Sau khi Triều Tiên phóng tên lửa đạn đạo bay qua vùng trời Nhật Bản thì chính phủ Mỹ - Nhật - Hàn đều lên tiếng đe dọa Triều Tiên và lý giải vì sao không bắn hạ tên lửa này.
Tư lệnh lực lượng phòng không Nhật Bản Hiroaki Maehara cho biết Nhật Bản không bắn hạ tên lửa Triều Tiên bởi chính phủ đánh giá tên lửa này không đe dọa đến lãnh thổ Nhật Bản.
Trong khi đó, hãng tin ABC News dẫn lời một quan chức giấu tên của Mỹ cho biết, các vệ tinh quân sự của nước này đã phát hiện và theo dõi vụ phóng tên lửa của Triều Tiên ngay từ khâu chuẩn bị. Tuy nhiên, Mỹ quyết định không bắn hạ vì có thể cho rằng nó không đe dọa đến khu vực Bắc Mỹ.
Thực chất có phải như vậy không?
Mỹ-Nhật-Hàn không có khả năng đánh chặn tên lửa Triều Tiên
Trước tiên, phải khẳng định vụ bắn thử lần này là bước nhảy vọt trong kỹ thuật tên lửa của Triều Tiên và cũng là bước đột biến trong sự leo thang căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên.
Xét về lợi ích an ninh cũng như cơ sở pháp lý thì liên minh Mỹ-Nhật-Hàn có thể bắn tên lửa Triều Tiên vì nó đã xâm phạm không phận của của một nước trong liên minh là Nhật Bản.
Cũng may, Triều Tiên phóng thành công, còn nếu nhỡ ra gặp sự cố và tên lửa rơi xuống lãnh thổ Nhật Bản thì sẽ như thế nào? Ngay quốc gia kỳ cựu sở hữu tên lửa như Nga, mỗi lần phóng thử tên lửa cũng không dám phóng qua bầu trời Trung Quốc, mặc dù điều đó có lợi cho Nga về mặt kỹ thuật.
Tuy nhiên, thực chất là trong tình hình hiện nay, liên minh Mỹ-Nhật-Hàn không có khả năng đánh chặn tên lửa Triều Tiên phóng theo kiểu đó. Các nhà kỹ thuật quân sự không dại gì phóng tên lửa đánh chặn nếu thấy chắc chắn (hay thậm chí lưỡng lự) rằng họ không tiêu diệt được tên lửa đối phương. Còn các nhà chính trị thì họ nói bất cứ điều gì họ muốn.
Ta biết tên lửa đạn đạo có thể được đánh chặn ở 3 giai đoạn mặc dù rất khó khăn. Trong trường hợp cụ thể này, khi bay đến giai đoạn cuối, tên lửa Triều Tiên sẽ không gặp lực lượng phòng thủ giai đoạn cuối nào vì họ chỉ thử nghiệm và không bắn vào mục tiêu phòng thủ nào cả.
Hơn nữa, ở giai đoạn cuối, họ có thể cho tên lửa tự hủy trên không trung để tránh gây sát thương cho mục tiêu không mong muốn.
Ở giai đoạn giữa, Nhật Bản và Mỹ có trang bị hệ thống đánh chặn tầm cao Aegis cả trên bộ và trên các hạm đội tàu chiến. Tuy nhiên, hệ thống này chỉ có thể cảnh báo, bởi vũ khí của nó chỉ với được tầm cao 160 km trong khi tên lửa Triều Tiên bay ở độ cao 560 km.
Còn ở giai đoạn đầu, nói cách khác là giai đoạn tên lửa đang nằm trên bệ phóng hay vừa rời khỏi bệ phóng thì đây là giai đoạn dễ tổn thương nhất của hệ thống tên lửa Tiều Tiên. Với những nước kỳ cựu sở hữu tên lửa đạn đạo, ở giai đoạn này họ phải giữ bí mật tuyệt đối và bệ phóng thường được bố trí sâu dưới hầm ngầm, địa điểm phóng cũng luôn thay đổi.
Đối với Triều Tiên, các vệ tinh viễn thám của Mỹ luôn treo lơ lửng trên đầu nên mọi động thái của Triều Tiên đều không thể qua mắt họ. Ngoài ra, theo các video đã được công bố, bệ phóng tên lửa của Triều Tiên là bệ phóng lộ thiên, dường như họ muốn để cho đối phương thấy và thách thức vậy.
Về mặt kỹ thuật quân sự, Mỹ thừa khả năng đánh chặn tên lửa Triều Tiên ở giai đoạn này như dùng máy bay ném bom, bắn tên lửa hành trình hay dùng đặc nhiệm…Song về mặt chính trị, Mỹ có thể chưa dám leo thang tấn công Triều Tiên vì điều này rất nghiêm trọng, nó có thể là cớ để Bình Nhưỡng trút hận thù lên đồng minh Hàn Quốc và Nhật Bản.
Vụ thử tên lửa của Triều Tiên đang được triệt để lợi dụng
Tóm lại, ở thời điểm cụ thể liên minh Mỹ-Nhật-Hàn chẳng thể làm gì ngoài ngồi nhìn Triều Tiên thử tên lửa. Và rồi, Triều Tiên lại cứ tiếp tục thử tên lửa.
Nhưng nếu nhìn ở một khía cạnh khác thì các vụ thử tên lửa của Triều Tiên đang được triệt để lợi dụng.
Truyền thông quốc tế đang đồng loạt thổi phồng mối đe dọa từ tên lửa Triều Tiên. Nhân cơ hội đó về mặt đối ngoại, các nhóm tài phiệt của Mỹ và đồng minh sẽ gây sức ép buộc Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc ra những nghị quyết trừng phạt Triều Tiên hà khắc hơn, rồi dựa vào đó để có sức mạnh hơn khi ép Trung Quốc trong chiến tranh thương mại và kinh tế.
Về mặt đối nội, Mỹ và đồng minh sẽ làm cho người dân của họ lo sợ, bất an trước mối đe dọa của Triều Tiên và thấy rằng các hệ thống phòng thủ hiện nay không đủ mạnh để đánh trả Bình Nhưỡng, từ đó họ thúc đẩy các nghị viện tăng ngân sách quốc phòng và dân lại mở rộng hầu bao đóng thuế.
Dòng tiền khổng lồ lại chạy vào túi của các tài phiệt lái súng. Đồng minh của Mỹ buộc phải trang bị các hệ thống vũ khí ngày càng hiện đại hơn và phải chia sẻ gánh nặng chi phí quân sự cùng với Mỹ.
Các nước đối thủ tiềm năng như Nga và Trung Quốc buộc phải chạy đua vũ trang. Vành đai bao vây Nga-Trung ngày càng xiết chặt hơn. Lực lượng Nga-Trung phải phân tán hơn để đối phó trên nhiều mặt trận. Người dân Triều Tiên và Hàn Quốc lại chia rẽ sâu sắc hơn, đời sống của họ lại càng khó khăn hơn. Không có THAAD hay bất cứ thứ gì có thể bảo đảm anh ninh cho họ!
Triều Tiên lại sẽ tiếp tục thử tên lửa và thậm chí là cả vũ khí hạt nhân.
http://soha.vn/quan-doi-my-da-bat-luc-truoc-ten-lua-trieu-tien-nhung-tai-phiet-my-se-kiem-bon-tien-tu-do-20170830165610553.htm
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét