Thứ Sáu, 13 tháng 5, 2016

Chiến tranh Nam Tư: Tác chiến theo quy ước là chuốc lấy thất bại

Kinh nghiệm tác chiến của bộ đội phòng không thu được trong các cuộc chiến tranh cục bộ vẫn ít người biết và gần như không được sử dụng trong huấn luyện các đơn vị và binh đoàn.
Trận địa phóng của hệ thống tên lửa phòng không S-75 của Ai Cập. Bệ phóng SM-90 với tên lửa V-755 (US DEPARTMENT OF DEFENSE)
Các cuộc chiến tranh cục bộ và xung đột vũ trang cuối thế kỷ XX - đầu thế kỷ XXI đã khẳng định xu hướng vững chắc gia tăng vai trò và tầm quan trọng của các phương tiện tiến công đường không-vũ trụ trong giải quyết không chỉ một khối lượng lớn các nhiệm vụ chiến đấu, mà còn trong việc giành được những mục tiêu chính trị-quân sự cuối cùng của đối kháng vũ trang. Không quân đã trở thành một trong những phương tiện chính có khả năng tấn công trên suốt chiều sâu chiến trường hay lãnh thổ của các quốc gia đối địch.
Có lẽ ít ai có thể nghi ngờ việc bên nào có mạnh hơn về các phương tiện tiến công đường không-vũ trụ (và sử dụng chúng hiệu quả hơn trong chiến đấu) sẽ áp đặt được các điều kiện chiến thắng và hòa bình.

Kinh nghiệm của các cuộc chiến tranh cục bộ và xung đột vũ trang cuối thế kỷ XX - đầu thế kỷ XXI cho thấy, bảo đảm phòng không tin cậy cho quân đội, các mục tiêu nhà nước trọng yếu có tầm quan trọng của một yếu tố chiến lược có ảnh hưởng to lớn đến kết quả cuối cùng của chiến tranh và xung đột.

Trạng thái của bộ đội (các lực lượng) phòng không phụ thuộc trực tiếp vào số lượng và chất lượng của các phương tiện tiến công đường không-vũ trụ đối phương, các hệ thống vũ khí mà đối phương sử dụng. Bước nhảy vọt trong phát triển các các phương tiện tiến công đường không-vũ trụ, cũng như sự gia tăng liên tục vai trò của chúng trong việc đạt được các mục tiêu chính trị-quân sự đã dẫn đến sự phát triển mạnh mẽ của các lực lượng và phương tiện phòng không, hoàn thiện các phương pháp tác chiến của chúng, làm thay đổi cơ cấu, tổ chức, biên chế, và nói chung là dẫn đến việc gia tăng tầm quan trọng trong hệ thống phòng không của bất kỳ quốc gia nào.

Như ta đã biết, để bảo đảm phòng không cho các lực lượng và các mục tiêu của nhà nước, người ta xây dựng hệ thống phòng không, bao gồm trong đó các phân hệ có liên quan lẫn nhau là các phân hệ trinh sát và thông báo; không quân tiêm kích; pháo-tên lửa phòng không; chỉ huy, cũng như bảo đảm mọi mặt. Nói cho cùng, thì cả hiệu quả của phòng không cũng đều phụ thuộc vào chất ượng hoạt động của mỗi phân hệ, khả năng của bộ chỉ huy tập hợp thành một thể duy nhất tất cả những thành tố nêu trên.

Các binh đoàn và đơn vị phòng không, các cố vấn và chuyên gia quân sự Liên Xô đã trực tiếp tham gia nhiều cuộc chiến tranh cục bộ và xung đột vũ trang khi xây dựng hệ thống phòng không, xây dựng, hoàn thiện và sử dụng chiến đấu các cụm lực lượng phòng không của các quốc gia tham chiến cho đến đầu thập niên 1990 (Triều Tiên, Việt Nam, Iraq, Ai Cập...).

Kinh nghiệm các cuộc chiến tranh cục bộ những thập kỷ cuối thế kỷ XX đã cho thấy rằng, hiệu quả phòng không cần có chỉ đạt được ở các quân đội có mặt các cố vấn và chuyên gia quân sự Liên Xô.

Trong trường hợp ngược lại, thì ngay cả khi có ưu thế về số lượng phương tiện phòng không, phần thắng vẫn thuộc về không quân của bên đối địch. Tuy nhiên, khi xây dựng bố trí các cụm lực lượng phòng không và sử dụng chúng trong chiến đấu đã xuất hiện những sai lầm và thất bại lớn mà nguyên nhân chủ yếu không chỉ là trình độ huấn luyện kém của binh sĩ bản địa, mà cả việc thiếu vắng kinh nghiệm chiến đấu, còn trong nhiều trường hợp là sự thiếu hiểu biết của các chuyên gia quân sự Liên Xô mà trong đa số các trường hợp đều chỉ cứng nhắc bám theo các kiến thức lý thuyết.

Trong tình huống chiến đấu, sách giáo khoa không thể cho những câu trả lời đúng để giải quyết các nhiệm vụ phát sinh, còn kinh nghiệm chiến đấu được tổng kết và phổ biến thì hoàn toàn không có. Buộc phải làm việc theo phương pháp thử và chấp nhận sai sót. Tuy nhiên về mặt này, trong đa số các trường hợp, thì tính chủ động và sáng kiến của các chuyên gia quân sự Liên Xô lại hạn chế.

Hiện nay, người ta đã tích lũy được kinh nghiệm phong phú trong sử dụng không quân và bộ đội phòng không tác chiến trong chiến tranh cục bộ và xung đột vũ trang. Nhưng liệu kinh nghiệm đó có được tính đến trong huấn luyện chiến đấu của quân đội Nga không? Đáng tiếc là chưa đủ.


Ở trên đã nói đến các khó khăn mà các chuyên gia quân sự Liên Xô đã vượt qua khi giúp đỡ xây dựng và sử dụng tác chiến các cụm lực lượng phòng không. Khó khăn chủ yếu là không có kinh nghiệm chiến đấu thực tiễn. Hiện nay kinh nghiệm đã có. Nhưng kinh nghiệm đó đáng tiếc lại không được phổ biến xa hơn Học viện Quân sự Bộ Tổng tham mưu quân đội Nga, Học viện Phòng không-vũ trụ mang tên G.K. Zhukov, Học viện quân sự Phòng không lục quân và các cơ quan nghiên cứu của Bộ Quốc phòng Nga.

Bên cạnh đó, kinh nghiệm này chứng tỏ sự gia tăng vai trò của phòng không khách quan đòi hỏi nâng cao hiệu quả của nó trong đối kháng với các phương tiện tiến công đường không-vũ trụ của đối phương. Tuy nhiên, số và chất lượng vũ khí trang bị phòng không của các nước tham gia xung đột quân sự, trình độ sẵn sàng chiến đấu của các binh đoàn, đơn vị và phân đội phòng không, công tác huấn luyện binh sĩ thường là không đáp ứng các yêu cầu thực tiễn.

Kết quả là hiệu quả phòng không bị thấp hơn yêu cầu. Mặc dù các khả năng chiến đấu tiềm năng của bộ đội phòng không trong hàng loạt cuộc chiến tranh cục bộ đã là khá cao, nhưng vị trí đứng đầu về gây tổn thất cho bên đối phương đã và vẫn đang thuộc về các phương tiện tiến công đường không-vũ trụ. Sử dụng các hình thức và phương thức sử dụng tác chiến khác nhau, các loại vũ khí khác nhau, không quân bên đối địch đã hoàn thành gần như đầy đủ các nhiệm vụ được giao cho nó.

Chặn đứng hay làm suy giảm tối đa tác động của không quân địch, bảo vệ tin cậy các lực lượng và mục tiêu của ta trước các cuộc tấn công đường không chỉ có thể làm được bằng cách tăng cường cả về chất và số lượng các lực lượng và phương tiện phòng không, hoàn thiện cơ cấu tổ chức các lực lượng và hệ thống chỉ huy các lực lượng đó. Tuy nhiên, các nhiệm vụ này là bất khả thi đối với đa số các quốc gia yếu về kinh tế phải đối mặt với chiến tranh.

Ảnh hưởng trực tiếp tới công tác tổ chức phòng không là đủ loại điều kiện chính trị-quân sự, địa-vật lý và kinh tế. Tuy nhiên, trong tất cả các cuộc xung đột quân sự, khi xây dựng hệ thống phòng không bảo đảm hiệu quả cần có, người ta đã căn cứ vào các nguyên tắc chung sau đây:

- sự thống nhất ý đồ xây dựng, bố trí hệ thống phòng không có xét đến lực lượng không quân đối địch, các mục tiêu, quy mô và tính chất hành động của chúng, cũng như các đặc tính của các mục tiêu và lãnh thổ đất nước cần bảo vệ, cơ cấu thành phần chiến đấu, trạng thái và sự sẵn sàng của các lực lượng ta;

- sử dụng tổ hợp tất cả các lực lượng và phương tiện phòng không căn cứ vào các khả năng chiến đấu của chúng;

- tập trung các nỗ lực vào bảo vệ các mục tiêu trọng yếu của tiềm lực kinh tế-quân sự của đất nước và các cụm lực lượng;

- việc kịp thời phát hiện kẻ địch trên không và bảo đảm thông tin cần thiết về chúng cho các sở chỉ huy và điều khiển tất cả các cấp;

- tổ chức chỉ huy trình độ cao;

- cơ động rộng rãi các lực lượng và phương tiện phòng không;

- trang bị các phương tiện hiện đại đối phó với các phương tiện tiến công đường không-vũ trụ của đối phương, bảo đảm sự phối hợp giữa các thành phần cấu thành của hệ thống phòng không;

- tiến hành các biện pháp ngụy trang chiến thuật, cũng như nâng cao khả năng chống nhiễu và khả năng sống còn.

Về mặt tổ chức, lực lượng phòng không của các nước tham gia chiến tranh cục bộ và xung đột vũ trang không được xây dựng như một quân chủng độc lập của quân đội. Phòn không hoặc là nằm trong thành phần của không quân (Việt Nam, Libya, Nam Tư), hay lục quân (Ai Cập, Syria...).

Nòng cốt của bộ đội phòng không là không quân tiêm kích, pháo phòng không, bộ đội tên lửa phòng không, bộ đội radar, cũng như các hệ thống chỉ huy quân đội và điều khiển vũ khí không tự động hóa và tự động hóa.

Phương tiện cơ động nhất của phòng không là không quân tiêm kích. Đến giữa thập niên 1950, không quân tiêm kích vẫn được trang bị các tiêm kích piston và phản lực có tốc độ dưới âm. Từ cuối thập niên 1950, không quân tiêm kích phòng không bắt đầu nhận được các tiêm kích đánh chặn siêu âm trang bị pháo và tên lửa.

Lực lượng pháo phòng không được trang bị các loại pháo 30, 37, 57, 85 và 100 mm, pháo hai nòng 23 mm. Trong các cuộc chiến tranh ở Cận Đông (1967 và 1973), người ta còn sử dụng các loại pháo tự hành hai nòng 57 mm và bốn nòng 23 mm.

Năm 1965, Việt Nam đã sử dụng vũ khí phòng không mới là tên lửa phòng không có điều khiển. Ngay trong trận đánh đầu tiên, chúng đã bắn rơi 3 máy bay F-4 Phantom của Mỹ. Cần lưu ý rằng, các hệ thống tên lửa phòng không được nhận vào trang bị thay cho pháo phòng không chỉ bổ sung cho các nỗ lực của không quân tiêm kích. Sau đó, vai trò của chúng đã tăng mạnh.

Trong các cuộc chiến tranh cục bộ ở Việt Nam và Cận đông (1973 và 1982), cùng với pháo phòng không, tên lửa phòng không chiếm gần 90% tổng số máy bay tiêu diệt được. Dần dần, bộ đội tên lửa phòng không đã trở thành nòng cốt của hệ thống phòng không của các quốc gia (có lẽ là ngoại trừ Mỹ với không quân tiêm kích vẫn là chủ lực của phòng không).

Kinh nghiệm cho thấy, các nhiệm vụ của bộ đội phòng không trong các cuộc chiến tranh cục bộ và xung đột vũ trang là: bảo vệ các trung tâm, khu vực và cơ sở chính trị-hành chính và kinh tế chống các cuộc tiến công đường không của đối phương; bảo vệ các tuyến giao thông hậu phương và quân đội trước tác động của không quân đối phương; bảo vệ các cụm quân ta trên chiến trường và trong chiều sâu chiến dịch, trong các khu vực hình thành và tập trung lực lượng dự bị chống không quân địch tấn công và trinh sát; ngăn chặ không quân địch tấn công các sân bay, căn cứ hải quân, hải cảng, sở chỉ huy, trung tâm điều khiển.

Mỗi một nhiệm vụ trong các nhiệm vụ tổ hợp nêu trên hàm chứa hàng loạt các nhiệm vụ riêng mà việc giải quyết chúng thường diễn ra trong khuông khổ các loại hình tác chiến khác nhau. Ví dụ, bảo vệ các trung tâm, khu vực và cơ sở chính trị-hành chính và kinh tế của đất nước chống các cuộc tiến công đường không của đối phương có thể là nhiệm vụ độc lập của các cụm lực lượng phòng không mục tiêu chuyên trách, hay được thực hiện trong khuô khổ các hành động của một cụm lực lượng phòng không khu vực (khu vực-mục tiêu). Việc thực hiện nhiệm vụ này đã được tiến hành với sự phối hợp của bộ đội phòng không lục quân và các lực lượng phòng không hạm đội.

Các hình thức chính sử dụng bộ đội phòng không là các hoạt động tác chiến chung hay độc lập nhằm phá vỡ các chiến dịch đường không của đối phương.

Về nội dung, phòng không trong các cuộc chiến tranh cục bộ và xung đột vũ trang thực tế là đến cuối thập kỷ 1980 vẫn là chống máy bay. Nội dung của phòng không vẫn không thay đổi kể cả sau khi bắt đầu sử dụng tên lửa đất đối đất hay không đối đất. Đó là vì các nước bị tấn công không có khả năng kỹ thuật để phát triển hay mua sắm các phương tiện phòng không đắt tiền và tinh vi. Bởi vậy, việc tác chiến với tên lửa hành trình và đường đạn vẫn đã được tiến hành bằng cùng những phương tiện dùng để đối phó với máy bay có người lái và máy bay không người lái.

Năm 1991, khi lực lượng liên quân đa quốc gia tiến hành chiến dịch Bão táp sa mạc (Operation Desert Storm)  chống Iraq, trong hệ thống phòng không Saudi Arabia và Israel đã sử dụng thành công hệ thống tên lửa phòng không Patriot của Mỹ để chống các tên lửa chiến dịch-chiến thuật Scud do Liên Xô sản xuất phóng đi từ lãnh thổ Iraq. Điều đó cho thấy rằng, cùng với phòng không chống máy bay thì phòng thủ chống tên lửa cũng đã bắt đầu xuất hiện. Nhưng chỉ có các quốc gia phát triển về kinh tế mới có thể xây dựng hệ thống phòng thủ tên lửa.

Một trong những nhiệm vụ quan trọng nhất của không quân đối với bất kỳ bên tấn công nào cũng là tấn công các trung tâm chính trị-hành chính và kinh tế nhằm phá vỡ việc điều hành đất nước và lực lượng vũ trang, loại khỏi vòng chiến các xí nghiệp công nghiệp, các đầu mối giao thông lớn, các nhà máy điện và công trình thủy lợi, các đài phát thanh-truyền hình và làm mất tinh thần dân thường. Do đó, nhiệm vụ phòng không tin cậy cho các cơ sở này là nhiệm vụ chính của bộ đội phòng không.

Kinh nghiệm tác chiến của bộ đội phòng không nên bắt đầu xem xét từ cuộc chiến của Mỹ chống Việt Nam. 

Kinh nghiệm sử dụng chiến đấu bộ đội phòng không (PK) trong các cuộc chiến tranh cục bộ vẫn ít đượcbiết đến và hầu như không được vận dụng tronghuấn luyện chiến đấu cho các đơn vị PK.
Không quân Mỹ trong chiến tranh Nam Tư 1999 đã khẳng định được đẳng cấp cao của mình. Các máy bay ném bom В-2А xuất phát từ lục địa nước Mỹ, thực hiện các chuyến bay xa không hạ cánh kéo dài đến 30 giờ với 4 lần tiếp dầu trên không để ném bom nước này (Không quân Mỹ)

Cho đến cuối thập kỷ 1990, khoảng cách giữa sự gia tăng về số và chất lượng của các phương tiện tiến công đường không-vũ trụ của Mỹ và các nước NATO với sự phát triển hầu như chậm lại của các lực lượng và phương tiện PK của các nước có khả năng bị tấn công đường không bằng tên lửa đã đạt đến điểm nguy hiểm. Những biện pháp kỹ thuật và tổ chức muộn màng nhằm nâng cao hiệu quả PK của các nước này đã không mang lại kết quả đáng kể.

Khả năng và sức mạnh tiến công đường không  đã được Mỹ và NATO thể hiện trong các chiến dịch:
  • “Cáo sa mạc” (Operation Desert Fox): Tấn công đường không bằng tên lửa vào Iraq năm 1998;
  • “Sức mạnh cương quyết” (Operation Determined Force), Mỹ đặt mật danh cho chiến dịch này là “Sức mạnh Đồng minh” -(Opertaion Allied Force): Cuộc xâm lược Nam Tư của NATO năm 1999;
  • “Tự do bất diệt” (Operation Enduring Freedom: Chiến dịch chống khủng bố ở Afghanistan năm 2001-2002 và;
  • “Cú sốc và sự kinh hoàng” [Operation Shockand Awe] (Chiến dịch xâm lược Iraq năm 2003).
Từ góc độ đối kháng lực lượng và phương tiện tiến công đường không và PK, có ý nghĩa nghiên cứu nhất là Chiến dịch Determined Force, trong đó các lực lượng KQ và PK không lấy gì làm mạnh của nước Nam Tư đã bị chia rẽ vì mâu thuẫn nội bộ đã phải đối phó với một lực lượng KQ và hải quân (HQ) hùng mạnh của liên quân NATO.

Trong chiến dịch này, có lẽ chưa có KQ và PK của nước nào lại phải đồng thời thực hiện một tổ hợp các nhiệm vụ PK như vậy. Các chuyên gia quân sự nước ngoài cho rằng, các cuộc xung đột vũ trang có thể xảy ra trong tương lai gần sẽ diễn ra theo kịch bản tương tự. Bởi vậy, Chiến dịch Determined Force cần được chú ý đặc biệt.
Trong Chiến dịch Determined Force, một lực lượng đa quốc gia của NATO với vai trò hàng đầu của quân đội Mỹ đã được huy động. Lần đầu tiên, quân đội Đức đã đóng vai trò tích cực trong hoạt động tác chiến, trước đó sự tham gia của họ chỉ hạn chế ở việc yểm trợ tài chính hoặc cung cấp lực lượng bảo đảm. Các sân bay của Italia, Đức, Anh, Pháp, Hungary và Thổ Nhĩ Kỳ đã được sử dụng tích cực để triển khai các đơn vị không quân chiến thuật NATO tham chiến.
Giới lãnh đạo chính trị-quân sự NATO đã giành vị trí trung tâm cho các phương tiện tiến công đường không-vũ trụ trong việc đạt được các mục đích của Chiến dịch Determined Force.

Nhằm mục đích đó, họ đã xây dựng và tiến hành một chiến dịch tiến công đường không từ ngày 24/3-10/6/1999 gồm 3 giai đoạn chính.
Máy bay tiêm kích tàng hình tối tân vào thời điểm năm 1999 F-117 đã bị tiểu đoàn TLPK S-125 bắn rơi trong chiến tranh ở Nam Tư (Không quân Mỹ)
Mục tiêu chủ yếu của giai đoạn 1 mà lãnh đạo NATO đặt ra là:giành ưu thế trên không, chế áp hệ thống PK Nam Tư và loại khỏi vòng chiến những mục tiêu chính của hạ tầng quân sự tại Kosovo.

Trong vòng 2-3 ngày đêm, NATO dự định dùng các cuộc tấn công đường không chủ yếu được thực hiện vào ban đêm để tiêu diệt các đài radar, các phương tiện hoả lực, các đầu mối thông tin liên lạc và các sở chỉ huy KQ và PK, làm rối loạn công tác lãnh đạo nhà nước và chỉ đạo chiến tranh của Nam Tư. Ngoài ra, họ còn dự định gây tổn thất lớn cho lực lượng quân sự tại các điểm trú đóng thường xuyên và cô lập các lực lượng quân đội ở Kosovo..
Giai đoạn 2 trù tính: tiếp tục thực hiện các đòn tấn công bằng bom và tên lửa để tiêu diệt các mục tiêu trên toàn lãnh thổ Nam Tư.

Các nỗ lực chính được tập trung vào tiêu diệt các đơn vị lục quân, vũ khí và kỹ thuật quân sự, cũng như các mục tiêu quân sự các cấp, kể cả cấp chiến thuật. Ở giai đoạn này, lãnh đạo NATO đặt ra mục tiêu chính là cô lập khu vực chiến sự..
Trong giai đoạn 3, NATO trù định: thực hiện các cuộc tấn công vào những mục tiêu nhà nước và công nghiệp quốc phòng quan trọng của Nam Tư nhằm làm suy yếu tiềm lực kinh tế-quân sự của Nam Tư và đè bẹp ý chí kháng chiến của nhân dân Serbia.
Khi bắt đầu chiến sự, lực lượng KQ và HQ liên quân NATO gồm gần 300 máy bay chiến đấu, trong đó có 8 máy bay ném bom chiến lược và 35 tàu.

Tiếp đó, để thực hiện các mục tiêu của chiến dịch tiến công đường không, NATO đã thành lập lực lượng liên quân gồm hơn 600 máy bay chiến đấu (tổng cộng có hơn 1.000 máy bay), trong đó có các các máy bay ném bom chiến lược tàng hình tối tân В-2А và các máy bay tiêm kích tàng hình F-117A, hơn 60 tàu các loại, trong đó có 4 tàu sân bay.

Đặc điểm nổi bật của lực lượng này là trong biên chế của nó có một số lượng lớn máy bay không người lái các loại. Tổng cộng đã tập trung tại khu vực xung đột gần 40 máy bay không người lái (gần 20 chiếc của Mỹ, gần 10 chiếc Pháp và hơn 10 chiếc của Đức).
Các loại bom đạn sắp được sử dụng chống các mục tiêu của quân đội và kinh tế Nam Tư (Hải quân Mỹ)
Các mẫu vũ khí hiện đại (tên lửa hành trình phóng từ biển và trên không), cũng như các mẫu vũ khí chính xác cao mới như bom có điều khiển JDAM được dùng làm những phương tiện tiến công đường không chính.

Lực lượng KQ chiến lược, chiến thuật của KQ và KQHQ Mỹ chiếm hơn 50% lực lượng KQ liên quân NATO. 

Trong thành phần lực lượng NATO, HQ Mỹ chiếm hơn 30% tàu chiến và 90% tên lửa hành trình phóng từ biển Tomahawk.

Trong chiến dịch không kích chống Nam Tư, NATO đã thực hiện hơn 20.000 phi vụ xuất kích và phóng đi 870 tên lửa hành trình (792 tên lửa hành trình phóng từ biển và 78 tên lửa hành trình phóng từ trên không), trong đó phóng 374 tên lửa hành trình phóng từ biển vào các mục tiêu trên lãnh thổ Kosovo.

Gần 80% tên lửa đã được sử dụng để tiêu diệt các mục tiêu tĩnh kiên cố và có PK mạnh (các mục tiêu nhà nước và quân sự quan trọng, các sở chỉ huy và các đầu mối thông tin, các căn cứ KQ và phương tiện PK) nhằm làm giảm thiệt hại trong các hoạt động tiếp sau của KQ. 20% tên lửa còn lại dùng để phóng vào các mục tiêu công nghiệp lưỡng dụng (các xí nghiệp công nghiệp hoá chất, lọc dầu và chế tạo máy).

KQ và PK Nam Tư gồm có: 1 quân đoàn KQ (2 lữ đoàn KQ, 1 trung đoàn trực thăng, 1 phi đội trực thăng vận tải) và 1 quân đoàn PK (1 lữ TLPK, 2 trung đoàn KQ tiêm kích và 6 trung đoàn TLPK) với tổng cộng 10 phi đội KQ chiến đấu (5 phi đội tiêm kích-bom, 2 phi đội tiêm kích và 1 phi đội huấn luyện chiến đấu), 1 phi đội KQ hỗ trợ (huấn luyện), 5 phi đội trực thăng và 32 tiểu đoàn PK. Tổng cộng có 136 máy bay chiến đấu132 bệ phóng TLPK tầm trung30 máy bay hỗ trợ và 53 trực thăng.
Vũ khí đang được lắp lên máy bay F-117 (Không quân Mỹ)
Trong trang bị của KQ Nam Tư có các máy bay tiêm kích MiG-21bis và MiG-29, máy bay tiêm kích-bom J-22 Orlo (Đại bàng), máy bay cường kích hạng nhẹ G-4 Super Galeb và máy bay trinh sát MiG-21R và 1R.

Loại máy bay hiện đại nhất của quân đoàn KQ là MiG-29, nhưng số lượng chỉ có 13 chiếc. Các máy bay tiêm kích MiG-21 là loại đã cũ và không thể đối phó hiệu quả với các máy bay của liên quân NATO. Chúng thích ứng kém với các cuộc không chiến tầm xa với các máy bay tiêm kích chiến thuật F-15 và F-16 trang bị tên lửa tầm bắn đến 80 km.

Hiện đại hơn cả trong các đơn vị tiêm kích-bom là các máy bay tiêm kích-bom J-22 Orlo với các ưu điểm hiển nhiên là trang bị tên lửa chính xác cao lắp đầu tự dẫn truyền hình và laser Maverick vốn đã thể hiện hiệu quả cao trong chiến sự ở Trung Cận Đông.

KQ Nam Tư trú đóng tại các sân bay thường trực được trang bị khá tốt. Các máy bay và trực thăng được bố trí phân tán tại các sân bay này và có áp dụng các biện pháp nguỵ trang.

Nhằm đánh lừa đối phương và gây khó khăn cho việc phát hiện các mục tiêu thật, trên các sân bay có bố trí một số lượng lớn các mô hình máy bay chiến đấu.

Một bộ phận máy bay chiến đấu được giấu trong các hầm trú ẩn, nhiều hầm trú ẩn trong số đó được xây dựng rất khéo léo. Ví dụ, tại sân bay Pristina, các hầm trú ẩn cho máy bay được xây dựng trong lòng núi nên khó bị phát hiện và làm cho KQ hầu như không thể tấn công tiêu diệt từ trên không.

Nòng cốt của hệ thống PK Nam Tư là các hệ thống TLPK đã lạc hậu của Liên Xô như S-75 DvinaS-125 PechoraKvadratStrela-1 (lắp trên xe thiết giáp BRDM) và Strela-10 (lắp trên xe thiết giáp MTLB), tên lửa phòng không mang vác Strela-2 (3)Stinger, và pháo PK.

Để bảo vệ thủ đô Belgrade, Nam Tư chủ yếu sử dụng các tiểu đoàn TLPK trang bị S-125 đã được các chuyên gia Nam Tư hiện đại hoá. Tất cả các tiểu đoàn này đều được trang bị hệ thống điều khiển hoả lực tự động hoá của hãng Marconi và 2 tiểu đoàn được trang bị các trạm hồng ngoại của hãng Philips.
Việc sử dụng các trạm ảnh nhiệt thụ động do phương Tây sản xuất trong các hệ thống S-125 đã bảo đảm khả năng sống còn, tính bí mật, bất ngờ sử dụng, tính vững chắc trước nhiễu tích cực và tiêu cực và khả năng tác chiến cả ngày lẫn đêm.
Công tác nguỵ trang binh khí kỹ thuật tại các trận địa rất được chú trọng. Nhằm mục đích đó, người ta đã sử dụng các phương tiện nguỵ trang trong biên chế và sẵn có. Ví dụ, các cabinn điều khiển chiến đấu được phủ các tấm cao su dày 15-20 mm. Sau đó, đặt tấm lát bằng gỗ tròn.
Để giảm hiệu quả các cuộc tấn công của địch vào các phương tiện PK, Nam Tư sử dụng rộng rãi các bộ tạo giả bức xạ đài radar mang vác. Chúng được bố trí tại các trận địa phóng, cách đài an ten hay đài điều khiển, trinh sát và dẫn đường (SURN) của hệ thống TLPK vài trăm đến vài ngàn mét.
Công suất bức xạ của bộ tạo giả là 5-6 kW. Trong thiết kế của nó có sử dụng các magnetron được dùng trong máy móc điện tử trên khoang của máy bay MiG-21 và có tần số công tác giống các thiết bị phát của hệ thống TLPK.

Ban đầu, công suất và thời gian làm việc của các bộ tạo giả bức xạ đài radar  không đủ lớn và trang bị trên khoang của máy bay NATO vẫn có khả năng phân biệt, nhận dạng chúng. Vì thế, trong đa số các trường hợp, phi công NATO vẫn dẫn được tên lửa chống radar HARM vào thiết bị bức xạ của các phương tiện hoả lực PK, bỏ qua bộ tạo giả.

Sau đó, thiết kế của bộ tạo giả bức xạ radar đã được cải tiến. Các tham số bức xạ của nó trở nên giống như các tham số của radar của hệ thống TLPK. Tuy các bộ tạo giả được chế tạo tại các nhà máy, nhưng vẫn không đủ đáp ứng nhu cầu.

Việc KQ NATO đã mất rất nhiều thời gian và tên lửa chống radar để tiêu diệt một số đài radar và phương tiện PK có trang bị một số bộ tạo giả bức xạ radar đã cho thấy hiệu quả của các bộ tạo giả này. Ví dụ, trong 30 ngày tác chiến, KQ NATO đã phóng vào 2 bộ tạo giả radar bảo vệ 2 đại đội TLPK Kvadrat và 1 bộ tạo giả radar bảo vệ 1 tiểu đoàn S-125 lần lượt 14 và 15 tên lửa chống radar HARM, nhưng các hệ thống TLPK vẫn không bị tổn hại.
Một phương tiện hiệu quả không kém trong việc nâng cao khả năng sống còn của hệ thống TLPK là các bộ phản xạ góc được bố trí thành từng cụm hay đơn lẻ tại các trận địa giả và trận địa thật ở khoảng cách đến 300 m so với đài radar hay đài điều khiển, trinh sát và dẫn đường của hệ thống TLPK.

Việc sử dụng các bộ phản xạ góc đạt hiệu quả cao nhất khi sử dụng kết hợp với cấu trúc của trận địa. Khi đó, công sự cho radar được đào với tính toán sao cho bộ phát xạ bên dưới của anten nằm ngang mặt đất. Điều đó làm giảm 20-30% cự ly phát hiện, nhưng đồng thời do ảnh hưởng của mặt đất bên dưới và hạ thấp bộ phát xạ mà trường radar của đài radar bị biến dạng ít nhiều và cho phép tận dụng tối ưu nhất tác dụng của cá bộ phản xạ góc.

Ví dụ, KQ NATO đã phóng vô hiệu quả 8 tên lửa chống radar vào một trận địa được cấu trúc như vậy của 1 trung đoàn TLPL Kvadrat được trang bị 2 nhóm bộ phản xạ gíc đặt cách đài radar P-15 ở khoảng cách 100 và 300 m. Đã có trường hợp tên lửa chống radar HARM đã phóng vào chiếc bừa đĩa bị bỏ lại trên cánh đồng cách đài radar gần 3 km.
Kinh nghiệm tác chiến đã cho thấy hầu như trong tất cả các trận đánh PK đều có sự sử dụng ồ ạt tên lửa chống radar. Đó là vì bộ chỉ huy NATO muốn giảm bớt tối đa tổn thất có thể của KQ chiến đấu trong chiến dịch đường không trước các phương tiện PK Nam Tư.

Do đó, để phát hiện vị trí và xác định chính xác toạ độ và thực hành tấn công các trận địa của các phương tiện PK đang hoạt động, KQ NATO đã áp dụng các thủ đoạn khiêu khích đi kèm với chuyến bay tốp của máy bay tiêm kích (10-15 chiếc) gần khu vực sát thương của các hệ thống TLPK và thực hiện các động tác giả vào công kích mục tiêu.
Hoạt động tác chiến của các đơn vị PK của quân đội Nam Tư có đặc điểm chính là sử dụng nhiều những trận đột kích, cơ động và di chuyển trận địa hầu như hàng ngày. Một số tiểu đoàn TLPK S-125 và các đại đội TLPK Kub, theo lệnh của bộ chỉ huy, đã được rút khỏi biên chế của lữ đoàn PK và các trung đoàn PK để chuyển thuộc trực tiếp bộ chỉ huy quân đoàn PK và sau đó được sử dụng theo kế hoạch của bộ chỉ huy quân đoàn PK. Việc chỉ huy hoả lực trong quá trình chiến sự được thực hiện cả từ bộ chỉ huy quân đoàn PK, lẫn thông qua các bộ chỉ huy của lữ đoàn PK và các trung đoàn PK.
Mọi hoạt động cơ động và di chuyển phương tiện PK thường được thực hiện về đêm không theo đội hình đoàn xe. Binh khí kỹ thuật được di chuyển từng xe một, với địa điểm và thời gian đến được ấn định, có tính tới tốc độ hành quân ở chế độ im lặng vô tuyến hoàn toàn. Để nguỵ trang, việc di chuyển trong đa số các trường hợp được thực hiện lẫn trong đoàn xe dân sự hay đoàn người sơ tán và bề ngoài phương tiện kỹ thuật được thay đổi tối đa bằng các phương tiện sẵn có.
Điều đáng lưu ý là trong thời gian không quá 1-1,5 phút sau khi bắn, đơn vị PK đã phải thu hồi khí tài và lên đường đến khu vực tập kết. Khu vực tập kết thường có các địa vật tự nhiên hoặc nhân tạo có thể dùng để nguỵ trang như (các khe trũng, các hăng-ga...), và chỉ thực hiện từ đó.

Thời gian chờ đợi (1-1,5 phút) được xác định căn cứ vào thời gian mà các máy bay NATO có thể tổ chức tấn công vào các trận địa của đơn vị. Khi rẽ khỏi đường ô tô và di chuyển đến trận địa phóng, các xe khí tài tắt đèn pha và đèn tín hiệu quanh xe. Chiến thuật hành quân này tỏ ra khá hiệu quả. Thực tế đã không xảy ra một cuộc tấn công nào vào trận địa phóng của PK Nam Tư do bị lộ khi hành quân.
Việc thay đổi trận địa phóng được thực hiện trong các trường hợp sau đây:

- Sau khi phóng: Thay đổi ngay lập tức. Sau khi bật radar phát xạ trong chu trình bắn để phục vụ việc thực hành sau đó nhiệm vụ bắn (hoặc không thực hành).

- Sau khi có máy bay không người lái trinh sát của NATO bay qua: Thay đổi ngay lập tức. Theo lệnh từ sở chỉ huy trung đoàn và theo kế hoạch thay đổi trận địa phóng tại khu vực cơ động chiến đấu.
Hiệu quả nhất là việc cơ động 1 trung đoàn TLPK vào vùng núi mà trên đó KQ NATO tiến hành lập đội hình các tốp máy bay tấn công. Bộ chỉ huy NATO nghĩ rằng, các Nam Tư không thể đưa các phương tiện PK vào vùng này nên đã không áp dụng các biện pháp cần thiết phòng chống TLPK.

Việc cơ động được thực hiện ban đêm và bí mật đối với tình báo đối phương, có áp dụng tối đa các biện pháp nguỵ trang chiến thuật. Sau khi KQ NATO tập trung, trung đoàn TLPK Kvadrat bất ngờ tấn công bằng tất cả các phương tiện hiện có. Tổn thất của NATO là không dưới 5 máy bay chiến đấu.
Trong quá trình tác chiến của các đơn vị PK đi kèm với việc sử dụng ồ ạt tên lửa chống radar, phía Nam Tư đã có những điều chỉnh lớn đối với các quy định bắn mục tiêu bay.

Chẳng hạn, khu vực sát thương của các hệ thống TLPK đã bị giảm đi 50% để bảo đảm việc phát xạ ở mức tối thiểu và xác suất tối ưu tiêu diệt mục tiêu bay. Các thiết bị phát radar của các phương tiện hoả lực được bật lên khi cự ly tới mục tiêu là không quá 20 km (tức là mục tiêu luôn nằm trong khu vực sát thương).

Các tên lửa và loạt đạn thay thế được chuẩn bị từ trước. Thời lượng hoạt động của thiết bị phát radar, được xác định bằng thử nghiệm, là không được quá 6 s. Nếu trong quãng thời gian này (nhất là về đêm) mà không bắt bám được mục tiêu thì thiết bị phát radar bị tắt đi. Sau 10 s, thiết bị phát radar được bật lại hoạt động trong 6 s. Nếu trong quãng thời gian bật lại này, vẫn không bắt được mục tiêu thì sau đó thiết bị phát radar không được bật lại nữa. Trong trường hợp bắt bám được mục tiêu thì lập tức tiến hành phóng đạn mà thường là đồng thời bắn 2 quả đạn tên lửa.
Khi bắn ban ngày, hệ thống ngắm quang truyền hình được dùng làm phương tiện trinh sát chínhbởi vì hệ thống các khí tài tự động hoá Krab (của hệ thống TLPK Kvadrat) ở chế độ “Radio” (Vô tuyến) không được sử dụng do đối phương gây nhiễu.

Thông tin chỉ thị mục tiêu được truyền qua điện thoại chỉ rõ phương vị và cự ly. Số liệu về độ cao bay của các mục tiêu bay thường không được cung cấp do các khí tài vô tuyến đo cao cơ động đã bị tiêu diệt. Các kíp trắc thủ đài điều khiển, trinh sát và dẫn đường sử dụng khí tài ngắm quang truyền hình để sục sạo mục tiêu. Tần suất để lọt mục tiêu không quá 0,7.

Nếu kíp trắc thủ đài điều khiển, trinh sát và dẫn đường bật đài trinh sát mục tiêu (SRTs) để tìm kiếm mục tiêu thì thường dẫn tới kết quả đài bị không dưới 2 tên lửa chống radar tấn công. Trong khi đó, không phải lúc nào trên màn hình của đài cũng nhìn thấy tên lửa chống radar.
Nhờ áp dụng chiến thuật phục kích đón lõng, hệ thống TLPK Kvadrat thường bảo đảm được tính bất ngờ trong sử dụng vũ khí mà không bị KQ NATO đối phó bằng nhiễu và tên lửa chống radar.

Ví dụ, 1 đại đội TLPK được di chuyển đến Kosovo ở chế độ hoạt động bình thường đã tiêu diệt được 1 trực thăng chiến đấu của NATO và một số tên lửa hành trình.
Các hệ thống TLPK Kvadrat và S-125 cực kỳ ít khi được dùng để bắn máy bay không người lái và tên lửa hành trình để tránh làm lộ trận địa. Phương tiện chính để đánh tên lửa hành trình và máy bay không người lái là hệ thống TLPK Strela thuộc tất cả các kiểu loại mà Nam Tư có trong tay vàpháo phòng không cỡ nhỏ.

Khi phát hiện được các tốp máy bay lớn (15-20 máy bay), PK Nam Tư để cho chúng bay qua đội hình chiến đấu của mình và chỉ nổ súng khi những máy bay đơn lẻ hay các tốp máy bay nhỏ (2-4 chiếc) lọt vào khu vực sát thương.

Họ chỉ bắn vào máy bay đi đầu trong trường hợp quãng thời gian giữa các mục tiêu trong tốp là hơn 1 phút, và bắn chiếc đi sau cùng khi quãng thời quan giữa các mục tiêu trong tốp ngắn hơn.

Thông thường, sau khi phát hiện có TLPK bắn lên, các máy bay NATO thường cố thoát khỏi khu vực sát thương càng nhanh càng tốt bằng cách vứt bỏ vũ khí mang theo, sử dụng các loại nhiễu và thực hiện cơ động tránh đạn tên lửa.
Gần 90% lần phóng TLPK là ở chế độ bắn đuổi. Các lần phóng đơn lẻ 1 quả TLPK cơ bản là bắn trượt, còn phóng 2 quả TLPK thường tiêu diệt được mục tiêu. Việc đánh giá kết quả bắn bằng cách sử dụng radar của hệ thống TLPK không được áp dụng. Ngay sau khi đầu đạn TLPK nổ, tất cả các thiết bị phát radar được tắt đi.
KQ tiêm kích chỉ được sử dụng trong 3 ngày đầu sau khi chiến sự bùng nổ bởi vì trang bị vô tuyến điện tử và vũ khí hàng không của các máy bay Nam Tư (MiG-29, MiG-21) không cho phép tiến hành không chiến ngang bằng với máy bay NATO. Sau đó, KQ Nam Tư không tham chiến nữa.
Toàn bộ các thông tin về hoạt động của các phương tiện tấn công đường không-vũ trụ của NATO được tập trung và phân tích tại sở chỉ huy quân đoàn PK Nam Tư. Các đơn vị radar hầu như không được huy động tham gia cuộc xung đột.

Các phương tiện radar tiến hành sục sạo mục tiêu ở chế độ phát xạ trong thời gian ngắn. Việc phát hiện kịp thời, xác định hướng bay và vị trí của các phương tiện tiến công đường không của NATO do các hệ thống trinh sát vô tuyến điện tự động hoá KRTP-86 Tamara do Cộng hoà Czech chế tạo đảm nhiệm.

Hệ thống này với tầm hoạt động đến 450 km có khả năng sống còn cao và tính bí mật trong hoạt động. Nó hoạt động không dựa trên nguyên lý định vị vô tuyến chủ động mà dựa trên việc ghi nhận và phân tích bức xạ của các khí tài vô tuyến điện tử trên máy bay.
Để bảo toàn khả năng chiến đấu của các đơn vị PK, theo lệnh của bộ chỉ huy PK Nam Tư, các đài radar của các trung đoàn và tiểu đoàn PK đã được ghép vào hệ thống chung trinh sát máy bay địch và được rút khỏi các khu vực trận địa (các trận địa phóng) của các đơn vị này.

Nếu các đài radar này bị loại khỏi vòng chiến, sở chỉ huy của lữ đoàn hay trung đoàn PK nhận thông tin tình báo về tình hình máy bay địch qua kênh điện thoại từ sở chỉ huy quân đoàn PK và các đài quan sát triển khai thành 2 tuyến (mỗi tuyến 8 đài): tuyến 1 cách 30 km, tuyến 2 cách 80 km so với sở chỉ huy các đơn vị TLPK.
Nhiều khi phía Nam Tư sử dụng tin tức từ những người yêu thích vô tuyến điện nghiệp dư để thông báo việc KQ NATO cất cánh từ các sân bay đóng quân. Trong đa số các trường hợp, việc thông báo mối đe doạ của máy bay NATO được thực hiện 10-15 phút trước khi các đòn không kích bắt đầu.
Đáng chú ý là công tác chuẩn bị có kế hoạch và định hướng cho quân đội để đối phó với cuộc tấn công. Ban lãnh đạo chiến tranh Nam Tư, khi thấy tình hình xung quanh Kosovo có chiều hướng diễn biến tiêu cực và âm mưu của NATO giải quyết vấn đề Kosovo bằng vũ lực, đã áp dụng hàng loạt biện pháp chuẩn bị KQ, các lực lượng và phương tiện PK Nam Tư để đối phó cuộc xâm lược có thể xảy ra.
Các lực lượng và phương tiện PK Nam Tư đã được kịp thời chuyển sang trạng thái sẵn sàng chiến đấu cấp độ cao. Việc trực chiến được thực hiện suốt ngày đêm bởi các kíp trắc thủ đủ hoặc thiếu.

Các tiểu đoàn TLPK S-125 tiến hành thay đổi trận địa 5 ngày/lần, còn các đại đội TLPK Kub cứ 2-3 ngày thay đổi trận địa 1 lần. Nam Tư đã xây dựng các kế hoạch phân tán một phần lực lượng máy bay từ các sân bay thường trực sang các sân bay dự bị và các khu vực đường cao tốc có cấu trúc phù hợp.
Đầu tháng 3/1999, một đoàn quân sự Nam Tư đã đến thăm Iraq. Các chuyên gia Nam Tư đã tìm hiểu chiến thuật hoạt động của KQ Mỹ trong các chiến dịch “Bão táp sa mạc” và “Cáo sa mạc” chống Iraq, nghiên cứu kinh nghiệm tác chiến của PK Iraq, các phương pháp hiệu quả để nguỵ trang binh khí kỹ thuật và phát hiện máy bay F-117.
Ngay trước khi cuộc xâm lược của NATO diễn ra, radar tại một số trạm radar cố định của PK Nam Tư đã được tháo dỡ và di chuyển đến các trận địa dự bị. Ở các trạm khác, radar phát hiện mục tiêu bay chỉ được huy động trong thời gian ngắn. Từ ngày 19/3/1999, trong các đơn vị TLPK tầm trung và ngắn đã thực hiện chế độ im lặng vô tuyến.
Sau những ngày đầu tiên của chiến dịch không kích của NATO, bị tổn thất lớn nhất là các trận địa cố định của PK Nam Tư: các sở chỉ huy KQ và PK, các sân bay và trạm radar cố định. Vì nguyên nhân này và do liên quân NATO sử dụng tích cực các khí tài tác chiến điện tử nên việc chỉ huy tập trung các lực lượng và phương tiện PK đã bị phá vỡ. Các đơn vị PK Nam Tư đã phải tác chiến phi tập trung trong các khu vực trách nhiệm của mình.
Trong chiến dịch không kích Nam Tư, theo một số nguồn tin, KQ liên quân NATO đã mất 31 máy bay chiến đấu, 6 trực thăng, 11 máy bay không người lái và gần 40 tên lửa hành trình. Ngoài ra, do bị bắn bị thương, 3 máy bay NATO đã phải hạ cánh bắt buộc xuống các sân bay Sarajevo (Bosnia-Herzegovina) và Skopje (Macedonia).
Tổn thất của Nam Tư là 20 máy bay (8 MiG-29 và 12 MiG-21), trong đó 12 máy bay (4 MiG-29 và 8 MiG-21) bị tiêu diệt trên mặt đất; 13 đài radar bị loại khỏi vòng chiến.
Việc phân tích công tác tổ chức PK lãnh thổ và PK các mục tiêu của Nam Tư, cũng như các hoạt động của các lực lượng và phương tiện PK Nam Tư chống lại các cuộc tiến công đường không của NATO cho phép nêu ra một số đặc điểm tích cực và tiêu cực trong hoạt động của các lực lượng và phương tiện PK Nam Tư.
Có lẽ đặc điểm quan trọng nhất trong hoạt động tác chiến của KQ và PK Nam Tư là thời gian tác chiến khá dài trong điều kiện KQ NATO chiếm ưu thế áp đảo về số lượng-chất lượng.

Đặc điểm này được lý giải bởi một loạt yếu tố:
- Trước hết là sự dũng cảm và kiên cường của bộ đội KQ và PK Nam Tư. Tuy thua kém đối phương về số và chất lượng vũ khí, KQ và PK Nam Tư vẫn tiêu diệt được một số lượng đáng kể các phương tiện tiến công đường không của NATO. Việc PK Nam Tư bắn rơi 1 máy bay F-117A, niềm tự hào của công nghiệp quốc phòng Mỹ tại thời điểm đó, là một sự kiện thực sự chấn động;
- Nghệ thuật chỉ huy khéo léo các lực lượng và phương tiện của KQ và PK vốn là kết quả của trình độ huấn luyện chiến thuật-chiến dịch cao của đội ngũ chỉ huy quân đội Nam Tư. Không có đủ lực lượng và phương tiện KQ và PK để tiến hành chiến dịch phòng ngự đường không và tác chiến giành ưu thế chiến dịch trên không, phía Nam Tư đã không trực diện đối đầu với KQ NATO để tránh tổn thất một bộ phận KQ và lực lượng PK mặt đất. Nam Tư đã tập trung lực lượng và phương tiện KQ và PK để bảo vệ những mục tiêu quan trọng trong hậu phương đất nước và quân đội ở Kosovo, tức là sử dụng các phương tiện bảo vệ của mình để giành ưu thế chiến thuật trên không có tính đến các điều kiện địa-vật lý của khu vực;
- Sự sẵn sàng chiến đấu cao của các đơn vị KQ, PK ngay trong thời bình. Hệ thống trú quân và trận địa rộng khắp đã cho phép bộ chỉ huy Nam Tư ngay trước khi cuộc xâm lược diễn ra đã kịp thời phân tán KQ sang các sân bay dự bị và nguỵ trang, nhờ thế đã giảm tối đa hiệu quả các đòn khôngg kích của KQ và tên lửa hành trình NATO nhằm vào các căn cứ KQ chính Batanica, Golubovca, Ponjava và Novi Sad. Các đơn vị PK Nam Tư mà nòng cốt là các hệ thống PK cơ động, từ trước khi diễn ra cuộc xâm lược, đã được báo động và nhanh chóng thay đổi địa điểm trí quân, rút sang các khu vực đóng quân dự bị. Các hành động này của KQ và PK Nam Tư đã khiến cho tin tức tình báo, trinh sát của NATO về hệ thống mục tiêu của KQ và PK Nam Tư lập tức bị lỗi thời;
- Nghệ thuật nguỵ trang mục tiêu xuất sắc của KQ và PK. Nam Tư đã xoá tan hoàn toàn huyền thoại về sự toàn năng của các phương tiện trinh sát và vũ khí hiện đại. Theo lời khẳng định của William Cohen, Nam Tư đã không còn quân đội sau những trận không kích ác liệt. Dĩ nhiên, ý ông ta nói là cả KQ và PK Nam Tư. Tu nhiên, điều sửng sốt đối với đa số các nhà quan sát là quân đội Nam Tư đồn trú ở Kosovo đã rút khỏi Kosovo gần như đủ biên chế, cùng vũ khí và trang bị. Hầu như toàn bộ các máy bay chiến đấu MiG đã tự bay khỏi sân bay Pristina, trong đó 11 chiếc bay ngay và 3 chiếc còn lại bay đi sau vài ngày sửa chữa nhỏ. Trong khi đó, theo các báo cáo của NATO thì các máy bay này bị coi là đã bị tiêu diệt và theo số liệu do thám vũ trụ thì chỉ còn lại các mảnh vụn của các máy bay này.
Sau đó, các sĩ quan NATO đã có dịp tận mắt nhìn thấy những "mảnh vụn" này. Những chiếc máy bay MiG bị phá huỷ mà các vệ tinh chụp ảnh được hoá ra là các mô hình đồ chơi làm bằng gỗ dán, ván hay mô hình bằng cao su bơm hơi. Trước khi xảy ra xung đột, Nam Tư đã chế tạo đến 200 mô hình máy bay MiG-29 và MiG-21 bằng gỗ dán và đã khiến các phi công tốn nhiều công sức, bom đạn để tiêu diệt chúng;
- Xây dựng những hầm trú ẩn cho máy bay tại các sân bay và sử dụng các đoạn đường cao tốc làm đường băng cất-hạ cánh. Trước khi chiến tranh nổ ra, Nam Tư đã xây dựng tại 10 sân bay của mình 98 hầm bê tông cốt thép; theo một số nguồn tin chỉ có 40 trong số đó (tức 41%) bị tiêu diệt trong chiến tranh và 30 bị hư hỏng. Tuy phá huỷ được các đường băng và đường lăn chính trên các sân bay Nam Tư, nhưng KQ NATO vẫn không làm cho KQ Nam Tư mất đi các sân bay như đã làm ở Iraq năm 1991. Nam Tư đã sử dụng thành công các đoạn thẳng của các tuyến đường ô tô rải nhựa để phân tán KQ tiêm kích. Ban đầu, chỉ có các đơn vị MiG-21 được triển khai đến đó, sau đó trong các trường hợp đơn lẻ các đơn vị máy bay tiêm kích MiG-29 cỡ lớn hơn cũng áp dụng chiến thuật này. Bộ chỉ huy Nam Tư tìm cách bố trí các máy bay tiêm kích hạ cánh gần các đầu đường để khi một làn đường bị hỏng thì dễ dàng kéo máy bay sang làn đường khác. Dĩ nhiên là ngay cả ở các sân bay mới cũng áp dụng mọi biện pháp nguỵ trang quy định;
- Sử dụng bẫy hồng ngoại. Được biết, Nam Tư đã sử dụng tại các sân bay những thiết bị nung nóng, trong đó có các lò vi sóng, để hút về mình các vũ khí hàng không lắp đầu tự dẫn hồng ngoại của địch và bằng cách đó bảo vệ các máy bay và các mục tiêu của Nam Tư;
- Sử dụng rộng rãi các hệ thống TLPK tầm ngắn có hiệu quả khá cao và ít chịu tác động của khí tài tác chiến điện tử, bắn vào các mục tiêu quan sát được bằng mắt. Điều đó đã buộc KQ NATO phải bay ở độ cao không dưới 3.000 m và làm giảm được hiệu quả bắn của tên lửa hành trình. Ví dụ, kết quả sử dụng tên lửa hành trình Tomahawk phóng từ biển là thấp hơn dự kiến 20%. Theo các nguồn tin, chỉ có 60-70% trong tổng số tên lửa hành trình được sử dụng tiêu diệt được mục tiêu thay vì 80-90% theo tính toán như đã đạt được trong điều kiện lý tưởng của chiến tranh Iraq năm 1991.
Sự kiện bắn rơi F-117A cũng rất đáng chú ý. Tham gia bảo vệ Belgrade có cả đại đội 3 được trang bị các hệ thống TLPK S-125 của Lữ đoàn 250. Trong vòng 3 ngày đầu không kích, đại đội đã không bật đài điều khiển tên lửa để tránh bị đối phương phát hiện. Liên lạc giữa sở chỉ huy và các trận địa hoàn toàn thực hiện qua cáp điện thoại. Các trận địa được thay đổi gần như hàng ngày. Lực lượng điệp báo Serbia theo dõi các sân bay NATO ở Italia sử dụng điện thoại di động để báo về Belgrade mỗi khi máy bay NATO xuất kích. Tham gia báo cáo về đường bay của máy bay NATO còn có các đội viên quan sát ngay trên lãnh thổ Serbia. Tiểu đoàn trưởng TLPK Dani Zoltan đã khéo léo bố trí đài điều khiển tên lửa để có thể phát hiện máy bay Mỹ với xác suất cao. Đài điều khiển chỉ được bật lên trong vài giây để không làm lộ vị trí với các máy bay chỉ huy/báo động sớm AWACS của NATO. Tên lửa được phóng đi khi máy bay địch đã lọt sâu vào khu vực sát thương của hoả lực PK. Chiếc F-117A đã bị bắn rơi cách các trận địa phóng của tiểu đoàn 13 km. Ngoài ra, chiếc F-117A này còn bay theo đường bay thường lệ nó đã bay 3 đêm trước mà không có lực lượng bảo vệ.
Sau vụ này, các máy bay tàng hình F-117A chỉ xuất kích khi có các máy bay tiêm kích trang bị tên lửa chống radar HARM hộ tống và mỗi lần đường bay đều được thay đổi. Sau đó, người Serbia không còn tổ chức được cuộc phục kích nào thành công như thế nữa. Tuy nhiên, sau đó, đại đội 3 của Lữ 250 PK còn bắn rơi 1 máy bay F-16 và ngăn chặn được một số cuộc tập kích của KQ NATO. Trong các trận đánh này, đại tá Zoltan đã không tổn thất lấy 1 người hay 1 đơn vị binh khí kỹ thuật nào.
Một đặc điểm trong hoạt động tác chiến của KQ Nam Tư là sự tham gia ít ỏi của KQ tiêm kích Nam Tư. Trong quá trình chiến sự, lực lượng này chỉ thực hiện một số ít trận không chiến. Đó là vì lãnh đạo Nam Tư muốn bảo toàn lực lượng KQ của mình trong bối cảnh NATO có ưu thế áp đảo về KQ. Các máy bay tiêm kích Nam Tư ít khi cất cánh và tác chiến không lâu, thành từng tốp nhỏ chủ yếu để đánh chặn nhanh từ vị trí phục kích vì bay lâu trên không là cực kỳ nguy hiểm. Các máy bay chỉ huy và báo động sớm AWACS của NATO lập tức phát hiện máy bay Nam Tư cất cánh và dẫn đường cho các máy bay tiêm kích PK trang bị tên lửa không-đối-không có tầm bắn hiệu quả đến 80 km đến chặn đánh.
Các phi công tiêm kích Nam Tư không có những vũ khí như thế nên đã dùng chiến thuật để đối phó. Ngay khi vừa rời đường băng, họ lập tức lẩn vào các khe núi, bay thấp để thoát khỏi sự đeo bán của máy bay AWACS và của những máy bay tiêm kích do máy bay AWACS điều đến, và chọn thời điểm để công kích máy bay địch. Sau khi tấn công, họ lập tức rút xuống các khe núi hoặc hạ xuống độ cao cực nhỏ.
Một trong nét nổi bật trong tác chiến của KQ Nam Tư là hiệu quả sử dụng KQ tiêm kích thấp. Đó là vì lực lượng máy bay tiêm kích hiện đại MiG-29 có số lượng ít (15 chiếc), các máy bay MiG-21 thì vừa ít vừa không thích ứng với không chiến tầm xa bằng tên lửa với các máy bay tiêm kích F-15 và F-16. Điều đó dĩ nhiên đã được phản ánh ở mức độ tổn thất của KQ tiêm kích Nam Tư. Phía Nam Tư không có khả năng bổ sung cho những tổn thất đó. Tuy nhiên, cũng có những trường hợp máy bay tiêm kích Nam Tư đã thành công, ví dụ Miroslav Druginic trong 1 đêm đã bắn rơi 6 tên lửa hành trình.
Trong tác chiến của KQ và PK Nam Tư đã bộc lộ nhiều nhược điểm:
- Khi chiến tranh bùng nổ, chỉ huy KQ và PK Nam Tư đã bị lúng túng nhất định, họ nắm không chắc tình hình tác chiến, suy giảm sự chỉ huy tập trung các lực lượng và phương tiện thuộc quyền.
- Trong cuộc chiến tranh, Nam Tư tỏ ra thụ động trong sử dụng KQ cường kích. Tuy có trong tay hơn 50 máy bay tiêm kích-bom và các máy bay cường kích hạng nhẹ có khả năng tấn công các sân bay và tàu chiến NATO ở biển Adriatic, nhưng phía Nam Tư đã không tận dụng khả năng này.
Sự tập trung hoá chỉ huy quá mức (không có lệnh của sở chỉ huy PK trung ương thì đại đội trưởng không có quyền thay đổi trận địa phóng) đã dẫn tới việc nhiều đơn vị đã không thay đổi trận địa trong vòng 4-5 ngày.
- Phải thừa nhận nhược điểm nghiêm trọng nhất của PK Nam Tư là nó đã không thành công với tư cách một hệ thống và đã không hoàn thành nhiệm vụ phòng thủ và bảo vệ các mục tiêu trên lãnh thổ quốc gia. Gần như 100% mục tiêu công nghiệp dầu mỏ, 70% mục tiêu của công nghiệp hàng không, 40-50% các nhà máy xe tăng, đạn dược, gần 70% đường ô tô và đường sắt, 20-80% hạ tầng quân sự bị loại khỏi vòng chiến.
Chiến thuật sử dụng lực lượng và phương tiện PK của Nam Tư một mặt đã cho phép bảo toàn được lực lượng chủ lực của PK với mức độ tổn thất, theo các nguồn tin, là khoảng 30-35% và khả năng chỉ huy tương đối đối với các lực lượng và phương tiện PK và điều này có thể sẽ có tác  dụng tích cực một khi NATO mở chiến dịch trên bộ chống Nam Tư. Tuy nhiên, mặt khác, nó đã không bảo đảm bảo vệ các mục tiêu của tiềm lực kinh tế-quân sự, các mục tiêu thuộc hạ tầng quân sự và dân sự.
Hệ thống PK Nam Tư được xây dựng, giống như ở đa số các nước, dựa trên hệ thống radar chủ động để đối phó với máy bay có người lái của đối phương trên lãnh thổ của mình, đã tỏ ra bất lực trước các phương tiện tác chiến điện tử, trinh sát và chỉ huy hiện đại, trước thủ đoạn sử dụng ồ ạt tên lửa hành trình bay ở độ cao cực nhỏ trong điều kiện địa hình phức tạp về địa lý và sử dụng quy mô lớn vũ khí chính xác cao. Hầu như, bất kỳ nguồn phát bức xạ vô tuyến nào cũng thường bị tiêu diệt sau lần phóng vũ khí đầu tiên.
http://vietnamdefence.com/Home/khqs/chientranhxungdot/Chien-tranh-Nam-Tu-Tac-chien-theo-quy-uoc-la-chuoc-lay-that-bai-2/200910/48814.vnd

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét