lửa Triều Tiên tấn công - cả bằng vũ khí thông thường và vũ khí hạt nhân. 
Thậm chí, nếu Mỹ cố gắng xóa sạch mọi cơ sở hạt nhân của Triều Tiên, Seoul vẫn nằm trong tầm tấn công của đạn pháo Bình Nhưỡng.
2. Lý do ông Kim chọn vũ khí hạt nhân?
"Ngay cả một cuộc tấn công có giới hạn" do Mỹ tiến hành "cũng sẽ dẫn đến nguy cơ khiến người Triều Tiên khởi đầu một cuộc chiến quy mô lớn hơn, và họ có thể chọn cách sử dụng vũ khí hạt nhân", ông Jeffrey Lewis - Giám đốc chương trình hạn chế vũ khí hạt nhân tại Viện nghiên cứu quốc tế Middlebury cho biết. 
Bằng cách nào đó, Mỹ cần phải ra dấu hiệu đối với cả Triều Tiên và Trung Quốc - đồng minh lớn và đối tác thương mại của Bình Nhưỡng - rằng một vụ tấn công quân sự phẫu thuật là bị hạn chế và họ nên tránh trả đũa hạt nhân.
3. Chế độ có thay đổi lựa chọn không?
Nhà lãnh đạo mới không nhất thiết dẫn đến một lối suy nghĩ mới về ban lãnh đạo của Triều Tiên.
Sự tiếp xúc trong thời gian dài của ông Kim với các giá trị phương Tây trong khi du học ở Thụy Sĩ đã khiến một số người suy đoán rằng ông có thể chọn hướng mở cửa đất nước ra thế giới - cho đến khi ông lên nắm quyền và chứng minh họ đã sai lầm. 
Hơn thế, nếu ông Kim trở thành một mục tiêu cần loại bỏ của phương Tây thì toàn bộ nhân vật xung quanh ông cùng cần phải ra đi - khiến danh sách loại trừ càng nối dài. Trung Quốc, lo sợ về khủng hoảng người tị nạn và sự hiện diện của binh sĩ Mỹ ngay sát biên giới, sẽ tìm cách chống đỡ cho chế độ hiện tại.
4. Chiến tranh toàn diện là lựa chọn tốt nhất của Mỹ?
Một cuộc chiến toàn diện sẽ cần thiết để đoạt được nhanh gọn đạn pháo, tên lửa cũng như vũ khí hạt nhân của Triều Tiên. 
Tuy nhiên, bất cứ dấu hiệu nào cho thấy nguy cơ sắp xảy ra một cuộc tấn công - chẳng hạn như tăng cường hỏa lực, điều động quân đội Hàn Quốc và Nhật Bản, cùng với hoạt động sơ tán công dân Mỹ trong khu vực - có thể thúc giục Triều Tiên tấn công phủ đầu. 
Trung Quốc và Nga cũng có thể bị hút vào cuộc chiến này. "Thực tế, chiến tranh phải được tránh", John Delury, trợ lý giáo sư về nghiên cứu quốc tế tại Đại học Yonsei Hàn Quốc cho biết.
Hành động khẩn trương nhất sẽ là một cuộc tấn công đạn pháo rầm rộ vào Seoul và các vùng phụ cận. Các khẩu đội pháo Triều Tiên dọc theo đường biên giới hai nước có thể kích hoạt nhanh hơn bất cứ loại tên lửa hay vũ khí trên biển hoặc trên không nào. 
Mỹ, Hàn Quốc và Nhật Bản đều sở hữu hệ thống phòng thủ tên lửa đạn đạo nhưng không thể đảm bảo rằng chúng sẽ bắn hạ được mọi mục tiêu. Tokyo đã bắt đầu hướng dẫn công dân phải làm gì trong tình huống một quả tên lửa bắn xuống gần nơi họ ở và các công ty Mỹ thì đang quảng cáo rầm rộ cho sản phẩm hầm trú ẩn tên lửa.
5. Triều Tiên sẽ đáp trả ra sao?
Trong khi còn chưa rõ liệu Triều Tiên đủ năng lực vươn tầm bắn tên lửa tới các thành phố Mỹ như Denver hay Chicago hay không thì khả năng các hệ thống phòng thủ Mỹ có thể bắn hạ tên lửa Triều Tiên cũng là một điều chưa thể khẳng định.
6. Tổn thất kinh tế nếu chiến tranh nổ ra
Hàn Quốc đang chiếm khoảng 1,9% nền kinh tế thế giới và là nơi tọa lạc nhiều công ty hàng đầu như Samsung Electronics Co. và Hyundai Motor Co. Sự sụt giảm trong hoạt động kinh doanh do ảnh hưởng của chiến tranh trên Bán đảo Triều Tiên sẽ làm lan rộng thiệt hại ra khu vực và toàn cầu. 
Các thị trường tài chính trên thế giới cũng phải gánh chịu một cú sốc chấn động trong thời gian ngắn. Giới đầu tư sẽ đổ xô vào các tài sản dự trữ an toàn như vàng, đồng USD Mỹ và đồng franc Thụy Sĩ. 
"Khủng hoảng nhân đạo và tái thiết nền kinh tế của Bán đảo Triều Tiên sau một vụ xung đột hạt nhân đòi hỏi một sự hợp tác quốc tế quy mô lớn do Trung Quốc, Mỹ và Liên minh châu Âu dẫn đầu và nó có khả năng mất tới một thập kỷ để xây dựng lại nền kinh tế", ông Rajiv Biswas - nhà kinh tế tại công ty cố vấn tài chính IHS Markit dự đoán.
7. Còn lựa chọn nào khác hay không?
Nhiều nhà phân tích cho rằng đã đến thời điểm để bắt đầu đàm phán nhằm ngăn tình hình trở nên tồi tệ hơn. Theo ông Lewis, ngăn chặn Bình Nhưỡng đạt được vũ khí hạt nhân hoặc các loại tên lửa nhiên liệu rắn tối tân, là một mục tiêu đáng theo đuổi. 
Tuy nhiên, vẫn cần thiết để đưa Bình Nhưỡng trở lại bàn đàm phán có thể bằng cách trao đổi điều kiện nào đó. Ông Lewis gợi ý một hình thức đánh đổi chính là việc giảm bớt các hoạt động tập trận quân sự gần Triều Tiên. 
Câu hỏi về thứ gì có thể cung cấp cho Triều Tiên là "một cuộc trao đổi nên diễn ra với công chúng, với Quốc hội và với người Triều Tiên, thay vì một trò chuyện tưởng tượng về các viễn cảnh chiến tranh", trợ lý giáo sư Delury tin tưởng, "Lựa chọn thực tế là một lựa chọn ngoại giao, làm chậm lại vấn đề này. Và điều đó sẽ đòi hỏi rất nhiều cuộc đàm phán".
http://baotintuc.vn/quan-su/neu-xay-ra-chien-tranh-giua-my-va-trieu-tien-se-nhu-the-nao-20170809161613862.htm

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét