EC-295 từng được xem như ứng viên số 1 cho vị trí máy bay chỉ huy cảnh báo sớm trên không của Việt Nam, tuy nhiên những diễn biến mới nhất cho thấy điều này có thể sẽ thay đổi.
EC-295 (C-295 AEW&C) là biến thể máy bay chỉ huy cảnh báo sớm trên không được phát triển từ khung thân vận tải cơ C-295M, trong thời gian dài nó được xem như ứng viên số 1 để trang bị cho Không quân Việt Nam.
Nguyên nhân là do dùng chung khung thân với C-295M, EC-295 sẽ tận dụng được dây chuyền bảo dưỡng, giảm thời gian đào tạo phi công, chi phí vận hành hợp lý và đặc biệt là không chịu hạn chế bởi bất cứ rào cản nào, do đây là sản phẩm hợp tác giữa châu Âu với Israel.
Tuy nhiên với truyền thống chỉ mua sắm những vũ khí đã chứng minh được năng lực qua thời gian dài hoạt động, đặc biệt khi đó là khí tài khác hệ truyền thống, việc vẫn chỉ tồn tại ở dạng mẫu chế thử, chưa có đơn hàng chính thức là trở ngại lớn để đưa EC-295 về Việt Nam.
Đặc biệt với diễn biến mới nhất, khi lệnh cấm vận vũ khí đã được Mỹ dỡ bỏ, chúng ta đang có cơ hội để tiếp cận với một ứng viên sáng giá hơn, sở hữu nhiều ưu điểm vượt trội là Boeing 737 AEW&C (hay còn gọi là E-737, E-7 Wedgetail).
Nguồn gốc của Boeing 737 AEW&C xuất phát từ Dự án Wedgetail, khi Không quân Hoàng gia Australia đặt ra yêu cầu dành cho một máy bay chỉ huy cảnh báo sớm trên không thế hệ mới.
Boeing đã dành chiến thắng với nguyên mẫu E-737 được chế tạo dựa trên khung thân Boeing 737 Next Generation, phiên bản tương tự với 737-700ER.
E-737 thực hiện chuyến bay đầu tiên vào năm 2004 và được giới thiệu trong năm 2009, đặc trưng của nó là radar mảng pha quét điện tử đa năng (MESA) hoạt động trên băng tần L (1 - 2 GHz) của Northrop Grumman, có dạng tấm phẳng thay vì dạng đĩa quay như EC-295.
Do sở hữu kích thước lớn nên E-737 mang theo được khí tài công suất cao. Radar MESA có khả năng đồng thời trinh sát mục tiêu trên không và trên biển, chỉ huy biên đội máy bay chiến đấu cũng như tìm kiếm theo khu vực, tầm hoạt động tối đa lên tới 600 km (chế độ look-up).
Ở chế độ look-down, E-737 phát hiện được mục tiêu kích cỡ máy bay tiêm kích từ cự ly trên 370 km, hoặc 240 km đối với tàu hộ vệ (frigate), theo dõi đồng thời 180 mục tiêu và tổ chức đánh chặn 24 đối tượng cùng lúc.
Đặc biệt ăng ten mảng pha còn giúp E-737 đảm trách được cả vai trò của máy bay trinh sát điện tử (ELINT), nó thu thập được tín hiệu từ cách xa 850 km khi bay ở độ cao 9.000 m.
Radar này cho phép quan sát không gian và mặt đất ở góc hướng 360 độ, tia sóng có thể thiết lập từ 2 - 8 độ, thời gian quét 3 - 40 giây, thiết bị xử lý tín hiệu radar và máy tính trung tâm đặt trực tiếp bên dưới mảng ăng ten.
Tốc độ trung bình của Boeing 737 AEW&C là 853 km/h, giúp nó nhanh chóng có mặt tại điểm nóng. Tầm hoạt động của máy bay lên tới 6.482 km, trần bay 12.500 m giúp mở rộng đáng kể trường quan sát.
Hiện tại đã có tổng cộng 14 chiếc E-737 xuất xưởng, chúng đang phục vụ tích cực trong thành phần Không quân Hoàng gia Australia, Không quân Hàn Quốc và Không quân Thổ Nhĩ Kỳ, đơn giá một chiếc E-737 hiện vào khoảng 450 triệu USD.
Như vậy ngoài đơn giá hơi cao thì có thể thấy E-737 vượt trội hoàn toàn EC-295 ở tất cả các thông số, đáng nói hơn cả là nó đã triển khai hoạt động trong thực tế và được đánh giá tốt.
Do Việt Nam nhiều khả năng sẽ đặt mua tiêm kích F-16, nếu trang bị một máy bay chỉ huy cảnh báo sớm trên không cũng do Mỹ sản xuất sẽ tạo ra sự đồng bộ cao.
Việc Vietjet Air mới đây đặt hàng 100 chiếc Boeing 737 MAX cũng ít nhiều tạo thuận lợi cho Boeing 737 AEW&C trong trường hợp chúng xuất hiện tại Việt Nam.
Rõ ràng EC-295 đang phải chịu sự cạnh tranh từ một đối thủ cực mạnh, khả năng nó bị soán ngôi tại thị trường Việt Nam hoàn toàn là có thể xảy ra nếu tiếp tục tỏ ra chậm trễ.
http://soha.vn/tiep-tuc-cham-chan-ec-295-se-bi-e-737-soan-ngoi-tai-viet-nam-20160527100017568.htm
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét