Hệ thống ngân hàng Trung Quốc không phải là đối tượng duy nhất đang bị đặt dấu hỏi về khả năng duy trì sự an toàn. Nó còn có một người đồng hành cũng khá tai tiếng là hệ thống ngân hàng Mỹ.
Những ngày đầu tiên của năm mới Bính Thân 2016 đang chứng kiến một trong những cú sốc lớn nhất trên thị trường chứng khoán (TTCK) và thị trường tài chính toàn cầu. Hàng ngàn tỷ USD bị bốc hơi khỏi các TTCK lớn nhất thế giới, trong khi trên thị trường tài chính các đồng tiền chủ chốt của thế giới đang liên tục sụt giá.
Theo thống kê, sự hỗn loạn trên TTCK thế giới thời gian vừa qua là mức sụt giảm mạnh nhất mà thế giới gặp phải trong vòng 5 năm trở lại đây. Dù vẫn còn quá sớm để khẳng định một cú sốc tương tự như cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới hồi 2008 có thể lặp lại, nhưng có vẻ như nguy cơ đó đang ngày càng lớn dần.
Và lần này, nó vẫn lại xuất phát từ một lĩnh vực quen thuộc: hệ thống ngân hàng. Tuy nhiên, nếu như năm 2008 chỉ có hệ thống ngân hàng Mỹ, lần này còn có thêm cả hệ thống ngân hàng Trung Quốc.
Không phải ngẫu nhiên khi những dự đoán bi quan về tình trạng sức khỏe của các hệ thống ngân hàng lớn trên thế giới lại liên tục được các chuyên gia kinh tế đưa ra trong thời gian vừa qua.
Lần lượt, từ tỷ phú đầu cơ nổi tiếng George Soros cho tới nhà kinh tế học đoạt giải Nobel Joseph Stiglitz, đều cho biết kinh tế Trung Quốc có thể sẽ "hạ cánh cứng" mà hệ thống ngân hàng sẽ là điểm yếu lớn nhất. Gần nhất là Kyle Bass, người đã dự đoán chính xác cuộc khủng hoảng tài chính Mỹ 2007 và khủng hoảng kinh tế thế giới 2008 và kiếm lợi nhuận kếch xù từ đó, cho rằng hệ thống ngân hàng Trung Quốc đang gặp vấn đề nghiêm trọng do tăng trưởng tín dụng nóng với tốc độ quá cao, dẫn đến nợ xấu đạt kỷ lục. Bản thân quỹ phòng hộ Hayman Capital mà Bass là người sáng lập cũng đang dùng phần lớn nguồn lực để bán khống nhân dân tệ, dựa theo dự đoán của Bass là chính phủ Trung Quốc không sớm thì muộn sẽ phải phá giá nhân dân tệ để cứu hệ thống ngân hàng.
Trên thực tế, hệ thống ngân hàng Trung Quốc không phải là đối tượng duy nhất đang bị đặt dấu hỏi về khả năng duy trì sự an toàn. Nó còn có một người đồng hành cũng khá tai tiếng là hệ thống ngân hàng Mỹ.
Trong khi các nhà kinh tế Mỹ như Stiglitz hay Kyle Bass đang dự báo về nguy cơ mà hệ thống ngân hàng Trung Quốc đang mắc phải, người ta cũng bắt đầu chú ý hơn đến hệ thống ngân hàng Mỹ, vốn là tác nhân của cuộc khủng hoảng tài chính 2007, nguyên nhân trực tiếp dẫn đến cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới 2008. Có vẻ như hệ thống ngân hàng của Mỹ cũng không hẳn là hoàn toàn khỏe mạnh.
Vấn đề lớn nhất mà các nhà phân tích đang lo ngại là hệ thống ngân hàng Mỹ có thể đang mắc phải cũng giống như vấn đề của hệ thống ngân hàng Trung Quốc.
Đó là tăng trưởng tín dụng quá cao trong một thời gian ngắn. Đây là nguyên nhân hàng đầu dẫn đến những cuộc khủng hoảng tài chính do vỡ bong bóng. Theo thống kê của Kyle Bass trong 10 năm qua, tài sản của hệ thống ngân hàng Trung Quốc đã tăng trưởng từ gần 3.000 tỷ USD lên tới khoảng 34.000 tỷ USD, tương đương 340% GDP của Trung Quốc. Con số này cao hơn nhiều lần số tài sản 16.500 tỷ USD của hệ thống ngân hàng Mỹ trước cuộc khủng hoảng tài chính 2007 vốn chỉ tương đương 100% GDP của nước Mỹ.
Điều này có nghĩa, trong 10 năm qua, mức tăng trưởng tín dụng của hệ thống ngân hàng Trung Quốc đã tăng gấp hơn 10 lần và theo đánh giá của Bass, chưa có một hệ thống tín dụng nào trong lịch sử có tốc độ tăng trưởng nhanh như vậy. Điều này dẫn tới nguy cơ một quả bom nợ xấu đang được tích tụ dần và đang ngày càng lớn.
Theo báo cáo của ủy ban giám sát ngân hàng Trung Quốc (CBRC), tổng mức nợ xấu của hệ thống ngân hàng nước này tính đến ngày 15.2.2016 mới chỉ khoảng 196 tỷ USD. Nhưng theo tính toán của Bass, tổng mức nợ xấu phải lên tới 28-30% tổng tài sản của cả hệ thống ngân hàng, tức khoảng 10.000 tỷ USD, gấp gần 50 lần con số thống kê chính thức của Trung Quốc.
Điều tương tự dường như cũng diễn ra trong hệ thống ngân hàng Mỹ. Sau cuộc khủng hoảng kép là khủng hoảng tài chính Mỹ 2007 và khủng hoảng kinh tế thế giới 2008, nước Mỹ đã duy trì một chính sách lãi suất thấp để hồi phục nền kinh tế, tạo ra một kỷ nguyên đồng USD tỷ giá thấp tràn ngập khắp thế giới. Nó dẫn đến tình trạng các khoản vay đầu tư được tăng lên nhanh chóng. Tính tổng cộng, kể từ năm 2008 đến nay, tổng tài sản của hệ thống ngân hàng Mỹ đã tăng khoảng 57%, đạt mức 12.700 tỷ USD, nghĩa là đã ở rất gần con số 16.500 tỷ USD mà hệ thống ngân hàng Mỹ sở hữu trước cuộc khủng hoảng tài chính xảy ra tại nước này hồi 2007.
Việc tốc độ tăng trưởng tín dụng tăng nhanh như vậy trong những năm qua, cộng với việc kinh tế Mỹ đã có đà phục hồi ấn tượng trong 3 quý đầu năm 2015, đã dẫn đến việc Chủ tịch Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) Janet Yellen quyết định nâng lãi suất đồng USD từ mức 0% đã duy trì từ năm 2008 lên 0,25%. Đây có thể được xem như sự xiết chặt lại đối với tăng trưởng tín dụng của đồng USD đã được nới lỏng suốt 8 năm qua. Tuy nhiên, vấn đề thực sự của hệ thống ngân hàng Mỹ có vẻ phức tạp hơn sự dự đoán của Fed.
Việc kinh tế Mỹ sụt giảm tăng trưởng mạnh trong quý IV/2015, khi chỉ đạt 0,7% và TTCK và hệ thống tài chính Mỹ đang gặp trục trặc nghiêm trọng hơn 1 tháng đầu năm 2016 khi chỉ số P&S 500 đã sụt giảm tới hơn 10%, đang buộc Chủ tịch Fed phải xem xét lại vấn đề. Bà Yellen thậm chí còn tuyên bố Fed sẵn sàng xem xét phương án giảm lãi suất đồng USD một lần nữa, thậm chí đưa về mức lãi suất âm nếu cần thiết để giúp kinh tế Mỹ tăng trưởng trở lại.
Liệu điều này có mang ý nghĩa tăng trưởng tín dụng trên thị trường tài chính Mỹ chưa đủ để giúp nền kinh tế Mỹ tăng trưởng? Câu trả lời có lẽ là không.
Vấn đề lớn nhất của hệ thống tài chính và hệ thống ngân hàng Mỹ hiện nay là tăng trưởng tín dụng quá nhanh, nhưng số được đưa vào nền kinh tế thực chất rất thấp, phần lớn được đưa vào các kênh tài chính. Nó dẫn tới hậu quả là trong khi nền kinh tế thiếu lượng tài chính cần thiết đủ để tăng trưởng thì các bong bóng tài chính lại đang hình thành, vốn là một tiền đề của khủng hoảng tài chính.
Có thể thấy, tình hình của Fed và hệ thống ngân hàng Mỹ giờ đây đang rơi vào thế tiến thoái lưỡng nan: nếu không giảm lãi suất đồng USD để ức chế bong bóng tài chính thì nền kinh tế sẽ tăng trưởng chậm và dễ rơi vào trì trệ, còn nếu giảm lãi suất để giúp nền kinh tế tăng trưởng mạnh trở lại thì các bong bóng tài chính cũng sẽ to thêm lên và nguy cơ khủng hoảng tài chính cũng ở gần hơn.
Nhàn Đàm (theo Bloomberg/CafeF)
http://motthegioi.vn/ho-so-phan-tich/khi-ngan-hang-trung-quoc-va-my-cung-dung-truoc-nguy-co-khung-hoang-289294.html
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét