Tác giả Robert Haddick đã sử dụng 30 năm kinh nghiệm nghiên cứu về xu hướng an ninh ở châu Á để phân tích sự trỗi dậy về quân sự của Trung Quốc và chiến lược ứng phó của Mỹ và chỉ ra rằng chiến lược của Mỹ hiện không hiệu quả và có thể là một trong những nguyên nhân tiềm tàng gây xung đột tại khu vực.
Nguyễn Lê Ngọc Anh
Viện Nghiên cứu Chiến lược Ngoại giao
Học viện Ngoại giao
Robert Haddick, Fire on the Water: China, America, and the Future of the Pacific, Appapolis (MD): Naval Institute Press.
Cuốn “Lửa ở trên nước” (10 chương, 272 trang) là một nghiên cứu quan trọng về tác động của quá trình hiện đại hóa quân sự của Trung Quốc đối với Mỹ và đồng minh ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Tác giả Robert Haddick đã sử dụng 30 năm kinh nghiệm nghiên cứu về xu hướng an ninh ở châu Á để phân tích sự trỗi dậy về quân sự của Trung Quốc và chiến lược ứng phó của Mỹ và chỉ ra rằng chiến lược của Mỹ hiện không hiệu quả và có thể là một trong những nguyên nhân tiềm tàng gây xung đột tại khu vực. Tác giả cho rằng các ứng phó của Mỹ đối với chiến lược hiện đại hóa của Trung Quốc tạo điều kiện cho Trung Quốc ngày càng lấn tới, bắt nạt các nước nhỏ trong các yêu sách chủ quyền. Biện pháp tác chiến của Mỹ (dù được cải tiến) đã lỗi thời và không bắt kịp với tốc độ hiện đại hóa của Trung Quốc. Tác giả khuyến nghị một chiến lược quân sự mới giúp nâng cao năng lực tác chiến của Mỹ để đối phó hiệu quả với năng lực quốc phòng của Trung Quốc và duy trì ổn định khu vực.
Nguồn gốc của những thách thức ở khu vực
Tác giả cho rằng sự trỗi dậy của Trung Quốc trong hơn ba thập kỷ qua, tương tự sự trỗi dậy của Đức trước năm 1914, nếu không được xử lý phù hợp sẽ dẫn đến sự va chạm với vai trò siêu cường của Mỹ. Trung Quốc vẫn đang hưởng lợi từ trật tự quốc tế hiện nay, nhưng sẽ mạnh mẽ theo đuổi các yêu sách chủ quyền lãnh thổ nhằm đảm bảo an ninh quốc gia và các tuyến hàng hải, giải tỏa sức ép nội bộ từ chủ nghĩa dân tộc, và mong có vị trí cường quốc xứng đáng. Tác giả (như John Mearsheimer – người đề xuất chủ thuyết hiện thực tấn công) cho rằng sự trỗi dậy của Trung Quốc và sự cương quyết của nước này trên biển Hoa Đông và biển Đông đang đẩy các nước láng giềng vào “miệng hố chiến tranh.”
Mỹ có nhiều lợi ích quan trọng tại khu vực, như: duy trì hệ thống kinh tế quốc tế mở; bảo vệ trật tự quốc tế dựa trên các luật lệ; duy trì hòa bình và an ninh cho Mỹ và các đồng minh. Tác giả phân tích 4 kịch bản đối với châu Á-Thái Bình Dương: (i) Mỹ tiếp tục duy trì hiện diện và cam kết với khu vực; (ii) Mỹ giảm cam kết và các cường quốc khu vực nổi lên tranh giành ảnh hưởng; (iii) Các nước châu Á thành lập một cộng đồng gắn kết như Liên minh châu Âu; và (iv) Trung Quốc thiết lập một trật tự khu vực mới. Trên cơ sở các điểm mạnh và yếu của 4 kịch bản này, tác giả khẳng định Mỹ cần thực hiện kịch bản duy trì hiện diện để bảo vệ sự thịnh vượng và ổn định của khu vực châu Á – Thái Bình Dương. Đồng thời, Mỹ cần đảm bảo các luật chơi trong trật tự hiện tại có lợi cho Trung Quốc để thuyết phục Trung Quốc chấp nhận trật tự hiện tại. Lựa chọn chiến lược này đối với Mỹ là ít mạo hiểm và tốn kém nhất.
Tuy nhiên, theo tác giả, Mỹ đang đối mặt với những hạn chế nghiêm trọng. Năm 1943, dựa theo học thuyết vành đai an ninh, Mỹ xác định 66 vị trí chiến lược mà hải quân và không quân Mỹ cần bảo vệ để ngăn chặn các cuộc tấn công từ phía châu Á-Thái Bình Dương. Về sau, Mỹ lập các căn cứ quân sự trong khu vực đều dựa trên hệ thống 66 vị trí này. Sau Chiến tranh lạnh, Mỹ điều chỉnh, rút nhiều căn cứ và duy trì chủ yếu ở Đông Bắc Á. Tuy nhiên, các thách thức an ninh hiện không chỉ có ở Đông Bắc Á mà cả ở Đông Nam Á, nơi Mỹ gần như không hiện diện quân sự. Ngoài ra, việc đóng quân quá lâu ở châu Âu và Đông Bắc Á khiến Mỹ tập trung vào các lực lượng (bộ binh, hải quân, không quân) tác chiến tầm ngắn. Các kế hoạch quân sự và các tướng lĩnh có quân công đều bị ảnh hưởng bởi chiến thuật đánh trong khoảng cách gần. Khả năng tấn công tầm xa của Mỹ như máy bay tầm xa, tên lửa đạn đạo (giảm đáng kể do Hiệp ước Phá hủy Tên lửa Tầm trung và Tầm ngắn ký với Liên Xô năm 1987) khá hạn chế. Trong khi đó, Trung Quốc đã nghiên cứu kỹ các điểm yếu trong bố trí quân sự của Mỹ và liên tục hiện đại hóa quân đội, đặc biệt về tên lửa. Dự đoán, sang thập kỷ tới, Trung Quốc sẽ có thể gây tổn thương nghiêm trọng cho lực lượng Mỹ, kể cả những lực lượng cách Trung Quốc 2,000 km.
Tính toán sai lầm của Mỹ
Trung Quốc đang tiến hành hai chiến lược song song. Về chính trị, Trung Quốc áp dụng chiến lược “cắt lát xúc xích” – salami slicing (có nghĩa đánh lấn từng bước). Trung Quốc từng bước chia rẽ ASEAN trong vấn đề Biển Đông, chia rẽ các nước có yêu sách chủ quyền. Trung Quốc cũng dần lấn từng bước trên thực địa ở biển Đông và biển Hoa Đông, không mạnh quá dẫn đến phản ứng của các nước mà chỉ vừa đủ để dần hợp thức hóa sự hiện diện thực tế tại các vị trí quan trọng nhất. Về quân sự, Trung Quốc đang thực hiện một cuộc cách mạng tên lửa và công nghệ cảm biến nhằm “chống tiếp cận” của Mỹ vào gần lãnh thổ Trung Quốc. Tên lửa của Trung Quốc có thể đặt trên các bệ phóng di động và tấn công tất cả tàu chiến, tàu ngầm, căn cứ không quân cách biên giới Trung Quốc 2,000 km. Trung Quốc cũng đang hiện đại hóa không quân (máy bay tiêm kích, hệ thống radar, máy bay không người lái, hệ thống do thám và vệ tinh) để phát hiện và ngăn chặn tiếp cận của hải quân Mỹ. Chiến lược này giúp Trung Quốc cai trị biển từ đất liền, giành ưu thế nổi trội so với cường quốc viễn chinh Mỹ. Tuy nhiên, Trung Quốc có một số điểm yếu: gần như không có đồng minh (trừ Bắc Triều Tiên và chừng mực nào đó Lào và Campuchia); vẫn bị bao vây trong vành đai đảo thứ nhất (từ Nhật kéo xuống Philippines và Malaysia); ít kinh nghiệm tác chiến thực tế; và chính trị nội bộ bất ổn. Những thách thức này, đặc biệt về việc thiếu đồng minh và bất ổn nội bộ, sẽ tiếp tục gây khó khăn cho Trung Quốc.
Tuy nhiên, các ứng phó hiện tại của Mỹ đối với thách thức quân sự từ Trung Quốc là không toàn diện, không cạnh tranh và thiếu thực tế. Thứ nhất, JOAC (Joint Operational Access Concept), kế hoạch phối hợp tác chiến ở cấp cao của tất cả các lực lượng nhằm tiến công sát Trung Quốc, đã mô tả trung thực những thách thức của quân đội Mỹ, nhưng kiến nghị những giải pháp không phù hợp. Một số đề xuất của JOAC (như: gây bất ngờ tối đa, làm gián đoạn hệ thống do thám và tuần tra, khai thác lợi thế để giảm năng lực chống tiếp cận của địch thủ…) không phải là các chiến thuật quân sự bài bản. Một số đề xuất khác (như kiểm soát không phận từ khoảng cách chiến lược, tấn công năng lực phòng không và an ninh mạng…) vượt ngoài khả năng của Mỹ và đồng minh. Ngoài ra, hầu hết lính Mỹ khó loại bỏ những giả định ăn sâu trong văn hóa chiến đấu cũ nên việc triển khai các đề xuất này không hiệu quả. Thứ hai là Kế hoạch Chiến tranh Không-Biển (Air-Sea Battle), bảo vệ các tàu chiến và căn cứ của Mỹ và đồng minh khỏi tên lửa của đối phương, có một số nội dung hữu ích nhưng không có tính cạnh tranh trước chiến lược chống tiếp cận của Trung Quốc. Mỹ sẽ tiêu tốn nguồn lực không phải để đánh vào các điểm yếu mà để phòng thủ các điểm mạnh của Trung Quốc (khả năng tấn công linh hoạt từ các bệ phóng di động và năng lực sử dụng mạng để hạn chế các lực lượng của Mỹ phối hợp tác chiến). Thứ ba, chiến lược phong tỏa từ xa, mà một số chuyên gia đề xuất, cũng không hiệu quả do chiến lược này sẽ đe dọa đến nền kinh tế của đồng minh Mỹ, gây ra bất ổn chính trị và Mỹ cũng không đủ khả năng phong tỏa hiệu quả các tuyến hàng hải đến Trung Quốc.
Đề xuất chiến lược mới cho nước Mỹ ở khu vực
Theo tác giả, Mỹ cần một chiến lược hiệu quả dựa trên các tính toán chính xác trên cả bốn bước: đánh giá, thiết kế, thi hành và dự báo. Về đánh giá, Mỹ cần nghiên cứu toàn diện sức mạnh của mình, lợi ích hiện tại và lâu dài, điểm mạnh và yếu của đối thủ. Theo tác giả, chiến lược của Mỹ cần dựa trên 8 đánh giá cơ bản: (1) Trung Quốc sẽ tiếp tục tăng cường năng lực không quân, hải quân, tên lửa và vũ trụ để kiểm soát hoàn toàn các tuyến hàng hải, trước hết ở Đông Á; (2) Cùng với phát triển xã hội, Trung Quốc gặp thêm nhiều thách thức nội bộ; (3) Láng giềng của Trung Quốc cũng sẽ đẩy mạnh cân bằng bên trong và bên ngoài trước chủ nghĩa dân tộc và hiện đại hóa quân đội của Trung Quốc; (4) Cạnh tranh an ninh ở châu Á – Thái Bình Dương sẽ không có hồi kết; (5) Trung Quốc sẽ tiếp tục có lợi thế từ lục địa, chi phí sản xuất vũ khí thấp; và ngày càng thu hẹp khoảng cách quân sự với Mỹ; (6) Cho dù mâu thuẫn nội bộ, lãnh đạo trung ương của Trung Quốc sẽ nắm toàn quyền kiểm soát các lực lượng quân sự và bán quân sự khi có khủng hoảng; (7) Giới lãnh đạo Trung Quốc sẽ cân nhắc kỹ trước khi hành động; (8) Trung Quốc cũng lo sợ những điểm yếu của mình (sợ bất ổn nội trị, sợ bị phong tỏa, sợ không kiểm soát được vấn đề Đài loan, sợ bị tấn công trên bộ từ láng giềng hoặc có lãnh thổ ly khai, sợ bị ném bom tầm xa, sợ bị tấn công vào các vị trí chiến lược, và sợ tình hình leo thang hoặc mất kiểm soát).
Về thiết kế, Mỹ cần có một cách tiếp cận mới với các đối tác khu vực để thể hiện sự kiên quyết, nhưng cũng tinh tế hơn. Tác giả đề xuất 7 biện pháp cụ thể là:
(i) Các đối tác của Mỹ cần đẩy mạnh đấu tranh pháp lý chống các hành động lấn chiếm lãnh thổ của Trung Quốc. Điều này sẽ làm các hoạt động lấn tới trên thực tế của Trung Quốc trở nên vô giá trị;
(ii) Các đối tác của Mỹ ở biển Đông và Hoa Đông cần có đủ sức mạnh đối kháng với sự hiện diện quân sự của Trung Quốc. Mỹ cần kéo Nhật, Ấn Độ, Úc, cùng hỗ trợ các nước nhỏ có đủ sức mạnh quân sự và dân sự (tàu cá) để đối kháng với Trung Quốc;
(iii) Các đối tác của Mỹ cần tăng cường thông tin tình hình cho cộng đồng toàn cầu vì họ có ưu thế pháp lý hơn Trung Quốc;
(iv) Mỹ cần mở rộng và củng cố mạng lưới đối tác trên khắp châu Á. Mỹ cần mở rộng quan hệ với các nước trước ít liên quan như Myanmar, các nước trên dãy Himalaya; tăng cường quan hệ với một số đối tác quan trọng như Ấn Độ và Việt Nam (những nước có chung lợi ích với Mỹ chống lại sự lấn tới của Trung Quốc); và mở rộng quan hệ phi chính phủ.
(v) Mỹ cần đi đầu trong việc chia sẻ thông tin và nhận thức về hàng hải để một bức tranh kịp thời và chính xác về các hoạt động của Trung Quốc;
(vi) Mỹ cần khuyến khích các đối tác xây dựng các năng lực chống tiếp cận riêng của mình để ngăn ngừa các lực lượng Trung Quốc xâm nhập; và
(vii) Mỹ và các đối tác cần chuẩn bị sẵn sàng cho một cuộc chiến phi thông thường vì Trung Quốc đã phát triển học thuyết “Ba cuộc chiến” (truyền thông, tâm lý, và kỹ thuật pháp lý).
Về thực hiện, Mỹ cần giải quyết một số tồn tại trong quan hệ với đối tác như tình trạng lưỡng nan do áp lực từ Trung Quốc, vấn đề ngồi không hưởng lợi (free-riding) hay các đối tác dè dặt trong hợp tác quân sự với Mỹ. Mỹ cần duy trì một hình ảnh khiêm tốn, thúc đẩy các nước khác chia sẻ vai trò lãnh đạo với Mỹ; mở rộng các cơ chế đa phương thay vì tập trận và trao đổi song phương để xây dựng lòng tin và trao đổi quan điểm; đề ra những mục tiêu quan trọng nhất khi phát triển hoặc triển khai các hoạt động luyện tập quân sự với đối tác; và cần hợp tác với các đối tác củng cố sự phụ thuộc lẫn nhau. Trong đó, Mỹ phải đi đầu mở rộng vai trò với đối tác, chia sẻ chuyên môn về hệ thống liên lạc, cảm biến, thậm chí hệ thống chống tên lửa.
Về dự báo, tác giả cho rằng, trong tương lai, sự thống trị của không lực tầm xa sẽ là nhân tố chủ chốt cho thành công quân sự ở Đông Á. Do đó Mỹ cần tái thiết kế lực lượng quân sự và cần có hệ thống không lực đa tầm ngắm để đối phó với quá trình Trung Quốc hiện đại hóa quân sự. Cụ thể, Mỹ cần (i) nhiều máy bay chiến thuật tầm xa (không chỉ ném bom) có độ bền và trọng tải tốt; (ii) rút ngắn khoảng cách tên lửa với Trung Quốc, đặc biệt qua JASSM-ER - tên lửa hành trình đối hạm tầm xa có khả năng cạnh tranh với tên lửa đối hạm của Trung Quốc, và lôi kéo các nước ép Trung Quốc ký Hiệp ước Phá hủy Tên lửa Tầm ngắn và Tầm trung (INF Treaty); (iii) đẩy mạnh sản xuất tên lửa tự hoạt để giành lại quyền kiểm soát biển (điều này giúp kiềm chế tên lửa và không lực đối hạm được phân tán, di chuyển hoặc giấu trong các cơ sở dưới lòng đất của Trung Quốc) và chương trình LOCAAS, chương trình về hệ thống tấn công tự hoạt có chi phí thấp; (iv) bảo vệ hệ thống do thám, liên lạc và cần bộ quy tắc ứng xử chống lại các cuộc tấn công trên không gian, làm tăng chi phí chính trị đối với các quốc gia vi phạm luật. Tuy nhiên hệ thống này cần kết hợp máy bay ném bom tấn công tàng hình từ xa để thu thập hình ảnh và duy trì liên lạc, (v) tính đến các yếu tố khác như con người, tổ chức, huấn luyện, các học thuyết để đối phó lại các thách thức mới.
Thay lời kết
Tựu chung lại, theo quan điểm của tác giả, sự trỗi dậy của Trung Quốc và chương trình hiện đại hóa sức mạnh quân sự, hải quân, không quân của nước này dường như đang đặt châu Á vào nguy cơ chiến tranh, rơi vào bẫy lịch sử năm 1914 gắn liền với sự nổi lên của nước Đức. Trong khi đó, Mỹ không có chiến lược hiệu quả để đối phó với những nguy cơ trên khiến uy tín của Mỹ suy giảm, các nguyên tắc về tự do hàng hải, quyền đối với thực tiễn toàn cầu gặp nguy hiểm. Trước bối cảnh đó, Mỹ cần một chiến lược mới để ngăn chặn xung đột và duy trì trật tự quốc tế có lợi cho tất cả. Cuốn sách này kiến nghị một chiến lược giúp Mỹ duy trì một cuộc cạnh tranh hòa bình tại châu Á. Chiến lược mới sẽ tốn kém và không dễ dàng nhưng nó sẽ giúp Mỹ và các đối tác châu Á tránh được một thảm họa chiến tranh và định hình một tương lai tốt đẹp hơn cho cả Mỹ và các nước trong khu vực.
Nhìn tổng thể, cuốn “Lửa trên nước” là một nghiên cứu quan trọng nhằm tìm lời giải cho tranh luận lâu nay giữa các học giả rằng Mỹ nên có cách tiếp cận nào để ứng phó thích hợp với sự trỗi dậy về quân sự của Trung Quốc ở châu Á-Thái Bình Dương. Tác giả có những phân tích sắc sảo về cả khía cạnh quân sự và ngoại giao, phản ánh kịp thời các thách thức mang tính chiến lược đang thay đổi trật tự an ninh hiện tại ở khu vực. Tác giả cảnh tỉnh rằng nếu Mỹ không có những thay đổi chiến lược, rất có thể Mỹ và Trung Quốc sẽ có va chạm ở châu Á-Thái Bình Dương. Cuốn sách đưa ra những gợi ý về chiến lược cho Mỹ trong những năm tới, đồng thời đề xuất vai trò của các đồng minh và đối tác ở khu vực cũng như đưa ra các giải pháp làm thế nào để Mỹ có thể đốc thúc và giám sát các đồng minh và đối tác này. Bên cạnh đó, cuốn sách cũng đánh giá chi tiết về tình hình hiện đại hóa quân đội của Trung Quốc gần đây và xu hướng trong tương lai. Các đánh giá của cuốn sách về chiến lược phòng thủ chung, các chương trình phát triển vũ khí, bố trí lực lượng cũng như sự thay đổi về tương quan lực lượng quân đội giữa các nước đang có ưu thế và các nước trong khu vực rất logic và có chiều sâu.
Tuy nhiên cuốn sách vẫn còn một vài thiếu sót. Cuốn sách sử dụng góc nhìn của thuyết hiện thực nên cho rằng xung đột Mỹ-Trung là không thể tránh khỏi. Tuy nhiên, lịch sử đã cho thấy không phải lúc nào cũng có xung đột giữa cường quốc mới mạnh lên và cường quốc đang suy yếu. Nguy cơ chiến tranh hạt nhân hủy diệt tất cả khiến các cường quốc có thể rơi vào thế lưỡng nan về an ninh, chạy đua vũ trang nhưng không dẫn đến chiến tranh (như Liên Xô và Mỹ trước đây). Bên cạnh đó, nghiên cứu này sẽ có tính thuyết phục cao hơn nếu sử dụng thông tin từ cả Mỹ và Trung Quốc, đặc biệt các thông tin nội bộ, thay vì thông tin từ báo chí, báo cáo của các viện nghiên cứu hay là phát biểu của các chính trị gia.
Cuốn sách được viết bằng tâm huyết của một cựu sỹ quan quân đội Mỹ, một nhà nghiên cứu quân sự lâu năm nên có những phân tích sâu sắc về các khía cạnh quân sự và chứa đựng nhiều thông tin hữu ích cho các nhà hoạch định chính sách. Mặc dù đây là một cuốn sách quân sự, nhưng không sử dụng thuật ngữ khó hiểu. Trái lại, cuốn sách được trình bày rõ ràng, mạch lạc và dễ hiểu; thích hợp với cả những người làm công tác nghiên cứu và những người quan tâm đến tình hình chính trị-quân sự ở châu Á – Thái Bình Dương.
http://nghiencuubiendong.vn/diem-sach-bao/6612-lua-tren-nuoc-trung-quoc-my-va-tuong-lai-cua-thai-binh-duong
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét