Thứ Tư, 18 tháng 5, 2016

Đa Chiều suy diễn: Việt Nam là thê đội 2 trong chiến lược của Mỹ


Cần nhấn mạnh lại rằng, về chính sách đối ngoại, Việt Nam theo đuổi đường lối độc lập, tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ quốc tế vì lợi ích dân tộc, không tham gia liên minh với nước này để chống nước khác - PV.
Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ Daniel Russel tại Việt Nam (ảnh: Thời báo Eo Bờ)Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ Daniel Russel tại Việt Nam (ảnh: Thời báo Eo Bờ)

Tiếp mạch bài viết "Đa Chiều kích động: Daniel Russel tuyên bố dùng vũ lực với Trung Quốc"mà VietTimes đã phản ánh, tờ báo này còn đưa ra nhận định suy diễn rằng “Việt Nam là thê đội 2 của Mỹ” trong chiến lược quay trở lại châu Á Thái Bình Dương của chính quyền Washington. 

Theo Đa Chiều, rất nhiều nước đều muốn đạt được đồng thuận với Mỹ về lợi ích khu vực để đáp trả (các hành động bành trướng của) Trung Quốc. Các đồng minh cũ của Mỹ như Nhật Bản và Philippines càng không chịu thụt lùi. 

Đầu năm 2016, Nhật Bản đã ký kết "hiệp định chia sẻ tình báo" với Việt Nam và Philippines, có ý định can dự vào vấn đề Biển Đông. 

Ngày 6/11/2015, Nhật Bản và Việt Nam cũng đã đạt được đồng thuận, Việt Nam cho phép Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản tiếp cận vịnh Cam Ranh. 

Vịnh Cam Ranh là "pháo đài" ở miền Trung Việt Nam, cách quần đảo Trường Sa khoảng 460 km. Vị trí địa lý của vịnh Cam Ranh có ý nghĩa chiến lược to lớn, Mỹ cũng rất coi trọng khu vực này, từng sử dụng vịnh Cam Ranh của việt Nam làm căn cứ hải quân, phục vụ cho các ý đồ quân sự của họ. 

Năm 2015, Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Gen Nakatani đến thăm Việt Nam, cuộc gặp này cách chuyến thăm của ông Chuck Hagel không đến 1 năm. 

Trong phần lớn thời gian làm ngoại giao, Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ Daniel Russel đều làm "sứ giả" ở Nhật Bản. Trong khi đó, chuyến đi đến Hà Nội làm nhiệm vụ tiền trạm lần này của ông cách chuyến thăm Việt Nam của Ngoại trưởng Nhật Bản Fumio Kishida chỉ 1 tuần. 

Đa Chiều suy diễn cho rằng: Ba nước Mỹ, Nhật Bản và Việt Nam tương tác chặt chẽ như vậy không thể không làm cho "bên ngoài" cho rằng, Nhật Bản và Philippines là "thê đội 1" của Mỹ, còn Việt Nam là "thê đội 2" của Mỹ.

Mỹ sẽ cứng rắn, thúc đẩy tuân thủ quy tắc ở khu vực

Ông Daniel Russel là một quan chức ngoại giao có lập trường cứng rắn đối với Trung Quốc, cuộc đời ngoại giao 30 năm của ông gắn liền với các vấn đề châu Á-Thái Bình Dương. 

Từ lâu, ông Daniel Russel chủ trương Mỹ thực hiện chính sách ngoại giao chủ động và cứng rắn ở khu vực Đông Á. Ông luôn nhấn mạnh, khu vực châu Á-Thái Bình Dương là nơi Mỹ có lợi ích to lớn trong chiến lược toàn cầu. 
Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama chuẩn bị thăm chính thức Việt Nam từ ngày 23 đến ngày 25/5/2016.
Ông cho rằng, so với các khu vực khác, khu vực châu Á-Thái Bình Dương cần trở thành trung tâm chiến lược của Mỹ, đồng thời chủ trương Mỹ tích cực xây dựng quan hệ đồng minh quân sự hoặc quan hệ hợp tác chiến lược với các nước Đông Á, các nước Đông Nam Á. 

Nhưng, ông cũng buộc phải thừa nhận sự ổn định và phát triển của Trung Quốc có liên quan chặt chẽ đến lợi ích tổng thể của Mỹ ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Các chính khách Mỹ trong đó có ông Daniel Russel đều buộc phải coi phát triển ổn định quan hệ với Trung Quốc là điểm tựa cho chiến lược cân bằng châu Á-Thái Bình Dương trong tương lai. 

Về lâu dài, giữa Mỹ-Việt có sự "khác biệt to lớn" về ý thức hệ, Việt Nam khó trở thành đồng minh trung thành nhất của Mỹ - Đa Chiều bình luận. 

Đa Chiều nhấn mạnh, do có lợi ích chung với Trung Quốc về thương mại khu vực và sự cân nhắc thận trọng về địa-chính trị, Việt Nam chưa kiện Trung Quốc lên Tòa án quốc tế về hành vi triển khai bất hợp pháp giàn khoan. Mặc dù được Mỹ ủng hộ, nhưng Việt Nam không có nhiều khả năng áp dụng thái độ giống Philippines trong chính sách ngoại giao.
 
Về việc Mỹ can thiệp vào vấn đề Biển Đông, ông Daniel Russel từng cho biết, Mỹ lên tiếng vì các quy tắc quốc tế, Mỹ có lợi ích kinh tế và an ninh quan trọng ở khu vực. Đây không phải là là về bãi cạn, mà là về quy tắc. 

Ông Daniel Russel từng nhấn mạnh: "Chúng ta đều có lợi ích khi sống trong một thế giới tôn trọng quy tắc, nếu chúng ta tranh chấp lại không gian ảnh hưởng thì sẽ chịu tổn thất, phải trả giá gấp một trăm lần". Ông cho rằng, Mỹ viện trợ cho các nước nhỏ ở Biển Đông như Philippines phù hợp với lợi ích của Mỹ.

Cuối cùng, cần nhấn mạnh lại rằng, về chính sách đối ngoại, Việt Nam theo đuổi đường lối độc lập, tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ quốc tế vì lợi ích dân tộc, không tham gia liên minh với nước này để chống nước khác - PV.
http://viettimes.vn/the-gioi/da-chieu-suy-dien-viet-nam-la-the-doi-2-trong-chien-luoc-cua-my-56301.html

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét